Bánh canh Trảng Bàng hấp dẫn khách phương xa
Chỉ là một món bình dân, nhưng bánh canh Trảng Bàng luôn khiến thực khách phải nhớ lâu nếu từng một lần thưởng thức, đặc biệt ở Tây Ninh.
Nằm ở biên giới Tây Nam của tổ quốc, vùng đất Tây Ninh với thời tiết khô cằn, nắng nóng quanh năm đã trở thành thương hiệu. Không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng mảnh đất này vẫn có được những đặc sản mà chỉ nhắc đến thôi, thực khách đã phải chép miệng thèm thuồng. Những món ăn như bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc, bánh canh Trảng Bàng hay muối tôm đều được du khách tìm thử khi đến Tây Ninh hoặc mua về làm quà.
Bánh canh Trảng Bàng là món ăn đã được bình chọn vào danh sách 50 món đặc sản của Việt Nam. Ảnh: Huấn Phan.
Khác với bánh tráng phơi sương hay muối tôm đã hình thành nên những làng nghề truyền thống, món bánh canh vốn dĩ xuất thân chỉ từ một gánh hàng rong trên các con đường ở thị trấn Trảng Bàng từ xa xưa. Để rồi cùng với thời gian, món ăn đó đã chinh phục được thực khách và nhanh chóng trở thành một món ăn đặc sản gắn liền với thương hiệu Trảng Bàng (nơi xuất xứ của món ăn này) nổi tiếng như hiện nay.
Hình thức món ăn không có gì đặc biệt, cũng với sợi bánh canh, thịt nạc heo và nước dùng. Tuy nhiên, sự tinh tế, sức hấp dẫn của món ăn ẩn chứa bên trong các nguyên liệu mà chỉ khi nếm thử thì người ăn mới có thể cảm nhận được.
Video đang HOT
Đĩa rau sống tươi ngon cùng chén nước chấm có vị chua nhẹ giúp cho món ăn này trở nên tròn vị hơn. Ảnh: Huấn Phan.
Theo những người bán món ăn này, ngày xưa người ta làm sợi bánh từ các loại gạo của người Khmer như gạo bằng phệt, gạo móng chim… Những loại gạo này tuy nấu cơm không ngon, cứng và khô nhưng lại thích hợp để làm sợi bánh vì chúng không quá mềm hay bở. Ngày nay, các loại gạo này đã không còn vì chúng cho năng suất thấp, thay vào đó, các hộ làm nghề ở đây thường sử dụng gạo nàng Thơm, nàng Miện… Nhưng cho dù sử dụng loại gạo nào đi nữa, sợi bánh cũng phải đảm bảo tiêu chí mềm, không cứng, không quá dai nhưng cũng không quá bở, khi chế nước vào không bị nở to như các loại bánh canh khác.
Sợi bánh đã chuẩn bị công phu, nước dùng còn đòi hỏi sự tỉ mỉ nhiều hơn nữa. Người ta sử dụng hoàn toàn xương ống heo để ninh nước dùng, thời gian ninh phải đủ để nước dùng có vị ngọt, nhưng cũng không quá lâu tránh làm nước dùng sắc lại và bị đục. Chính nhờ sự tỉ mỉ đó nên nước dùng của món ăn này luôn trong vắt, không có màng mỡ nhưng lại có vị ngọt dịu dễ chịu.
Món ăn ngon miệng, lành tính nên không ngạc nhiên khi nó được bán từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Ảnh: Huấn Phan.
Nguyên liệu cho món ăn này khá đơn giản, nó chỉ bao gồm thịt nạc và móng giò. Tùy vào ý thích mà thực khách có thể chọn thịt nạc, giò, móng hoặc một bát đặc biệt với đầy đủ các nguyên liệu bên trong. Bánh canh Trảng Bàng luôn có một đĩa rau sống tươi ngon dành cho thực khách, tùy vào quán mà đĩa rau có thể là xà lách, húng quế hoặc quế vị, ngò rí… Một thành phần cuối cùng làm cho món ăn này trở nên hoàn hảo là chén nước chấm có vị chua nhẹ, khi nó vừa giúp món ăn trở nên đậm đà vừa xua đi cảm giác ngấy cho người ăn.
Nếu có dịp đến Tây Ninh, bạn đừng quên ghé lại một quán ven đường để thưởng thức món ăn nổi tiếng này. Ở Sài Gòn, bạn có thể dễ dàng thưởng thức một bát bánh canh Trảng Bàng nóng hổi trong các quán Hoàng Ty hay các quán đặc sản Trảng Bàng.
Theo VNE
Bánh canh Trảng Bàng nức tiếng Tây Ninh
Không chỉ đơn thuần là đặc sản địa phương, bánh canh Trảng Bàng còn mang trong mình nỗi nhớ niềm thương về mảnh đất Tây Ninh nắng gió.
Trảng Bàng (Tây Ninh) là địa danh đi vào lòng du khách với những đặc sản địa phương và làng nghề thủ công truyền thống như bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng Tây Ninh. Trong đó, tô bánh canh Trảng Bàng được coi như nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Tây Ninh, khó lòng mà trộn lẫn.
Nước dùng của bánh canh Trảng Bàng cũng giống như nước lèo của bún mắm, nước dùng của phở. Ảnh: kyluc.vn
Đến nay người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện của một người phụ nữ gánh bánh canh đi bán khắp thị trấn Trảng Bàng để nuôi gia đình. Sau đó bà truyền bí quyết cho con cháu, theo thời gian, bánh canh Trảng Bàng trở nên nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh.
Để có những sợi bánh canh trắng ngần, người ta thường chọn gạo nàng thơm. Sau khi ngâm thật kỹ qua đêm để đạt đủ độ mềm cần thiết, gạo được đem xay nhuyễn thành bột, rồi đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt.
Điều dễ nhận thấy ở làng nghề Trảng Bàng là các lò làm bánh hoạt động rất nhịp nhàng, ăn khớp với các tiệm ăn. Bột bánh canh được giao tới tiệm ăn rất đúng giờ, đúng buổi, không quá sớm và cũng không quá trễ, để tránh con bánh bị chua, mất đi hương vị độc đáo.
Sự cạnh tranh giữa các tiệm làm sợi bánh là một lực đẩy đưa thương hiệu bánh canh Trảng Bàng ngày càng vươn xa. Mỗi lò, mỗi tiệm thu hút du khách bằng bí quyết riêng trong từng con bánh, từng loại gia vị và cách pha chế gia truyền, từ đó mà sợi bánh ngày càng ngon và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Hầu như mỗi gia đình ở Trảng Bàng ai cũng biết nấu món bánh canh đã trở thành đặc sản. Ảnh: yesvietnam
Từ những nguyên liệu rất phổ biến trong bữa cơm người Việt như gạo, thịt heo, xương, gia vị, qua quá trình chế biến công phu và khéo léo của người Trảng Bàng đã cho ra đời những tô bánh canh đậm đà hương vị. Một khi đã thưởng thức khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh cộng với vị chua của nước mắm.
Một tô bánh canh ngon đúng điệu phải đảm bảo hai yếu tố "thanh" và "sắc". "Thanh" ở vị nước dùng đặc trưng nhờ nước hầm xương hòa quyện với gia vị và sợi bánh canh. Trong làn khói bốc lên nghi ngút, những sợi bánh trắng ngần e ấp bên dưới phần nhân thịt hoặc giò, kèm theo những lát ớt đỏ tươi và không thể thiếu bát rau thơm cùng chanh tươi mọng nước. Đó là phần "sắc" của một tô bánh Trảng Bàng thơm ngon chính hiệu.
Dọc quốc lộ 22 từ TP HCM xuôi về Tây Ninh ngày nay không thiếu những quán bánh canh Trảng Bàng. Nếu có dịp ngang qua, đừng quên thưởng thức tô bánh canh đúng điệu ở mảnh đất Trảng Bàng đầy nắng và nhận lại nụ cười nồng hậu của người địa phương.
Theo PNO
Món ngon đình đám ở xứ Trảng Có một món ăn mà tên tuổi của nó đã làm nên thương hiệu của một vùng đất. "Bánh canh Trảng Bàng", một đặc sản của dân xứ Trảng đã nổi tiếng khắp các tỉnh thành Nam bộ và vươn xa ra nhiều nơi trong cả nước và cả hải ngoại. Có đến 30 loại rau, đọt lá ăn kèm Bánh canh Trảng...