Băn khoăn về một số đơn vị kiến thức ở bài 3 – Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo
Đã là một chủ đề thì nó phải có tính tương đồng, gần gũi nhau chứ không thể riêng lẻ, rời rạc sẽ khiến cho người dạy, người học gặp những khó khăn nhất định.
Sách giáo khoa Ngữ văn 6- bộ Chân trời sáng tạo do tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam làm chủ biên là 1 trong 3 bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để đưa vào giảng dạy ở các trường trung học cơ sở trên cả nước.
Theo tìm hiểu của người viết, sách Ngữ văn- bộ Chân trời sáng tạo được rất nhiều địa phương lựa chọn, nhất là các tỉnh phía Nam nhưng bộ sách này cũng đang tồn tại một số hạn chế mà thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã chỉ ra đối với sách Ngữ văn lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Trong bài viết này, người viết xin được trình bày những băn khoăn của mình về một số ngữ liệu văn bản mà các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 6 đã lựa chọn để đưa vào bài (chủ đề) 3: Vẻ đẹp quê hương mà bản thân người viết cho rằng chưa hợp lý, không thống nhất với chủ đề.
Yêu cầu cần đạt được tác giả hướng tới thể thơ lục bát (Ảnh: Nguyên Khang)
Hướng học sinh tìm hiểu, làm thơ, viết cảm nhận về thơ lục bát nhưng ngữ liệu chưa hợp lý
Phần tri thức ngữ văn của bài học (chủ đề) thứ 3, các tác giả sách giáo khoa đã đề cập rất rõ về đặc điểm, cách gieo vần, cách ngắt nhịp, thanh điệu…Các kiến thức đọc, thực hành, viết, nói và nghe cũng chủ yếu đề cập đến thơ lục bát một cách rất cụ thể theo yêu cầu cần đạt của bài học.
Ở phần yêu cầu cần đạt, tác giả sách giáo khoa viết liệt kê khá chi tiết, trong đó có những yêu cầu cần đạt như sau: Nhận biết được các đặc điểm của thể thơ lục bát; bước đầu biết làm bài thơ lục bát; viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát; trình bày được một bài thơ lục bát…
Phần giới thiệu bài 3, các tác giả sách giáo khoa giới thiệu như sau: ” Đến với bài học này, các em sẽ tìm hiểu được vẻ đẹp quê hương qua những vần thơ lục bát để thấy được giá trị độc đáo của một thể thơ thuần Việt có từ lâu đời“.
Văn bản 1 của chủ đề 3 được kết hợp từ 4 bài ca dao, rải đều từ kinh thành Thăng Long đến miệt Tháp Mười. Tuy nhiên, bài ca dao thứ 2 chưa thực sự phù hợp về số tiếng, cách gieo vần, cụ thể bài ca dao như sau:
-Em đố anh từ Nam chí Bắc
Sông nào là sông sâu nhất?
Núi nào là núi cao nhất nước ta?
Anh mà giảng được cho ra
Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng anh.
-Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra.
Cách gieo vần, thanh điệu thể thơ lục bát được tác giả sách giáo khoa trình bày (Ảnh: Nguyễn Khang)
Video đang HOT
Theo văn bản này, phần hỏi của nhân vật “em” thì câu ca dao đầu tiên có 7 tiếng, không đúng với thể loại lục bát. Phần trả lời phía sau, các tiếng thứ 6 của câu lục không gieo vần với tiếng thứ 6 của câu bát. Tiếng thứ 8 của câu bát không gieo vần với tiếng thứ 6 của câu lục.
Đó là chưa kể về kiến thức địa lý, sông Bạch Đằng không phải là sông sâu nhất và núi Lam Sơn cũng không phải là núi cao nhất nước ta.
Vẫn biết, đây là một bài ca dao của cha ông để lại nhưng để làm khuôn mẫu cho học sinh phân tích, nắm về thể loại thơ lục bát- ” một thể thơ thuần Việt có từ lâu đời” thì nó chưa thực sự chuẩn mực cả về số câu, cách gieo vần và kiến thức.
Chính vì thế, gây khó khăn cho giáo viên khi phải lý giải cho học sinh bởi các em vừa học tri thức ngữ văn ở đầu chủ đề thì giáo viên đã giảng giải, phân tích, cung cấp tri thức kĩ lưỡng về thể loại, đặc điểm. Trong đó có số chữ, cách gieo vần nhưng khi vào văn bản mẫu thì các tác giả sách giáo khoa lại cung cấp văn bản minh họa như vậy.
Bài đọc mở rộng theo thể loại trong chủ đề 3 cũng gây băn khoăn cho giáo viên
Cho dù chủ đề bài học là Vẻ đẹp quê hương nhưng tác giả sách giáo khoa hướng tới thể loại là thơ lục bát. Vì thế, theo suy nghĩ của chúng tôi, nếu tác giả sách giáo khoa đưa văn bản đồng nhất về thể loại thơ lục bát sẽ phù hợp với mục tiêu cần đạt và dễ cho giáo viên khi định hướng cho học trò.
Thế nhưng, ở phần Đọc kết nối chủ điểm thì tác giả sách giáo khoa lại lấy một bài nghị luận văn học Về bài ca dao Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng của tác giả Bùi Mạnh Nhị. Chúng tôi không đánh giá, phân tích về bài viết của tác giả Bùi Mạnh Nhị vì đây là bài viết hay.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tác giả sách giáo khoa đưa vào chủ đề mà chủ yếu là phân tích, hướng dẫn học sinh tập làm thơ, viết cảm nhận về bài thơ lục bát là chưa hợp lý. Bài ca dao có nguyên bản như sau:
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Dù chúng tôi biết rằng trong ca dao, trong thơ lục bát thì không phải lúc nào cũng phải đúng số chữ, đúng cách gieo vần nhưng ở đây, mỗi bài học (chủ đề) ở sách giáo khoa có 4 văn bản.
Trong đó, có 2 văn bản đầu tiên sẽ được định hướng là khai thác sâu, kĩ; 2 văn bản còn lại là đọc Đọc kết nối chủ điểm và Đọc mở rộng theo thể loại thì giáo viên chỉ hướng tới kĩ năng đọc là chủ yếu.
Thế nhưng, việc lấy một bài nghị luận văn học phân tích một bài ca dao có tới 12-13 tiếng trong chủ đề thơ lục bát dẫn đến khó khăn cho giáo viên trong định hướng, giảng dạy ở một chủ đề chung.
Đó là chưa nói đến, bài ca dao được tác giả Bùi Mạnh Nhị phân tích, bình giảng sẽ quá tầm với một học sinh lớp 6- cho dù nếu đứng riêng đây là bài ca dao hay và đã được người viết cảm nhận khá sâu sắc.
Bởi, nội dung bài ca dao gây ấn tượng với 12 tiếng hai dòng thơ đầu. Cùng với những biện pháp tu từ, thay đổi sự quan sát, ta thấy được sự rộng lớn, mênh mông, trù phú của cánh đồng.
Ở hai dòng cuối, tác giả dân gian cho ta thấy cô gái đáng yêu, mảnh mai trong cánh đồng rộng lớn. Bài ca dao có thể là lời của cô gái bộc lộ lời tự khen thầm kín và hồn nhiên mà cũng có thể là lời của một anh trai làng nào đó bày tỏ tình cảm của mình.
Chúng tôi vẫn biết viết sách giáo khoa là “làm dâu trăm họ”, nhất là đối với sách giáo khoa môn Ngữ văn ở các cấp học phổ thông. Vì thế, chúng tôi chỉ dám nêu lên những băn khoăn của mình và mong muốn tác giả sách giáo khoa (cả 3 bộ sách) cần thận trọng khi đưa văn bản văn học vào từng chủ đề bài học.
Đã là một chủ đề thì nó phải có tính tương đồng, gần gũi nhau chứ không thể riêng lẻ, rời rạc sẽ khiến cho người dạy, người học gặp những khó khăn nhất định.
Một vòng đời sách giáo khoa có tới hàng chục năm trời và có hàng triệu học sinh sẽ học. Nếu sách giáo khoa chuẩn mực, gần gũi sẽ giúp cho học sinh thẩm thấu được trọn vẹn và hiểu cặn kẽ vấn đề. Ngược lại, nếu dùng ngữ liệu chưa phù hợp sẽ khiến cho học sinh khó tiếp cận và mục tiêu của chương trình đặt ra cũng khó đạt được.
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Nguyên Khang. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
GV đứng lớp góp ý cuốn sách Ngữ văn 7- bộ sách Chân trời sáng tạo
Sách giáo khoa Ngữ văn 7 bố trí một số ảnh, tiểu sử tác giả rất dễ gây hiểu lầm vì nếu nhìn qua cứ ngỡ những bức hình tác giả là của bài phía dưới.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện giảng dạy chương trình 2018 ở lớp 7 với 3 bộ sách giáo khoa khác nhau.
Sau nửa học kỳ đầu tiên, chúng tôi nhận thấy một số điều băn khoăn đối với sách Ngữ văn 7 (bộ Chân trời sáng tạo) do tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam và Nguyễn Thành Thi làm đồng Chủ biên.
Những văn bản văn học được các tác giả đưa vào sách giáo khoa ít mà chưa thực sự hay nên "chất văn" trong sách giáo khoa Ngữ văn chưa nhiều. Một số phần, sách giáo khoa Ngữ văn 7 in cỡ chữ quá nhỏ, quá dày khiến học sinh và giáo viên rất khó đọc.
Một số bài học khi sử dụng hình ảnh tác giả chưa thực sự khoa học và có cả những chủ đề phần đọc một đường, phần viết hướng dẫn một nẻo nên không tạo được tính liên kết cho chủ đề. Chúng tôi xin mạn phép điểm qua một số băn khoăn ở sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập I.
Sách Ngữ văn 7 - bộ sách Chân trời sáng tạo. Ảnh: Nguyễn Đăng
"Chất văn" trong sách giáo khoa Ngữ văn 7
Sách Ngữ văn 7, tập I (bộ sách Chân trời sáng tạo) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được thiết kế thành 5 bài học (chủ đề) khác nhau.
Mỗi bài học đều hướng tới các hoạt động đọc, viết, nói và nghe. Phần đọc được bố trí 4 văn bản tương đương với yêu cầu cần đạt đã được hướng dẫn ở chương trình tổng thể và chương trình môn học. Đó là: đọc hiểu nội dung; đọc hiểu hình thức; liên hệ, so sánh, kết nối; đọc mở rộng. Sau đó, đến phần viết; phần nói và nghe.
Tập I- sách giáo khoa Ngữ văn 7 có 5 bài học. Bài 1: Tiếng nói của vạn vật (thơ bốn chữ, năm chữ); bài 2: Bài học cuộc sống (truyện ngụ ngôn); bài 3: Những góc nhìn văn chương (nghị luận văn học); bài 4: Quà tặng cuộc sống (tản văn, tùy bút); bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân (văn bản thông tin).
Nhìn chung, đa phần các văn bản ở tập I - sách giáo khoa Ngữ văn 7 là những văn bản mới, tính kế thừa sách Ngữ văn 7 của chương trình 2006 rất ít.
Những văn bản kế thừa từ chương trình 2006, chúng tôi chỉ thấy ở phần thơ có bài Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh đang được dạy ở lớp 9 và một số truyện ngụ ngôn ở lớp 6. Những văn bản văn học ở tập I, sách giáo khoa Ngữ văn 7 chương trình 2006 gần như vắng bóng trong chương trình Ngữ văn 7 - chương trình 2018.
Về cơ bản, các chủ đề trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 bám sát chương trình tổng thể, chương trình môn học nhưng theo quan điểm của người viết, việc lựa chọn các văn bản văn học đưa vào các chủ đề rất ít những văn bản thực sự hay, tiêu biểu như trước đây.
Mục tiêu chương trình, mục tiêu từng bài học và khi giáo viên tập huấn với các tác giả sách giáo khoa lớp 7 là không phân tích sâu về nội dung, nghệ thuật như chương trình 2006 mà chủ yếu rèn cho học sinh các kĩ năng: "đọc, viết, nói và nghe".
Thế nhưng, sách giáo khoa lại đưa vào phần viết một số bài văn mẫu của các chuyên lại hướng tới việc phân tích, bình giảng khá kĩ về nội dung, nghệ thuật. Chẳng hạn, bài " Hình ảnh hoa sen trong bài ca dao trong đầm gì đẹp bằng sen" của tác giả Hoàng Tiến Tựu là một ví dụ.
Nhiều giáo viên đang dạy Văn 7 cho rằng sách giáo khoa mới có phần khô khan, xơ cứng, đặc trưng của môn học bị mai một. Bởi, cho dù ai cũng biết tình trạng đuối nước của học sinh vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi nhưng môn Ngữ văn mà đưa bài " Phòng tránh đuối nước" vào để dạy và học thì e là khiên cưỡng, chưa thực sự hợp lý với tính chất của môn Văn.
Cỡ chữ nhỏ, hình ảnh và tiểu sử tác giả văn học đặt ở vị trí dễ gây hiểu lầm
Một số bài học có cỡ chữ nhỏ li ti, rất khó đọc (Ảnh: Nguyễn Đăng)
Học sinh bây giờ cận thị khá nhiều và tất nhiên nó được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không đơn thuần là do học sinh đọc sách.
Thế nhưng, sách giáo khoa môn Ngữ văn của mỗi lớp viết ra sẽ có hàng triệu học sinh đọc, học hàng chục năm trời mới thay chương trình, sách giáo khoa khác.
Vì vậy, khi biên soạn, thiết kế và phát hành sách giáo khoa thì những người biên soạn, biên tập phải chú ý đến cách trình bày, cỡ chữ để học sinh không phải căng mắt, sát mắt để đọc những dòng chữ li ti dày đặc trong sách giáo khoa.
Sách giáo khoa môn Ngữ văn thường rất nhiều chữ và tất nhiên là giáo viên và học sinh phải đọc, nhất là những phần chữ nhỏ ở sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) thường là những nội dung quan trọng.
Đó là phần hướng dẫn sử dụng sách; phần viết - hướng dẫn phân tích kiểu văn bản phải đọc nhiều lần nên việc chữ quá nhỏ rất dễ lẫn lộn giữa các dòng với nhau. Trong khi, các chú thích trong văn bản lại nhiều nên khó đọc và tất nhiên không tốt về mắt cho học trò và cả giáo viên nữa.
Tình trạng này không chỉ ở sách Ngữ văn 7 mà sách giáo khoa Ngữ văn 6 (bộ sách Chân trời sáng tạo) cũng bắt gặp những bài học có chữ nhỏ li ti như thế này.
Sách Ngữ văn 6 (Chân trời sáng tạo) cũng có một số bài học chữ quá nhỏ (Ảnh: Nguyễn Đăng)
Phần minh họa ảnh tác giả ở một số bài viết cũng khiến chúng tôi băn khoăn vì thông thường ảnh, tiểu sử tác giả thường để ở đầu, hoặc sau khi kết thúc văn bản sẽ giúp cho học sinh dễ cảm, dễ nhìn và khi học hơn.
Ảnh, tiểu sử bài trước đứng ở đầu bài sau dễ gây hiểu lầm (Ảnh: Nguyễn Đăng)
Nhưng, sách sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) bố trí một số ảnh, tiểu sử tác giả rất dễ gây hiểu lầm vì nếu chưa đọc, nhìn qua cứ ngỡ những bức hình tác giả là của bài phía dưới cứ không nghĩ là của bài phía trên.
Vì một số ảnh, tiểu sử tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) được bố trí ở cuối cùng của văn bản (sau ngữ liệu, sau các câu hỏi) mà bài học phía sau lại liền kề với hình ảnh chân dung và tiểu sử của tác giả bài học phía trên.
Ảnh, tiểu sử tác bài trước đứng ở đầu bài sau dễ gây hiểu lầm (Ảnh: Nguyễn Đăng)
Chủ đề, văn bản đọc và phần viết chưa có sự liên kết chặt chẽ
Bài 2, sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) có chủ đề là " Bài học cuộc sống (truyện ngụ ngôn)" và phần đọc được các tác giả sách giáo khoa bố trí một số văn bản ngụ ngôn như Ếch ngồi đáy giếng; Hai người bạn đồng hành và con gấu (Aesop); Chó sói và chiên con (La Fontaine); Chân, tay, mắt, miệng...
Thế nhưng, đến phần viết (làm văn) thì tác giả sách giáo khoa lại bố trí bài học có tên là " Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử". Phần hướng dẫn phân tích kiểu văn bản, tác giả sách giáo khoa lấy bài viết " Thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang".
Đến phần nói và nghe, tác giả sách giáo khoa lại yêu cầu " Kể lại một truyện ngụ ngôn". Nhiều giáo viên khi dạy chủ đề này chỉ biết lắc đầu và không hiểu vì sao lại có chuyện tréo ngoe đến như vậy? Liệu phần đọc - viết - nói và nghe có liên quan như thế nào mà tác giả sách giáo khoa lại xếp chúng vào một chủ đề chung?
Bản thân người viết bài này chỉ có trình độ cử nhân Ngữ văn và hiện đang dạy Ngữ văn cấp trung học cơ sở nên chỉ dám bày tỏ những băn khoăn của mình khi tiếp cận với tập I, sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) như vậy.
Chúng tôi rất mong nhận được những chia sẻ, trao đổi thêm từ các đồng nghiệp và đặc biệt là những tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) để giáo viên dưới cơ sở chúng tôi được tường tận hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tôi rất sợ các nơi ồ ạt kiểm tra trắc nghiệm Văn như 'mốt thời thượng' Kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệm đã được áp dụng ở nhiều môn học nhưng với môn Văn, việc xuất hiện câu hỏi dạng này khiến không ít GV băn khoăn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mang tính mở, khuyến khích sự linh hoạt và đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá. Hình thức kiểm tra bằng...