Bếp điện từ, bếp hồng ngoại: Đừng ham của rẻ
Bếp giá rẻ hầu hết là hàng Trung Quốc, chất lượng không bảo đảm
Trong một lần đi siêu thị được nhân viên bán hàng tư vấn nấu ăn bằng bếp điện từ (bếp từ) sẽ giúp món ăn ngon hơn, bà Trương Thúy Minh – ngụ quận 7, TP HCM – quyết định mua bếp. “Người bán nói bếp từ an toàn tuyệt đối vì chỉ nóng khi tiếp xúc với nồi bằng vật liệu nhiễm từ nên khi nấu xong, tôi chủ quan làm vệ sinh bếp và bị phỏng tay. Sợ quá, tôi dẹp luôn” – bà Minh kể. Bà Minh là một trong số khá nhiều người nội trợ từng bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện rồi quay trở về bếp gas vì nhiều lý do. Trong đó, giá điện tăng cao cũng góp phần làm nhiều người quay lại dùng bếp gas.
Bếp từ, bếp hồng ngoại giá càng rẻ càng dễ hư hỏng
So với vài năm trước, giá bếp hồng ngoại, bếp từ đã rẻ hơn rất nhiều. Giá bếp từ, bếp hồng ngoại loại 1 có thương hiệu trong nước hoặc khu vực ASEAN và Trung Quốc từ 600.000 đồng cho đến gần 2 triệu đồng; bếp đôi loại thông thường có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Bếp xuất xứ châu Âu có giá khá cao: bếp đôi điện từ Apex xuất xứ Ý gần 17 triệu đồng, bếp hồng ngoại Amica xuất xứ Ba Lan 12,5 triệu đồng, bếp Steiger xuất xứ Đức 19,5 triệu đồng.
Ngoài ra, trên thị trường còn nhiều loại bếp từ hoặc hồng ngoại có giá bán rất rẻ, chỉ hơn 200.000 đồng đến 350.000 đồng. Những bếp này mang thương hiệu lạ, nguồn gốc không rõ ràng nhưng được quảng cáo phóng đại để bán hàng. Chẳng hạn, bếp từ, bếp hồng ngoại thương hiệu G. giới thiệu sử dụng mặt kiếng cường lực, chịu nhiệt tốt, hệ thống kiểm soát nhiệt chính xác và có gần 10 chế độ nấu, tiết kiệm điện tối đa (nhưng không cung cấp thông số cụ thể). Bếp thương hiệu N. có công suất lên đến 2.000 W, màn hình led, đa chức năng nấu, hẹn giờ, khóa an toàn. Bếp C còn có cả chức năng nhận diện kích cỡ xoong nồi, phím cảm ứng siêu nhạy, bảo vệ quá nhiệt, tự động tắt sau 2 giờ nếu bị bỏ quên…
Video đang HOT
Theo kỹ sư Tống Kim Ty, những loại bếp giá rẻ này hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó bao gồm hàng nhập tiểu ngạch nên chất lượng rất tệ và mau hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Quan trọng hơn, do sử dụng linh kiện chất lượng kém, không đúng kỹ thuật nên dễ bị rò rỉ điện, hư mạch điện điều khiển hoặc dây dẫn bị quá tải dẫn đến nóng chảy, chạm mạch gây hư hỏng và mất an toàn cho người sử dụng. Ông Lê Hữu Thái – chuyên sửa chữa bếp từ, bếp hồng ngoại khu vực chợ Nhật Tảo, TP HCM – cho biết bếp “dỏm” thường ghi công suất rất cao lên đến 2.000 W, đó chỉ là thông số ảo, chỉ khoảng 1.500 W trở xuống nên thời gian nấu nướng kéo dài, gây hao điện (hàng tốt phải có công suất từ 1.800 W trở lên).
Kỹ sư Tống Kim Ty lưu ý người dùng khi chọn mua bếp từ hay hồng ngoại nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như mục đích sử dụng. Nồi bằng thủy tinh, nồi nhôm, nồi đất sẽ không sử dụng được cho bếp từ; còn bếp hồng ngoại sử dụng được cho tất cả các loại nồi.
Theo Người Lao Động
Bỏ túi ngay những mẹo đơn giản để sử dụng bếp hồng ngoại siêu an toàn, tiết kiệm
Hiện nay, rất nhiều bà nội trợ tin dùng bếp hồng ngoại thay vì bếp từ hay bếp gas bởi các ưu điểm như an toàn, không kén nồi, dễ vệ sinh, nhỏ gọn, giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng bếp hồng ngoại để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện nhất.
Bếp hồng ngoại là loại bếp hoạt động bằng nguồn điện, bề mặt bếp hoàn toàn phẳng, dùng điện tạo ra bức xạ nhiệt làm nóng bề mặt bếp. Bất cứ loại nồi nào để lên mặt bếp cũng sẽ được làm nóng theo (giống như bếp gas) nhưng bếp hồng ngoại không sinh ra ngọn lửa, cho phép nướng đồ ăn trực tiếp trên bề mặt bếp, hiệu suất cao hơn bếp gas. Bên cạnh đó, bếp hồng ngoại còn có ưu điểm nữa là dễ dàng vệ sinh và lau chùi mặt bếp.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều dòng bếp hồng ngoại của nhiều hãng khác nhau như Sanaky, Midea, Kangaroo, Whirlpool, Comet, Magic, Sunhouse, Iruka, Aqua, Wellchi... Nhìn chung, giá một chiếc bếp có thể sử dụng được từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng, tùy vào chức năng và nhà sản xuất mà mức giá sẽ tăng dần lên. Đối với dòng bếp cao cấp, giá có thể lên tới trên 20 triệu đồng.
Nếu nhìn bề ngoài, người dùng rất dễ nhầm lẫn bếp từ và bếp hồng ngoại vì đều được cấu tạo bởi mặt kính ceramic chịu nhiệt, có độ bền cao. Tuy nhiên, khi sử dụng, bếp hồng ngoại khi bật lên sẽ xuất hiện ánh sáng màu đỏ hồng trên bề mặt bếp, rất nóng, có thể gây bỏng cho người dùng nếu ở gần, còn bếp điện từ thì không đổi màu sắc.
Bếp hồng ngoại khi sử dụng sẽ xuất hiện ánh sáng màu đỏ hồng trên bề mặt.
Bên cạnh các ưu điểm trên, bếp hồng ngoại tồn tại một số nhược điểm như trong quá trình đun nấu sẽ sinh ra nhiệt; hiệu suất đun nấu chậm, chỉ đạt 65%, thấp hơn hẳn so với bếp điện từ (90%). Ngoài ra, việc sử dụng bếp không đúng cách sẽ làm mất an toàn cho người dùng và giảm tuổi thọ của bếp.
Trao đổi với anh Trần Kiên, chủ cửa hàng kinh doanh các loại bếp gas, từ, hồng ngoại trên đường Mỹ Đình (Hà Nội), anh cho biết, bếp hồng ngoại có nhiều ưu điểm như tiện lợi, không kén vật liệu nồi như bếp từ, an toàn hơn bếp gas. Tuy nhiên, nếu người dùng chú ý sử dụng đúng cách sẽ giữ bếp bền, an toàn và tiết kiệm điện nhất có thể.
Theo đó, anh Kiên lưu ý người dùng không được chạm vào mặt bếp khi đang đun nấu, bởi nhiệt độ trên bề mặt bếp lúc này là rất cao, dễ khiến chị em bị bỏng nặng. Bên cạnh đó, không nên dùng chung ổ cắm điện bếp hồng ngoại với các thiết bị khác. Bởi bếp hồng ngoại có công suất lớn từ 200W tới 2.000W, nếu dùng chung ổ cắm với các loại thiết bị điện tử khác (tivi, tủ lạnh, điều hòa) sẽ làm cho nguồn điện bị quá tải và dẫn đến chập mạch. Vì vậy, khi lắp đặt, gia đình cần lưu ý lựa chọn loại bếp phù hợp với nguồn điện của gia đình, có thể lắp thêm ổn áp để ổn định dòng điện.
Sau khi sử dụng nên tắt bằng nút "OFF" chứ không nên rút dây nguồn điện.
Ngoài ra, anh Kiên khuyến cáo không nên để bếp hồng ngoại tiếp xúc với nước, bởi bếp hồng ngoại sử dụng cảm ứng hiện đại, nếu tiếp xúc quá nhiều với nước sẽ làm cho bếp bị lỗi và tỏa nhiệt kém hơn. Trường hợp nghiêm trọng, bếp sẽ bị hỏng, hình thành những kẽ hở gây giật điện. Nếu đáy nồi nấu bị ướt, người dùng nên lau khô rồi mới đặt lên bếp.
Một điểm đặc biệt quan trọng nữa anh Kiên lưu ý chị em nội trợ là không đặt bếp hồng ngoại gần với các thiết bị điện tử khác và vị trí đặt phải thật thông thoáng. Do khi nấu nướng, bếp tỏa nhiệt độ cao khiến cho các thiết bị lân cận cũng bị ảnh hưởng, có thể làm giảm tuổi thọ hoặc gây mất an toàn cháy nổ.
Anh Kiên cho biết thêm, nhiều người cho rằng rút dây nguồn ngay sau khi sử dụng để tiết kiệm điện nhưng đó lại là điều phá hỏng bếp nhanh nhất. Thực tế khi nấu nướng xong, nhiệt độ bếp vẫn đang ở mức rất cao, khi đó người dùng rút dây nguồn ngay sẽ chặn đứng quá trình tản nhiệt của quạt gió của bếp. Quạt gió này bắt đầu hoạt động từ khi bật bếp và tiếp tục hoạt động thêm khoảng 30 giây đến 1 phút để làm mát các linh kiện điện tử bên trong và mặt kính của bếp sau khi tắt bếp.
Chính vì vậy, sau khi nấu xong, nếu người dùng rút ngay phích cắm điện của bếp ra khỏi nguồn điện sẽ khiến tuổi thọ của bếp giảm, linh kiện bên trong bếp sẽ không được làm mát và mặt kính của bếp dễ rạn nứt. Do đó, sau khi sử dụng, người dùng nên ấn nút "OFF" để tắt bếp, đợi khoảng 30 phút mới rút nguồn điện. Ngoài ra, người dùng cũng không nên nấu ở nhiệt độ cao quá lâu. Sau khi nấu xong một món ở nhiệt độ cao, cần tắt để bếp nghỉ một chút rồi tiếp tục nấu món khác.
Theo 24h
Bật mí kinh nghiệm mua bếp điện từ chất lượng Bếp điện từ ngày càng được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại nhờ sự tiện lợi mà nó đem lại. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại bếp điện từ khiến nhiều gia đình băn khoăn không biết nên lựa chọn loại nào. Bếp điện từ ngày càng được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại nhờ sự tiện lợi mà...