Bệnh nhân đái tháo đường 9 tuổi
Bé N.N.T. (9 tuổi, ở Hà Nội) đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư khám bệnh sau thời gian điều trị đái tháo đường vì bất ngờ được phát hiện chỉ số đường máu lên tới gần 15mm/lít, chỉ số Hba1c là 11,7%, trong khi chỉ số này ở mức 9% bệnh nhân đã phải tiêm insulin.
Trẻ hóa
TS Nguyễn Thị Thanh Hóa, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nội tiết T.Ư, cho biết bé T. có mẹ bị đái tháo đường, trọng lượng khi sinh của bé là 4,2kg, là hai yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này. Trước khi đến bệnh viện hai tháng, cân nặng của bé ở mức 42kg, là mức khá cao so với cậu bé mới 9 tuổi. Một tháng trước khi nhập viện, bé uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhanh (một tháng sút 4kg).
Là bệnh nhân đái tháo đường, mẹ bé đã sử dụng máy đo đường huyết cá nhân để thử đường máu cho con. Bé đã được đưa ngay đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư để điều trị, rất may do đáp ứng tốt với thuốc uống, hiện lượng đường huyết của bé đã về 7mm/l và chỉ số Hba1c ở mức 9%. Tuy nhiên, bé sẽ phải điều trị suốt đời.
Bệnh đái tháo đường tại Việt Nam đang trẻ hóa. (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Theo TS Hóa, bé T. là một trong số bệnh nhân đái tháo đường type 2 trẻ tuổi ở VN cho đến nay. Nói là một số nhưng trước bé T. chỉ có một bệnh nhân là trẻ em (8 tuổi) được phát hiện mắc đái tháo đường type 2, nhưng ở thể khác với bé T. là thể kháng insulin. Hiện tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng điều trị cho một bệnh nhân đặc biệt, bé P.T.N., sinh năm 2008, ở Hải Phòng. Bé N. nhập viện điều trị một tháng trước đây sau khi có hàng loạt biểu hiện của bệnh nhân đái tháo đường.
Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện chỉ số đường máu của bé là 9,8mm/lít và Hba1c là 8,7%, tuy nhiên điều lạ là chưa xác định được rõ ràng bé N. mắc đái tháo đường type 1 hay type 2, nên mẫu xét nghiệm của bé đang được chuyển đến khoa hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai, chờ chuyên gia Mỹ đến VN thăm khám và hỗ trợ.
TS Hóa cho biết trước đây do chưa định lượng được nồng độ insulin và C- peptid, bệnh nhân đái tháo đường dưới 40 tuổi được xem là đái tháo đường type 1, trên 40 tuổi là đái tháo đường type 2. Song hiện nay đã định lượng được hai chỉ số này và việc xác định type bệnh rất dễ dàng. Nhưng có một thực tế là số lượng bệnh nhân đái tháo đường type 2 ở lứa tuổi trẻ đang ngày càng gia tăng rất nhanh.
Phòng bệnh thế nào?
TS Hóa cũng nói thêm khác với những trẻ em ở nhóm có nguy cơ mắc đái tháo đường cao, như có người thân mắc bệnh, trọng lượng sơ sinh trên 4kg, trẻ mập mạp quá mức, thì bé N. có trọng lượng khi sinh chỉ 2,8kg, trước khi nhập viện bé nặng 13kg (sau khi sút 2kg trong một tháng), gia đình bé không ai mắc đái tháo đường. TS Hóa cho rằng còn có những căn nguyên do gen và các yếu tố khác.
Tuy nhiên, TS Hóa khuyến cáo rất nên quản lý thai kỳ, không để thai phát triển quá mức, trọng lượng trẻ sơ sinh từ 3,8-4kg trở lên là nguy cơ cao cả với mẹ và bé. Theo ông Anil Kupur – giám đốc Quỹ Phòng chống đái tháo đường thế giới, chỉ có 6% bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới đạt mục tiêu điều trị, do sau khi mắc bệnh họ vẫn chưa tuân thủ điều trị.
Tại VN, TS Hóa cho rằng tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường đến viện muộn, nhất là khi có biến chứng mắt, bàn chân, thận… mới đến bệnh viện rất cao. Quản lý thai kỳ, phòng bệnh sớm bằng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên… đang được coi là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Theo LAN ANH (Tuổi trẻ)
"Mọc mông" trên bụng
Một bệnh nhân tới từ Nam Phi đã khiến các bác sỹ hoảng hốt khi nhìn thấy hai khối u mỡ căng tròn trông như vòng ba xuất hiện ngay dưới rốn ông.
Người đàn ông 55 tuổi (giấu tên) cho biết ông đã tiêm insulin vào hai điểm trên vùng bụng để kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, bệnh nhân này không biết rằng, điều mà ông cần làm là đảo vị trí tiêm ở những chỗ khác nhau trên cơ thể bởi hoóc môn insulin sẽ hình thành các u mỡ mềm bên trong những lớp da.
Khối u mỡ căng tròn như vòng ba trên bụng bệnh nhân.
Vì vậy, ông vô tình khiến hai khối u mỡ trên bụng ngày một to lên. Bác sỹ Landau, tới từ Trung tâm Tiểu đường và Nội tiết tại Joannesburg, tỉnh Gauteng, Nam Phi là một trong những người tham gia điều trị cho bệnh nhân đặc biệt này, ôngnói: "Chúng tôi có một nhóm gồm 5 bác sỹ giàu kinh nghiệm và chưa ai từng gặp trường hợp nào như vậy."
Ông cũng cho biết, bệnh nhân này đã tiếp tục tiêm insulin vào bụng bởi ông ta nghĩ rằng, các khối u đó là bình thường và những người dùng insulin đều mắc phải. Bác sỹ Landau đã khuyên bệnh nhân thay đổi vị trí tiêm insulin và sử dụng một cây kim nhỏ hơn cũng như chuyển sang dùng một loại insulin khác.
Bác sỹ Landau nói thêm: "Thật đáng buồn khi những người mắc bệnh đái tháo đường đều không nhận được những tư vấn y tế về cách tiêm insulin đúng cách trước khi sử dụng."
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu. Insulin được chỉ định dùng cho bệnh nhân đái tháo đường thuộc loại 1 (thường gặp ở trẻ em và người dưới 20 tuổi) do tụy không tiết insulin.
Theo TTVN