Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến vì quá nhiều
Số lượng học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến rất nhiều, dẫn đến việc khen thưởng danh hiệu này không còn giá trị, động lực phấn đấu cho học sinh
Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư quy định về đánh giá học sinh THCS – THPT có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và áp dụng cho học sinh lớp 6 trong năm học này.
Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến vì quá nhiều. Ảnh minh họa
Theo Thông này, bắt đầu từ năm học nay (2021-2022), việc khen thưởng danh hiệu Học sinh tiên tiến không còn tồn tại đối với học sinh lớp 6.
Thay vào đó, sẽ có hai danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Với danh hiệu học sinh xuất sắc là học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập 6 môn học trở lên điểm cả năm đạt 9.0 trở lên;
Học sinh giỏi phải có kết quả học tập và rèn luyện cả năm đánh giá mức Tốt; Kết quả học tập ít nhất 6 môn đạt điểm 8 trở lên và tất cả các môn học đều đạt 6.5 trở lên.
Lý giải thay đổi trên, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khái niệm học sinh tiên tiến trước đây dành cho học sinh có hạnh kiểm và học lực từ loại khá trở lên. Vì thế, số lượng học sinh đạt danh hiệu này rất nhiều, dẫn đến việc khen thưởng danh hiệu này không còn giá trị, động lực phấn đấu cho học sinh.
Về việc chỉ có hai danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc, ông Thành cho biết, quan điểm đánh giá vẫn tiếp tục theo hướng vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng sự tương tác giữa thầy và trò để học sinh tiến bộ trong quá trình đánh giá.
Vì vậy, việc đánh giá có hai hình thức là bằng nhận xét và bằng điểm số. Trong đó có quy định một số môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét như Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục địa phương với hai mức đạt và chưa đạt.
Video đang HOT
Các môn còn lại đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Trong đó, đánh giá bằng nhận xét thông qua quá trình giao nhiệm vụ cho học sinh để giúp cho các em tiến bộ hơn trong nhiệm vụ học tập của mình trong cả năm học. Kết quả học tập của các môn đó đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10.
Ông Thành cho biết thêm, với việc quy định hai danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi đã thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay môn phụ, không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là học sinh giỏi.
“Sẽ không có tình trạng môn học này có thể gánh điểm cho môn học kia để dẫn đến học lệch.
Việc các môn học được coi trọng như nhau cũng sẽ giúp cho học sinh có thể thỏa sức phát huy hết khả năng của mình ở môn học mà các em có năng khiếu, theo sở thích riêng và được nhìn nhận, đánh giá công bằng.
Từ đó, tính phân hóa, hướng nghiệp cũng cao hơn, tốt hơn ở các cấp học tiếp theo”, ông Thành nói.
Bỏ giấy khen Học sinh tiên tiến, hội phụ huynh bồi hồi: Thời 7x, 8x phấn đấu được tiên tiến thôi cũng đủ khó, thấy hãnh diện vô cùng
Một tờ giấy khen chính thức biến mất từ năm học tới gợi lại cho phụ huynh những ký ức xưa cũ.
Từ ngày 5/9/2021, sẽ không còn học sinh tiên tiến mà thay vào đó sẽ chỉ còn học sinh xuất sắc và học sinh giỏi ở cấp THCS, THPT. Đây là nội dung Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT Bộ GD&ĐT đã ban hành.
Theo đó, hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen cuối năm học cho học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Nếu so với các thông tư trước đây, việc khen thưởng danh hiệu "Học sinh tiên tiến" không còn tồn tại. Bộ đã đưa ra lộ trình cụ thể, năm sau chỉ áp dụng với lớp 6 và sẽ dần dần với các khối lớp khác.
Tờ giấy khen gắn liền với bao thế hệ học trò chính thức xóa bỏ. Nhiều thế hệ phụ huynh vẫn còn bồi hồi khi nhớ lại một thời phấn đấu để được.... học sinh tiên tiến.
Tờ giấy khen này chỉ còn là kỷ niệm.
Có những tờ giấy khen hơn 30 năm vẫn còn lưu giữ
Nhiều phụ huynh nhận định, chúng ta đang sống trong thời "ra ngõ gặp... học sinh giỏi", được học sinh tiên tiến có khi trở thành... cá biệt. Cứ cuối năm học, trên khắp các mặt trận mạng xã hội, phụ huynh đua nhau khoe điểm con, và học bạ nào cũng tràn ngập 10, 9. Ngày xưa, con cái được danh hiệu học sinh giỏi là chuyện hiếm. Có khi trong một năm học, cả khối khoảng 10 lớp chỉ có 1-2 em đạt xuất sắc và số xếp loại giỏi chỉ trên dưới 10 học sinh.
Không phải thời ấy học sinh học không giỏi mà việc xếp loại, xét chọn cực kỳ gắt gao và nghiêm túc. Để đạt một danh hiệu, ngoài yếu tố học lực tốt, hạnh kiểm là rất quan trọng. Bây giờ, đạt điểm 8 mới là trường hợp thiểu số, nhiều trường trên thành phố, số học sinh tiên tiến trong một lớp có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Mình là thế hệ đầu 8x. Cứ tự tổng kết mà được trên 6,5 là có quyền ngẩng cao đầu đợi phần thưởng. Mà phần thưởng ngày đó chỉ duy nhất 3 quyển vở kẻ ngang dày 48 trang mỏng dính. Cả khóa chỉ có 1, 2 bạn được loại giỏi. Giờ công nhận các con cuối năm bạn nào cũng có giấy khen, phần thưởng nên thấy phần thưởng như là hiển nhiên ấy, không còn quý và hãnh diện như thời bố mẹ mình".
Những giấy khen trước kia luôn là niềm tự hào của học sinh, phụ huynh. (Ảnh internet)
Có phụ huynh còn hài hước: "Giờ mà cho con xem học bạ của bố mẹ thì chúng nghĩ sao bố mẹ học kém thế, toàn 6,5 với 7. Em tổng kết 6,8 mà gần nhất lớp. Thời xưa, phải học hành cật lực lắm mới được giấy khen. Bạn nào học sinh giỏi đều đúng thực lực, rất nổi trội. Giấy khen thời ấy rất quý và đáng tự hào. Thế hệ 8x nửa đầu, nhiều người mơ được tấm giấy khen này. Con giờ, các cháu em năm nào cũng nhận giấy khen nhưng không biểu hiện sự sung sướng hãnh diện, thậm chí còn quên cả khoe bố mẹ. Người lớn phải lục tìm để cất đi cho chúng".
Nhiều phụ huynh kể, họ vẫn còn giữ giấy khen 12 năm học như 1 kỉ niệm, từ năm 1987, mặc dù giấy đã đen lại nhưng vẫn thấy rất đẹp. Bởi lúc ấy, hai chữ "tiên tiến" thật đẹp thật đáng hãnh diện. Tờ giấy khen cầm về được nâng niu, có nhà còn bọc lại treo tường, dán dưới bàn kính lưu lại như một kỷ vật.
Giảm "lạm phát" giấy khen là điều cần thiết, nhưng...
Mong muốn con cái mình học hành tốt (mà giấy khen và danh hiệu là yếu tố chứng nhận thành tích ấy) là vô cùng chính đáng của phụ huynh. Giấy khen là động lực không nhỏ về tinh thần. Các em cố gắng phấn đấu 1 năm học thì xứng đáng được nhận, còn các em chưa đạt thì lấy đó làm tấm gương để phấn đấu cho năm sau. Tuy nhiên ngày nay việc nhận giấy khen đã không còn là niềm vui lớn đối với học sinh. Giấy khen đã "bùng nổ" đến mức "lạm phát" gần như "phi mã" dẫn đến phản tác dụng và có phần máy móc.
Mong muốn con cái mình học hành tốt (mà giấy khen và danh hiệu là yếu tố chứng nhận thành tích ấy) là vô cùng chính đáng của phụ huynh. Ảnh: Gia Đoàn
Bỏ một loại giấy khen có thể giảm số lượng giấy khen, tránh tình trạng khen tràn lan như nước đây. Bởi thực tế, các trường vẫn thường chạy theo tỷ lệ giỏi, khá nên học sinh giỏi và tiên tiến rất nhiều, nhưng thực chất không như vậy. Điều đó khiến học sinh ảo tưởng, sa vào tình trạng ì, không phấn đấu.
Việc đánh giá học sinh theo 4 mức Tốt, Khá, Đạt, chưa Đạt, thay thế từ "xếp loại hạnh kiểm, học lực" bằng "đánh giá kết quả rèn luyện, học tập" cũng được nhiều phụ huynh đồng tình vì cho thấy được sự tế nhị, nhân văn hơn, giúp nhiều học sinh bớt tâm lý tự ti, áp lực đè nặng lên bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, liệu sau khi bỏ giấy khen tiên tiến, có nảy sinh một thế hệ toàn giỏi với xuất sắc hay không? Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Với thông tư mới, các trường không xét công nhận học sinh giỏi hay tiên tiến mà khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc dựa trên kết quả học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, hình thức đánh giá cũng thay đổi. Một số môn giáo viên đánh giá bằng nhận xét, một số môn kết hợp nhận xét và điểm số.
Điểm trung bình tất cả môn học cũng bị bỏ. Thay vào đó, giáo viên nhìn vào thực chất từng môn học, không phân biệt môn chính, môn phụ để đánh giá học lực của học sinh. Cụ thể, kết quả học tập ở những môn này được đánh giá theo một trong 4 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
"Chúng ta không quan tâm đến số lượng mà thực chất. Cốt lõi vấn đề là học sinh học thực tế để bản thân có năng lực, phẩm chất chứ không phải ở danh hiệu học sinh giỏi hay học sinh xuất sắc", ông Thành nói.
Cách kiểm tra đánh giá HS lớp 6 sẽ thay đổi thế nào trong chương trình GDPT mới? Trong các môn học của lớp 6 theo chương trình GDPT mới sẽ có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, trong đó tập trung vào khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức, vận dụng thực tế của học sinh hơn là việc phải học thuộc, học ghi nhớ. Từ năm học 2021-2022, chương trình GDPT mới...