Bánh dây Bồng Sơn
“Ghé bờ đê ăn bánh dây rồi hẵng đi nha tụi bay”, đó là lời rủ rê khó có thể bỏ qua với những người lại sắp sửa đi xa như chúng tôi. Chẳng ai biết bánh dây ra đời từ lúc nào, nhưng hễ về thị trấn Bồng Sơn (H.Hoài Nhơn, Bình Định) thì chắc rằng ai cũng sẽ ghé đến thưởng thức bánh dây bờ đê ít nhất một lần.
Ảnh: Minh Úc
Bánh dây được làm từ bột gạo ngâm với nước cốt tro. Sau khi ninh bột, người nấu sẽ ép bột qua khuôn tạo thành sợi rồi đem hấp. Bánh dây có màu vàng nhạt, sợi như bún nhưng chỉ khác các sợi dính vào nhau nên người ta gọi là bánh. Để dễ ăn, người bán sẽ xé rời, cắt ngắn từng sợi, thoa chút dầu hẹ rồi rải lên trên mặt một ít đậu phộng. Bánh dây ăn kèm rau sống chấm với nước mắm do chính người Bồng Sơn làm thì ngon tuyệt.
Video đang HOT
Chỉ mới nhìn đĩa bánh dây thực khách sẽ bị kích thích ngay vị giác bằng những màu sắc bắt mắt: vàng của bánh, xanh của rau, trắng của giá, đỏ của chén nước mắm… Khi ăn, vị dai của bánh, thơm của đậu, giòn của rau hòa quyện trong tam vị: chua, cay, ngọt của nước chấm khiến ai ăn một lần khó có thể quên.
Bánh dây để nguyên (không thoa dầu hẹ, không xé sợi) là món chúng tôi thường mang vào Sài Gòn hay đi các tỉnh xa làm quà, có khi chỉ để mấy đứa trong phòng trọ cùng ăn để đỡ nhớ mùi vị quê nhà…
Theo TNO
Bánh dày kẹp chả thơm ngon ở Sài Gòn
Chiếc bánh dày có vị dẻo thơm của xôi nếp, vị thơm ngon của miếng chả quế ăn kèm.
Bánh dày là món bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam, gắn liền với câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu. Bánh được làm từ nếp trắng đậu xanh, thường có hai loại: là chay và mặn, bánh chay nhân đậu đường trắng, bánh mặn nhân đậu mỡ lợn thái hạt lựu...
Những chiếc bánh dày kẹp chả quế là món ăn sáng ngon miệng của nhiều người ở Sài Gòn.
Ở Sài Gòn phổ biến nhất là loại bánh dày trắng không nhân, nhỏ bằng lòng bàn tay. Cứ hai cái bánh thành một cặp và thường kẹp ăn chung với giò lụa, chả quế... Khác với ngoài Hà Nội, miếng chả thường khá dày.
Chiếc bánh bình dị, dân dã là thế nhưng để làm ra nó thì không đơn giản tí nào. Bánh ngon hay không, phần quyết định là khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm đem ngâm, đồ thành xôi. Xôi đồ vừa khéo, đủ độ để giã thành vỏ bánh dẻo thơm làm thành chiếc bánh dày chay.
Khi ăn, bánh được kẹp thêm miếng giò lụa hoặc chả quế và rắc vào một ít muối tiêu. Cắn một miếng bánh dày để cảm nhận hương nếp trong từng miếng bánh, cái dẻo của nếp quyện với vị giò thơm hương lá chuối cùng vị hơi mặn của muối tiêu làm cho chiếc bánh dày thêm đậm đà và ngon miệng.
Là món ăn nổi tiếng của Hà Nội nhưng từ khi xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, chiếc bánh dày có màu trắng tinh được kẹp chả nhanh chóng được người dân ở đây ưa thích. Hình ảnh những chiếc xe đạp chở đằng sau một thúng bánh dày ở cổng trường học, công viên hay một góc phố nào đó không còn xa lạ với người Sài Gòn. Mỗi cặp bánh dày hiện nay có giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng.
Tiêu Phong
Theo NS
Những quán kem ngoại lừng danh Sài Gòn Sự có mặt của những thương hiệu kem nổi tiếng trên thế giới đem lại nhiều sự lựa chọn về hương vị, chất lượng và giá cả. Kem Nhật ở MOF Không gian mang đậm văn hoá với những biểu tượng may mắn, những bức tranh tái hiện sinh động cuộc sống của Nhật, ô cửa sổ nhìn xuống đường Lê Lợi (Q.1),...