Bộ bảo “tuýt còi”, trường đòi thông thoáng
Trước lo lắng của nhiều trường về hình thức xử phạt liên quan đến “án 5 năm”, Bộ trưởng Nhạ cho biết, sẽ làm nghiêm với những trường đã nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm tuyển sinh, mở ngành không đúng với những tổ hợp kỳ lạ.
Trường kêu khó chủ động vì nhiều “ảo”
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tuyển sinh đại học năm 2019 diễn ra sáng nay (17/7), Bộ GD-ĐT đặc biệt nhắc nhở về trách nhiệm giải trình và các chế tài khi trường vi phạm quy chế tuyển sinh.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh rằng Bộ cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng những trường nào tuyển vượt chỉ tiêu thì nhà trường và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.
Các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm tiếp sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.
“Đây là hình thức xử phạm nặng kéo dài hết một nhiệm kỳ hiệu trưởng”, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT nhìn nhận.
Ở đầu cầu TP.HCM, lãnh đạo một số trường đại học nói rằng vấn đề này khá đau đầu.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Hoàng Tiến
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nói rằng hiện có quá nhiều phương thức tuyển sinh làm cho tình trạng thí sinh ảo tăng mạnh.
Video đang HOT
Ví dụ mới đây, trường Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM gọi báo thí sinh trường chuyên trúng tuyển và nhập học thì được biết các em cũng trúng tuyển nhiều trường khác.
Ông Dũng lo lắng về “án phạt” khi trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Với quy định và chỉ tiêu như hiện nay, hiệu trưởng các trường rất lo vì tuyển sinh vượt sẽ bị phạt, nhưng tuyển không được thì không đủ “nuôi quân”. Mà đa phần tuyển vượt đều là những trường có uy tín.
“Vậy gọi bao nhiêu là vừa? Trước đây, Bộ từng nhắn tin yêu cầu các trường gọi vừa thôi, nhưng làm theo Bộ thì năm đó không tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, Bộ GD-ĐT nên tính toán lại chuyện thưởng – phạt trong tuyển sinh”, ông Dũng góp ý.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nói thế rằng vấn đề tuyển sinh là câu chuyện cực kỳ đau đầu với các trường.
“Bộ GD-ĐT phải xem lại. Như trường Trường ĐH Luật TP.HCM có kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Với 4.000 thí sinh đăng ký, thi xong trường có thể công bố điểm trúng tuyển ngay. Nhưng điều đó là không được, trường vẫn phải chờ tham gia lọc ảo. Thật sự trường chúng tôi không ảo nhưng vẫn bị bắt phải tham gia vào lọc ảo. Điều này là vô lý”.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: Hoàng Tiến
Dưới góc độ của một trường tư, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cho rằng, các trường không nên quá lo lắng về chuyện “ảo” hay không “ảo”.
“Có nhiều phương thức tuyển sinh như vừa xét học bạ, đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển, điểm thi THPT quốc gia… Như thế, có muốn lọc ảo cũng lọc không xuể. Vậy thì cứ để các trường tự tuyển, tuyển không đủ có thể xét nhiều đợt”.
Phải phạt mới rõ ràng
Chánh thanh tra Nguyễn Huy Bằng cho biết, nhiều trường vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm.
“Chẳng hạn, đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường còn xét tuyển không đúng đề án. Bộ đưa ra quy định là tuyển sinh 50% từ kết quả học bạ, 50% từ điểm thi THPT quốc gia, nhưng đến khi không đủ điều kiện thì có trường lại xét đến 80% học bạ. Có hiện tượng nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có trường do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào nhưng không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao so với năng lực thực tế. Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu, nhưng thực tế là đến khi tuyển được nhiều sinh viên mới đi ký hợp đồng giảng viên cho đủ. Những việc đó là sai quy định”, ông Bằng nói.
Trước những băn khoăn của các trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, về vấn đề thưởng phạt, không phải “hơi tí là phạt”.
“Có rất nhiều trường tuyển sinh ồ ạt, tuyển sinh không đảm bảo chất lượng hoặc mở ngành không đúng với những tổ hợp kỳ lạ. Dù được nhắc nhở nhưng trường vẫn không thực hiện theo và vẫn tiếp tục liên kết bừa bãi. Tới đây, Bộ sẽ làm nghiêm chuyện này”.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng nhiều trường hiện nay vẫn mất nhiều tâm sức cho xét tuyển, trong khi trường đại học còn phải trách nhiệm với người học, cam kết với họ để khi ra trường có kết quả tốt.
Do đó, tự chủ đại học là trục xuyên suốt; tuyển sinh chỉ là một khâu. Hiện nay, các trường mới tập trung vào đào tạo, thời lượng bàn với nhau về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khời nghiệp, gắp kết đào tạo với sử dụng còn ít.
Thúy Nga – Thanh Hùng – Lê Huyền
Theo vietnamnet
Điểm chuẩn vào đại học năm 2019 có thể tăng nhẹ
Theo dự đoán của đại diện nhiều trường đại học tại TP HCM, điểm chuẩn vào đại học năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm 2018.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nhận xét phổ điểm các môn thi năm nay có sự phân hóa rõ rệt, đảm bảo được cả 2 tiêu chí xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Theo phân tích của ông Sơn, với phổ điểm này tỷ lệ tốt nghiệp tại các tỉnh sẽ vẫn ở mức đảm bảo còn các trường đại học vẫn đủ độ tin cậy để sàng lọc đầu vào vì có sự phân hóa rất rõ ở mức điểm cao.
Ths Phạm Thái Sơn dự đoán: "Dựa vào phổ điểm của các khối năm nay chúng ta có thể dự đoán những trường đại học ở top trên sẽ có ngưỡng điểm cao hơn, cao hơn so với năm ngoái từ 1-3 điểm. Đối với những trường hàng năm có mức trúng tuyển từ 18-21 điểm thì năm nay có thể sẽ cao hơn. Nhưng mức điểm tăng lên theo tôi sẽ không vượt quá 2 điểm so với điểm trúng tuyển vào các ngành, các trường đó trong năm 2018".
Điểm nhận hồ sơ xét tuyển của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM năm nay dự kiến là 18 điểm với chương trình đại trà và 17 điểm với chương trình chất lượng cao. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, điểm chuẩn các ngành sẽ tăng nhẹ, không quá 1 điểm. Riêng các ngành có số lượng thí sinh đăng ký nhiều có thể tăng 1-1,5 điểm.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay: "Năm nay số lượng thí sinh đạt từ 22 điểm trở xuống số lượng cũng kha khá nhưng số thí sinh đạt trung bình 8, 9 điểm, thậm chí 10 điểm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong bối cảnh đó, dự kiến điểm chuẩn của nhà trường sẽ có tăng".
Tuy phổ điểm không thay đổi nhiều so với năm 2018 nhưng năm nay nhiều trường đã tăng tỷ lệ phần trăm xét tuyển dựa vào phương thức xét học bạ, thi đánh giá năng lực, tổ chức kỳ thi riêng... và kéo giảm tỷ lệ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia như mọi năm.
Hiện nay, rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo các hình thức nói trên. Do đó, việc xét tuyển dựa vào điểm thi THPT Quốc gia năm nay ít nhiều sẽ thay đổi so với năm 2018 trở về trước.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban đào tạo Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP HCM phân tích:"Có thể điểm chuẩn của các trường đại học năm nay sẽ có khá nhiều biến động. Một khi các trường đã chia sẻ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác thì chỉ tiêu tuyển sinh của các trường dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia sẽ giảm đi. Do đó theo tôi năm nay sẽ có môt số ngành điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ".
Mặt bằng chung điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng nhẹ, những ngành "hot" sẽ không có quá nhiều biến động là dự đoán của các chuyên gia hay đại diện các trường đại học tại TPHCM. Các chuyên gia cho rằng, khi đã có kết quả, nhìn thấy phổ điểm, điều thí sinh cần làm là so sánh điểm thi của mình với điểm chuẩn các năm để có sự điều chỉnh nguyện vọng nếu cần. Quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu kỹ thông tin nhằm chọn được ngành học phù hợp./.
Theo VOV
Điểm chuẩn ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM dự báo tăng cao nhất 2 điểm PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã tư vấn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và đưa ra dự báo điểm chuẩn năm 2019. Tối 15/7, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã tổ chức livestream tư vấn thí sinh về điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học và dự báo điểm...