Bí quyết để bánh chưng có màu xanh
Để có một chiếc bánh chưng xanh đúng nghĩa, thơm ngon và giữ được lâu thì tất cả mọi khâu cần phải hoàn hảo. Dưới đây là một số lưu ý nhỏ giúp bạn gói bánh thành công.
Chọn lá dong
Cần phải biết cách phân biệt lá dong nếp và lá dong tẻ. Về hình dạng lá nếp thường hơi phình ra ở phần cuống, cuống nhỏ, hai mặt trái phải có màu xanh đậm nhạt khác nhau. Trong khi đó loại lá tẻ chỉ có một màu xanh ngắt, lá dẹt, dài, cuống to, lá nổi gân đậm, lá giòn, dễ rách. Gói phải loại lá này bánh sẽ không thơm. Khi chọn tốt nhất nên mua loại lá nếp, chọn được loại phình ở đuôi càng tốt. Tuyệt đối tránh mua các loại lá dong to như lá chuối.
Ở các làng quê trong những ngày này dễ bắt gặp hình ảnh trên cây cột của nhà nào cũng buộc lá dong xung quanh. Lá dong rửa hai mặt cho đến khi không còn gợn bẩn nào thì mang về buộc lên những cây cột cho ráo nước. Vài ngày sau đến khi gói bánh dân ta sẽ mang xuống tỉa tót cho vừa vặn.
Theo kinh nghiệm của người dân làng bánh chưng cổ truyền Tranh Khúc, Thường Tín, Hà Nội, để gói bánh nhanh, để được lâu, lại dễ bóc thì trước khi gói bánh, người ta sẽ xếp cứ một chiếc lá dọc lại đến một chiếc lá đặt ngang. Chiếc lá ngoài cùng cần lá hơi già, đẹp để khi luộc bánh lên lá vẫn giữ được màu xanh. Chiếc lá trong cùng là lá bánh tẻ, lá đẹp nhất. Mỗi chiếc bánh cần ít nhất 4 lá. Dù vậy, muốn bánh giữ lâu hơn thì nên gói từ 5 đến 6 chiếc.
Chọn những chiếc lá dong hơi bầu, phình ra ở cuống lá sẽ dễ gói hơi, bánh xanh hơn. Ảnh: Phan Dương.
Chọn lạt gói bánh
Người dân ở các vùng quê nước ta thường dùng ống nứa bánh tẻ, chẻ ra rồi phơi tái làm dây buộc. Tuy nhiên chỉ nên dùng loại nứa bánh tẻ, còn nứa già sẽ giòn, dễ đứt. Để an toàn bạn nên dùng ống giang bánh tẻ làm dây buộc là chuẩn nhất.
Chọn gạo nếp
Dĩ nhiên, loại gạo gói bánh chưng ngon nhất sẽ là loại nếp cái hoa vàng Điện Biên, Hải Hậu nhưng chúng ta có thể dùng chính những hạt lúa nếp ngon từ vùng quê mình làm ra, chỉ cần chú ý đó là loại gạo nếp không pha tạp lẫn gạo tẻ.
Video đang HOT
Từng có ý kiến trước khi gói bánh nên ngâm gạo qua đêm từ 6 đến 8 tiếng nhưng theo những người dân ở làng làm bánh chưng lâu đời nhất Hà Nội – Tranh Khúc thì cách làm này không đúng. Chỉ nên đãi sạch gạo rồi ngâm trong nước lạnh khoảng nửa tiếng rồi vớt ra để ráo. Nếu ngâm nhiều qua đêm sẽ làm gạo bị chua. Đặc biệt ngâm trong nước ấm với thời gian lâu như thế sẽ làm bở mất hạt gạo.
Ở một vài làng quê nước ta hiện nay, để gạo bánh chưng xanh hơn thì người dân vẫn nhuộm gạo nếp bằng cách lấy lá riềng rửa sạch, giã nhỏ rồi vắt lấy nước. Tương truyền cách làm này sẽ khiến mùi gạo nếp thơm hơn, bánh cũng sẽ xanh từ trong ra ngoài và để cả nửa tháng không sợ chua.
Nhân bánh
Không nên dùng đậu xanh có vỏ vì sẽ dễ làm bánh dễ thiu. Thay vào đó nên dùng đậu xanh đã xát sạch bỏ. Chiếc bánh chưng ngon là ngon từ nhân bánh ngon ra. Do đó, không nên gói bánh bằng đậu sống. Lý do đơn giản vì đậu dễ bị lẫn vào gạo, chiếc bánh dễ bị tơi, không dậy vị thơm ngon. Trước khi gói bánh nên đãi sạch đậu rồi ngâm trong nước nửa tiếng, rắc thêm chút muối, mì chính vừa vặn. Lúc đậu chín cần đánh đậu thật nhuyễn.
Nhiều người thắc mắc sao bánh mình làm không ngon như bánh mua, có thể bởi vì chúng ta làm nhân ít hơn những người làm bán. Do đó, với một chiếc bánh 400g gạo (tương đương một bát ăn cơm đầy) cần 250g nhân thịt đậu. Nên mua loại thịt ba chỉ, thái vừa ăn ướp qua muối và hạt tiêu. Sau đó dùng đậu đánh nhuyễn bọc ngoài những miếng thịt rồi viên thành nắm nhân chắc.
Một số gia đình có thói quen cho hành vào bánh chưng vì nghĩ bánh sẽ ngon hơn. Tuy nhiên “bánh chưng xanh, củ hành ngày Tết” là nói đến bánh chưng đi kèm với hành kiệu muối. Việc cho hành vào bánh dễ át đi mùi thơm của đậu, hạt tiêu, bánh ngang, mất đi vị thanh vốn có. Bánh cũng mau hỏng hơn.
Nên tán nhuyễn đậu rồi bọc ngoài thịt thì khi gói nhân và gạo không bị lẫn vào nhau. Cắt chiếc bánh đẹp mắt, ăn ngon hơn. Ảnh: Phan Dương.
Gói bánh
Có một vài lý do sau gia đình bạn không nên gói bánh bằng khuôn, đó là vì gói bánh bằng khuôn thì lá sẽ bị cắt triệt để, lớp lá dọc ngoài mỏng, 4 góc bánh bị cắt lá ghép vào nhau nên bánh dễ bị bục khi chèn ép. Những góc này cũng là nơi dễ bị mốc nhất.
Gói bánh chưng phải gói bằng mặt trái của lá (mặt sống lưng) chứ không nên gói mặt trong. Một số người vẫn bị mắc lỗi này. Lúc gói bánh cần gói chặt tay, sao cho khi bạn vỗ bánh xuống đất sẽ làm bánh càng vuông vức hơn.
Luộc bánh
Trước khi luộc bánh nên đặt một chiếc rổ nhỏ xuống đáy nồi, mục đích tránh bị khét, hạn chế nước ngấm nhiều vào bánh. Đồng thời lấy các lá bánh chưng hay các đoạn lá cắt thừa lót xuống đáy nồi và xung quanh cạnh nồi. Thời gian luộc bánh cần từ 8 đến 10 tiếng.
Anh Thắng – chủ một cơ sở bánh chưng vào dạng lâu đời nhất ở làng Tranh Khúc phân tích rằng nguyên lý luộc bánh chưng là cần độ dừng. Tức là không phải lúc nào cũng phải giữ nồi bánh chưng sôi ùng ục mà cần phải có những lúc ngừng sôi (tắt bếp hay đổ nước lạnh) vào để nước ngấm, làm bánh chín dần. Do vậy, khi luộc bánh chưng gia đình bạn cần chú ý khi bánh sôi gần hết nước sẽ lại đổ nước lạnh vào để nồi bánh ngừng sôi, bánh chín dần.
Sau khi luộc bánh xong, vớt bánh ra rồi đè lớp bánh nọ lên lớp bánh kia. Lấy vật nặng vừa phải đè lên để bánh ráo nước.
Bóc bánh chưng cũng cần có nghệ thuật. Nên bóc từ ngọn lá xuống phần cuống vì như thế lá sẽ không bị dính vào bánh. Việc bánh bị dính tay là điều khó tránh khỏi. Bạn có thể rửa tay ngay sau đó.
Phan Dương
Theo VNE
Quà Tết miền Trung giữa Sài Gòn
Từ bánh chưng, bánh tét cho đến bánh thuẫn hay củ kiệu, dưa món... tất cả món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người miền Trung đều được bán ở Sài Gòn.
Đặt bánh chưng, bánh tét Tết ở Sài Gòn
Người miền Trung lập nghiệp ở Sài Gòn, mỗi năm đến giáp Tết lại tìm đến chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) để mua sắm các món đồ cần thiết cho gia đình. Giống như khu chợ ông Tạ nổi tiếng bán hàng miền Bắc, chợ Bà Hoa có bán đầy đủ tất cả các mặt hàng đặc trưng của người Trung. Đến đây vào những ngày này, bạn sẽ có cảm giác thân quen như đang đi một ngôi chợ quê nào đó. Tất cả hàng cho ngày tết từ bánh chưng, bánh tét cho đến củ kiệu, dưa món... tưởng như chỉ có ở chợ quê đều bán đầy đủ trong ngôi chợ này.
Bánh chưng, bánh tét được bán nhiều ở chợ Bà Hoa trong những ngày này. Mổi đòn bánh tét như trong hình có giá 50.000 đồng. Riêng bánh chưng thì có giá 60.000 đồng cho loại bánh 1 kg. Ảnh:Khánh Hòa.
Trong những ngày tháng Chạp, mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất là bánh chưng, bánh tét. Đây là hai loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung để cúng ông bà. Nắm bắt được nhu cầu đó, các hàng quán ở trong ngôi chợ này bắt đầu nhận đặt bánh chưng, bánh tét ngay từ những ngày đầu tháng chạp. Bạn có thể dễ dàng đặt mua bánh nấu chín sẵn hoặc bánh đang còn sống để về nhà tự nấu.
Có bánh chưng, bánh tét thì không thể thiếu củ kiệu, dưa món. Củ kiệu tươi được chất thành từng đống to trong chợ, chỉ việc mua về, lột vỏ, phơi nắng cho héo trước khi ngâm chua. Với những người không có thời gian, đã có củ kiệu phơi sẵn hay những hũ củ kiệu thành phẩm rất đẹp mắt và ngon miệng, hợp khẩu vị.
Các nguyên liệu để làm dưa món đều được bán sẵn ở đây như: cà rốt, củ cải, dưa leo, củ kiệu, đu đủ, ớt khô... Ảnh: Khánh Hòa.
Ngoài củ kiệu, dưa món cũng được bán rất nhiều. Món ăn là sự pha trộn các nguyên liệu như đu đủ, cà rốt, củ kiệu, dưa leo, củ cải.... ăn hơi giòn và có vị chua ngọt rất ngon miệng. Từng loại nguyên liệu được chế biến sẵn, bà nội trợ chỉ cần mua về, pha trộn thêm với các gia vị khác là đã có dưa món ngon để dùng cho gia đình trong dịp Tết.
Bánh thuẫn đặc trưng của người miền Trung cũng được bán rất nhiều ở chợ. Từng chiếc bánh còn nóng hổi trên khuôn rất đẹp mắt và hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa.
Bánh thuẫn cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Những chiếc bánh to bằng nắm tay, mặt bánh nở bung ra như cánh hoa với màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh thuẫn là món ăn để người miền Trung dùng đãi khách cùng với các loại bánh mứt khác trong ngày Tết. Vào những ngày này, các hàng bánh thuẫn có rất nhiều trong chợ. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cả quá trình đổ bánh thuẫn, từ khâu đánh bột, đổ vào khuôn cho đến khi bánh chín vàng tỏa mùi thơm nức.
Ngoài các mặt hàng đặc trưng kể trên, ở đây còn có bánh in, bánh tổ, măng khô, chả giò, bánh rò, bánh ít lá gai... đều là những món ăn phổ biến trong dịp Tết của người miền Trung.
Khánh Hòa
Theo VNE
[Chế biến] - Bánh tẻ Bánh tẻ là loại bánh rất giản dị, dân dã và thường góp mặt trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều gia đình. 1. Nguyên liệu - Bột gạo: 200 gr - Nước: 450 ml - Thịt sấn vai xay: 150 gr - Nấm hương: 2-3 cái - Mộc nhĩ: 2-3 tai - Hạt nêm, dầu ăn, hạt tiêu, mắm, hành khô -...