Bánh căn chị Nguyệt – Món ngon trứ danh Phan Thiết
Bánh căn được xem là một trong những món ăn dân dã có từ lâu đời của thành phố Phan Thiết. Trong đó ngon, đậm đà hương vị xứ biển và luôn là nơi du khách xa gần chọn lựa là quán bánh căn Lân Nguyệt ở số 8, đường Hải Thượng Lãn Ông, Tp.Phan Thiết.
Hằng ngày, tầm 4 giờ chiều quán mới bắt đầu mở cửa phục vụ. Mùi thơm của thứ “bột gạo nướng” trên nhũng chiếc khuôn bằng đất nung cùng với xíu mại, cá kho, trứng luộc và nước mắm giã tạo thành hương vị thật hấp dẫn vị giác. Khoảng 6 chiếc bàn con và hơn hai chục chiếc ghế nhỏ bỗng chốc đầy khách. Tùy khẩu vị và sở thích, khách có thể chọn các món ăn kèm như xíu mại, xá xíu, trứng luộc hay cá kho. Thêm một ít khế chua, xoài xanh cắt sợi, vài tép mỡ, tương ớt, nước mắm giã và vài cặp bánh căn nóng hổi thành món ăn thật ngon!
Bánh căn, đơn giản chỉ là bột gạo xay rồi nướng trên những chiếc khuôn bằng đất nhỏ xíu ăn cùng với nước mắm pha loãng, là một món ăn mộc mạc như tính cách con người Phan Thiết vậy. Dần dà, để tăng thêm sự ngon miệng, bánh căn được “biến tấu” ăn kèm thêm tép mỡ, xoài xanh, cá kho, xíu mại, trứng luộc tùy thực khách. Người Phan Thiết cho biết, để thưởng thức trọn vẹn nét “tinh túy” của bánh căn thực khách phải tự tay pha chén nước mắm, cắt xoài, lột trứng, đợi người bán bỏ từng cặp bánh vừa cạy để rồi vừa ăn vừa thổi, vừa tận hưởng cái hương đậm đà cùng vị ngọt bùi, cay béo…
Video đang HOT
Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt (54 tuổi, chủ quán bánh căn Lân Nguyệt), món bánh căn ngon và đầy đủ mùi vị hấp dẫn không phải do các thức ăn kèm cầu kỳ mà là do bí quyết pha bột và cách chế biến nước mắm. Với hơn 12 năm đổ bánh căn chị Nguyệt đã tìm ra cách pha bột với tỷ lệ 10kg gạo, 1,8kg nếp và 1 chén cơm nguội rồi đem xay nhuyễn. Còn khi làm nước mắm phải luộc chín ớt, đường thắng nước để nguội, nước sôi, nước mắm ngon và vài hương liệu để tạo màu đỏ hồng cho nước mắm. Ngoài ra, trong quá trình đổ bánh, cần canh lửa cho vừa để bánh chín đều, thơm và khi ăn hơi giòn giòn…mới thú vị! Từ những bí quyết đó mà mỗi buổi tối quán bánh căn chị Nguyệt luôn đông khách, thường phải có 2 người (thậm chí 3) đổ bánh mới phục vụ kịp. Bình quân mỗi tối bán hết 10kg gạo. Riêng vào các ngày nghỉ lễ có đông du khách hay dịp Tết cổ truyền, mỗi ngày bán từ 15 – 20kg gạo!
Cùng với lợi thế mặt tiền đường khá nhộn nhịp của phố biển, khoảnh sân rộng rãi, thoáng mát, mỗi tô bánh căn ngon với đầy đủ thức ăn kèm có giá chỉ 12.000 đồng cũng là điểm cộng để quán luôn là lựa chọn của người dân địa phương và du khách thích ăn bánh căn Phan Thiết! Thương hiệu “bánh căn chị Nguyệt” hôm nay còn thường xuyên được các đoàn phim, các phương tiện truyền thông chuyên về du lịch ẩm thực đến ghi hình, giới thiệu như là một địa chỉ ẩm thực nổi tiếng của thành phố Phan Thiết. Và gần nhất được êkìp sản xuất chương trình truyền hình về món ngon nổi tiếng thế giới “Yan Can Cook” chọn là một trong những địa điểm thực hiện loạt phim “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” tại Bình Thuận để trình chiếu trên các kênh truyền hình chuyên về ẩm thực du lịch trong nước và thế giới.
Theo Moitruong24h
Cà ri ghẹ hương vị Phan Thiết
Lấy cảm hứng "cay nồng" từ các món ăn chế biến từ cà ri Ấn Độ và sự tươi ngon của các loại hải sản nổi tiếng, người Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã biến tấu và sáng tạo thêm một món ăn đậm đà hương vị miền biển là Cà ri ghẹ.
Bột cà ri thường là sự kết hợp của ba loại gia vị khác nhau là nghệ, rau mùi và thì là.Trong ẩm thực người Việt, các đầu bếp thường dùng bột cà ri ướp với hải sản (hoặc thịt) trước khi nấu và chiên xào. Lá cũng được cho vào các món nấu, xào nhằm tăng thêm mùi vị và chất lượng. Món cà ri ở Việt Nam thường đậm đà hơn với nước cốt dừa, ít cay hơn so với cà ri Ấn Độ.
Ghẹ là động vật ở biển (tên khoa học là Crabe de Mer), sinh sống nhiều ở vùng biển Bình Thuận. Ghẹ Phan Thiết - Bình Thuận có nhiều loại, trong đó loại ghẹ xanh (hay còn gọi là ghẹ nhàn) được đánh giá cao nhất cả về hương vị lẫn dinh dưỡng và nhất là rất phù hợp để chế biến nhiều món ăn khác nhau. Và món cà ri ghẹ được người miền biển Phan Thiết dùng thứ thịt thơm ngon, đậm đà của ghẹ biến tấu thành món ăn mang đậm hương vị miền biển.
Theo một số đầu bếp ở Phan Thiết, để chế biến món cà ri ghẹ thường chọn loại ghẹ xanh, kich thước vừa phải, chiều dài toàn thân khoảng 15cm là phù hợp nhất. Ghẹ được rửa sạch rồi bóc mai, lột yếm, cắt bỏ bớt chân và đập dập càng. Sau đó đem xào chung ghẹ với hỗn hợp gia vị, trong đó có bột cà ri. Cho thêm vào một số nguyên liệu như hành tây, hành tím, gừng, ớt bột, nước mắm, một tí sữa tươi (có thể dùng nước dừa tươi) rồi nấu với lửa nhỏ cho đến khi ghẹ chín.
Cà ri ghẹ là món ăn nóng thường ăn kèm với bánh mì hoặc bún. Hương cay nồng của cà ri và một số gia vị nóng như ớt, gừng, hành tím...làm cho món ăn khi chín thêm phần hấp dẫn và kích thích cả khứu giác lẫn vị giác. Vị ngọt bùi của thịt ghẹ, béo của sữa tươi (hoặc nước dừa), thơm của các loại gia vị nóng quyện với vị cay cay của cà ri tạo nên một món ăn đậm đà, nồng cay khó quên. Đến tham quan và du lịch với thành phố Phan Thiết, nếu du khách muốn thưởng thức cà ri ghẹ có thế ghé phố hải sản Phạm Văn Đồng (bờ kè Bình Hưng), khu vực ẩm thực đường Hùng Vương, hay trong thực đơn hải sản của các resort, khách sạn, khu du lịch cao cấp ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né.
Theo Dulich.petrotimes
Về Phan Rang Nhớ mãi món bánh canh bột gạo Tô bánh canh nghi ngút khói với màu trắng của bột bánh canh, màu vàng của chả cá và miếng sườn căng mọng thật hấp dẫn. Cuối tuần rồi, tôi được bạn trai dẫn về quê chơi. Quê anh ở Phan Rang, vào mùa khô thì "nắng như rang, gió như phan". Nhưng xứ này mùa mưa thì khác hẳn, những cơn mưa...