Bình Dương: Hơn 500 giáo viên bỏ việc trong 4 tháng
Do số lượng học sinh tăng cộng với việc nhiều giáo viên nghỉ việc trong thời gian qua, ngành giáo dục Bình Dương đang thiếu hụt nghiêm trọng giáo viên các cấp.
Thông tin được lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết tại buổi họp báo của UBND tỉnh Bình Dương vào ngày hôm nay (10/8).
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Phong thông tin tại buổi họp báo – Ảnh: P.C
Theo ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, dự kiến năm học 2022-2023 tỉnh Bình Dương thiếu 3.102 giáo viên (trong đó bậc mầm non thiếu 465 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 1.207 giáo viên, bậc THCS thiếu 1.305 giáo viên, bậc THPT thiếu 118 giáo viên, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh thiếu 7 giáo viên) và 538 viên chức khác.
Cùng với đó, thời gian qua nhiều giáo viên xin nghỉ việc khiến ngành giáo dục gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy, gây trở ngại và thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình dạy học. Tính từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành giáo dục có 527 giáo viên nghỉ việc.
Về nguyên nhân, ông Phong cho rằng việc thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay một phần do lương thấp, do áp lực công việc, số lượng học sinh tăng nhanh,…
Về hướng khắc phục, hiện nay Sở GD-ĐT đã và đang tiếp tục tuyển dụng giáo viên. Bên cạnh đó, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho giáo viên hợp đồng ngắn hạn, rà soát đưa viên chức gốc sư phạm đang làm chuyên môn khác nếu đủ tiêu chuẩn sẽ cho đứng lớp.
Video đang HOT
UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT rà soát biên chế toàn ngành, giải quyết số biên chế, chức danh tại các sơ sở giáo dục địa phương. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương của ngành giáo dục tạo tuyển dụng 154 chỉ tiêu (chỉ tính khối đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT).
Gỡ khó giáo viên và cơ sở vật chất khi Tin học là môn bắt buộc
Từ năm học 2022-2023, môn Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn Thanh Hóa vẫn đang loay hoay tìm giải pháp khi thiếu cả giáo viên lẫn cơ sở vật chất phục vụ môn học này.
Nhiều trường tại Thanh Hóa thiếu giáo viên phải thuê hợp đồng.
Thiếu nhân lực lẫn cơ sở vật chất
Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc từ năm học 2022-2023 đang khiến nhiều trường tại Thanh Hóa gặp khó. Tình trạng thiếu nhân lực, cơ sở vật chất không chỉ ở miền núi, vùng sâu vùng xa mà ngay cả nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng cùng cảnh ngộ.
Theo thầy giáo Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), để chuẩn bị dạy môn Tin học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đang gặp 3 khó khăn.
"Thứ nhất là đội ngũ giáo viên, thứ 2 là chưa có phòng bộ môn, trang thiết bị máy tính phục vụ cho việc dạy, thứ 3 là trường có nhiều điểm lẻ. Các điểm lẻ vẫn có học sinh của lớp 3 trở lên. Tuy nhiên, điểm trường lẻ chưa có điện lưới, internet, không có trang thiết bị... nên việc bố trí dạy học ở các điểm lẻ là rất khó khăn", thầy Dung chia sẻ.
Cũng theo thầy Dung tình trạng ở Trường Tiểu học Quang Chiểu cũng là tình trạng chung của rất nhiều trường trên địa bàn huyện Mường Lát.
Thầy giáo Đặng Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phong 3 (huyện Quảng Xương) cho biết, trên địa bàn huyện Quảng Xương cấp tiểu học hiện nay chỉ có duy nhất 1 giáo viên môn Tin học và trường Tiểu học Tân Phong 3 nằm trong số trường không có giáo viên môn này.
Ngoài ra, tại Trường Tiểu học Tân Phong 3 có 10 máy tính được cấp cách đây gần 10 năm, do thời gian cũng như ít sử dụng nên có khoảng 7 cái hư hỏng, nếu có sửa chữa cũng rất tốn kém.
Hiện nay trang thiết bị để đáp ứng dạy môn Tin học đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương.
"Nhà trường cũng đã báo cáo lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do thị trấn Tân Phong có nhiều trường đóng trên địa bàn nên chờ kinh phí từ địa phương là khó. Hiện, chúng tôi đang định hướng phương án xã hội hóa mua máy mới.
Có thể năm đầu thực hiện xã hội hóa 10 máy, năm thứ 2 sẽ là 11 máy thì mới có thể đáp ứng được việc học môn này. Đồng thời, nhà trường cũng cho một cô nhân viên thiết bị thư viện đi học thêm để tiếp thu chương trình, làm sao có thể vào năm học dạy được cho học sinh", thầy Bình cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại địa bàn thành phố Thanh Hóa, đa số các trường đáp ứng được trang thiết bị tuy nhiên, giáo viên dạy môn học này cũng đang thiếu đáng kể.
Cô giáo Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) cho biết: "Nhà trường đã xã hội hóa được máy tính đáp ứng cho việc học tuy nhiên trường phải thuê giáo viên hợp đồng dạy, việc tìm giáo viên để hợp đồng cũng vô cùng khó khăn".
Loay hoay tìm giải pháp
Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, tình trạng thiếu giáo viên Tin học cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho môn học này trên địa bàn huyện hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
"Trên địa bàn hiện chỉ có một số trường đạt chuẩn Quốc gia thì mới có máy tính nhưng số này không nhiều. Năm học mới cận kề nhưng hiện rất nhiều trường trên địa bàn không có máy, giáo viên cũng thiếu trầm trọng. Nan giải nhất là các điểm trường lẻ, không điện, không máy, không giáo viên.
Về nhân lực, hiện Phòng đã tham mưu cho huyện tuyển dụng bổ sung trong năm nay còn về máy móc thì chúng tôi đề xuất huyện cho kinh phí. Tuy nhiên, nguồn lực của huyện thì không thể đáp ứng được nên đã đề xuất Sở GD&ĐT hỗ trợ theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng đến hiện tại thì vẫn chưa được cấp", ông Tuấn cho biết thêm.
Về phương án khắc phục tại các điểm lẻ, theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, năm học này sẽ triển khai lý thuyết bằng cách phân công thầy cô dạy môn này đến các điểm trường còn thực hành thì thực sự chưa thể triển khai được.
Ông Nguyễn Tài Toàn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Lặc cho biết, bậc tiểu học trên địa bàn có 2 giáo viên dạy Tin học; THCS có 15 giáo viên. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, năm nay Phòng sẽ bố trí giáo viên dạy liên cấp, đồng thời tham mưu cho huyện tuyển dụng thêm 5 giáo viên nữa hoặc cử 5 giáo viên đi học văn bằng 2 để đảm bảo mỗi xã có 1 giáo viên dạy liên cấp.
Còn theo ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống, hiện nhân lực và trang thiết bị khó có thể đáp ứng đồng bộ trong toàn huyện khi triển khai học môn Tin học bắt buộc từ lớp 3 trở lên.
"Để tháo gỡ những khó khăn này, chúng tôi mong muốn tỉnh cho chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên Tin học, đồng thời cấp bổ sung nguồn kinh phí hàng năm để chi cho việc hợp đồng giáo viên. Bên cạnh đó, cho phép các địa phương làm thủ tục mua sắm trang thiết bị một cách đơn giản và gọn nhẹ nhất trên cơ sở đúng quy định của pháp luật" - ông Xuân cho biết.
Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có 600 trường Tiểu học nhưng chỉ có 175 giáo viên Tin học. Nếu bố trí mỗi trường Tiểu học một giáo viên Tin học, thì toàn tỉnh đang thiếu khoảng 420 giáo viên.
Bình Dương, Bình Phước thiếu 4.500 giáo viên cho năm học 2022-2023 Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bình Dương và Bình Phước cho biết, qua rà soát để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, hai địa phương này đang thiếu hàng ngàn giáo viên. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Bình Dương có 728 trường học công lập và ngoài công lập với gần 500.000 học sinh (tăng 14.000 học sinh so với năm học trước)....