Bộ chậm triển khai tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới nên giáo viên gặp khó
Giáo viên chưa được bồi dưỡng chuyên môn một cách thấu đáo mà đã bắt tay vào công việc mới nên họ cảm thấy khó khăn và tất nhiên là họ phải lên tiếng.
Tính đến năm học 2021-2022 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6, nhưng ngay từ năm đầu tiên triển khai ở lớp 1 thì đã có rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội.
Sách giáo khoa của cả 3 lớp đều có “sạn” và báo chí đã phản ánh khá nhiều về sự việc này trong thời gian qua. Việc tập huấn cho giáo viên cũng chưa đến nơi đến chốn, nhất là những môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở nên khi thực hiện thì phần lớn các nhà trường và giáo viên đều lúng túng, khó khăn.
Nếu lãnh đạo Bộ không khắc phục được tình trạng này thì trong những năm kế tiếp vẫn rơi vào cái vòng luẩn quẩn, khó tránh được những thị phi từ dư luận và công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ còn lắm gian nan.
Giáo viên chưa được bồi dưỡng về chương trình, sách giáo khoa mới một cách lỹ lưỡng(Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
Chương trình, sách giáo khoa mới đã không thực hiện đúng theo lộ trình
Theo Quyết định 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì chương trình, sách giáo khoa mới được chia làm 3 giai đoạn.
” a) Giai đoạn 1 (4/2015 – 6/2016):
- Tổ chức thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
- Xây dựng, phê duyệt các chương trình, dự án, đề án có liên quan với Đề án này.
- Thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các ban chuyên môn và các hội đồng thẩm định; ban hành quy định về tổ chức, chỉ đạo, giám sát, đánh giá việc xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, sách giáo khoa mới.
- Tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, sách giáo khoa mới.
- Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và cộng đồng tham gia đóng góp trong quá trình xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, sách giáo khoa mới.
- Xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới; xây dựng học liệu điện tử theo chương trình mới.
- Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.
b) Giai đoạn 2 (7/2016 – 6/2018):
- Biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ sách giáo khoa mới của lớp 1, lớp 6 và lớp 10.
Video đang HOT
- Biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới.
- Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 6 và lớp 10.
- Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương.
- Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy định về chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới.
- Tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
c) Giai đoạn 3 (7/2018 – 12/2023):
- Từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
- Biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành sách giáo khoa mới của các lớp còn lại.
- Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đối với các lớp còn lại.
- Đánh giá chương trình trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa “. [1]
Như vậy, chúng ta thấy rằng Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Quyết định 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều khẳng định: ” Từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông “.
Thế nhưng, trong năm 2017 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải xin Quốc hội lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới so với lộ trình.
Nguyên nhân việc lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là thầy Phùng Xuân Nhạ giải thích: ” Do xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng.
Mặt khác, quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, nên cần thêm thời gian để lắng nghe, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội “. [2]
Vì thế, đến năm học 2020-2021 thì Bộ Giáo dục mới triển khai chương trình, sách giáo khoa ở lớp 1, năm học 2021-2022 thực hiện ở lớp 2 và lớp 6.
Thế nhưng, cho dù lùi thời gian sâu so với lộ trình nhưng đến bây giờ mọi thứ vẫn còn rối và lúng túng trong chỉ đạo và thực hiện. Đặc biệt là việc tập huấn cho giáo viên về chương trình và sách giáo khoa mới còn khá chậm trễ khiến cho giáo viên khó khăn trong thực hiện công việc hàng ngày của mình.
Lộ trình tập huấn cho giáo viên quá chậm trễ
Nếu là giáo viên đứng lớp khoảng chục năm trở đi có lẽ ai cũng đều biết, chương trình giáo dục phổ thông 2006 chú trọng đến tái hiện kiến thức đã học thì đến chương trình 2018 Bộ đã chủ trương phát triển phẩm chất và năng lực học sinh nên mọi thứ thay đổi khá nhiều.
Đáng lẽ ra, sự thay đổi này phải được tập huấn thấu đáo cho giáo viên trước khi thực hiện giảng dạy chương trình mới.
Bởi, tại Quyết định 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hướng dẫn việc ” Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 6 và lớp 10 ” nằm ở giai đoạn 2 (7/2016 – 6/2018) nhưng thực tế thì chúng ta thấy đã chậm rất nhiều so với lộ trình.
Năm học 2020-2021, thực hiện triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 nhưng việc tập huấn đại trà cho giáo viên mãi đến đầu năm 2021 mới được triển khai. Đến bây giờ (tháng 10/2021), phần lớn giáo viên trên cả nước mới tập huấn được 3/ 9 modul về chương trình mới.
Đặc biệt, năm học 2021-2022 là năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 6 với nhiều môn học tích hợp nhưng mãi đến ngày 21/7/2021, Bộ mới ban hành Quyết định 2454 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Nhưng, trên thực tế đến nay thì đa phần các địa phương cũng chưa thể triển khai được việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn tích hợp vì nó liên quan đến thời gian, kinh phí đào tạo theo hướng dẫn của 2 Quyết định.
Đặc biệt, khi Bộ ban hành các Quyết định này đã khiến cho đội ngũ nhà giáo lo lắng vì trong các văn bản đã hướng dẫn kinh phí bồi dưỡng giáo viên được lấy từ 3 nguồn, đó là: ” Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; Do người học tự đóng góp”.
Việc tập huấn trực tuyến về sách giáo khoa của các Nhà xuất bản cũng chỉ dừng lại 1-2 buổi/ 1 môn học nên rất khó để giáo viên lĩnh hội được những “điểm mới” của các đơn vị kiến thức mà các tác giả sách giáo khoa thể hiện trong từng cuốn sách.
Rõ ràng, Bộ triển khai tập huấn cho giáo viên theo lộ trình chậm trễ, chưa kỹ lưỡng dẫn đến rất nhiều điều đáng tiếc. Giáo viên chưa được bồi dưỡng chuyên môn một cách thấu đáo mà đã bắt tay vào công việc mới nên họ cảm thấy khó khăn và tất nhiên là họ phải lên tiếng.
Bên cạnh việc tập huấn, bồi dưỡng chậm so với lộ trình thì việc Bộ triển khai Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đối với lớp 6 ở năm học này cũng khá chậm.
Bởi vì theo kế hoạch tập huấn của Bộ, modul 4 ( Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh ) rất quan trọng với Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH nhưng năm học mới đã thực hiện được hơn 1 tháng rồi mà phần lớn các địa phương vừa mới triển khai đến được với đội ngũ giáo viên cốt cán.
Vì thế, khi triển khai đại trà cho giáo viên thì chưa biết cụ thể là thời điểm nào nên giáo viên họ lên tiếng, phàn nàn về các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH cũng là điều dễ hiểu.
Nếu như, Bộ chưa tháo gỡ được những điểm nghẽn về tập huấn cho giáo viên, chưa giúp họ nắm được một cách kỹ lưỡng về nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy thì trong những năm tới đây rất có thể vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thukyluat.vn/vb/quyet-dinh-404-qd-ttg-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-42180.html
[2]https://laodong.vn/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-ly-giai-nguyen-nhan-lui-1-nam-ap-dung-chuong-trinh-sgk-moi-570017.ldo
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bồi dưỡng giáo viên: Tự tin bắt nhịp chương trình mới
Trải qua giai đoạn bỡ ngỡ khi mới nhận nhiệm vụ dạy học theo chương trình (CT) mới, thời điểm này, nhiều thầy cô cho biết đã khá tự tin sau khi được đào sâu về CT, SGK mới qua các đợt bồi dưỡng, tập huấn.
Một buổi tập huấn thay SGK lớp 2 tại Trường Tiểu học và THCS Thụy Duyên, Thái Bình.
Nắm chắc, hiểu sâu CT, SGK mới
Khi mới nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Khoa học tự nhiên 6, cô Cao Thu Hằng, Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết mình và đồng nghiệp khá lo lắng, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua các buổi thảo luận, đóng góp ý kiến để lựa chọn SGK, tập huấn về SGK mới và tham gia các khóa học, lớp học để trau dồi kiến thức chuyên môn..., hình dung về công việc với CT mới ngày càng rõ. Các tổ nhóm chuyên môn đã triển khai xây dựng phân phối CT, kế hoạch giáo dục của tổ phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của CT môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.
"Trong điều kiện dịch bệnh, dạy thực nghiệm chưa thực hiện được, dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu (BGH), chúng tôi tiến hành xây dựng kế hoạch bài dạy một số tiết trong CT mới để trình bày trước tổ nhóm chuyên môn - BGH, qua đó học hỏi, rút kinh nghiệm và góp ý đồng nghiệp. Qua các video bài giảng dạy thử môn Khoa học tự nhiên, giáo viên (GV) trong tổ chuyên môn cùng thảo luận, học hỏi ưu điểm, khắc phục hạn chế của bài dạy mẫu. Đây cũng là cách chúng tôi dự giờ, học hỏi trực tuyến trong tình hình dịch bệnh hiện nay" - cô Hằng chia sẻ.
Chuẩn bị dạy học theo CT mới, cô Chu Thị Lụa, Trường Tiểu học - THCS Thụy Duyên, Thái Bình được bồi dưỡng trực tuyến các mô-đun 1, 2, 3 trên hệ thống LMS, tập huấn bồi dưỡng SGK lớp 2. Các hoạt động này phần nào giúp cô làm chủ phương pháp dạy học để giảng dạy theo CT mới. Theo cô Lụa, GV qua bồi dưỡng thấy được CT mới xây dựng theo hướng mở, giúp HS hình thành, phát triển những yếu tố căn bản, đặt nền móng để phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần, phẩm chất và năng lực. GV cũng nắm được các phương pháp, kĩ thuật dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá tích cực nhằm giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho HS.
"Với tập huấn SGK, chúng tôi được giới thiệu về CT tổng thể, CT từng môn, từng phần, từng chủ điểm. Sau tập huấn mỗi môn đều có tiết dạy minh họa, giúp GV học được các kĩ năng, phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp. Qua bồi dưỡng, chúng tôi cũng nắm được cách nhận xét, đánh giá HS theo quy định mới" - cô Chu Thị Lụa cho hay.
Tại Trường THCS Phan Đình Phùng (Ea Ô, Eakar, Đắk Lắk), GV được bồi dưỡng trực tuyến 3 mô-đun về CT giáo dục phổ thông 2018, tập huấn trực tuyến SGK 6 về nội dung môn học; được cung cấp tài liệu SGK 6 để lựa chọn bộ sách phù hợp. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Cao Tiến Tuyến, qua các mô-đun, CT tập huấn, GV của trường đã nắm được cấu trúc của SGK, mạch kiến thức của từng môn; nắm vững các phương pháp dạy học và điểm mới trong kiểm tra đánh giá HS.
Tại Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, GV đã nghiên cứu SGK lớp 6, tham khảo các kế hoạch dạy học mà nhóm tác giả chia sẻ để tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho mình. Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng thông tin: CT tập huấn được triển khai từ rất sớm, bắt đầu từ CT tổng thể, rồi tập huấn trực tuyến các mô-đun từ cuối năm 2020. NXB cũng triển khai CT bồi dưỡng, tập huấn về SGK, trong đó có tiết dạy minh họa từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021... Các hoạt động trên giúp GV hiểu rõ, nắm vững nội dung CT, SGK, cách thiết kế và tổ chức dạy học hiệu quả.
Tập huấn về SGK mới tại Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Tiếp tục chuẩn bị hành trang
Để dạy học hiệu quả theo CT mới, cô Ngô Thị Huyến, Trường Tiểu học Thụy Sơn, Thái Bình cho rằng, mỗi GV cần tiếp tục đọc, nghiên cứu để hiểu thấu đáo về nội dung CT, SGK mới; chủ động tự học, từ trau dồi kiến thức chuyên môn. Cô Huyến mong muốn trong các buổi tập huấn, phần giảng giải lý thuyết của chuyên gia ngắn gọn hơn, có minh họa trích đoạn cụ thể nội dung bài dạy. Cùng với đó, có nhiều tiết dự giờ mẫu ở các địa phương, vùng miền khác nhau; có chuyên gia về trường dạy mẫu.
Ở vị trí lãnh đạo nhà trường, theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, cần sớm có đủ SGK, sách GV, đầu tư trang thiết bị dạy học cho nhà trường đáp ứng yêu cầu của CT mới. Các tác giả viết SGK đã tích cực tương tác, trao đổi, chia sẻ với GV, điều đó rất hữu ích. Tuy nhiên, do thời lượng buổi bồi dưỡng có hạn, nên mong tác giả tiếp tục trao đổi, chia sẻ với thầy cô trong xây dựng kế hoạch giáo dục và thiết kế bài soạn, cũng như các video các bài dạy minh họa...
Góp ý cho CT bồi dưỡng, cô Chu Thị Lụa nhắc đến việc cần quan tâm đặc điểm vùng miền, phát triển giáo dục của từng địa phương; tăng cường bồi dưỡng về nhân cách, đạo đức sư phạm cho đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng trực tuyến để tăng kỹ năng thực hành cho GV.
Nhấn mạnh vai trò tự học, tự bồi dưỡng, cô Lụa cho rằng: GV cần nắm vững CT, SGK mới lớp 2; đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, đồ dùng, phương tiện dạy học; nắm chắc quy định kiểm tra, đánh giá HS tiểu học. GV cũng cần lập kế hoạch, chuẩn bị môi trường lớp học, giảng dạy với tinh thần trách nhiệm cao. "Để dạy học theo CT mới hiệu quả, thầy cô cần được trang bị đầy đủ thiết bị đồ dùng dạy học, học liệu điện tử phong phú, đa dạng" - cô Chu Thị Lụa chia sẻ.
Để đảm nhiệm giảng dạy CT mới, đặc biệt là môn học mới Khoa học tự nhiên, GV phải chuẩn bị rất nhiều việc. Trong đó có trau dồi nghiệp vụ sư phạm (bao gồm cả kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy); xây dựng phân phối CT, kế hoạch giáo dục của GV và kế hoạch bài dạy. Nhấn mạnh điều này, cô Cao Thu Hằng cũng lưu ý GV phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, tiếp cận CT mới, từ đó chủ động thực hiện công việc được giao.
"Bên cạnh CT tổng thể, chúng tôi mong được tập huấn chuyên sâu từng bài học, đơn vị kiến thức trong CT. Với đặc thù của môn khoa học thực nghiệm, chúng tôi cần được hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học. Trong quá trình giảng dạy, GV rất cần sự đồng hành từ nhà trường, sở/phòng GD&ĐT đội ngũ tác giả viết sách" - cô Hằng nêu.
Bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình phổ thông mới không có "F1, F2" So với lớp 1 thì việc triển khai chương trình - sách giáo khoa mới lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, am hiểu chương trình. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại "Hội nghị sơ kết bồi dưỡng giáo viên, cán...