Bệnh từ thể dục mà ra
Không phải lúc nào cũng có thể tập thể dục, hay bất cứ ai cũng có thể tập những môn, những động tác mà mình muốn vì nó có thể mang lại tác dụng ngược đối với sức khoẻ.
Bệnh từ thể dục mà ra
Anh Nguyễn Trọng Hiếu (Xuân La, Hà Nội) mới trở lại chơi tennis sau khi bỏ môn thể thao này đến hơn một năm. Mỗi tuần chơi đều đặn 2 buổi, mà buổi nào anh cũng tích cực “đánh” đến 2 tiếng đồng hồ với mục đích để cho cơ thể được hoạt động tối đa, bù lại những lúc ít vận động hàng ngày.
Thế nhưng hậu quả là sau vài tuần tập luyện, anh Hiếu phải đi khám và điều trị bệnh viêm khớp khuỷu. Đáng chú ý là nguy cơ chấn thương và đau các khớp càng cao hơn đối với người béo phì. Bởi bộ xương luôn phải chịu áp lực rất lớn từ trọng lượng cơ thể, khi vận động không đúng cách sẽ rất dễ bị tổn thương.
Cũng có rất nhiều người cao tuổi phải đi bệnh viện cấp cứu do ra ngoài trời lạnh để tập thể dục mà không mặc đủ ấm. Từ trong nhà bước ra, gặp lạnh đột ngột, các mạch máu co lại sẽ khiến áp suất máu tăng, nếu quá cao có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.
Video đang HOT
Khi thấy mệt, quá sức nên nghỉ, không nhất thiết phải cố gắng để đạt “định mức”
Người lớn tuổi có bệnh tim mạch càng phải đặc biệt cẩn thận vì dễ bị ngất, ngã hay đột quỵ nếu vận động liên tục, quá sức. Tuy nhiên, ngay cả những người không có bệnh cũng có nguy cơ gặp các tai biến này.
Chẳng hạn, tập từ sáng sớm khi quá đói có thể dẫn đến hạ đường huyết, tập vào lúc nắng gắt, hoặc do tình trạng sức khoẻ ngày hôm đó không được sung mãn cũng có thể dẫn đến mỏi mệt, căng thẳng, stress và bị thương.
Các chuyên gia y tế cũng đều khuyên không nên tập luyện ngay sau khi ăn, dù là những vận động nhẹ nhàng như đi bộ, vì lúc đó máu trong cơ thể được tập trung vào dạ dày để xử lý thức ăn.
Nếu luyện tập, máu sẽ phải phân tán cho hệ vận động và cản trở quá trình tiêu hóa, lâu dần sẽ gây tổn thương hệ cơ quan này. Việc vận động mạnh khi dạ dày còn đầy cũng có thể dẫn đến viêm, sa dạ dày.
Trước khi tập nên chọn những môn phù hợp với sở thích và sức khoẻ để có thể duy trì chế độ luyện tập được lâu. Khi bắt đầu, nên tập nhẹ nhàng, vừa sức và tăng dần cường độ theo yêu cầu của cơ thể.
Với người có bệnh khi bắt đầu tập, chỉ nên tập nhẹ nhàng trong vòng 10 – 15 phút, với 2 hoặc 3 lần/tuần để tim mạch và cơ bắp thích ứng dần. Nửa tiếng đến một tiếng là thời gian lý tưởng cho mỗi ngày đối với người bình thường.
Bạn nên tính toán thời gian và công việc, chọn buổi sáng hoặc chiều để có được lịch luyện tập đều đặn là tốt nhất. Tuy nhiên, hãy chú ý lắng nghe cơ thể bạn và chỉ tập vào những lúc cảm thấy khoẻ khoắn nhất.
Chẳng hạn nếu bạn thường dậy sớm và tập buổi sáng, nhưng những ngày mệt mỏi, không dậy sớm được, có thể tập chiều. Khi thấy mệt, quá sức nên nghỉ, không nhất thiết phải cố gắng để đạt “định mức”.
Bất cứ một bài thể dục nào cũng phải tiến hành khởi động trước khi tập luyện để cơ thể thích nghi với trạng thái vận động. Hít thở sâu, kéo căng và thả lỏng các cơ. Nếu bài tập làm bạn đau hoặc không thoải mái thì nên giảm dần tốc độ và dừng lại, vì đấy có thể là dấu hiệu quá sức đối với bạn.
Sau khi tập không nên ngồi hay nằm xuống nghỉ một cách đột ngột mà hãy đi lại nhẹ nhàng đưa cơ thể trở về trạng thái thả lỏng. Không nên tắm ngay, không nên ăn ngay.
Với những người có bệnh lý về tim mạch và chuyển hóa như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì… nên tham vấn bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp, bởi việc tập luyện đúng cách sẽ giúp cải thiện bệnh lý của họ, nhưng nếu ngược lại có thể dẫn đến những hậu quả tai hại, khó lường.
Theo BS Đào Bá Vy
Bee