Bất ngờ với những phát minh khoa học của học sinh Sài Gòn
Ông Hồ Tấn Minh – phó trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận xét: “Điều đáng ghi nhận ở hội thi là các đề tài nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn”.
Thảo Loan và Kim Thoa, học sinh Trường THCS Lê Thành Công, huyện Nhà Bè, giới thiệu về máy điều hòa bằng hơi nước – Ảnh: H.HG
Không chỉ có “Xà phòng thảo dược diệt khuẩn”, “Máy điều hòa bằng hơi nước”, hội thi Khoa học kỹ thuật do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 16-1 dành cho học sinh THCS, THPT còn có “Robot hỗ trợ phòng chống COVID-19″, “ Robot thu gom rác tự động”…
Ông Hồ Tấn Minh – phó trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM – nhận xét: “Điều đáng ghi nhận ở hội thi là các đề tài nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn”.
Robot phòng dịch, quét rác tự động
Một trong những nơi thu hút nhiều người dự khán nhất tại hội thi Khoa học kỹ thuật năm nay là khu vực giới thiệu về “Robot hỗ trợ phòng chống COVID-19″. Đây là sản phẩm của hai học sinh Lê Minh Dũng (lớp 12A7) và Nguyễn Khắc Sơn (lớp 12A4) Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh.
Dũng bộc bạch: “Dịch COVID-19 hoành hành, trường em phải phân công giáo viên trực ngoài cổng trường để đo thân nhiệt, nhắc học sinh rửa tay… Từ hình ảnh đó em và bạn Sơn nảy ra ý định làm một con robot đặt ngay cổng trường để làm thay công việc của các thầy cô mỗi đầu giờ học.
Việc này giảm thiểu việc tiếp xúc giữa người và người, tránh được những rủi ro trong thời kỳ phòng chống COVID-19. Khi học sinh đi từ ngoài vào, các bạn sẽ cà thẻ học sinh vào máy để điểm danh. Sau đó các bạn đưa trán mình vào để đo thân nhiệt, đưa hai tay vào để rửa tay rồi đến công đoạn khử khuẩn toàn thân”.
Minh Dũng và Khắc Sơn, học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu, mời giám khảo hội thi đo thân nhiệt bằng robot hỗ trợ phòng chống COVID-19 – Ảnh: H.HG.
Tương tự, robot thu gom rác tự động của Vũ Hồng Sơn (lớp 12TH) và Nguyễn Minh Hoàng (lớp 11A2) Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng khiến nhiều người dự khán xuýt xoa về sự sáng tạo của học sinh thời nay.
“Điều đặc biệt nhất của robot này là nó tự nhận diện và thu gom rác tự động. Robot sẽ quét 10 lần trong phạm vi GPS được thiết lập từ trước. Nếu có rác, nó sẽ đi đến thu gom rác, sau đó lại “quét” tiếp, nếu không phát hiện rác, robot sẽ quay về trạm để tiết kiệm năng lượng, đồng thời đổ rác chứa trong thân máy” – Hồng Sơn giải thích.
Tại hội thi, một giám khảo đã chia sẻ: “Có thể hai robot trên cần hoàn thiện thêm nhiều tính năng hơn nữa nhưng ý tưởng của học sinh thật tuyệt vời và rất thời sự”.
Video đang HOT
Máy điều hòa, xà phòng thảo dược
“Thời tiết ở TP.HCM quanh năm nắng nóng. Nhà em và trường em không có máy điều hòa. Em và bạn cùng lớp Thảo Loan nảy ra ý nghĩ chế tạo máy điều hòa bằng hơi nước” – Đoàn Thị Kim Thoa, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Lê Thành Công (huyện Nhà Bè), nói về công trình của mình.
Máy điều hòa của Loan và Thoa là một cái thùng xốp. Bên trên có bốn cái quạt mini. Phía bên hông máy là ba cái ống nhựa thông hơi từ trong thùng ra ngoài kèm theo hệ thống công tắc, mạch điện để điều khiển máy.
Loan lấy đá viên cho vào máy rồi mời người dự khán bật công tắc. Một luồng gió mát lạnh thổi lên khiến nhiều người thích thú.
Một giáo viên thắc mắc: “Thường những công việc có liên quan đến mạch điện, cắt, dán keo… phù hợp với các nam sinh. Còn hai em lại là nữ?”. “Vì chúng em đều nằm trong đội tuyển vật lý của trường, đều đam mê vật lý nên rất hào hứng khi thực hiện” – Loan cho biết.
Hồng Sơn và Minh Hoàng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, giới thiệu về robot tự động thu gom rác – Ảnh: H.HG.
Không những thế, Thoa còn cho biết: “Cái máy đầu tiên tụi em mày mò làm nên bị nhiều lỗi, phải thay mạch điện nhiều lần khá tốn kém. Hiện tụi em đã làm được sáu cái máy điều hòa, giá thành mỗi cái chỉ khoảng 200.000 đồng.
Em để hai máy trong lớp học bồi dưỡng học sinh giỏi, một máy trong lớp học thường ngày, hai máy để ở nhà bạn Loan và nhà em để sử dụng hằng ngày. Còn một máy thì… mang đi thi”.
Một khu vực cũng rất bắt mắt tại hội thi là nơi trưng bày các loại xà phòng thảo dược của Võ Ngọc Ngà và Nguyễn Như Tâm, học sinh Trường THCS Khánh Hội, Q.4. Những bánh xà phòng với nhiều hình thù, màu sắc khác nhau đã kích thích nhiều giáo viên, học sinh cầm lấy, đưa lên mũi ngửi.
“Bốn loại xà phòng của tụi em không chỉ dùng để rửa tay diệt khuẩn, tắm mà còn có thể dùng để rửa mặt như xà phòng trà xanh – tía tô; xà phòng khoai tây – nghệ; xà phòng cam – gấc; xà phòng làm từ bã cà phê, dầu dừa, dầu ôliu. Chúng đều có tác dụng tẩy tế bào chết, làm đẹp da, giảm quá trình lão hóa của da…” – Như Tâm giới thiệu.
863 đề tài dự thi
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật tại TP.HCM năm học 2020 – 2021 có 863 đề tài đăng ký dự thi cấp TP. Trước đó, học sinh đã trải qua các vòng thi cấp trường hoặc cấp quận, huyện. Tổng số học sinh dự thi là 1.569 học sinh cấp THCS và THPT. Số lượng học sinh và đề tài THCS tăng cả về chất lượng lẫn số lượng so với các năm trước.
Có 50 dự án đến từ 27 trường được lọt vào vòng chung kết cấp TP. Ban tổ chức hội thi sẽ chọn ra sáu đề tài tham gia kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020 – 2021 được tổ chức tại Huế vào tháng 3-2021.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Vận dụng kiến thức vào thực tiễn
Qua nhiều năm tổ chức, có thể nói hội thi Khoa học kỹ thuật đã kích thích sự sáng tạo, phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học. Các em đã biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Từ đó, các em sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Không những thế, hội thi còn góp phần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy và học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.
Học sinh nghiên cứu về hành vi "đổ lỗi cho nạn nhân"
Sân chơi bổ ích, kích thích sự sáng tạo, sở thích nghiên cứu khoa học của học sinh.
Vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh (HS) trung học năm học 2020-2021 đã diễn ra vào sáng 16-1, do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5.
Robot tự động thu gom rác nổi
Đề tài nghiên cứu "River saver: Robot hỗ trợ thu gom rác nổi nhỏ và vừa trên sông hồ" của hai nam sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong gây ấn tượng đối với khách tham quan tại cuộc thi.
Hiện nay rác trên sông hồ rất nhiều. Để thu gom rác, công nhân phải đi xuồng, dùng lưới để vớt, vừa nguy hiểm vừa tốn nhân lực.
"Vì thế, câu hỏi đặt ra cho chúng em là làm sao có thể dọn rác cùng lúc trên nhiều sông, làm cách nào tạo ra một thiết bị có thể nhận diện và thu gom rác tự động. Và đặc biệt làm cách nào để lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường thông qua sản phẩm xanh.
Mất hơn tám tháng lên ý tưởng, mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, chúng em đã thiết kế nên một robot có tính năng tự động nhận diện và thu gom rác. Điều đáng nói là robot này được làm hoàn toàn bằng các vật liệu tái chế. Robot được cấu tạo gồm nhiều bộ phận, trong đó có cánh quạt lùa, phần mềm, vi điều khiển, phao lưới..." - Minh Hoàng, HS lớp 11, bộc bạch.
Hồng Sơn, HS lớp 12, thành viên của nhóm, chia sẻ hiện đã có nhiều đề tài nghiên cứu sản phẩm về thu gom rác trên sông. Tuy nhiên, điểm khác biệt của sản phẩm này là cánh cửa thu gom rác.
"Một số sản phẩm trước đó cánh cửa thường nằm hai bên, mở ra mở vào nên sẽ xảy ra trường hợp hai cửa khép lại cùng lúc gây vướng rác. Để khắc phục tình trạng trên, chúng em sử dụng cửa lùa bằng những cánh quạt lùa theo dòng. Lợi dụng dòng chảy của nước khi robot di chuyển, cánh quạt sẽ quay và đẩy rác vào. Trên robot sẽ có một chiếc điện thoại có cài đặt phần mềm nhận diện rác. Hiện robot đã được thử nghiệm tại hồ bơi Lam Sơn và cho kết quả khả quan. Robot đã có thể chạy trên nước và nhận diện được rác phía trước, khi đến gần cửa lùa robot sẽ thu rác vào. Rác sẽ được đưa vào lồng chứa. Nếu được đi tiếp, sản phẩm sẽ được bổ sung thêm vài tính năng để hoàn thiện hơn" - Hồng Sơn cho biết.
Hai nam sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5 bên sản phẩm của mình. Ảnh: NQ
863 là số đề tài đăng ký dự thi chung kết cấp TP, trong đó 395 đề tài THCS, 485 đề tài THPT, bốn đề tài của các đơn vị trung tâm giáo dục hướng nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên. Tổng số HS dự thi là hơn 1.569.
50 đề tài xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết cấp TP.
Nhiều học sinh từng là nạn nhân
Bên cạnh lĩnh vực ứng dụng, khoa học xã hội hành vi cũng thu hút nhiều đề tài nghiên cứu phản ánh những thực trạng mà HS phổ thông đang gặp phải.
Hai nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức đã thực hiện đề tài nghiên cứu "Thực trạng hành vi Victim - blaming (đổ lỗi cho nạn nhân) trong trường THPT".
Nguyễn Huỳnh Yến Nhi, HS lớp 11 chuyên toán, cho biết hành vi Victim - blaming gây nhiều tác hại, kể cả trong môi trường học đường.
Hiện nay nhiều người lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đánh giá, phán xét, đổ lỗi cho người khác gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, qua đề tài, các em hy vọng sẽ nâng cao hiểu biết, nhận thức về hành vi này.
Để thực hiện đề tài, Ngô Diễm Quỳnh, thành viên của nhóm, cho hay đã thực hiện khảo sát online 300 phiếu và khảo sát giấy 177 phiếu về mức độ hiểu biết, nhận thức về hành vi này trong HS.
Khảo sát cho thấy HS có sự hiểu biết nhất định về hành vi này nhưng mức độ chưa cao. Lý do là HS chưa hiểu cặn kẽ bản chất của hành vi đổ lỗi cho nạn nhân, từ đó vô thức thực hiện. Thứ hai, có thể nói tâm lý của HS nhìn nhận vấn đề chủ quan, không kỹ càng, không nghĩ đến hậu quả về sau. Nhiều khi đánh giá theo số đông.
Về mức độ xảy ra hành vi Victim - blaming trong trường có đến 82,3% HS đánh giá mức độ xảy ra hành vi này rất cao, trong đó có 74,3% HS đã từng chứng kiến hành vi trên. Cụ thể là nạn nhân bị hack tài khoản dẫn đến phát tán các điều bí mật (50,7%); nạn nhân bị ức hiếp, bắt nạt và bị chỉ trích (14,3%); nạn nhân bị xâm hại do ăn mặc phóng khoáng (11%); nạn nhân bị tung ảnh cá nhân (6,3%), yếu tố khác (3,7%).
Theo Diễm Quỳnh, đa số HS từng chứng kiến hành vi này trên mạng xã hội, cụ thể là nạn nhân bị công khai các bí mật cá nhân từ tài khoản mạng xã hội. Thay vì chú ý kẻ xấu, chúng ta lại chú ý nội dung cá nhân được công khai và tham gia chỉ trích vì những điều riêng tư của họ bị phơi bày.
Điều đáng nói là qua khảo sát có đến 20,7% HS từng là nạn nhân của Victim - blaming. "Hiện nay hành vi này ngày càng phổ biến. Vì thế, chúng em nghĩ cần phải tuyên truyền trong cộng đồng để nâng cao nhận thức. Tuyên truyền có rất nhiều cách như tổ chức các buổi ngoại khóa, chuyên đề, thêm những tiết học sinh hoạt kỹ năng sống, mời những người đã từng là nạn nhân của hành vi này đến trường nói chuyện, hướng dẫn cách phòng tránh. Khi HS có được nhận thức về hành vi này thì chính họ sẽ đưa kiến thức của mình chia sẻ với cộng đồng, nhờ vậy sẽ giảm thiểu được hành vi trên" - Yến Nhi nhấn mạnh.
Giải pháp cho "Hội chứng ngày thứ Hai"
Đề tài thực trạng "Monday blues" ("Hội chứng ngày thứ Hai") ở HS THPT của hai HS Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 cũng khiến nhiều người chú ý. Nhóm đã khảo sát trên 500 HS để nghiên cứu.
Cụ thể về vấn đề thể lực, 21,72% cho rằng thể lực kém hơn nhiều so với các ngày trong tuần. Về tinh thần, có đến 44,53% HS tự nhận xét kém hơn rất nhiều. ""Hội chứng ngày thứ Hai" khiến HS uể oải, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt. Do đó, nhóm đề xuất thay thế các buổi chuyên đề dưới cờ bằng các hoạt động vui tươi tạo tâm lý thoải mái..." - Huỳnh Hồng Ngọc, một thành viên nghiên cứu, chia sẻ.
Muốn làm lãnh đạo có cần học giỏi Toán? Đây là câu hỏi thú vị của một học sinh dành cho GS Ngô Bảo Châu trong khuôn khổ Ngày hội Toán học Mở năm 2021. Sáng 17/1, Ngày hội Toán học Mở 2021 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp Sở GD&ĐT TP.HCM và ĐH Văn Lang (TP.HCM) tổ chức, đã diễn ra tại ĐH văn Lang với chủ...