Bao giờ Việt Nam có 1 hội đồng riêng chuyên ra đề và chấm thi VSTEP?
Một số trường ĐH được Bộ GD cấp phép tổ chức thi VSTEP, tuy nhiên vẫn tổ chức thi nội bộ để xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên.
Thực tế hiện nay, việc tổ chức thi và cấp phép chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt liên quan đến xét chuẩn đầu ra tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta còn nhiều băn khoăn và chưa có sự thống nhất về chuẩn năng lực ngoại ngữ, tạo ra độ chênh lệch rất lớn về trình độ ngoại ngữ giữa sinh viên của các trường.
Chứng chỉ VSTEP được xây dựng nhằm trở thành một công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 – 5 cho đối tượng sau trung học phổ thông, được sử dụng trong phạm vi toàn quốc và hướng tới được quốc tế công nhận. Hiện chứng chỉ này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công nhận và cấp phép cho 25 trường đại học trên cả nước tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, trên thực tế, phạm vi và giá trị sử dụng của chứng chỉ này còn hạn chế và chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu – đó là trở thành chứng chỉ được đại đa số người Việt Nam ưu tiên lựa chọn. Thay vào đó, các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL,… (đối với tiếng Anh) vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều học sinh, sinh viên.
Đáng nói hơn, thực tế một số trường đại học được Bộ Giáo dục cấp phép ủy quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP, tuy nhiên các đơn vị này vẫn tổ chức các kỳ thi nội bộ để xét chuẩn đầu ra cho sinh viên. Một số trường đại học có thể kể tên như trường Đại học Trà Vinh, trường Đại học Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền,…
Thông báo thi chứng chỉ tiếng Anh nội bộ mới nhất của trường Đại học Trà Vinh. Ảnh chụp màn hình
Khác với giá trị sử dụng toàn quốc của chứng chỉ VSTEP, chứng chỉ tiếng Anh nội bộ chỉ sử dụng được trong phạm vi của đơn vị cấp hoặc đơn vị chấp nhận. Các chứng chỉ nội bộ cũng khó có thể kiểm soát, đánh giá khách quan các giá trị về mặt học thuật, chất lượng cụ thể ra sao. Thực tế cũng đã có không ít phản ánh về tính minh bạch, khách quan của kỳ thi cấp chứng chỉ nội bộ tại một số cơ sở giáo dục đại học.
Rất khó để VSTEP phổ biến ở Việt nam khi các trường đại học vẫn tổ chức thi nội bộ
Bàn về vấn đề trên, thầy Lê Thanh Tú Nhân – giáo viên giảng dạy và luyện thi VSTEP tại Đà Nẵng đặt câu hỏi về chất lượng đối với các chứng chỉ nội bộ dùng để xét chuẩn đầu ra cho các học viên, sinh viên:
Video đang HOT
“Theo tôi biết hiện nay các đơn vị do Bộ cấp phép tổ chức đã và đang làm khá tốt quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, một số đơn vị khác vẫn tổ chức các kì thi cấp chứng nhận nội bộ – không theo đúng tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và vẫn được khá nhiều thí sinh chọn đi thi. Chứng nhận này có bài thi giống VSTEP và làm rất nhiều thí sinh hiểu nhầm khi đăng kí, ngoài ra khâu tổ chức và cấp chứng nhận rất đơn giản, đôi khi qua loa và làm mất giá trị của bài thi này.
Rất nhiều thí sinh đã thi đạt điểm số tương đối cao trong khi năng lực Tiếng Anh còn khiêm tốn. Nếu có thể thì VSTEP của Bộ cần phải được quán triệt là chứng chỉ và kì thi duy nhất tại Việt Nam được công nhận, các nơi khác muốn tổ chức phải thông qua Bộ và làm đúng quy trình đánh giá”.
Hiện nay, giá trị sử dụng của chứng chỉ VSTEP còn hạn chế và chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu. Ảnh minh họa: B.S
Theo thầy Nhân, so với các hình thức thi trước đó tại nước ta như chứng chỉ A, B, C, thì VSTEP có nhiều tương đồng với các chứng chỉ quốc tế được cả thế giới công nhận như IELTS, TOEFL, qua đó mang ưu điểm vượt trội.
Một trong những ưu điểm có thể thấy rõ là bài thi tập trung vào việc đánh giá kĩ năng sử dụng Tiếng Anh của thí sinh như Nghe – Nói – Đọc – Viết. Thí sinh muốn có một số điểm tốt thì không chỉ phải nâng cao vốn từ hay ngữ pháp mà còn phải rèn luyện kỹ năng phát âm, cách giao tiếp hay diễn đạt ngôn ngữ trong văn viết.
“Thí sinh đạt điểm VSTEP cao chắc chắn phải qua quá trình luyện tập lâu dài và có trình độ Tiếng Anh tốt. Điểm hạn chế của VSTEP có lẽ là ở Việt Nam chưa có 1 hội đồng riêng chuyên ra đề và chấm thi VSTEP, đề thi vẫn có sự khác biệt về độ khó (dù không nhiều) của từng đơn vị tổ chức.
Ngoài ra cách phân loại thí sinh qua điểm số cũng chưa thật rõ ràng vì bài thi chỉ phân loại được 3 cấp bậc (3-4-5), một thí sinh đạt điểm 4 đôi khi trình độ không khác biệt với thí sinh điểm 5.5, hay thí sinh điểm 7 không chênh lệch nhiều trình độ so với thí sinh điểm 8; nếu so sánh với 1 bài thi tương tự là IELTS, thí sinh 7.0 sẽ có trình độ cao hơn khác biệt với với 6.0″, thầy Nhân chia sẻ thêm.
Làm sao đưa VSTEP trở thành chứng chỉ được học sinh, sinh viên mong muốn
Thầy Lê Thanh Tú Nhân cho rằng, khâu tổ chức và cấp chứng nhận các chứng chỉ tiếng Anh nội bộ rất đơn giản, đôi khi qua loa và làm mất giá trị của bài thi này. Ảnh: NVCC
Vậy cơ hội nào cho chứng chỉ nội VSTEP? Rõ ràng, chúng ta phải tốn rất nhiều nguồn lực để xây dựng và đưa vào sử dụng chứng chỉ VSTEP, tuy nhiên mức độ phủ sóng của chứng chỉ này vẫn chưa đạt hiệu quả so với tiềm năng và kỳ vọng ban đầu.
Thầy Nhân cho rằng, việc đưa chứng chỉ VSTEP vươn ra thị trường quốc tế là không quá cần thiết và điều này cũng không dễ vì các vấn đề còn tồn đọng của nó (như đã đề cập ở trên). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta hài lòng với chất lượng bài thi hiện tại.
Để tạo được uy tín đối với xã hội, nâng cao chất lượng trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên,… cũng là một trong những cách để nâng cao uy tín của các chứng chỉ nội, thầy Nhân cho rằng cần chuẩn hóa hơn trong cách ra đề và chấm bài thi. Cụ thể:
“Nếu có thể điều chỉnh lại cách tính điểm và quan trọng hơn là xây dựng một hội đồng chất lượng chuyên phụ trách việc ra đề và chấm đề để điểm số VSTEP trở nên khách quan và chính xác, bài thi này sẽ vô cùng hữu ích và giúp các thí sinh tiết kiệm được nhiều chi phí khi đi thi đánh giá năng lực tiếng Anh.
Các trường và cơ quan, công ty tại Việt Nam cũng có thêm 1 cơ sở để đánh giá năng lực của người học, qua đó tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi tuyển sinh hay tìm ứng viên. Việc đưa VSTEP trở thành 1 chứng chỉ chuẩn và được sử dụng chính thức tại Việt Nam, được các học sinh, sinh viên mong muốn có được đã là thành công lớn và thể hiện đúng mục đích của bài thi này”.
Ngoài ra, hiện nay rất nhiều đơn vị lấy chứng chỉ IELTS làm tiêu chí tuyển sinh chính, trong khi ngôn ngữ chỉ là phương tiện, còn mục đích xét tuyển là lựa chọn người có năng lực kiến thức, là nền tảng cho quá trình học tập, đào tạo tiếp theo. Một số trường mới đây cũng đã thông báo sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đại học năm 2023.
Thầy Nhân cho rằng dù việc sử dụng chứng chỉ VSTEP hay thậm chí một số chứng chỉ đã được công nhận toàn cầu như IELTS để xét tuyển thẳng đại học đều không phù hợp.
“Sẽ hợp lý hơn nếu chứng chỉ này được xem là 1 trong các yếu tố ưu tiên bên cạnh năng lực kiến thức. Thay vào đó, các trường nên khuyến khích và tạo môi trường để các em học thêm, rèn luyện ngoại ngữ trong quá trình giảng dạy.
Hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, nên việc biết thêm 1 ngoại ngữ khi ra trường sẽ mang đến cho các em rất nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp và cống hiến cho đất nước”.
Nhiều trường đại học sử dụng chứng chỉ VSTEP cho xét tuyển sinh và chuẩn đầu ra
Đại học Quốc gia TPHCM vừa ban hành công văn gửi các trường thành viên về việc sử dụng chứng chỉ VSTEP trong xét kết quả đầu ra.
Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM trong một giờ học.
Theo đó, Đại học Quốc gia TPHCM cho phép các đơn vị thành viên và trực thuộc chủ động xem xét và công nhận chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dành cho Việt Nam (VSTEP) trong tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp cho người học tại đơn vị.
Hiện cũng có thêm nhiều trường đại học cũng sử dụng chứng chỉ VSTEP trong xét tuyển sinh cũng như xét chuẩn đầu ra. Trường ĐH Công Nghiệp TPHCM cho biết sẽ sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển từ năm 2023 trở đi. Trước đó, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) sử dụng VSTEP để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đại học năm 2022.
Được biết, hiện các đơn vị có tổ chức thi chứng chỉ VSTEP hay sử dụng chứng chỉ này để xét công nhận tốt nghiệp đều có quy định thang bậc quy đổi sang thang điểm tương ứng với chứng chỉ quốc tế IELTS. Chi phí học tập và thi VSTEP rẻ hơn rất nhiều so với IELTS, nên được khá nhiều sinh viên, học viên lựa chọn.
Học viên Nguyễn Hà Thanh đang có dự định thi và theo học thạc sĩ tại Trường ĐH Sài Gòn cho biết anh chọn thi VSTEP để đảm bảo quy định chuẩn đầu vào của trường. Quá trình ôn tập và luyện thi chuẩn đầu vào tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam với anh khá nhẹ nhàng và thuận lợi so với thi chứng chỉ quốc tế IELTS.
"Tôi chọn VSTEP vì hiện nay có rất nhiều trường đại học của Việt Nam được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi. Việc ĐHQG TPHCM cùng các trường thành viên trong thời gian tới công nhận chứng chỉ VSTEP trong xét tuyển sinh và chuẩn đầu ra sẽ mang lại thuận lợi rất lớn cho học viên và sinh viên. Việc thi chứng chỉ VSTEP hiện nay khá linh động, cộng thêm lệ phí thi hợp lý hơn so với TOEIC, IELTS nên chắc chắn sẽ là lựa chọn của nhiều người ", anh Thanh nói.
VSTEP là từ viết tắt của tiếng Anh Vietnamese Standardized Test of English Proficiency. Đây là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam, tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1,C2.
Chứng chỉ VSTEP là chứng chỉ tiếng Anh A1, A2, B1, B2, C1 theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dành cho Việt Nam. Hiện nay có khoảng 25 trường được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi đánh giá và cấp chứng chỉ.
Đủ chuẩn ra trường vẫn nói tiếng Anh kém Dù đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh B2, Nguyễn Ngọc vẫn không sử dụng thành thạo. Trong khi đó, đánh giá việc học tiếng Anh tại trường kém hiệu quả, Ngọc Thuận lựa chọn học bên ngoài. Hiện tại, các trường đại học tại Việt Nam đều có quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên. Một trong những điều...