Bất thường dịch bệnh trái mùa
Sởi, ho gà được coi là dịch bệnh điển hình vào mùa đông xuân, nhưng ngay trong các tuần nắng nóng gay gắt, số người nhập viện do các bệnh này, đặc biệt là các ca mắc sởi, tăng cao ở người lớn.
BS Đoàn Thu Trà kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai) – ẢNH: MAI THANH
Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, cho biết các tuần gần đây thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân (BN) người lớn mắc sởi nhập viện. Đến cuối tuần qua, tại đây vẫn còn gần 10 trường hợp điều trị nội trú. Hầu hết các BN không biết mình mắc sởi nên chủ quan, chỉ nhập viện khi đã xuất hiện biến chứng. BN N.A (29 tuổi, Bắc Giang) cho biết trước khi vào viện đã bị sốt cao gần 1 tuần, sau đó xuất hiện nốt ban, nhưng chủ quan nghĩ mình sốt vi rút thông thường và dùng thuốc hạ sốt.
“Em đến viện khám vì người rất mệt, sốt cao không dứt, ho và đau rát họng nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán em bị sởi, đã có biến chứng viêm đường hô hấp”, BN này cho hay.
Theo thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới, có lúc tại đây tiếp nhận tới 10 ca sởi một ngày. Đáng lo ngại, trong số nhập viện có nhiều phụ nữ đang mang thai. Riêng trong tháng 5 vừa qua đã tiếp nhận 70 ca mắc sởi, phổ biến là độ tuổi 25 – 35 và hầu hết các BN đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi hoặc không nhớ rõ tình trạng tiêm chủng.
Chủ quan khiến bệnh nặng
TS-BS Đoàn Thu Trà, Phó giám đốc trung tâm này, cho biết người lớn thường chủ quan, không nghĩ mình có thể mắc sởi nên để đến khi rất nặng, biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có ca bị sởi biến chứng viêm não, viêm màng não rất nặng… mới đi khám. Sởi bùng phát ở người lớn có thể trở thành nguồn lây dễ dàng cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng.
“Phòng bệnh là vô cùng quan trọng và biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin. Bất kỳ người lớn nào chưa từng mắc sởi hay chưa tiêm phòng, cần bổ sung mũi tiêm này càng sớm càng tốt”, bác sĩ Đoàn Thu Trà khuyến cáo.
Tại BV Nhi T.Ư, GS Minh Điển, Phó giám đốc BV này, cho biết vừa qua cũng ghi nhận các ca mắc sởi với nhiều trường hợp biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm mô tế bào… Có thời điểm cùng lúc 40 BN sởi điều trị.
Video đang HOT
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 1.447 ca mắc sởi. Riêng trong 2 tuần cuối tháng 5 đầu tháng 6, là thời điểm có nhiều ngày nắng nóng, vẫn ghi nhận 103 ca mắc sởi. Đa số các ca mắc đã được điều trị khỏi.
Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận các ca mắc ho gà trong các tuần qua, với 73 trường hợp được báo cáo từ đầu năm đến nay, trong đó có các ca mắc trong tháng 5, 6 (thời điểm nắng nóng).
TP.HCM vào chu kỳ dịch sởi 5 năm?
Tại TP.HCM, thông tin từ BV Nhi đồng 2 cho biết cuối tuần qua tại BV có 33 ca mắc sởi, trong đó 27 ca nội trú và 6 ca ngoại trú. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh BV Nhi đồng 1, tại khoa này lúc nào cũng có trẻ mắc sởi nhập viện, trong ngày 23.6 có gần 14 ca nội trú. Đặc biệt, số trẻ nhỏ dưới 9 tháng chiếm đến 50% (trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng), chủ yếu do miễn dịch mẹ kém.
Theo nhiều bác sĩ, thực tế trên khá bất thường bởi mùa này về lý thuyết là hết bệnh sởi do thời tiết nóng, nhưng số ca bệnh vẫn còn đông.
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 5 TP.HCM ghi nhận hơn 5.160 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca nào.
Đáng lưu ý, bệnh sởi ở TP không ghi nhận mùa hằng năm mà cứ 5 năm lại có một vụ dịch (vụ dịch trước vào năm 2014). Mùa dịch năm nay đã bắt đầu từ giữa năm 2018 và kéo dài đến hiện tại. Mặc dủ tỷ lệ tiêm ngừa sởi – rubella cho trẻ em tại TP đạt 97,2%, nhưng số ca bệnh vẫn còn cao.
Nguyên nhân được lý giải là đặc điểm dân cư biến động rất lớn, do vậy cần biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách phù hợp, đặc biệt là truyền thông vận động phụ huynh ở các khu nhà trọ, người lao động nhập cư đưa con em đi tiêm ngừa.
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 5 TP.HCM ghi nhận hơn 5.160 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca nào
Theo Thanh niên
Dịch bệnh đông - xuân gia tăng trong mùa hè: Vì sao có sự bất thường?
Theo quy luật, những dịch bệnh như sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị... thường xảy ra vào mùa đông - xuân, do thời tiết thời điểm này là môi trường thuận lợi cho vi rút gây dịch bệnh phát triển.
Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hà Nội Mới tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, mùa hè năm nay, các dịch bệnh mùa đông - xuân vẫn tiếp tục gia tăng. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi bất thường của dịch bệnh?
Tiêm chủng đầy đủ là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Trong ảnh: Tiêm chủng cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, 70 Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Xuân Lộc
Tỷ lệ tiêm phòng thấp, dịch bệnh tấn công
Ho gà là bệnh đã được khống chế tại nước ta, song gần đây, bệnh này đã xuất hiện trở lại với sự thay đổi một cách bất thường. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 16-6, toàn thành phố đã ghi nhận 77 trường hợp mắc ho gà, tương đương số mắc của cả năm 2018. Dù đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp xảy ra vào mùa đông - xuân, nhưng trong tháng 5 và đầu tháng 6-2019, Hà Nội vẫn ghi nhận 2-4 trường hợp mắc ho gà/tuần (tương đương số mắc trong tháng 1 và tháng 3-2019).
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh và khống chế bệnh ho gà. Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin "5 trong 1" được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ (hay viêm phổi do vi khuẩn HiB) và viêm gan B; trong đó, quan trọng nhất là phòng bệnh ho gà.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, mỗi tháng phải có 8% trẻ được tiêm vắc xin "5 trong 1", thì sau một năm mới đạt độ bao phủ cần thiết là 95%. Thế nhưng, từ cuối năm 2018, khi vắc xin ComBE Five được đưa vào thay thế vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem, số trẻ được tiêm chủng vắc xin này mới đạt 4-7%/tháng (tùy từng địa phương). Nếu tiến độ tiêm như hiện nay, thì tỷ lệ tiêm vắc xin trong cả năm 2019 chỉ đạt 80% và như vậy, một số dịch bệnh như: Ho gà, bạch hầu... có nguy cơ gia tăng.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương nhận định: Do lo ngại phản ứng sau tiêm, tỷ lệ tiêm vắc xin "5 trong 1" đạt thấp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc ho gà tăng trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận 200-250 trường hợp mắc ho gà và hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 14 trường hợp mắc ho gà. Vi khuẩn ho gà rất nguy hiểm, khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho.
Tương tự ho gà, dịch bệnh sởi năm nay cũng diễn biến khá bất thường, dù thời tiết đã vào giữa hè. Trong 3 tuần đầu tháng 6-2019, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận trung bình 30-40 trường hợp mắc sởi/tuần. Và từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 1.481 trường hợp mắc sởi, trong khi đó cả năm 2018 chỉ có 511 trường hợp mắc.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm vẫn có 3-5 trẻ bị sởi nhập viện/ngày. Còn ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người lớn mắc sởi. Chị Phạm Thị H. (25 tuổi, quê ở Ninh Bình) có thai 5 tháng, bị mắc sởi, đã nhập viện điều trị được gần một tuần, chia sẻ: "Do chủ quan nghĩ rằng, bệnh sởi chỉ xuất hiện ở trẻ em, nên trước khi có thai, tôi đã không tiêm phòng. Cách đây hơn một tuần, tôi bị sốt nhẹ, sau đó phát ban và được phát hiện mắc bệnh sởi".
Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, thông thường, dịch bệnh sởi bùng phát mạnh vào mùa đông - xuân, sang hè thì số ca mắc sẽ giảm mạnh và hết. Thế nhưng, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc sởi chưa có xu hướng giảm, đặc biệt là ở người lớn (từ 25 đến 35 tuổi) và phụ nữ có thai mắc sởi cao hơn hẳn so với mọi năm. Những đối tượng này hầu hết không tiêm phòng hoặc không nhớ tiền sử tiêm phòng. Thậm chí, thời điểm này, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu, quai bị - dù đây là những bệnh đặc trưng của mùa đông - xuân.
"Thời tiết thay đổi bất thường, vi rút, vi khuẩn - tác nhân gây bệnh dễ thích nghi, biến đổi, do đó, hiện nay, dịch bệnh có xu hướng xảy ra quanh năm, chứ không vào mùa nhất định", bác sĩ Đỗ Duy Cường lý giải.
Phòng dịch chủ động bằng tiêm vắc xin
Bệnh truyền nhiễm đang gia tăng và có biểu hiện bất thường. Ảnh: Dương Ngọc
Để bảo đảm trẻ được bảo vệ trước các dịch bệnh nguy hiểm, dự kiến trong năm 2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành Y tế sẽ phối hợp với ngành Giáo dục triển khai thí điểm quy định: Khi trẻ nhập học mẫu giáo phải có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Trước mắt, quy định này dự kiến được thí điểm tại Hà Nội vào cuối năm 2019. Ngoài ra, ngành Y tế còn tổ chức tiêm bổ sung cho những trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu sự thay đổi của dịch bệnh; đồng thời, củng cố và nâng cao khả năng giám sát, phản ứng nhanh của các đội chống dịch cơ động và chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn cho đội phòng, chống dịch cơ động của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. "Với các bệnh đã có vắc xin tiêm phòng như: Sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu..., người dân phải đưa trẻ đi tiêm vắc xin. Ngay cả người lớn chưa có miễn dịch với dịch bệnh sởi, không nhớ tiền sử tiêm chủng cũng nên đi tiêm phòng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo.
WHO cho biết, trong những tháng đầu năm nay, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300% do tỷ lệ tiêm chủng giảm. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu toàn ngành triển khai hiệu quả phòng dịch chủ động bằng tiêm vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin nhắc lại ở các vùng nguy cơ cao. Đặc biệt, chú trọng đến vấn đề an toàn tiêm chủng, trong đó cần quan tâm khám sàng lọc trước tiêm để giảm các phản ứng sau tiêm và các chống chỉ định.
Để khám sàng lọc hiệu quả, ngành Y sẽ lựa chọn các bác sĩ đủ năng lực chuyên môn, được tập huấn đầy đủ. Mặt khác, trong công tác điều trị, các bệnh viện phải sàng lọc, phân loại bệnh chính xác, không để người bệnh nặng nằm chung với người bệnh nhẹ để tránh chẩn đoán nhầm, bỏ sót bệnh hoặc lây nhiễm chéo...
Theo hanoimoi
Dịch sởi có nguy cơ bùng phát ở Hà Nội Sở Y tế Hà Nội cho biết số ca mắc sởi trong tuần vừa qua trên địa bàn TP Hà Nội giảm so với các tuần trước đó, tuy nhiên số mắc còn ở mức cao. Theo nhận định, dịch bệnh sẽ có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Ảnh minh họa Tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 09...