Báo Nga ca ngợi cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế của Việt Nam
Trong số các nước được gọi là “con hổ châu Á”, dù mới hay cũ, lớn hơn hay nhỏ, thì Việt Nam vẫn thực sự nổi bật. Đây có lẽ là nước duy nhất vẫn giữ được bước đi vững chắc và có mức tăng trưởng ổn định
Ngày 30/10, tạp chí chính trị mang tên “ Thế giới đa cực” của Nga đã đăng tải một bài viết khá dài, tác giả chính là ông Tổng biên tập Pavel Vinogradov. Bài viết có tiêu đề “Việt Nam đã bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào?” trong đó phân tích một cách khá chi tiết những quyết sách, giải pháp mà chính phủ Việt Nam đã sử dụng để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định của cả nền kinh tế trong bối cảnh cả thế giới phải “điêu đứng”.
Để độc giả được rõ hơn về ý kiến đánh giá của một chuyên gia nước ngoài về kinh tế Việt Nam, Infonet xin lược dịch để gửi tới các bạn bài viết này.
Bài viết về kinh tế Việt Nam đăng trên tạp chí chính trị “Thế giới đa cực” của Nga.
Gọi là “khủng hoảng” chưa biết có chính xác hay không vì thời gian của năm 2014 vẫn còn nên khó có thể nói trước điều gì. Nhưng hiện nay, cả châu Á và châu Âu đều đang rất thất vọng vì tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với trước đây. Đơn cử như mức tăng trưởng ở Trung Quốc là 7% chứ không phải 10% như mong đợi. Ngay cả Ấn Độ, Indonesia hay Malaysia cũng vậy.
Các chuyên gia phân tích nhận xét rằng, trong số các nước được gọi là “con hổ châu Á”, dù mới hay cũ, lớn hơn hay nhỏ, thì Việt Nam vẫn thực sự nổi bật. Đây có lẽ là nước duy nhất tuy tham gia vào quá trình hội nhập phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ được bước đi vững chắc, tự tin và có mức tăng trưởng ổn định trong suốt giai đoạn “khủng hoảng”.
Có thể vì thế mà hiện nay Việt Nam đang được các chuyên gia phân tích của Nga cũng như của các nước khác quan tâm nhiều hơn. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Việt Nam đã là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Nga tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương hơn nửa thế kỷ. Nhiều năm trôi qua, mối quan hệ hai nước lại ngày thêm bền vững.
Mối quan hệ này dựa trên một văn kiện quan trọng liên chính phủ là Tuyên bố hợp tác chiến lược được ký từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin tới Hà Nội năm 2001. Hè năm 2012, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ở Sochi đã nâng quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao hơn – “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Tổng thống Vladimir Putin và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp ngày 12/11/2013
Những ngày này cũng là dịp vừa tròn một năm Tổng thống Putin quay trở lại thăm Việt Nam, và hai nước đã tiến thêm một bước lớn trong xây dựng hợp tác song phương mọi phương diện – kinh tế, thương mại, văn hóa, nhân đạo…
Video đang HOT
Theo lời mời của Tổng thống Nga, ngày 24/11 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức Moscow. Chắc chắn hai bên đều mong đợi sẽ có thêm những văn kiện quan trọng để củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống Nga – Việt và tạo bước tiến mới để tiếp tục phát triển và hoàn thiện mối quan hệ này.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ), hiện nay Việt Nam đang nằm trong top 10 nước phát triển năng động nhất thế giới: tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây trung bình khoảng 7-8% và chỉ xếp sau Trung Quốc. Đất nước này, cách đây không lâu còn phải đối diện với nạn nghèo đói, mà bây giờ đã giải quyết xong vấn đề thiếu hụt lương thực. Không những vậy, còn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới (65 triệu tấn/năm).
Từ chỗ thiếu đói, Việt Nam đã vươn lên là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới (65 triệu tấn/năm).
5 năm trước Việt Nam là nước có tốc độ lạm phát thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương (dưới 4%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 128 USD năm 1995 lên 1200 USD năm nay (2014). Đầu tư nước ngoài đạt 65 tỷ USD dù đã bị giảm đôi chút do giai đoạn khủng hoảng.
Các nước tài trợ (đầu tư) chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nhiều nước lớn trong lĩnh vực công nghệ cao sẵn sàng chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam vì giá nhân công tương đối rẻ. Nếu mức lương trung bình phải trả cho công nhân ở Trung Quốc là 237 USD/tháng, ở Thái Lan là 257 USD thì ở Việt Nam chỉ có 101 USD.
Ngoài ra, các lĩnh vực cũng đang phát triển rất nhanh là khai thác và chế biến dầu, chế tạo máy, điện tử. Xét về tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (IT), Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới với mức 16% sau Trung Quốc, Argentina, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái Đài Loan đã chi tới 12 tỷ USD để chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất máy tính sang Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh APEC 2013 ở đảo Bali (Indonesia) cho biết, tại thời điểm đó, Việt Nam là nước thu hút đầu tư lớn nhất. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ở Đông Nam Á là 75%, EU là 15%. Trong khi đó, cho tới đầu những năm 90, Nga gần như là thị trường độc quyền ở Việt Nam thì giờ lại khiêm tốn với vị trí ở cuối danh sách. Kim ngạch của hai nước chúng ta khó khăn lắm mới đạt mức 3 tỷ USD trong khi với Mỹ là 20 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào kinh tế Việt Nam năm nay đã tăng lên mức 25 tỷ USD.
Hơn nữa, cách đây không lâu, Phòng Thương mại của Mỹ tại Singapore đã xếp Việt Nam vào vị trí thứ hai trong số các nước thành viên ASEAN về mức độ thu hút các doanh nghiệp Mỹ. Như vậy có thể thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam tăng dần qua mỗi năm. Đất nước này đã cải cách thành công ở các lĩnh vực như thuế, luật hải quan, thu hút đầu tư và bảo hiểm nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng chính những biện pháp này đã thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế. Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức xếp hạng trái phiếu không bảo đảm của Việt Nam từ B2 lên B1. Còn Hãng đánh giá tín dụng Fitch Rating cho biết sẽ nâng mức xếp hạng của Việt Nam từ B lên nhờ khôi phục thành công nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro.
Tất nhiên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng như thế này, Việt Nam cũng không thể tránh được. Tham gia hội nhập quốc tế, họ đã phải trải qua mọi khó khăn và phải “đỡ các đòn khá mạnh” từ của cuộc khủng hoảng chung.
Ngành công nghiệp phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu của đất nước). Trong số đó có nhiều doanh nghiệp không thể chống đỡ được các khó khăn nên đã từ bỏ thị trường. Năm 2014 đã có gần 50 nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản, hơn 13,8% so với năm 2013. Nhưng khi dự đoán về tương lai, các chuyên gia của các công ty quốc tế như WB, ADB, HSBC, S&P, Moody’s, Ernst&Young đều khẳng định nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng dù có thể tốc độ không được cao. Như vậy, năm nay tăng trưởng GDP sẽ đạt 5,6% và sẽ quay trở lại mức 7% vào năm 2015-2017.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM 10) ở Milan (Italia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến các mối đe dọa toàn cầu như xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nạn khủng bố cũng như các mối đe dọa an ninh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM 10) ở Milan
Thủ tướng cũng nói rằng châu Á – Thái Bình Dương – khu vực chiếm gần 55% GDP toàn thế giới đang phải đối mặt với nhiều chuyển biến phức tạp tại các điểm nóng như: bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bất cứ quốc gia nào cũng đều nhận thấy mối quan tâm mà vị lãnh đạo Việt Nam muốn bày tỏ: cần phải chú ý đến các vấn đề chung của thế giới cũng như các nước khác. Và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là duy trì ổn định, hòa bình thế giới để phát triển đất nước và cải thiện đời sống nhân dân.
Quan điểm này của Việt Nam nhận được sự đồng thuận từ phía châu Âu. Bằng chứng là thỏa thuận giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso về Hiệp định Tự do Thương mại sắp ký kết giữa Việt Nam và EU.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso
Đối với Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, là đối tác thương mại lớn thứ 2 và cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Tới năm 2020, EU sẽ cấp cho Việt Nam 400 triệu euro (gần 500 triệu USD) trong khuôn khổ chương trình trợ giúp phát triển toàn diện. Và sẽ chủ yếu ưu tiên cho phát triển năng lượng, bồi dưỡng quản lý và củng cố các quy định pháp luật. Phần lớn nguồn vốn sẽ được dùng để hỗ trợ dân sự và tạo dựng một môi trường đầu tư thu hút. Đồng thời, chương trình định hướng hợp tác giữa EU và Việt Nam giai đoạn 2014-2020 cũng đã được ký kết ở Brussels (Bỉ).
Căn cứ vào đó, có thể thấy rằng Việt Nam đẩy mạnh việc ký kết hiệp định về khu vực tự do thương mại với EU hơn là với Nga và các quốc gia trong Liên minh Hải quan. Cùng vấn đề này, các cuộc đàm phán diễn ra vài năm trước ở cả Moscow và Hà Nội, nhưng vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Lần đàm phán gần đây cả hai bên đều bày tỏ hy vọng văn kiện sẽ sẵn sàng được ký kết vào đầu năm 2015.
Có thể vấn đề này sẽ được nêu ra trong buổi đón tiếp của Tổng thống Nga Putin với Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại điện Kremlin diễn ra cuối tháng 11. Chủ đề này chắc chắn sẽ là mối quan tâm của cả hai lãnh đạo. Năm ngoái ở Hà Nội, ông Putin đã nhận định rằng quan hệ Nga -Việt có điểm đặc biệt riêng, chứ không chỉ đơn thuần là đối tác chiến lược.
(*) Tiêu đề bài viết do BBT Báo điện tử Infonet đặt.
Theo Infonet
Kinh tế Trung Quốc đón thêm tin xấu
Báo cáo về tín dụng cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà. Trong tháng 8, thước đo rộng nhất về tín dụng mới của Trung Quốc đã ở mức thấp hơn so với dự báo, làm tăng thêm những thách thức mà chính phủ nước này gặp phải khi cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh thị trường nhà đất và hoạt động sản xuất đều suy yếu.
Kinh tế Trung Quốc đón thêm tin xấu (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo được NHTW Trung Quốc (PBOC) công bố hôm nay (12/9), tổng tài trợ trong nền kinh tế (aggregate financing) ở mức 957,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 156 tỷ USD).
Trước đó các nhà kinh tế học tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra con số dự báo trung bình là 1.135 tỷ USD. Các khoản vay mới bằng đồng nội tệ đạt 702,5 tỷ nhân dân tệ. Cung tiền M2 tăng trưởng 12,8% so với 1 năm trước.
Báo cáo hôm nay cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà sau khi tín dụng tháng 7 sụt giảm. Trước đó, Trung Quốc đã công bố các số liệu không mấy khả quan về hoạt động sản xuất và nhập khẩu.
Thông thường, tăng trưởng tín dụng sẽ sụt giảm trong những tháng cuối năm do nhu cầu tín dụng của các công ty giảm xuống và các ngân hàng cân đối lại để phù hợp với các quy định quản lý. Kể từ năm 1995, tổng các khoản vay mới trong quý I đạt trung bình 1.275 tỷ nhân dân tệ, sau đó giảm dần qua các quý và chỉ còn ở mức 715 tỷ nhân dân tệ trong 3 tháng cuối năm.
Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đây đã khẳng định Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014. Ông nhấn mạnh rằng GDP tăng trưởng cao hơn hoặc thấp hơn một chút so với mốc 7,5% là có thể chấp nhận được, miễn là việc làm, thu nhập và môi trường được cải thiện.
Tháng 8, nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm 2,4% so với 1 năm trước, thể hiện lực cầu nội địa suy giảm. Hoạt động sản xuất cũng bị thu hẹp. Số liệu về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ tháng 8 và đầu tư tài sản cố định 8 tháng đầu năm sẽ được công bố vào ngày mai.
Aggregate financing là chỉ số đo lường khối lượng tín dụng, bao gồm cho vay của các ngân hàng, khối lượng trái phiếu các doanh nghiệp phát hành và cả các sản phẩm của ngân hàng trong bóng tối.
Theo Cafef
Trung Quốc: gieo gió rồi chặn bão Vì sao kinh tế Trung Quốc khó tránh được khủng hoảng? Khi một tổ chức lạc quan kinh niên như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF - lạc quan vì không dự báo được nhiều vụ khủng hoảng kinh tế đã qua - mà lại vừa cảnh báo vào Tháng Bảy về nguy cơ "hạ cánh nặng nề" của kinh tế Trung Quốc,...