Bánh hấp miền Nam
Bánh là một trong những món ăn vặt ưa thích của người Việt, đặc biệt ở miền Nam. Hương vị béo, ngọt, thơm độc đáo của bánh luôn hấp dẫn người ăn
Dân miền Tây Nam bộ vốn thích ăn ngọt và béo, lại có thói quen ăn quà bánh sau giấc ngủ trưa nên trong nhà lúc nào cũng có sẵn bột, đường và đậu, khi cần nhóm ngay bếp lửa, nhào bột, vắt nước cốt dừa là đã có ngay mấy thứ bánh để ăn vặt. Bàn tay khéo léo của các bà nội trợ đã cho ra đời hàng trăm loại bánh ngọt thơm, cách chế biến từ đơn giản đến cầu kỳ, từ nướng đến hấp hoặc chiên, mỗi loại bánh mỗi vẻ nhưng đều làm “say lòng” người. Riêng loại bánh hấp có hai loại: bánh gói lá và bánh không gói lá.
Bánh lá dừa “cùng họ” với bánh tét, chỉ khác nhau ở lá gói bánh và nếp được xào thêm với dừa nạo. Lá gói bánh là lá dừa non có màu trắng ngà xanh, có lẽ vì vậy mà được gọi là bánh lá dừa. Bánh được ăn nóng hay nguội tùy sở thích của mỗi người, nhưng ăn kiểu nào cũng cảm nhận trọn vẹn hương vị của bánh. Một món bánh gói lá phổ biến khác là bánh ít. Bột nếp được sử dụng để làm bánh, bánh nhân dừa thì bột để trắng phau, bánh nhân đậu thì bột nhồi thêm với đường thẻ cho có màu vàng nhạt. Cũng có khi người ta trộn nếp thường với nếp cẩm làm bột bánh, rồi trộn cả đậu xanh, dừa và đậu phộng rang vào làm loại nhân thập cẩm, như tính cách vốn hào sảng của người Nam bộ. Vậy mà ngon.
Bánh không gói lá cũng đa dạng không kém nhờ cách chế biến không quá khó khăn như bánh gói. Bánh bò, bánh da lợn, bánh lá mơ, bánh tằm khoai mì, bánh cuốn ngọt, bánh đúc ngọt, bánh chuối hấp… đếm không xuể. Cứ nghe cái tên bánh đã thấy nét mộc mạc dân dã. Bánh bò làm bằng bột gạo nhưng hơi công phu ở phần ủ bột. Bột ủ mấy lần, lần nào bột cũng không được đầy thau, để khi bột nở còn có chỗ “bò” ra. Chắc vì vậy mà người ta gọi là bánh bò. Bánh khéo là có rễ tre xốp, khi ăn vừa dai vừa mềm, màu trong. Nước cốt dừa cho luôn vào bánh khi chế biến hay chan lên bánh khi ăn đều hấp dẫn như nhau. Bánh da lợn nghe tên đã thấy ngộ. Làm bánh này không quá khó nhưng phải chịu khó, do bánh có nhiều tầng, khi hấp bánh phải chờ lớp bột này chín mới đổ lớp bột khác vào. Bánh đơn giản nhất có ba tầng: tầng lá dứa màu xanh, tầng đậu xanh màu vàng và tầng nước cốt dừa màu trắng. Dễ làm nhất là bánh lá mơ. Lá mơ giã nhuyễn vắt lấy nước cốt, trộn với bột gạo, bột năng, nước cốt dừa, đường, nước, nhồi cho đến khi không còn dính tay, nặn thành những sợi dài để trên lá dừa đem hấp chín, cắt nhỏ cho vào đĩa chan nước cốt dừa và rắc đậu phộng rang lên thưởng thức mãi không chán. Không có nước cốt dừa béo ngậy, hầu hết các loại bánh miền Nam đều trở nên nhạt nhẽo và không còn mang nét đặc trưng của vùng đất trù phú này.
Theo PNO
Đa dạng món ăn đặc sản vùng miền
Lễ hội Ẩm thực Đất Phương Nam đã chính thức khai mạc vào tối ngày 29/5/2014, tại Công viên văn hóa Đầm Sen và kéo dài đến hết ngày 1/6.
Video đang HOT
Lễ hội có hơn một trăm món ăn đặc sản đến từ nhiều tỉnh thành phía Nam: Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tây Ninh, TP.HCM...
Lần này, gian ẩm thực Đồng Nai giới thiệu đến du khách hàng loạt các món ăn độc đáo được chế biến từ đặc sản bưởi Tân Triều.
Loại bưởi đường lá cam với hình dạng và màu xanh mướt, láng mịn đẹp mắt. Tép bưởi trắng, vị thanh ngọt mà ăn lại rất giòn.
Ngoài món chè bưởi, mứt bưởi quen thuộc, mỗi phần của quả bưởi đều được tạo thành một món ăn hấp dẫn và tốt cho sức khỏe. Mứt được làm từ phần vỏ xanh và vỏ trắng giòn tan, hòa quyện với mùi thơm ngát của tinh dầu vỏ bưởi và vị ngọt đắng nhẹ nơi đầu lưỡi, mang đến cho thực khách cảm giác khó quên. Phần vỏ trắng lại tiếp tục được dùng để tạo thêm một món ăn khác là bì bưởi chiên giòn. Lá bưởi được xắt nhuyễn và nướng với gà. Cả quả bưởi được dùng để hấp gà tre...
Sản phẩm mới nhất được xuất hiện trong lễ hội là rượu bưởi. Rượu phù hợp cho nữ giới với vị ngọt, cay, ấm hòa với một chút chua nhẹ và chỉ nặng khoảng 15 độ. Đặc biệt hơn, nhà sản xuất đã chế tạo riêng loại bình gốm mô phỏng hình dáng, màu sắc của một quả bưởi thật để đựng rượu, cho người dùng một cảm giác trọn vẹn khi thưởng thức rượu bưởi.
Tiền Giang đã được biết đến với món hủ tiếu Mỹ Tho trứ danh. Lần này gian ẩm thực Tiền Giang lại đưa đến một món giao hòa văn hóa Đông - Tây là pizza hủ tiếu. Hủ tiếu được đưa vào khuôn ép, tạo thành nhiều hình dạng khác nhau: trái tim, vuông, chữ nhật..., sau đó đem chiên giòn, cọng hủ tiếu sẽ se lại mà không hút dầu mỡ, tạo thành lớp vỏ của pizza. Phần nhân gồm có hành tây, ớt chuông, dăm bông, tôm tươi xắt hạt lựu. Lò nướng đặt sẵn ở quầy, khi thực khách đặt món, pizza hủ tiếu được cho vào lò nướng vàng ươm, nóng giòn và thơm lừng.
Không chỉ vậy, quầy ẩm thực Tiền Giang còn hấp dẫn thực khách bởi phong cách phục vụ nhiệt tình, vui vẻ, và đồng phục áo thun "Hướng về Biển Đông, Tôi yêu Việt Nam" của đội ngũ từ quản lý đến nhân viên.
Gian ẩm thực Phú Thọ Hotel hấp dẫn thực khách với món Gà tiềm ống tre. Ống tre thiên nhiên mang đến cho món ăn hương vị dân dã, quê hương đồng thời còn giúp làm dịu mùi thuốc bắc trong món ăn.
Quầy ẩm thực An Giang níu chân thực khách bởi nhiều món ăn lạ, hương vị độc đáo của dân tộc Chăm, Khơmer như: bánh bò, bánh thốt nốt, bánh katum, cà ri cá lóc... Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến món bánh katum, theo tiếng Việt có nghĩa là bánh quả lựu. Vỏ bánh được thắt từ lá thốt nốt tạo thành hình giống như quả lựu, cực kỳ tinh xảo và đẹp mắt.
Được làm từ gạo nếp kết hợp với đậu trắng và nước dừa, bánh katum có độ dẻo thơm của nếp, béo ngậy của đậu và dừa. Với bánh katum, thực khách được thỏa mãn cả về vị giác lẫn thị giác.
Đuông dừa chiên nước mắm, lươn um bí rợ, bồ câu-chim sẻ quay nước dừa, gà ác tiềm ớt hiểm trái dừa... của quầy ẩm thực Bến Tre.
Cơm lam, gà nướng của Tây Nguyên cũng hấp dẫn đông đảo thực khách.
Bánh cuốn, phở cuốn Hạt gạo vàng với 6 mùi vị thiên nhiên và 10 loại nhân khác nhau kích thích cả thị giác lẫn vị giác.
Tại lễ hội, du khách còn được tận mắt xem từng bước nghệ thuật cắt tỉa củ quả thành những tác phẩm, mô hình độc đáo.
Thưởng thức giọng ca ngọt ngào, ngón đàn điêu luyện của chương trình đờn ca tài tử.
Lễ hội kéo dài đến hết ngày 1/6. Khi mua một vé ẩm thực trị giá 200.000đ, ngoài dùng ẩm thực, du khách còn được vào cổng miễn phí.
Theo PNO
Thưởng thức bánh bò dừa món ăn vặt ngon của Sài Thành Ở Sài Gòn có một món ăn vặt đã trở nên quen thuộc với các em học sinh sau mỗi giờ tan tầm. Đó chính là bánh bò dừa. Bánh bò dừa tên nghe ngồ ngộ, khiến mọi người cứ ngỡ như là sự pha trộn của bánh bò và bánh dừa. Nhưng không phải vậy, bánh bò dừa có nguyên liệu chính...