Bí quyết dạy con của mẹ bé gái 15 tháng tuổi đã biết đọc
“Cháu không phải thần đồng, cũng không phải thiên bẩm sinh ra đã biết chữ, đó là nhờ mẹ cháu áp dụng phương pháp chăm sóc thai giáo và đa giác quan đấy”.
Dạy bé từ trong bụng mẹ
Theo sự chỉ dẫn của cán bộ phường, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà cố 3/49/89 Trại Lẻ, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng để tận mục sở thị bé gái đặc biệt này. Mẹ Tuệ Nhi đi làm, chỉ còn có bà nội và bé ở nhà. Vừa thấy có khách đến chơi, bé Tuệ Nhi đang được bế trong tay bà nội, tròn xoe mắt khoanh tay cất giọng ngọng líu “Chào cô ạ”.
Thả bé xuống nền nhà, bà nội bé kể: “Con bé nói suốt ngày, nghịch ngợm lắm. Chẳng mấy lúc ngồi yên. Nó hay để ý mọi chuyển động xung quanh nên bắt chước rất giỏi. Có lần đưa cháu đi xem trung thu. Thấy kỳ lân múa, nó chăm chú xem không bày tỏ một thái độ gì. Tới khi về nhà, mẹ nó hỏi “Đi chơi Trung thu có thích không? Nó đáp: “Thích lắm” rồi lắc người như múa kỳ lân diễn tả cho cả nhà xem. Ai nấy cũng buồn cười”.
Bé Tuệ Nhi đang đọc những từ in sẵn trên giấy.
Chạy lên tầng 2 mang xuống đống giấy in sẵn chữ, tên gọi do mẹ Tuệ Nhi làm, bà Lửng cho biết: “Mỗi ngày tôi được giao nhiệm vụ dạy cháu nói, kể chuyện, hát bài hát, đọc thơ cho cháu nghe. Mà mỗi ngày, giáo trình đều không trùng nhau. Hôm thì đọc thơ, hôm thì học hát, hôm thì học chữ, đồ vật….chẳng ngày nào giống ngày nào.
Ví dụ, quyển về các loại rau, củ, quả, tôi đọc cho bé nghe và dẫn hình ảnh cho cháu xem để dạy cháu tư duy. Hôm dạy cho cháu nhận biết quả dưa hấu, tôi vừa đọc thơ về quả dưa này lại vừa dẫn giải hình ảnh cụ thể cho cháu xem. Lúc sau, tôi kiểm tra và hỏi cháu, quả gì mà vỏ ngoài xanh nhưng bên trong ruột lại có màu đỏ, hạt đen…thì cháu đáp “quả dưa hấu”. Không chỉ ban ngày học, nghe kể chuyện, mà mỗi tối, trước khi đi ngủ, mẹ cháu lại kể chuyện cho cháu nghe”.
Giáo dục khoa học cho con
Theo lời bà Lửng, mẹ của Tuệ Nhi là chị Vũ Phương Thảo, sinh năm 1984, hiện đang làm nhân viên kế toán cho một công ty đã vận dụng phương pháp khoa học để giáo dục, chăm sóc con. Ngay từ khi mang thai, mẹ Tuệ Nhi đã hay cho bé nghe nhạc, trò chuyện với bé và có những cách chơi với con qua tiếng động.
Thời điểm mang bầu, chị Thảo đã tìm tòi các phương pháp nuôi dạy con sao cho tốt trên một số phương tiện thông tin. Chị Thảo quyết định sẽ giáo dục con bằng phương pháp thai giáo. Khi bé Nhi lớn dần, căn cứ vào tình hình thực tế và sự tiếp nhận của bé, chị Thảo ứng dụng phương pháp đa giác quan dạy Nhi khả năng nhận biết thế giới xung quanh bằng cách học mà chơi, chơi mà học.
Bé Tuệ Nhi thông minh và phát triển hơn những đứa trẻ khác nhờ được giáo dục theo phương pháp “thai giáo”.
Không chỉ chăm sóc con, dạy con qua hình ảnh, trò chuyện, mẹ Tuệ Nhi và bà nội còn hay đưa bé đi quanh phường chơi. Có lần, bà Lửng đang đạp xe chở bé ngồi ghế sau đi chơi, qua cổng UBND phường, bỗng bà Lửng giật bắn mình nghe bé Nhi nói “Phường Kênh Dương”, “Cán bộ và nhân dân…”. Ở Hải Phòng chưa có sở thú nên thi thoảng mẹ bé lại đưa cháu ra chợ Hàng chơi, tiếp xúc và nhận biết muôn vật và cây cối ở đây.
Video đang HOT
Khả năng tư duy, nhận biết và trí nhớ tốt
Trước những tâm sự của bà nội bé Tuệ Nhi và những thông tin về em thần đồng, tôi đề nghị bà cho thử. Cầm một xấp giấy in sẵn tên gọi mà chị Thảo (mẹ Tuệ Nhi in sẵn), bà Lửng vỗ về Tuệ Nhi hỏi “Đọc cho bà xem chữ gì nào?”- Tuệ Nhi, bé đáp giọng ngọng líu ngọng lo rồi đọc tiếp những dòng chữ mà bà nội đưa cho. Nhìn bé gái 15 tháng tuổi đọc được chữ, nhiều người hàng xóm sang chơi không khỏi thán phục.
Một người hàng xóm sát cạnh nhà nói “Mẹ nó chăm sóc con cầu kỳ lắm. Ngày nào cũng thấy con bé líu lo học nói, học đoán đồ vật do bà hoặc mẹ dạy. Ở xóm này, ai cũng ngưỡng mộ con bé, thông minh, chịu học. Chứ như thằng cún nhà tôi, dạy mà có chịu học đâu.
Lấy trong ví ra thẻ nhà báo, tôi đưa Tuệ Nhi đọc. Đang mải nghịch đồ chơi, thấy vật nhỏ màu đỏ, bé Tuệ Nhi giằng lấy lật xem. Thấy thế, bà nội bé nịnh “Con đọc cho bác xem là chữ gì nào?”. Nghe bà nhắc, Tuệ Nhi cầm tấm thẻ và lật đi lật lại, nhìn ngắm một lúc rồi gạt đi, không đọc.
Bà Lửng nói, nó còn đọc được cả những chữ tiếng Việt trên vỉ thuốc của ông nội cháu. Chợt nhớ ra trong túi có vỉ thuốc, tôi đưa cho bé đọc. Cầm vỉ thuốc, bé nhìn chăm chăm chữ một lát rồi lại bỏ đi không đọc khiến nhiều người phải động viên bé “Hoan hô Tuệ Nhi. Tuệ Nhi đọc đi nào…” nhưng sau 20 phút thuyết phục, bé vẫn không chịu đọc và tiếp tục nghịch đồ chơi.
Dẫn tôi lên phòng ngủ của bé cùng bố mẹ, bà Lửng kể: “Cái phòng ngủ của vợ chồng nó cứ như là nhà trẻ. Tranh ảnh, chữ viết treo khắp phòng cô ạ. Quả nhiên, vừa bước lên cầu thang, đập vào mắt tôi là những bức tranh ảnh hình động vật, củ quả ngập tràn màu sắc”.
Phía bên trong gian bếp xinh xắn của gia đình, từ máy giặt tới tủ lạnh, đâu đâu cũng ngập tràn những hình thù ngộ nghĩnh, những biển báo giao thông đường bộ, những từ tiếng Anh kèm ảnh sinh động. Bám tay vào thành tường, bé Tuệ Nhi chỉ vào những khối màu sắc trên những tấm hình và đọc “Hồng, xanh, tím, nâu…” rất đáng yêu.
Bà Lửng cho biết thêm: “Bé rất tập trung và có trí nhớ khá tốt. Trong quá trình dạy con, mẹ Tuệ Nhi không hề dạy bé cách ghép chữ nhưng khi biết các mặt chữ, bé lại có khả năng đọc tất cả các chữ ngay cả những từ hoàn toàn mới. Đó là điều khiến tôi rất ngạc nhiên. Dù biết con làm những điều tốt nhất cho con và mong muốn con phát triển toàn diện song thú thực, ông nhà tôi cũng không đồng tình với cách dạy con sớm như thế này. Ông nhà tôi là nhà giáo nên rất phản đối cách huấn luyện con khi còn quá sớm. Nhưng rồi, mỗi lần dẫn cháu đi chơi quanh làng, thấy cháu nhận biết mọi vật xung quanh nhanh, biết đọc những hàng chữ dài trên biển hiệu quảng cáo treo ở làng, ông thực sự ngạc nhiên và hoàn toàn bị thuyết phục trước sự thông minh, trí tuệ của cháu gái”.
Về khả năng của bé Nguyễn Ngọc Tuệ Nhi, tiến sĩ Đoàn Minh Tỵ, trưởng khoa tâm lý giáo dục trường ĐH Hải Phòng từng nhận xét, sự giáo dục, chăm sóc trẻ theo khoa học của mẹ bé Tuệ Nhi theo phương pháp “thai giáo” và “đa giác quan” từ sớm là rất tốt. Nó không chỉ giúp trẻ sớm nhận diện được thế giới xung quanh mà còn thúc đẩy khả năng phát triển trí não ở trẻ so với trẻ cùng trang lứa. Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định đây là một hiện tượng hiếm và khác thường. Đặc biệt, người mẹ này giúp con học qua trò chơi, nhận biết một cách tự nhiên, không bị gò ép trong khuôn khổ.
Theo Minh Lý/Báo Gia đình và Xã hội
Dấu hiệu bố mẹ đang làm hại tương lai của con
Không để con làm việc nhà, luôn chiều theo ý con, con khóc đòi gì được nấy, không cho con cọ xát khó khăn, chỉ cần con học tốt là được... là những dấu hiệu cho thấy bố mẹ đang làm hại tương lai của con.
Nuông chiều con là làm hại con
Nuông chiều, bao bọc, làm theo mọi ý muốn, đáp ứng mọi nhu cầu của con là làm hại tương lai con - đó là quan điểm của Sare Imas, một bà mẹ Do Thái từng sống nhiều năm ở Trung Quốc, tác giả cuốn sách "Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương".
Trong cuốn sách của mình, Sare Imas chỉ ra thực trạng nuôi dạy con ở cha mẹ hiện đại Trung Quốc, và có lẽ cũng không xa lạ với cha mẹ Việt Nam. Ngoài 8 tiếng quần quật ở công sở, cha mẹ chắt bóp hầu bao mua sữa ngoại, nhịn ăn nhịn tiêu đóng tiền học phí vào nhà trẻ tư, không khiến con động tay dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, không có kỹ năng từ chối nhu cầu vật chất của con, cha mẹ trở thành máy in tiền thực thụ. Khi con bị chèn ép, cha mẹ ngay lập tức làm máy bay trực thăng bay lượn trên đầu, quyết không để con phải chịu chút ấm ức nào. Cha mẹ trở thành nô lệ của con.
Dấu hiệu cha mẹ hại con
Sare Imas cũng thừa nhận chính mình đã từng là một bà mẹ Trung Quốc theo kiểu nô lệ cho con. Ngoài việc không thể học thay cho con, bà toàn quyền quyết định những việc còn lại của chúng, là một nồi cơm điện, máy giặt, máy rửa bát, trực thăng (luôn bay rè rè trên đầu con)... hoạt động 24 giờ mỗi ngày.
Bà mẹ Do Thái này hiểu rằng các bậc cha mẹ làm nô lệ của con đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến, nhưng thực tế, bằng cách bao bọc, làm cho con mọi thứ, họ lại tước mất quyền và cơ hội trau dồi tri thức, kỹ năng sinh tồn của con, kết quả là làm hại con.
Bằng cách chăm lo cho con "quá liều", nhiều cha mẹ Trung Quốc hiện đại đang biến con mình thành một "thế hệ ăn bám", điểm số cao năng lực thấp, có thể có tấm bằng đẹp nhưng không có kỹ năng tự lập và sinh tồn. Những đứa trẻ từ nhỏ không biết lao động, không hiểu giá trị của đồng tiền, lớn lên sẽ là những thanh thiếu niên được voi đòi tiên, ham ăn biếng làm, ăn bám bố mẹ cả đời, nguy hại cho tương lai của chúng.
Dấu hiệu cha mẹ quá bao bọc con
Theo Sare Imas, nếu bạn trả lời "đúng" cho những dấu hiệu dưới đây, cách dạy con của bạn đang có nhiều nhân tố chưa hợp lý, có nguy cơ tạo ra một "thế hệ ăn bám".
- Trước giờ con tôi chưa bao giờ làm việc nhà
- Thấy con tủi thân là tôi không chịu được
- Tôi luôn chiều theo ý con
- Tôi chưa bao giờ trách mắng con
- Con tôi là đứa hoàn hảo
- Hồi nhỏ con tôi thường khóc ầm lên đòi tôi mua đồ cho nó, tôi đành chịu
- Tôi không cho con tham gia hoạt động dã ngoại
- Tôi phản đối phương pháp giáo dục cho con cọ xát khó khăn
- Con tôi chỉ cần có thành tích học tập tốt là được rồi
- Con tôi giỏi nhất, chúng tôi đều biết điều đó
- Khi con gặp khó khăn, chúng tôi làm phụ huynh nên nhất định phải giúp con
Để không tạo ra thế hệ ăn bám
Bà mẹ Do Thái này cũng đưa ra một số gợi ý để không nuôi con thành tiến sĩ giấy, ăn bám bố mẹ:
- Con nên làm một số việc nhà, tùy theo sức của mình
- Con chịu một chút tủi thân, không có gì là không tốt
- Cha mẹ chỉ nên đáp ứng một nửa yêu cầu của con, tiếp nhận yêu cầu hợp lý, thay đổi yêu cầu bất hợp lý, thậm chí đôi khi phải từ chối
- Khi con làm sai, đó là cơ hội để cha mẹ giáo dục con
- Từ lần đầu tiên con dùng hành động khóc lóc ầm ĩ để uy hiếp cha mẹ, cha mẹ không được chiều theo ý con, bằng không con sẽ "được đằng chân, lân đằng đầu".
- Cha mẹ nên cho con cọ xát khó khăn
- Con chỉ có thành tích học tập cao chưa chắc sau này đã là người đạt được thành tựu to lớn
- Cha mẹ phải chôn chặt ý nghĩ "con là người giỏi nhất" trong lòng, đừng cho chúng nảy sinh bất kỳ ý nghĩ tự cao tự đại nào
- Khi con gặp khó khăn, cha mẹ đừng ngại để con tự giải quyết.
Theo Seatimes
5 điều không ai nói với các ông bố khi nuôi dạy con gái Cho đến tận khi con gái chào đời tôi thực sự mới hiểu thế nào là "làm cha của một bé gái" và tất cả những điều đó nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Khi sắp trở thành cha của một bé gái, không ai nói với tôi về những điều mà tôi sẽ được trải nghiệm hoặc phải đối diện. Nếu...