Bất ổn tại trường ĐH Luật TPHCM: Thêm tâm thư gửi Bộ trưởng
Ngày 6/6, gần 60 cán bộ, giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM ký tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để cung cấp thông tin khách quan về tình hình của trường.
Những người này khẳng định những thông tin vừa qua về trường là do “một nhóm thiểu số” thực hiện làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín số đông còn lại trong trường.
Trong tâm thư này, nhiều cán bộ, giảng viên phản đối việc dung mạng xã hội hoặc một số phương tiện cá nhân khác nhằm gây sức ép không cần thiết lên cá nhân, tổ chức liên quan, định hướng dư luận lệch lạc, bôi xấu cá nhân, tập thể, gây hoang mang trong và ngoài tổ chức. Họ cho rằng những hiện tượng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định của nhà trường nói riêng. Nhất là tác động đến hoạt động đang rất cần sự toàn tâm toàn ý cho tập thể như là đợt công tác làm nhiệm vụ kỳ thi THPT Quốc gia và công tác tuyển sinh của trường.
Tâm thư khác của gần 60 cán bộ, giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhằm phản bác và cung cấp thông tin đầy đủ hơn về tình hình trường
“ Như Bộ trưởng đã biết rõ, những đơn kiện, thư nặc danh, thông tin cáo buộc trên mạng xã hội chỉ xuất hiện ồ ạt từ khi nhiệm kỳ hiệu trưởng của GS.TS Mai Hồng Quỳ sắp kết thúc và đặc biệt hiện nay, khi Luật Giáo dục Đại học 2018 sắp có hiệu lực và sẽ trao quyền cho Hội đồng trường trong việc quyết định ai là hiệu trưởng. Đa số đơn thư, thông tin nói trên đều nhắm đến những người đang hoặc có thể sẽ gánh vác trách nhiệm hiệu trưởng và hiệu phó của trường, đe doạ lợi ích của một nhóm nhỏ. Nguy hiểm hơn nữa, hàng loạt thông tin như vậy được đưa ra trong thời gian gần đây, khi trường ĐH Luật TP.HCM cũng như nhiều đại học khác trong cả nước đang sắp bước vào kỳ tuyển sinh đại học“, nội dung bức tâm thư nêu.
Các cán bộ, giảng viên này mong mỏi: “ Bộ trưởng sẽ có những chỉ đạo để các hành vi nếu bị coi là vi phạm pháp luật tiếp tục được thanh tra, xử lý phù hợp quy trình, quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tin tưởng Bộ trưởng hoàn toàn sáng suốt để nhận định những thông tin, đơn thư nào được đưa ra nhằm mục đích giải quyết tư thù, giành giật tư lợi và gây mất ổn định tại trường“.
Những người này cũng khẳng định không tham gia vào việc tuyên truyền bôi xấu cá nhân, tập thể của trường ĐH Luật TP.HCM trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng không ủng hộ hành vi này.
Video đang HOT
Trường ĐH Luật TP.HCM đang xảy ra những vấn đề lùm xùm trong nội bộ
Trước đó, ngày 4/5/2019, một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã gửi tâm thư Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu lên hàng loạt bức xúc về tình trạng mất đoàn kết, tiêu cực trong quản lý tài chính và bổ nhiệm cán bộ tại trường. Như vậy, chỉ sau một tháng lại tiếp tục có một tâm thư khác phản bác lại.
Những lùm xùm xảy ra ở trường ĐH Luật TP.HCM được “bùng” lên khi thông tin hai phó giáo sư của trường có đơn xin từ chức làm xôn xao dư luận những ngày vừa qua. Ngay sau đó, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Luật TP.HCM cũng thừa nhận nội bộ của trường hiện đang có một số vấn đề. Theo ông Hải, những gì dư luận bàn tán thời gian qua chỉ là biểu hiện bên ngoài, đằng sau nó là những tảng băng chìm. Có nhiều sự việc trường đã giải quyết hoặc đang giải quyết. Tuy nhiên ông cho rằng việc các giảng viên phản ánh ra bên ngoài khi chưa làm việc với trường là việc không nên, làm ảnh hưởng đến nhà trường.
Lan Phương
Theo Dân trí
Nhiều bất ổn tại trường ĐH Luật TP.HCM, giảng viên gửi tâm thư tới Bộ trưởng
Một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã gửi tâm thư Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu lên hàng loạt bức xúc về tình trạng mất đoàn kết, tiêu cực trong quản lý tài chính và bổ nhiệm cán bộ tại trường.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã lập tổ công tác làm việc với trường ĐH Luật TP.HCM trước hàng loạt phản ánh tiêu cực tại trường này.
Nội bộ trường ĐH Luật TP.HCM đang xảy ra nhiều bất ổn
Trước đó, trong tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, các cán bộ, giảng viên này cho biết, nhiều năm nay có tin đồn và dấu hiệu của những vi phạm pháp luật nghiêm trọng chưa được cơ quan nào làm rõ. Cụ thể là hoạt động thu - chi tài chính đối với học phí, học lại, tiền hoàn thiện và các khoản phí sinh viên phải nộp; bưng bít thông tin về sử dụng tài khoản cá nhân thủ quỹ để thu học phí suốt nhiều năm qua; Sự vô lý, trái quy định và bỏ ngơ yêu cầu của cán bộ, đảng viên về công tác tổ chức, nhân sự của nhà trườngMột số phó giáo sư, tiến sĩ chán nản, muốn xin nghỉ để chuyển công tác sang nơi khác.
Trong đó, PGS Nguyễn Thị Thủy xin thôi chức Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Quản trị, PGS Phan Nhật Thanh xin thôi chức Phó trưởng khoa Luật Hành chính. Tuy nhiên, 5 ngày sau bà Thủy rút đơn từ chức, hiện vẫn làm việc ở vị trí cũ.
Ngoài bức tâm thư trên, Trưởng bộ môn Luật thương mại, Khoa Luật thương mại của trường, cũng gửi đơn đến Bộ trưởng và Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị xác minh dấu hiệu vi phạm liên quan đến thi tốt nghiệp cho học viên hệ vừa học vừa làm trong tháng 4/2019.
Trước đó, khi trao đổi với PV Dân trí liên quan đến vấn đề 2 phó giáo sư xin từ chức, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Luật TP.HCM cũng thừa nhận nội bộ của trường hiện đang có một số vấn đề.
Theo ông Hải, những gì dư luận bàn tán thời gian qua chỉ là biểu hiện bên ngoài, đằng sau nó là những tảng băng chìm. Có nhiều sự việc trường đã giải quyết hoặc đang giải quyết. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, việc các giảng viên phản ánh ra bên ngoài khi chưa làm việc với trường là việc không nên, làm ảnh hưởng đến nhà trường.
Kiểm toán Nhà nước kết luận trường có nhiều sai sót
Ngoài thông tin trên, trước đó, tại trường này cũng có một số sự việc đã xảy ra chưa được giải quyết cũng gây ra bức xúc trong nội bộ trường.
Ngày 24/8/2018, Kiểm toán Nhà nước có thông báo số 556/TB-KTNN kết luận kiểm toán Trường ĐH Luật TP.HCM, trong đó cũng nêu trường cũng có nhiều sai sót, bất cập, hạn chế.
Về tình hình hoạt động thu, chi sự nghiệp và dịch vụ: đối với thu học phí, còn thu vượt định mức quy định 6.870 triệu đồng chưa thực hiện đúng quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP và Quyết định số 521/QG-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/4/2017 (năm học 2016-2017: 5.311,3 triệu đồng; năm học 2017-2018: 1.558,7 triệu đồng).
Nguyên nhân chính của việc thu tăng học phí là do thu học phí tại các lớp đào tạo chất lượng cao trường chưa xây dựng đề án trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. Ngoài thu vượt định mức học phí như đã nêu ở trên đơn vị còn thu vượt học phí học lại, đồng thời chưa công khai mức thu trên trang mạng của trường, số tiền 205,9 triệu đồng; thu vượt lệ phí tuyển sinh theo quy định số tiền 84 triệu đồng.
Về trích quỹ học bổng, trường chưa thực hiện trích lập quỹ học bổng khuyến khích học sinh sinh viên từ nguồn học phí, lệ phí để chi trả theo quy định. Đồng thời, tổng số nợ đọng học phí năm 2017 (học kỳ 1 năm học 2017-2018) là 2.099,4 triệu đồng của 242 học viên.
Sinh viên theo học tại trường ĐH Luật TP.HCM
Về liên kết đào tạo với các cơ sở trong nước: trường thực hiện liên kết đào tạo với một số cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện thực hiện liên kết; mặt khác, 14 cơ sở liên kết đào tạo, trong đó chỉ có 2 đơn vị có công văn trả lời đồng ý của Bộ GD-ĐT, 1 đơn vị có tờ trình gửi Bộ GD-ĐT nhưng không được phản hồi, còn lại 11 đơn vị chưa cung cấp được quyết định cho phép liên kết đào tạo của Bộ GD-ĐT...
Với những vấn đề trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Trường ĐH Luật TP.HCM: Về xử lý tài chính: Thu hồi nộp ngân sách nhà nước khoản lệ phí tuyển sinh vượt quy định số tiền 84.160.000 đồng; chuyển quyết toán năm sau số tiền 2.307.235.000 đồng; đối với khoản thu vượt học phí 6.870.160.000 đồng, đề nghị trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của trường.
Chấm dứt việc thu lệ phí vượt, thu các khoản không có trong quy định, tránh tình trạng gây phản cảm cho học viên, sinh viên như không tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên chính quy khóa 36-37 năm 2016 do không đồng tình với mức thu của trường đã đề ra...
Trong kết luận kiểm toán cũng có nêu vấn đề cần lưu ý, ngay trong thời gian tổ kiểm toán làm việc cũng nhận được một đơn thư phản ánh và yêu cầu làm rõ của ông Lê Minh Tuấn, nhân viên phòng hành chính.
Vấn đề đáng lưu ý trong đơn đề cập về việc sử dụng tài khoản cá nhân của bà Mai Quốc Thu Trang (thủ quỹ nhà trường) và theo báo cáo của đơn vị, thực tế có sử dụng tài khoản của bà Trang để thực hiện các chức năng tài chính của trường. Tuy nhiên, do thời gian và thẩm quyền, tổ kiểm toán không thực hiện điều tra xác minh điều này.
Lan Phương
Theo Dân trí
Lãnh đạo trường ĐH Luật TP.HCM lên tiếng về việc hai phó giáo sư xin từ chức Thông tin hai phó giáo sư (2 phó trưởng khoa) của trường ĐH Luật TP.HCM xin từ chức khiến dư luận xôn xao và đặt nghi vấn có những bất ổn ở trường này. Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường đã chia sẻ về những sự việc này. Trước đó, thông tin hai phó giáo sư xin từ chức là PGS.TS Phan...