Bí kíp giữ phổi luôn khỏe mạnh
Nếu bạn chăm sóc hai lá phổi tốt, chúng có thể hoạt động bền bỉ đến suốt đời và khả năng bị ốm đau của bạn sẽ giảm đi rất nhiều.
Ảnh minh họa: Internet
Phổi khỏe – nhờ nói không với thuốc lá
Hút thuốc lá là một thói quen xấu, gây tổn thương lâu dài cho phổi. Càng hút nhiều thuốc lá thì nguy cơ bị ung thư phổi và phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) càng cao. Ngoài ra, hút thuốc còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh khi họ phải “hút thuốc thụ động”.
Phổi khỏe – do giữ trong lành môi trường sống
Các chuyên gia môi trường khuyên, mỗi gia đình nên loại bỏ nguồn gây ô nhiễm, cải thiện mức độ thông thoáng trong nhà và sử dụng thiết bị lọc không khí.
Bên cạnh đó, giữ môi trường trong sạch cũng là việc chung của thế giới, do đó việc sử dụng tiết kiệm điện, hạn chế đốt rác… cũng nên được lưu tâm.Không khí ô nhiễm không chỉ khiến cho các bệnh như COPD hay hen trở nên nghiêm trọng, mà còn có nguy cơ gây ra tử vong.
Do đó, bạn nên tránh càng xa môi trường ô nhiễm càng tốt, vì khói và bụi là nguyên nhân khiến phổi rất dễ bị tổn hại. Không chỉ môi trường bên ngoài, môi trường sống bên trong nhà cũng rất cần được lưu ý.
Phổi khỏe – nhờ ăn uống lành mạnh
Video đang HOT
Một chế độ ăn uống lành mạnh là rất cần thiết.Các loại thức ăn có chứa nhiều chất oxy hóa được chứng minh là rất tốt cho phổi và sức khỏe. Theo một nghiên cứu năm 2010, người ăn nhiều rau họ cải như cải xanh, bông cải xanh, cải bắp, cải thìa… giảm gần1/2 nguy cơ mắc ung thư phổi so với những người ít ăn những loại cải này. Cùng với vitamin A, C và E thì vitamin D là một chất rất quan trọng trong việc giúp cho phổi hoạt động tốt hơn.
5 loại thực phẩm được đánh giá tốt nhất cho phổi là: tỏi, nước ép cà chua, táo, cá và các loại rau giàu vitamin A, E, D. Hãy bổ sung vào thực đơn của bạn thật nhiều rau xanh và những loại trái cây có màu sáng để nạp các dưỡng chất mà cơ thể cần.
Tập thể dục nhiều hơn
Thể dục thường xuyên rất tốt cho hoạt động hô hấp, đặc biệt giúp phổi dễ dàng hơn trong việc cung cấp ôxy cho tim và hệ cơ. Đối với những người bị bệnh phổi mãn tính, tập luyện đều đặn rất quan trọng trong quá trình điều trị và cuộc sống.
Sử dụng bảo hộ lao động
Một số nghề nghiệp có khả năng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi như xây dựng, tạo mẫu tóc… do các tác nhân như bụi, tinh dầu nguyệt quế, thuốc nhuộm, khí thải từ động cơ diesel. Do vậy, cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động nếu bạn phải làm những công việc có nhiều nguy cơ gây tổn hại cho phổi.
Tiêm vaccine phòng cúm
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây ảnh hưởng nặng nếu bạn bị COPD hoặc các bệnh phổi khác. Cần tiêm vaccine phòng cúm vào mùa lạnh. Những người trên 65 tuổi nên tiêm thêm vaccine ngừa phế cầu khuẩn. Thêm nữa, để tránh nhiễm trùng phổi, chúng ta nên: rửa tay thường xuyên, tránh chỗ đông người vào cao điểm của mùa cúm, nghỉ ngơi đủ, ăn uống hợp lý và tránh để tinh thần bị căng thẳng.
Nếu bạn bị ho nhiều hơn 1 tháng hoặc cảm thấy khó thở thì hãy đến gặp bác sĩ. Thở khò khè, ho ra máu, hoặc ho có đờm từ 1 tháng trở lên là những dấu hiệu cần khám bệnh và nếu bạn bị đau ngực, đặc biệt tình trạng đau ngực trầm trọng hơn khi hít thở hoặc khi ho thì cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Theo SKGD
4 biện pháp phòng cảm cúm trong thời tiết nóng nực
Cúm thường gây ra những biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Trong điều kiện thời tiết nóng nực như hiện nay, bệnh cúm lại càng dễ phát tác. "Phòng bệnh từ xa" là biện pháp rất cần thiết.
Ảnh minh họa
Sự nguy hiểm của cúm
Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời thiết mùa hè thường khô, nóng, hạn hán làm cạn kiệt các nguồn nước, tạo điều kiện cho nhiều loại vi trùng, ký sinh trùng phát triển nhanh. Trong khi đó thời tiết nóng nực làm con người ăn, ngủ kém, ra nhiều mồ hôi làm mất nước, sự thải thân nhiệt khó khăn làm suy giảm sức đề kháng cơ thể. Do vậy, đây là thời điểm dễ nhiễm nhiều loại bệnh nhất, đặc biệt là nhiễm cúm.
Cúm là một dạng suy hô hấp cấp tính do virus cúm mùa hay cúm gia cầm gây ra. Cúm thường có những triệu chứng như sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau mỏi, suy kiệt cơ thể. Cúm có thể kéo dài nhiều ngày, có khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi suy hô hấp cấp gây tử vong trong thời gian ngắn, nhất là cúm do các chủng virus A/H5N1, H7N9 gây nên.
Virus cúm có tính chất dễ biến đổi nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus cúm mới, thoát khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay và diễn biến khó lường của các chủng virus cúm, việc "phòng bệnh từ xa" là biện pháp hết sức cần thiết.
Bốn biện pháp phòng cúm
Theo BS Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, để phòng chống cúm, mọi người cần thực hiện những biện pháp sau:
1. Tiêm vaccine phòng cúm:
Chủ động tiêm vaccine phòng cúm, nhất là với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính, người dễ tiếp xúc với nguồn bệnh (sống ở nơi đông đúc, trong vùng có dịch và đang chăm sóc người bệnh).
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống bệnh cúm A/H7N9 và H5N1 ở người bằng các biện pháp: Thường xuyên rửa tay với xà phòng; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương.
2. Nâng sức đề kháng của cơ thể:
Chế độ ăn uống phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa cần tăng cường các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin C, sữa chua. Uống đủ nước, người lớn ít nhất hơn 2 lít/ngày, trẻ em ngoài sữa nên bổ sung thêm nước cam vắt, nước chanh. Hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai, nhất là loại nước có gas.
3. Đảm bảo không khí thoáng mát, sạch sẽ trong nhà:
Dọn nhà cửa thông thoáng để làm giảm độ nóng và thanh thải mầm bệnh trong không khí. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ quạt, máy điều hòa nhiệt độ. Những lúc trời mát nên mở cửa phòng, bật quạt cho thoáng. Không nên quá lạm dụng điều hòa, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ. Vì điều hòa có thể khiến niêm mạc mũi của trẻ bị khô, niêm mạc mũi của trẻ lại rất nhạy cảm nên rất dễ bị các loại virus cúm xâm nhập. Do vậy cần lưu ý duy trì độ ẩm trong nhà ở 60%. Ngoài ra, không khí bẩn sẽ kích thích niêm mạc, điều này gây ra do việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ thường xuyên. Mỗi ngày ít nhất một lần cửa sổ phải được mở từ 30 phút đến 1 tiếng để lưu thông không khí.
4. Vận động, hít thở không khí ngoài trời vào sáng sớm và buổi tối:
Đi bộ, tập thể dục vào buổi sáng sớm rất tốt cho cơ thể. Đối với trẻ em, bố mẹ nên cho trẻ đi ngủ sớm, sáng dậy sớm để trẻ có thể được hít thở không khí trong lành vào khoảng thời gian này. Sáng sớm với nắng nhẹ hoặc buổi chiều ít gió, bố mẹ nên cho trẻ ra ngoài trời để hít thở. Không khí trong lành và những hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng với môi trường bên ngoài hơn. Tuy nhiên hạn chế tụ tập nơi công cộng, đặc biệt là với trẻ nhỏ để tránh lây nhiễm cúm.
Theo Giadinh
Mối luẩn quẩn tơ vò stress và mất ngủ Lối sống công nghiệp trong một xã hội phức tạp và luôn biến động ngày nay khiến nhiều người luôn trong trạng thái stress, căng thẳng thần kinh. Tình trạng này không từ một ai, độ tuổi hay lĩnh vực nào. Đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những rối loạn về giấc ngủ, hệ thần kinh và những căn bệnh nguy...