Bia cận Tết giảm giá vẫn ế
Nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh bia sụt giảm doanh số một nửa, thậm chí 2/3 so với Tết năm ngoái.
10h sáng 27 Tết, Hạnh – nhân viên tiếp thị bia ngoại tại một siêu thị ở Hà Nội loay hoay xếp lại hàng trên kệ. Cô cố xoay biển khuyến mãi ra vị trí bắt mắt nhất để khách đi qua dễ dàng nhìn thấy.
Thực ra tấm biển với dòng chữ khuyến mãi đã rất nổi bật rồi. Nhưng cảnh tượng các gian hàng bia còn đầy ự hàng, khách mua thưa thớt khác hẳn với mọi năm khiến cô vẫn chưa yên tâm, xoay đi xoay lại vài lần nữa.
“Mấy ngày cận Tết hàng bán túc tắc nhưng ít hơn hẳn so với năm ngoái, nhiều ngày doanh số bán không nổi 50 thùng. Năm ngoái tầm này là bọn em đang chuyển hàng ra cho khách thanh toán không kịp thở”, Hạnh chia sẻ.
Chị Ngọc Hiền – chủ đại lý kinh doanh bia tại Hà Nội cho biết, mức tiêu thụ bia năm nay giảm hẳn, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Bia 333 là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất tại đại lý này, “năm ngoái còn cháy hàng không có để bán, thì năm nay ê hề”.
“Năm ngoái dịp này mỗi ngày tôi bán cả trăm thùng bia, giờ chỉ được 30-40 thùng là căng”, chị Ngọc nói.
Tết thường là dịp “mùa vàng bội thu” của ngành bia, nhưng năm nay thì trái ngược và Nghị định 100 với mức xử phạt nặng với người uống bia được coi là nguyên nhân chính.
Video đang HOT
Gian hàng bia tại một hệ thống siêu thị ở Hà Nội vắng khách. Ảnh: Anh Tú
Sức cầu giảm, giá bia cũng giảm theo. So với đầu tháng 1, mỗi thùng bia hạ 10.000 – 15.000 đồng, tùy loại. Tại các đại lý, mỗi thùng bia 333 của Sabeco dao động 235.000 – 240.000 đồng; Heineken 390.000 – 400.000 đồng; bia Special của Sabeco còn 310.000 đồng; bia Hà Nội nhãn vàng 205.000 – 210.000 đồng…
Trong khi đó, giá bia tại các siêu thị thậm chí còn thấp hơn đại lý bên ngoài do các nhà cung cấp “tung” chương trình khuyến mãi để kích cầu người mua. Đơn cử mỗi thùng bia Hà Nội tại hệ thống BigC còn 199.000 đồng, Heineken còn 384.000 đồng…
Khảo sát tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý bia trên địa bàn quận 1, 5, Gò Vấp, Tân Bình (TP HCM) cho thấy giá bia đang có xu hướng giảm 5.000-10.000 đồng một thùng so với vài ngày trước. Tại cửa hàng chuyên bán tạp hóa tại đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp), giá bia Sài Gòn loại thường là 220.000 đồng một thùng, Sài Gòn Special 310.000 đồng một thùng, Tiger 335.000 đồng một thùng, Heineken 390.000 đồng một thùng.
Giá bia trong siêu thị hiện khoảng 395.000 đồng một thùng với Heineken loại thường, loại lon cao và Heineken Silver 416.500 đồng một thùng, bia Tiger 335.000 đồng đồngthùng, Tiger Crystal 359.000 đồng một thùng. Bia 333 loại thường 236.000 đồng, Sài Gòn Special 306.000 đồng.
“Khách hàng vẫn mua bia biếu Tết nhưng ít hơn nhiều năm ngoái. Thay vào đó, họ chuyển sang mua nước ngọt hoặc loại nước hoa quả lên men nhiều hơn. Chính sách thay đổi đã tác động tới hành vi mua sắm của người dân khi không còn chọn bia là quà biếu như nhiều năm trước”, bà chủ đại lý Ngọc Hiền nói thêm.
Xác nhận tình hình trên, ông Thành – trưởng nhóm phân phối khu vực phía Bắc một nhãn hàng bia cho hay, tuần cuối cùng sát Tết mà lượng hàng đẩy ra của các đại lý rất thấp. Có điểm kinh doanh báo không lấy thêm hàng, trái ngược với mọi năm. Quản lý ngành hàng bia một siêu thị ở quận Hà Đông (Hà Nội) cũng thừa nhận, tiêu thụ bia giảm khoảng 20%, nhưng bù lại sức mua nước ngọt tăng 30-40%, nên tính chung lượng bán hai mặt hàng này vẫn tăng 10-15% so với cùng kỳ.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một doanh nghiệp bia tại Hà Nội không đưa ra con số cụ thể do “chưa tới kỳ quyết toán số liệu”. Song vị này thừa nhận “doanh số giảm do tác động của Nghị định 100″. “Nhiều đại lý của chúng tôi kêu rất nhiều vì bán chậm, chắc chắn doanh nghiệp sản xuất cũng bị ảnh hưởng theo”, vị này nói. Tuy nhiên số liệu cụ thể thì phải chờ hết tháng 1, thậm chí quý I khi doanh nghiệp hoàn thành các báo cáo kinh doanh.
Còn đại diện một thương hiệu bia ngoại nói, “sự thay đổi nào từ chính sách cũng kéo theo tác động nhất định”, và từ chối bình luận về mức sụt giảm doanh số.
Báo cáo nhận định về thị trường bia năm 2020 được bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra hồi đầu tháng này cũng đánh giá “thị trường bia sẽ chững lại do ảnh hưởng từ chính sách”, với tốc độ tăng chỉ 6-7%, thay vì gần hai con số như các năm trước.
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Theo vnexpress
Siêu thị điện máy giảm giá ảo ngày Black Friday
Trên website một siêu thị điện máy, một mẫu TV OLED giảm giá hơn 40%, còn 35 triệu đồng, nhưng mua ở nơi khác chỉ hơn 20 triệu đồng.
Nguyễn Minh Tiến, nhân viên văn phòng tại TP HCM, nhấp vào một mẫu quảng cáo giảm giá 50% thiết bị điện tử của một hệ thống điện máy lớn ngày Black Friday. Anh lập tức bị thu hút bởi chiếc TV OLED đang được giảm giá còn nửa giá gốc. Tiến lên Google, tìm thông tin về sản phẩm và bắt đầu hoang mang trong "mê trận" giá. Giá niêm yết của nhà sản xuất là gần 60 triệu đồng, nhưng mỗi siêu thị điện máy lại giảm giá một cách khác nhau.
Mẫu TV Oled được giảm giá còn 35 triệu đồng và giảm thêm 15% nếu thanh toán trong ngày Black Friday.
Sau khi tìm hiểu và so sánh, Tiến rút ra một "công thức" về cách các cửa hàng treo giá khuyến mãi. Ví dụ, chiếc TV sẽ được giảm giá khoảng 35% nếu cửa hàng bán với giá 45 triệu đồng. Một cửa hàng khác có thể giảm đến 50% nhưng giá niêm yết của sản phẩm lại là 60 triệu đồng. "Có nghĩa, họ sẽ đẩy giá gốc của sản phẩm lên cao, sau đó giảm giá thật mạnh", Tiến nói.
Sau khi so sánh "giá Black Friday" của ba siêu thị điện máy lớn, Tiến ước chừng giá của mẫu TV mình đang tìm khoảng 35 - 40 triệu đồng. Anh quyết định ra vài cửa hàng nhỏ hơn để kiểm tra lại lần nữa. Một cửa hàng nhỏ lại đang chào bán đúng model anh tìm nhưng giá hơn 20 triệu đồng, bảo hành chính hãng, nguyên tem chưa bóc thùng - rẻ hơn ở siêu thị hơn 10 triệu đồng. "Nếu không so sánh kỹ giá và chạy đi nhiều nơi kiểm tra, có lẽ mình đã 'lỗ' cả chục triệu đồng bởi 'tham' giảm giá", anh nói.
Tương tự, mẫu máy giặt lồng đứng 3,5 kg được giảm giá đến 59% trên website một hệ thống siêu thị lớn, xuống còn 6,1 triệu đồng. Tuy nhiên, từ vài tháng trước, khách hàng đã có thể dễ dàng tìm mua model này với giá 6 triệu đồng tại các cửa hàng bán lẻ mà không cần phải chờ đến ngày Black Friday. Giá gốc 14,9 triệu đồng mà hệ thống niêm yết là giá đề nghị của nhà sản xuất khi sản phẩm mới ra mắt, cách đây nửa năm. Khi ra thị trường, qua vài lần điều chỉnh giá, model này đã rẻ hơn phân nửa. Như vậy, mặc dù đã giảm 59%, giá mẫu máy giặt này vẫn được bán bằng ngày thường.
Nhiều mặt hàng công nghệ khác, như tủ lạnh, điều hoà và thậm chí điện thoại, cũng được treo giá "ảo" tương tự mẫu TV và máy giặt nói trên.
Theo Ngọc Can, một người buôn đồ điện tử lâu năm trên đường Nhật Tảo, nếu mua sắm trong những đợt giảm giá, người mua nên tỉnh táo kiểm tra hai tiêu chí. Đầu tiên, đây là hàng mới hay hàng tồn kho, trưng bày. Tiếp theo, tìm hiểu và so sánh giá thực tế trên thị trường của sản phẩm với giá đã giảm của siêu thị điện máy. "Nhiều nơi họ lấy giá gốc ban đầu tăng lên rồi lại giảm mạnh theo phần trăm để thu hút người tiêu dùng", anh Can nói.
Không chỉ ở Việt Nam, nạn treo "giá ảo" trong ngày Black Friday còn diễn ra ở cả các nước phương Tây. Tờ The Wall Street Journal dẫn chứng, khoảng 1/5 số hàng giảm giá mà báo này theo dõi sẽ tăng giá 8% trước Black Friday. Thậm chí, đồ chơi và dụng cụ sẽ đội giá lên 23%. Vậy nghĩa là, không phải các mặt này được giảm giá khủng mà do mức giá ban đầu của chúng đã được đẩy cao.
Theo vnexpress
Black Friday bắt đầu trên toàn thế giới Ngày thứ Sáu đen đã chính thức diễn ra trên toàn thế giới, với hàng loạt sản phẩm được giảm giá mạnh tay để kích cầu. Black Friday là ngày hội mua sắm lớn nhất Mỹ, diễn ra vào thứ Sáu ngay sau lễ Tạ Ơn. Trong dịp này, các sản phẩm thường được giảm giá mạnh tay, có thể lên tới 70-80%....