Bé trai 2 tuổi khổng lồ ở Hòa Bình: Quá bất thường!
Các bác sỹ rất lo lắng vì bé 2 tuổi mà nặng tới 30kg. Có thể Hồng Anh bị rối loạn nội tiết hoặc rối loạn chuyển hóa khiến cháu bị béo.
Hồng Anh bên anh trai Xa Tiến Thể năm nay đã 5 tuổi nhưng nặng có 12kg (Ảnh Dương Phạm)
Cân nặng gấp đôi trẻ bình thường
Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốcgia: “Thông thường, ở lứa tuổi lên 2, các cháu bình thường có cân nặng khoảng 10-14kg”.
Nhưng cháu bé Hồng Anh hơn 2 tuổi ở Mường Chiềng lại không như vậy. Cách đây gần 1 tháng, bé đã nặng tròn 30kg.
Chị Xa Thị Thành, trạm trưởng Trạm y tế xã Mường Chiềng cho biết, chị chính là người đỡ đẻ cho cậu bé khổng lồ này. Tuy to, béo nhưng Hồng Anh vẫn khỏe mạnh, sắc diện đẹp.
Lúc sinh ra, Hồng Anh nặng 2,9kg. Tháng đầu bé tăng thêm 1,5kg, tháng thứ 2 tăng thêm 2 ký nữa, nhưng từ tháng thứ 3 thì cháu lớn nhanh như thổi. Hồi cháu tròn 5 tháng nặng đúng 15kg.
Nếu nói về gen di truyền cũng khó tin bởi cả họ hàng nội ngoại anh Xa Văn Xiềng và mẹ là chị Xa Thị Tin chẳng ai to con hay béo tốt cả. Họ đều là những người “thấp bé, nhẹ cân”.
Chị Tin sinh năm 1984, năm nay ngót 30 tuổi chỉ cao độ mét tư, nặng chưa đầy 37kg. Còn anh trai Hồng Anh là Xa Tiến Thể năm nay đã 5 tuổi nhưng cậu bé mới nặng có 12kg. Theo chị Thành, bé thể thuộc dạng còi xương, suy dinh dưỡng.
Nhà nghèo, cậu bé Xa Hồng Anh chưa từng biết hộp sữa tươi là gì. Bé Hồng Anh chỉ trông vào nguồn sữa mẹ. Đến tháng thứ 4, mẹ đã phải nấu bột và cháo loãng cho bé ăn. Đến tháng thứ 6 bé Hồng Anh đã “xơi” cơm như những đứa trẻ lớn tuổi.
Theo nhà báo Phạm Ngọc Dương, người gặp gỡ cậu bé này đầu tiên thì: Hồng Anh khá xinh xắn, trắng trẻo, dù mới mọc vài răng cửa, nhưng bé có thể ăn 2-3 bát cơm đầy chan mắm mỗi bữa. Bé chỉ nhai nhệu nhạo vài cái là nuốt. Bé ăn chưa bao giờ biết no. Vợ chồng chị Tin không dám cho bé ăn nhiều.
Lo lắng cho sức khỏe con, vợ chồng chị Tin đã đưa bé xuống Bệnh viện đa khoa Hòa Bình để bác sĩ thăm khám. Tuy nhiên, thăm khám, xét nghiệm các kiểu, mà các bác sĩ không tìm ra bệnh gì.
Mẹ cháu cho biết: Từ ngày sinh ra đến giờ, cháu cứ lớn như cây như cỏ, chẳng ốm đau bao giờ. Chị cũng chưa từng tốn viên thuốc nào.
Video đang HOT
“Với trường hợp cháu bé này để có kết luận chính xác cần phải kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân. Nếu do nội tiết có vấn đề phải uống thuốc để điều trị tận gốc. Còn nếu chỉ béo do thừa dinh dưỡng nạp vào cơ thể cần điều chỉnh và kiểm soát chế độ ăn”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia.
Cân nặng không bình thường có thể do bệnh lý
Trao đổi với PV VTC News, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Với trường hợp của cháu bé tại Hòa Bình này có thể coi là béo phì. Nguyên nhân có thể do mất cân bằng dinh dưỡng do ăn quá nhiều cơm. Ngoài chất bột, bản thân trong cơm cũng có đạm. Tuy nhiên, với một cháu bé 2 tuổi mà có cân nặng lên tới 30 kg thì quả là không bình thường”.
Bác sĩ Lâm phân tích: Có thể cháu có chế độ dinh dưỡng quá dư thừa nên bị rối loạn chuyển hóa nội tiết trong cơ thể. Vì vậy, cần phải đưa cháu đi xét nghiệm đầy đủ để tìm ra gốc rễ của việc béo phì này. Bệnh rối loạn nội tiết này có thể không phải do di truyền mà sinh ra mới bị.
Những cháu quá béo thì dễ bị rối loạn lipid trong máu do thành phần mỡ máu cao. Do đó, rấtdễ bị mắc bệnh tiểu đường do rối loạn chuyển hóa đường”.
Thậm chí, có những trẻ em béo phì nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng vì thiếu máu, thiếu kẽm…
Với trường hợp cháu bé này để có kết luận chính xác cần phải kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân. Nếu do nội tiết có vấn đề phải uống thuốc để điều trị tận gốc.
Còn nếu chỉ béo do thừa dinh dưỡng nạp vào cơ thể cần điều chỉnh và kiểm soát chế độ ăn.
Bác sĩ Lâm tư vấn: Các cháu ăn bé nên cho ăn theo nhu cầu dinh dưỡng chứ không phải ăn theo khả năng. Nhu cầu ở đây là mức dinh dưỡng được khuyến cáo cho từng lứa tuổi.
Thông thường, trẻ em 2 tuổi cần ăn 5 – 6 bữa/ngày. Uống 600 – 700 ml sữa/ngày, khoảng 300 gr cháo, 150 gr rau xanh. Ăn vào chất đạm khoảng 30 gr (từ thịt, đậu, cơm gạo). Tuy nhiên, lứa tuổi này cần ăn 2/3 tỉ lệ chất đạm theo nhu cầu từ đạm động vật, trứng, sữa, còn 1/3 từ đạm thực vật.
Trẻ béo không có nghĩa là hoàn toàn phải kiêng mỡ. Mức tối thiểu là 20% năng lượng khẩu phẩn vì mỡ giúp tổng hợp vitamin.
Chung quan điểm với bác sĩ Lâm, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho rằng, cần đưa bé Hồng Anh đến viện Nhi để kiểm tra xem bé bị béo do nguyên nhân nội sinh (gen, rối loạn nội tiết tố…) hay do nguyên nhân ngoại sinh (dinh dưỡng…) để từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
PGS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng nghi ngờ về khả năng mắc bệnh của bé Hồng Anh: “Trường hợp cháu bé này tôi sợ rằng mắc bệnh, có thể là rối loạn nội tiết, hoặc chuyển hóa khiến cháu bị béo.
Tuy nhiên, vẫn cần phải thăm khám lâm sàng cho cháu mới biết rõ, nếu nghi ngờ có gì bất thường nên đi khám và làm các xét nghiệm.
Nhưng cũng có thể cháu béo do ăn uống thì chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Gia đình không nên quá lo lắng”.
Theo Nguyễn Tâm
VTCnews
Ù tai - chớ chủ quan
Ù tai là cảm nhận chủ quan của người bệnh về tiếng động xuất hiện trong đầu mà không có nguồn gốc từ môi trường bên ngoài. Nhiều người bệnh than phiền tiếng ù làm họ mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, khó tập trung vào công việc...
Ù tai không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng hay dấu hiệu của một bệnh mà thôi. Người ta chia ù tai làm mấy dạng chính: ù tiếng trầm (giống tiếng cối xay lúa hay tiếng máy chạy ì ì, tiếng sóng vỗ...), ù tiếng cao (tiếng muỗi bay vo ve, tiếng ve hay dế kêu, tiếng gió thổi...), ù theo nhịp mạch, ù tiếng ngắt quãng (như tiếng kim đồng hồ chạy tạch tạch, lách tách...). Tiếng ù có thể cảm nhận ở một hoặc cả hai bên tai hoặc ở trong đầu, nó có thể xuất hiện liên tục kéo dài hay từng lúc. Một số trường hợp cường độ của tiếng ù có thể thay đổi phụ thuộc vào tư thế của vai, đầu, lưỡi, hàm dưới hoặc chuyển động của mắt...
Ù tai do đâu mà có?
Ù tai được chia thành 2 nhóm chính ù tai khách quan và ù tai chủ quan.
Tiếng ù khách quan là tiếng ù không chỉ người bệnh mà cả thầy thuốc cũng có thể nghe được. Điển hình là các tiếng ù gây ra do co thắt cơ tạo ra tiếng tạch tạch trong tai. Một số bệnh nhân thấy tiếng ù tai của họ trùng với nhịp mạch đập (ù tai nhịp mạch). Ù tai nhịp mạch là kết quả của rối loạn mạch máu vùng tai hoặc gần tai như chứng xơ vữa mạch, đôi khi nó là triệu chứng của những bệnh nguy hiểm như phình động mạch cảnh, tăng áp lực nội sọ nguyên phát...
Làm việc trong nhà máy tiếng ồn cao dễ bị ảnh hưởng thính lực.
Tiếng ù chủ quan là tiếng ù mà chỉ người bệnh nghe thấy. Nó thường liên quan đến những tổn thương do quá trình dẫn truyền hoặc tiếp nhận âm thanh và thường kèm theo nghe kém ở nhiều mức độ khác nhau. Tiếng ù chủ quan có thể do các nguyên nhân dưới đây:
- Bệnh tai có kèm nghe kém:
Nghe kém dẫn truyền: viêm ống tai ngoài, nút dáy tai, viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mạn tính...
Nghe kém tiếp nhận: điếc do tiếng ồn (khi tiếp xúc với tiếng ồn kéo dài hoặc tiếng ồn lớn), điếc do tuổi già (lão thính), bệnh ménière, điếc do nhiễm độc tai (có thể kèm nghe kém hoặc không), do u dây VIII, điếc do tổn thương các trung khu thính giác trong não...
- Ù tai chủ quan cũng có thể xuất hiện do tác dụng phụ của thuốc. Có hơn 260 loại thuốc có tác dụng phụ này (như aspirin, quinidine, benzodiazepine...). Cá biệt sau khi đã ngừng sử dụng benzodiazepine tiếng ù tai đôi khi vẫn tồn tại dai dẳng vài tháng (trong hội chứng cai benzodiazepine).
Ù tai có thể do các bệnh toàn thân gây ra như :
- Sự rối loạn thần kinh: sau chấn thương vùng đầu, bệnh xơ cứng rải rác...
- Rối loạn chuyển hoá: bệnh tuyến giáp, tăng lipid máu, thiếu vitamin B12, thiếu máu do thiếu sắt...
- Rối loạn tâm lý: buồn rầu, lo âu.
- Nguyên nhân khác: tăng trương lực cơ, xơ hoá cơ, u cuộn cảnh, vaccin bệnh than, thuốc gây ảo giác (ù từng lúc, đây là một trong những tác dụng phụ của thuốc), ngạt tắc mũi, tăng hoặc giảm áp lực nội sọ (trong viêm màng não hoặc rò dịch não tủy)...
Ù tai có điều trị được hay không?
Cho đến nay rất nhiều phương pháp điều trị được đưa ra nhưng kết quả điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ù, mức độ và thời gian bị ù. Với ù tai khách quan, sau khi tìm và điều trị được nguyên nhân, tiếng ù sẽ giảm đi đáng kể, còn ù tai chủ quan thì kết quả điều trị tương đối hạn chế.
Không phải trường hợp nào cũng tìm được nguyên nhân của tiếng ù và điều trị được nó nhưng luôn phải loại trừ những bệnh nguy hiểm như tăng huyết áp cơn, u cuộn cảnh, u dây thần kinh tiền đình... Nếu một ngày bạn xuất hiện ù tai thì hãy đi khám ngay vì có rất nhiều bệnh gây ù tai có kết quả tốt nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nên làm gì để phòng tránh ù tai?
Ù tai và nghe kém do tiếp xúc lâu với tiếng ồn lớn (khoảng 70 dB) thường tồn tại vĩnh viễn, chính vì vậy mà những người làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn nên sử dụng những biện pháp bảo vệ tai. Nút tai (có bán tại hiệu thuốc) là một trong những dụng cụ đơn giản và tương đối hiệu quả với công nhân trong khu công nghiệp (dệt, may...), công nhân xây dựng, thợ sấy tóc... Các nhạc công có loại nút tai chuyên dụng giúp giảm độ lớn của âm thanh mà không làm biến dạng âm thanh. Ngoài ra thợ xay xát, người dùng máy cắt cỏ, thợ cơ khí, thợ làm đường có thể sử dụng mũ che tai để hạn chế tiếng ồn. Thông thường ù tai do tiếng ồn lớn và đột ngột gây ra (chấn thương âm thanh) chỉ có khoảng 35% số người thấy đỡ dần sau 3 tháng và chỉ có khoảng 10% khỏi hẳn, và thường là ở thanh niên.
Để tránh ù tai do nhiễm độc thuốc, trước hết không nên sử dụng thuốc nhỏ tai mà không theo chỉ định của bác sĩ vì có những thuốc nhỏ tai chứa chất gây độc với tai trong, không được dùng khi màng nhĩ thủng (ví dụ như polidexa, nemydexa). Với những người bắt buộc phải sử dụng những thuốc có khả năng gây độc với tai trong thì trong quá trình sử dụng nếu thấy xuất hiện ù tai, chóng mặt hoặc nghe kém phải báo ngay cho bác sĩ biết để điều chỉnh lại việc điều trị nếu có thể.
Theo SKDS
Biến chứng nguy hiểm của bệnh bướu cổ basedow Nhiều người cho rằng bướu cổ (basedow) là bệnh lành tính nên chữa trị không đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, bệnh basedow không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng, có thể tử vong. Suýt mất mạng vì nhầm ung thư tuyến giáp là basedow Theo thống kê tại bệnh viện Nội tiết trung ương, bênh bướu cô chiếm 40% trên...