Bệnh nhân tiện khám, bác sĩ tiện phán
Em đã có chồng và chưa có con. Một lần em đi bác sĩ trị mụn, sẵn khám phụ khoa (trời, sao lại trị mụn mà sẵn khám phụ khoa là sao?).
nguyenthi@…. Dù em dặn đừng trả lời trên báo nhưng đọc xong thư em, tôi thấy chóng mặt, phải trả lời ngay để nhiều người rút kinh nghiệm. Em thứ lỗi cho vậy nhé.
Mấy tháng nay em rất hoang mang, lo sợ. Sự việc của em là như vầy: Em đã có chồng và chưa có con. Một lần em đi bác sĩ trị mụn, sẵn khám phụ khoa (trời, sao lại trị mụn mà sẵn khám phụ khoa là sao?), không ngờ (khám thì phải ra bệnh chớ sao lại không ngờ?) bác sĩ nói em bị bệnh mào gà và cổ tử cung gì đó. Em có hỏi CTC nghĩa là gì thì không được bác sĩ giải thích (CTC là viết tắt cổ tử cung rồi còn giải thích gì nữa! bác sĩ chắc nghĩ vậy). Bác sĩ hẹn em mỗi tuần đi chấm thuốc gì đó một lần (cổ tử cung gì đó, chấm thuốc gì đó…, “gì đó” hoài vậy!).
Tuần sau em xuống khám để chấm thuốc tiếp thì gặp bác sĩ khác, người này nói em hết bệnh rồi, tuần sau xuống tái khám (bệnh mào gà có thể tự khỏi, nhưng dễ tái phát, phải chữa cả hai vợ chồng, bác sĩ quên nói vì tưởng bệnh nhân… biết rồi!). Tuần sau nữa em xuống tái khám, gặp bác sĩ khác thì lại nói em bị mào gà, cổ tử cung gì đó, tuần sau xuống chấm thuốc tiếp… (kinh nghiệm: chỉ nên khám và theo dõi bởi một bác sĩ!). Tuần sau em xuống tái khám để chấm thuốc thì bác sĩ khám cho em lại nói em hết bị mào gà (thấy chưa) cho thuốc uống, hẹn tuần sau tái khám.
Đến hẹn lại lên, em đi tái khám và lần này lại bị bác sĩ phán em bị mào gà, bức xúc quá (bức xúc là phải) em vạch sổ khám bệnh ra hỏi: sao lúc bệnh lúc không là sao, kỳ vậy? Em được cô y tá giải thích là bệnh này có thể tái đi tái lại (may có cô y tá). Lúc đó em hoang mang và lo lắng quá, chồng em bèn chở em qua một bệnh viện phụ khoa khám lại xem kết quả như thế nào, có giống ở bên đây không (bây giờ mới biết nên khám phụ khoa ư?). Khi đến đây khám bác sĩ bảo em là bình thường! (nghe bình thường không tin).
Chưa yên tâm lắm với kết quả này nên em lại đến một bệnh viện phụ khoa khác để khám ngoài giờ (phải có bệnh gì đó mới chịu ư?). Khi khám ở đây, em có nói rõ với bác sĩ về kết quả khám ở các nơi trước để nhờ bác sĩ khám kỹ giúp, bác sĩ nói em bình thường và sẽ làm PAP cho em (PAP là xét nghiệm phết tế bào âm đạo), tuần sau em xuống lấy kết quả thì bác sĩ nói kết quả hơi bất thường nên bảo em làm sinh thiết (chữ “hơi” này làm khổ nhiều người!). Lần này, bác sĩ cho em làm thêm xét nghiệm phẳng gì đó (lại gì đó!) em cũng không rõ nữa.
Cách đây hai tuần em lấy kết quả thì thấy ghi là dương tính HPV. Cô y tá nói em bị HPV rồi, hỏi em có tiền không nếu có sẽ cho em làm tiếp xét nghiệm, và một tháng sau mới có kết quả, định dạng xong sẽ chữa. (HPV là chữ viết tắt của Human Papilloma Virus = Virus gây u nhú (mào gà) ở người. Có hàng trăm loại HPV, có thứ hiền thứ dữ. Khoảng 20% nữ giới bình thường có nhiễm HPV, bệnh tự khỏi, không cần chữa trị. Nếu xét nghiệm thấy có HPV thứ dữ, là loại 16,18 thì sẽ được bác sĩ theo dõi vì có khả năng gây ung thư cổ tử cung về sau).
Nghe vậy chồng em lo quá và lại đưa em đến một bệnh viện quốc tế để khám, ở đây người ta cũng nội soi và sinh thiết… bảo em cần phải đốt điện nếu không về sau có thể bị ung thư (lòng vòng khắp các bệnh viện quốc nội và quốc tế, gặp khắp các bác sĩ).
Hiện giờ em thấy mình có thêm nhiều thứ bệnh nữa (…) mà trước đây em chưa hề bị (có thể nhiễm trùng bệnh viện, và một số trường hợp… mắc thêm bệnh tâm thần vì quá lo âu và sợ hãi!).
Kinh nghiệm cần rút ra: nên có một bác sĩ “riêng”, bác sĩ tổng quát, sẽ hướng dẫn ta khi ta cần khám chuyên khoa. Đó là lý do tại sao các nước phát triển, y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao lại có hệ thống bác sĩ gia đình là vậy.
Theo VNE