Bí quyết đạt điểm cao: Môn Địa lý – Tự tin nhờ kỹ năng sử dụng Atlat
Atlat Địa lý là tài liệu học tập không thể thiếu – cuốn sách giáo khoa thứ 2 – với môn Địa lý. Thành thạo kỹ năng sử dụng Atlat vô cùng quan trọng, giúp thí sinh tự tin hơn nhiều khi làm bài thi.
Học sinh Trường THCS – THPT Ban Mai (Hà Nội).
Click vào ảnh để xem nội dung
15 câu sử dụng Atlat trong đề tham khảo
Cô Bùi Thị Hậu, giáo viên Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), cho biết: Đề tham khảo môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT năm nay lựa chọn kiến thức trong chương trình Địa lý 11 và 12, loại trừ kiến thức nội dung giảm tải.
Chương trình Địa lý 11 có 2 câu hỏi về kiến thức khu vực Đông Nam Á dưới dạng thực hành kĩ năng. Kiến thức tập trung ở chương trình Địa lý lớp 12 với 48 câu hỏi, trong đó 15 câu sử dụng Atlat, 2 câu kĩ năng thực hành.
Còn lại 31 câu phân chia đều toàn bộ kiến thức: Về tự nhiên – 2 câu, dân cư – 2, kinh tế chung – 1 câu, các ngành kinh tế – 7 câu, các vùng kinh tế – 7 câu chia ra mỗi vùng 1 câu, nội dung biển đảo 2 câu.
Đồ họa: An Nhiên
Video đang HOT
Nhận định của cô Bùi Thị Hậu, đề minh họa phân hóa ở các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Số lượng câu hỏi ở cấp độ nhận biết chiếm phần lớn nhưng không quá dễ. Các câu hỏi thông hiểu cũng đòi hỏi thí sinh phải tư duy và hiểu sâu. Những câu hỏi ở mức vận dụng đòi hỏi HS không chỉ có kiến thức, biết suy luận mà còn phải vận dụng hiểu biết thực tế mới có thể làm được.
Từ những phân tích trên, cô Bùi Thị Hậu cho rằng: HS sẽ phải học tập nghiêm túc mới đạt được mức 5 – 6 điểm. Để đạt điểm 8 – 9, thí sinh phải có khả năng tư duy tốt, không chỉ có kiến thức chắc chắn mà còn cần có kinh nghiệm thực tế nhất định. Các em cần tập trung, học hiểu kiến thức thay vì học theo cách ghi nhớ máy móc.
“Dành thời gian nhất định để học cách sử dụng Atlat cũng như luyện các dạng câu hỏi phần Atlat là có thể làm tốt các dạng bài nhận biết và thông hiểu.
Để làm tốt phần vận dụng không chỉ biết tư duy liên hệ các kiến thức với nhau mà phải dành thời gian tìm hiểu các vấn đề thực tế hiện nay”, cô Bùi Thị Hậu cho hay.
Cô Bùi Thị Hậu – GV Trường THCS – THPT Ban Mai (Hà Nội). Ảnh: TG
3 bước sử dụng Atlat Địa lý
Như phân tích ở trên, đề thi tham khảo có 15 câu hỏi yêu cầu kĩ năng sử dụng Atlat, tương đương 3,75 điểm. Làm thế nào để ăn chắc phần điểm này? Gợi ý của cô Bùi Thị Hậu nêu rõ 3 bước quan trọng như sau:
Bước 1 – Hiểu về cấu trúc Atlat Địa lý Việt Nam. Cô Bùi Thị Hậu cho biết: Atlat Địa lý Việt Nam được trình bày với phần đầu là kí tự chung, giải thích các kí hiệu được sử dụng trong các trang bản đồ. Phần thứ hai là nội dung, chia theo 3 mảng kiến thức chính: Địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế – xã hội, địa lý các vùng. Mạch nội dung đi từ phần chung đến phần riêng, từ khái quát đến cụ thể phù hợp với cách sắp xếp mạch kiến thức trong sách giáo khoa Địa lý 12.
Bước 2 – Đọc kĩ yêu cầu của đề bài và gạch chân những từ ngữ quan trọng. Cụ thể: Đâu là trang Atlat cần tìm? Đối tượng, đặc điểm kèm theo của nội dung cần tìm là gì? Khu vực phân bố, vị trí thể hiện của đối tượng đó ở đâu? (nếu có).
Đồ họa: An Nhiên
Bước 3 – Nhận biết đối tượng và xác định đối tượng trên Atlat. Với bước này, cô Bùi Thị Hậu lưu ý trước tiên đến nhận biết đối tượng trên bản đồ. Theo đó, cần phải biết được kí hiệu thể hiện đối tượng đó trên bản đồ, bằng cách tìm kí hiệu trong trang bản đồ yêu cầu, hoặc trang kí tự chung ở đầu của cuốn Atlat. Tốt nhất học sinh nên sử dụng nhiều và ghi nhớ các kí hiệu để tránh bị nhầm lẫn hoặc mất thời nhiều gian tìm. Tìm vị trí của đối tượng trên bản đồ bằng cách sử dụng kết hợp các bản đồ trong một trang, hoặc bản đồ các trang Atlat khác để xác định vị trí phân bố của đối tượng. Tiếp theo là nhận biết đối tượng trên biểu đồ: Xác định biểu đồ cần tìm đối tượng; nhận biết đối tượng bằng kí hiệu thể hiện trong biểu đồ; tính toán hoặc tìm các đặc điểm biểu hiện như đề bài yêu cầu.
“Thực hiện 3 bước đơn giản trên, chắc chắn HS sẽ cảm thấy tự tin hơn với phần kĩ năng sử dụng Atlat của mình. Tuy nhiên, ngoài những câu hỏi yêu cầu sử dụng Atlat, học sinh hoàn toàn có thể sử dụng Atlat để trả lời những câu hỏi lý thuyết khác một cách dễ dàng nếu trong quá trình học tập các em biết cách sử dụng Atlat để ghi nhớ kiến thức, phát triển tư duy tổng hợp theo lãnh thổ” – cô Bùi Thị Hậu lưu ý.
Thầy Phan Ánh Quang – GV Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) nhấn mạnh: “Việc ôn tập kết hợp với sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam nhằm khắc sâu kiến thức và rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat. Ngoài ra, trong quá trình ôn tập, GV chia nội dung chương trình lớp 12 thành các chuyên đề: Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý ngành kinh tế, Địa lý vùng kinh tế. Sau mỗi đơn vị kiến thức, GV cần cho HS rèn luyện các câu hỏi trắc nghiệm theo 4 mức độ. GV cần bám sát theo dõi và đánh giá đúng năng lực từng HS. Đặc biệt, thầy cô nên biên tập đề theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT cho HS làm càng nhiều càng tốt, nhằm rèn luyện kỹ năng làm bài và ôn tập các dạng câu hỏi và bài tập”.
Cô giáo miền cao thương quý học trò, đồng nghiệp
Công tác ở một nơi sâu xa, cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh (trường THPT Hòa Bình, Chi Lăng, Lạng Sơn) không nghĩ nhiều đến khó khăn mà chỉ càng thấy mỗi ngày lại thêm thương quý học trò, đồng nghiệp.
Cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh tặng quà cho học sinh
Là người con dân tộc Nùng của vùng đất Chi Lăng, được về công tác tại trường THPT Hòa Bình từ năm 2009, cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh hạnh phúc khi được gắn bó với quê nhà. Mặc dù phải đi làm xa nhà với khoảng cách hơn 12km, nhưng với cô Hạnh thì điều đó cũng không phải vấn đề nếu so với niềm vui được dạy học, được đồng hành với các lứa đàn em.
Thực tế, trường THPT Hòa Bình là một trong những trường THPT đặt ở địa bàn khó khăn bậc nhất của tỉnh Lạng Sơn. Cách trung tâm thị trấn huyện Chi Lăng hơn 13km, giao thông chủ yếu là đường bê tông và đường đất, thầy và trò nhà trường có một sự cách biệt nhất định, thiếu nhiều tiện ích cần thiết để tiếp cận với điều kiện dạy học hiện đại.
Theo cô Hạnh cho biết, đến hơn 98% học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất là dân tộc Tày, Nùng. Do điều kiện cuộc sống còn nghèo khó, nhiều hộ gia đình chưa đủ sự quan tâm, hỗ trợ cho con em trong việc học hành. Rất nhiều em đi bộ mấy cây số đi học, về nhà là lại làm nương làm đồi hộ bố mẹ.
Như nhìn nhận của cô Hạnh, cũng vì môi trường và điều kiện miền núi, học sinh nhà trường khá yếu về hiểu biết xã hội, kĩ năng sống. Để khắc phục điều này, bản thân cô Hạnh thường phải lồng ghép các nội dung giáo dục kĩ năng vào các hoạt động như giờ sinh hoạt, giờ học môn Địa lý, các hoạt động tập thể của Chi Đoàn thanh niên, chuyên đề ngoại khóa...
Trăn trở về học trò của mình, cô Hạnh nhấn mạnh: "Điều mà bản thân tôi luôn mong muốn và quan tâm nhất là hs của chúng tôi sẽ trở thành những con người "giàu có" về ý chí và nghị lực, bởi vì khi chúng ta không chùn bước thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, tôi mong các em sẽ luôn thành công trong cuộc sống.
Nhiều lúc nhìn các em thương lắm, chúng tôi cứ phải bảo từng li từng tí. Từ việc đi đường thế nào cho an toàn, giao tiếp trò chuyện sao cho đúng cho hay..., các cô đều phải sát sao chỉ bảo. Lo nhất là làm sao để các em có những kĩ năng cần thiết để chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành. Các em rất tình cảm, nghe lời thầy cô, nên chúng tôi rất vui" - cô Hạnh bày tỏ.
Cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh (áo trắng) và đồng nghiệp cùng trường Nguyễn Thị Lệ - nhân vật trong bài viết về tấm gương nhà giáo tâm huyết sáng tạo
Thương quý học trò bao nhiêu, cô Hạnh lại càng thấu hiểu và trân trọng sự nỗ lực của đồng nghiệp trong trường bấy nhiêu. Các thầy cô giáo ở đây cùng lúc gánh nhiều "vai", không chỉ lo việc lên lớp giảng dạy, mà còn thường xuyên phải đến tận nhà để "kéo" các em quay trở lại trường học tập. Truyền đạt kiến thức để các em ở đây học tốt dần lên đã là một cái khó, thì việc trao đổi thuyết phục với gia đình để các em quay lại trường học còn khó hơn.
Bản thân là người dân tộc thiểu số, là người con bản địa, tự thấy mình có thể "quen" với những thiệt thòi vất vả nơi đây, cô Hạnh dành nhiều sự trân trọng, nể phục cho những đồng nghiệp của mình, nhất là những giáo viên trẻ, những giáo viên từ miền xuôi lên và gắn bó lâu dài. Chính vì vậy, những "tấm gương" trong tâm trí cô Hạnh không phải một nhà giáo ở đâu xa vời, mà chính là những đồng nghiệp cùng trường vẫn sống và làm việc ở ngay bên cạnh mình hằng ngày.
"Các đồng nghiệp của tôi cứ lặng lẽ, miệt mài, gắn bó, hỗ trợ nhau. Trân trọng lắm. Khi chia sẻ với học sinh, bao giờ tôi cùng nói về những câu chuyện của chính các thầy cô giáo hằng ngày đang dạy dỗ các em, lấy đó làm tấm gương để lan tỏa một cách vừa tự nhiên, vừa thuyết phục trong suy nghĩ của học trò. Chẳng có gì ý nghĩa bằng những việc làm, những con người tốt đẹp ngay bên cạnh mình" - cô Hạnh bày tỏ.
Cũng từ tình cảm sâu sắc ấy, trong cuộc thi viết về những tấm gương nhà giáo tâm huyết sáng tạo, cô Hạnh đã chọn nhân vật cho bài viết của mình là đồng nghiệp cùng trường - cô giáo Nguyễn Thị Lệ, một giáo viên từ miền xuôi lên và gắn bó luôn với mảnh đất miền cao này.
"Ấn tượng lớn nhất của tôi về cô Lệ - đó là một cô gái nhỏ nhắn nhưng rất mạnh mẽ và nghị lực. Cô ở miền xuôi nhưng đã nguyện cống hiến tuổi trẻ của mình cho ngành giáo dục miền núi, đặc biệt là ngôi trường còn nhiều khó khăn như trường THPT Hòa Bình mà chúng tôi đang công tác" - cô Hạnh chia sẻ về nhân vật mà mình yêu quý, ngưỡng mộ.
Dành tất cả sự trân trọng, thương quý cho đồng nghiệp, cô Hạnh luôn lấy họ làm tấm gương để bản thân tiếp tục tự trau dồi, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ vừa "dạy chữ" vừa "dạy người" của mình.
"Cô Hạnh là một giáo viên lúc nào cũng say sưa tìm tòi trong chuyên môn, lo lắng và trách nhiệm với các học trò, gắn bó và tận tình với đồng nghiệp. Việc cô Hạnh viết về tấm gương giáo viên trong chính ngôi trường mình đang công tác càng lan tỏa một cách thiết thực những câu chuyện ý nghĩa cho học trò"
Cô giáo Bế Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng trường THPT Hòa Bình, Chi Lăng, Lạng Sơn
Chàng trai miền núi đoạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Địa lý Đầu năm 2020, ngành GD-ĐT Thanh Hóa đón nhận tin vui khi 56 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2020 - 2021. Trong đó, em Lê Đức Chung - học sinh Trường THPT Cẩm Thủy 1, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa xuất sắc đoạt giải Nhì môn Địa lý. Sinh ra...