Bạn đọc viết: Con thi học kỳ, cả nhà sốt ruột
Con tôi học lớp 2, ngày mai con thi học kì 1 hai môn Toán, tiếng Việt. Trẻ con trong xóm học chung trường tiểu học, các con học khác khối nhau và chung lịch thi.
Trước đó 10 ngày, cô giáo phát đề cương về cho các con ôn thi, chi tiết, tỉ mỉ từng bài tập làm văn, bài luyện từ và câu; các dạng toán cộng trừ, tìm x, quy đổi đơn vị tính khối lượng, đơn vị đo lường. Cô giáo trao đổi với phụ huynh trong nhóm Zalo của lớp về lịch thi, nhờ phụ huynh sát sao kèm cặp các con. Thế là ngày nào bố mẹ cũng thay nhau học cùng con, giục giã con làm bài, hướng dẫn con bài khó. Không chỉ làm hết bài trong tập đề cương cô giao, tôi còn đố con giải phép tính, bài toán tương tự. Chỉ đến khi con nhăn nhó kêu mệt, mỏi tay, đau đầu thì mẹ mới cho con nghỉ, giục con soạn sách vở ngày mai đi học.
Tôi cũng mắc bệnh thành tích như nhiều phụ huynh khác. Con gái tôi thuộc hàng bé nhất lớp, mẹ chỉ nhân nhượng chút ít còn thì vẫn phải ôm sách vở học mỗi tối có mẹ kèm cặp, giám sát. Tôi xoay đủ chiêu, từ dỗ dành, dọa nạt đến bắt ép phải học thế này, thế kia. Con viết bút mực, chữ một li rất xấu. Tôi bắt con luyện chữ, viết chậm, viết đúng cỡ đúng li. Tối nào ít bài, hai mẹ con cùng nhau luyện chữ để con không chán. Tối nào mẹ với con cũng học bài, hết Toán, tiếng Việt lại quay sang tiếng Anh. Trẻ con giờ học ở trường cả ngày, cô trò luyện đi luyện lại kiến thức mà bố mẹ vẫn chưa yên tâm. Dù con mới chỉ học lớp 1, lớp 2 thì cũng không thể phó mặc việc học của con cho thầy cô và nhà trường. Bất cứ phụ huynh nào cũng nghĩ, phải tốn công tốn sức dạy dỗ, kèm cặp con ngay từ tấm bé mới hiệu quả.
(Ảnh minh họa)
Đến kì thi học kì, không khí học tập ở mỗi gia đình đều sôi sục, khẩn trương, tận dụng triệt để quãng thời gian ôn luyện ngắn ngủi. Con đòi đi chơi, đòi xem ti vi, nhất định là không. Tôi luôn nói: “Mẹ con mình làm bài, ôn bài kĩ càng để con đạt điểm cao, thi xong mẹ cho con chơi thoải mái”. Nhưng lũ trẻ tinh quái luôn tìm cách lẩn nhà, trốn đi chơi cùng nhau khi bố mẹ bận làm việc gì đó. Con chỉ được chơi chốc lát, bố mẹ gọi ời ời bắt về nhà học.
Không chỉ bố mẹ mà ngay cả ông bà cũng lo lắng khi các cháu sắp thi. Tôi còn trêu bác hàng xóm cạnh nhà là “bà nội mẫu mực” vì sốt sắng chuyện bài vở của cháu gái. Bà nội đeo kính rà soát bài kiểm tra cô trả, câu nào cháu làm sai, bà gọi điện hỏi tôi. Tôi cũng ú ớ trả lời vu vơ và hẹn bác đến chiều mới trả lời chính xác. Tôi xem lại sách giáo khoa, vở con làm bài mà cô đã hướng dẫn những câu tương tự để trao đổi với bác. Bà nội nhăn mặt xòe cho tôi xem cả xấp bài kiểm tra của cháu gái, toàn điểm 9 và 9,5. Tôi phá lên cười: “Bà nội ơi, cháu gái học thế này là giỏi quá rồi”. Bà nội lắc đầu: “Giỏi thì phải được điểm 10, sai toàn câu dễ thế này…”.
Con học lớp 1, lớp 2 và càng lên lớp cao hơn của bậc tiểu học, được danh hiệu hoàn thành xuất sắc rất khó. Nếu con đạt điểm Toán, tiếng Việt toàn 9, 10 mà các môn Thủ công, Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh không đạt mức hoàn thành tốt thì vẫn trượt giấy khen “Hoàn thành xuất sắc”.
Video đang HOT
Thế mới có chuyện, sát nút thi học kì mà vẫn có tin nhắn của cô giáo, mong phụ huynh đôn đốc, giục giã con làm lại bài Thủ công, Mỹ thuật. Thế mới có cảnh, bố mẹ sốt ruột, quát mắng con tập trung Toán, tiếng Việt, tiếng Anh còn mấy bài tập Thủ công, Mỹ thuật thì bố mẹ làm hộ cho nhanh. Con thi học kì hay cả nhà thi học kì? Con đạt điểm 9, 10 chắc chắn công sức của bố mẹ, ông bà không hề nhỏ.
Tôi tâm sự với mấy chị bạn đồng nghiệp: “Từ ngày con em vào lớp 1, em chưa bao giờ được xem phim, lúc nào cũng phải học cùng con”. Mọi người đều thừa nhận, việc học của các con là mối quan tâm lớn nhất, vui chơi giải trí phải đợi đến lúc lũ trẻ nghỉ hè. Ngày thường đã bận học cùng con, dịp con thi học kì, bố mẹ nào cũng phải tăng tốc, kèm còn sát sao để con “về đích” với số điểm cao nhất.
Tôi không đạt mục tiêu con phải được điểm 10 thi học kì, phải đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc. Nhưng tôi cũng vẫn miệt mài cùng con ôn luyện bài vở, đề cương, đọc đi đọc lại kiến thức trong sách giáo khoa. Con thi xong, mẹ thở phào nhẹ nhõm. Lại hồi hộp chờ con báo điểm, lại vui buồn đan xen khi đi họp phụ huynh…
Con thi học kì, cả nhà sốt ruột kèm cặp, ôn đi ôn lại đến mức thuộc làu làu mà vẫn lo con quên, con nhầm, con bỏ sót câu hỏi. Con học tiểu học, thi học kì là quan trọng nhất, chẳng bố mẹ nào dám lơ là, nhắc nhở suông mà đều phải cùng học với con mới yên tâm.
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Học sinh lớp 1 lần đầu 'nếm mùi' thi cử, mẹ lo hơn con
Tạm biệt những tháng ngày rong chơi thời mẫu giáo, nhiều "rồng con" sinh năm 2012 vừa vào lớp 1 đang trải qua đợt thi học kỳ I. Lần đầu tiên trong đời con biết thế nào là thi cử, song thật hài hước là cảm giác lo lắng lại "bao trùm" các phụ huynh hơn là những bạn nhỏ vô tư hồn nhiên này.
Con thi, mẹ lo... ôn tập
Bé Nấm con của chị Thu Hằng (Q.Ba Đình, Hà Nội) là học sinh lớp 1 ở trường dân lập. Trường con gái chị Hằng với nhiều hoạt động trải nghiệm nên cô nàng vốn dĩ đã ham chơi lại càng hào hứng hơn. Từ đầu năm đến giờ, Nấm học cũng nhiều nhưng chơi cũng không ít. Thế là kỳ thi học kỳ I của cô bé trôi qua cái vèo gần như không nằm trong trí nhớ của Nấm, ngoại trừ.. bố mẹ.
Khỏi phải nói, chị Hằng cảm thấy hồi hộp như thế nào khi cô giáo chủ nhiệm gửi lên group của lớp lịch thi học kỳ I từ trước kỳ thi cả tháng trời, kèm lời nhắn nhủ bố mẹ cần thường xuyên ôn luyện cùng con để kết quả thi được tốt. Nào toán, tiếng Việt, rồi tiếng Anh, âm nhạc... cứ khiến bà mẹ trẻ lần đầu "nếm mùi" thi cử của con rối hết cả lên.
Ảnh minh họa
"Thú thật là tôi cũng lo lắng bồn chồn khi thấy con thậm chí còn chưa định hình được thế nào là thi học kỳ I. Con được giao bài tập về nhà thì cũng hào hứng làm nhưng môn toán thì con tính toán sai hết, khiến tôi càng lo. Thế là trước hôm thi toán, hai mẹ con phải "đánh vật" với nhau đến tận 11h đêm để hệ thống lại toàn bộ bài cho con", nữ phụ huynh chia sẻ. Rất may, bài thi của con trôi qua, theo như lời kể của bé Nấm thì hoàn toàn suôn sẻ. "Con bảo chỉ sai 2 câu thôi!", chị Hằng hào hứng kể.
Cái cảm giác lo âu, hồi hộp của nhiều phụ huynh có con học lớp 1 bước vào kỳ thi đầu đời có lẽ là trải nghiệm đáng nhớ. Anh Hoàng Long (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) kể, bình thường việc học của con, anh phó thác hết cho vợ, nhưng thấy con cận kề ngày thi, anh cũng xắn tay vào phụ vợ cùng con "văn ôn võ luyện".
"Môn tiếng Anh của con trai tôi quả nan giải! Mấy dạng bài về quần áo, sách vở, đồ dùng học tập nhưng cu cậu không chịu học thuộc lòng từ vựng nên sai bét nhè. Tôi đành học cùng con bằng cách trò chuyện tiếng Anh hàng ngày với con, khoảng 1 tháng trước khi con thi. Và kết quả đúng là cũng có phần mãn nguyện, con làm bài suôn sẻ mà bố con lại có dịp gần gũi nhau hơn!", anh Long kể lại.
Sôi nổi "mách nước" trên các diễn đàn
Nếu chịu khó "lội" vào các nhóm hội online của các mẹ có con sinh năm 2012, có thể thấy không khí vô cùng sôi nổi từ khi nhiều trường chưa bước vào kỳ thi, đang trong giai đoạn ra đề cho học sinh về ôn tập nên phụ huynh trao đổi các dạng đề thi với nhau. Chị Kiều Hoa - một phụ huynh ở tỉnh Hải Dương - chia sẻ, riêng môn Toán, con chị có 20 đề ôn tập, hiện đã làm xong hết rồi và chuẩn bị sẵn sàng để thi.
"Nhiều hôm 12h đêm mẹ bảo đi ngủ con không chịu ngủ, cứ thức làm. Toán thì tạm ổn nhưng riêng phần đọc thì vẫn ngọng quá. Các mẹ ở 63 tỉnh/thành tải đề vào hết đây cho mọi người xem và so sánh tham khảo nhé!", nữ phụ huynh viết trong một nhóm các mẹ có con sinh năm rồng hoạt động trên Facebook.
Học cùng thay vì tạo áp lực cho con là điều mà nhiều phụ huynh cần làm khi trẻ bước vào kỳ thi đầu tiên trong đời. Ảnh minh họa: Shutterstock
Nhiều phụ huynh khác còn cảm thấy đề thi môn tiếng Việt có nhiều câu quá hóc búa nên "up" đề hỏi cách làm bài, sau đó nhận được nhiều phản hồi rất nhộn nhịp. Tại Hà Nội, nhóm phụ huynh có con học lớp 1 ở các trường khá nổi và có tiếng là học hành khá "nặng" cũng đua nhau đẩy các dạng bài tập nâng cao để trao đổi.
Chị Kim Cúc - phụ huynh ở Q.Cầu Giấy có con theo học một trường tư thục khá nổi trong quận - lắc đầu: "Nhiều dạng bài tập khó đến toát mồ hôi, con gái tôi đánh vật mãi. Nhưng thế mới thấy, phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con, thậm chí có phần hơi ép con học dạng bài nâng cao quá, nên tôi cũng ái ngại cho các con! Mới lớp 1 mà không khí học hành đã ngột ngạt thế này thì không hiểu đến các cấp thi cao hơn, các con sẽ thế nào?", chị Cúc chia sẻ.
Nữ phụ huynh này cho rằng, có nhiều thời điểm, chính cha mẹ lại tỏ ra lo lắng nhiều hơn cả con mình, trong khi bản thân các bé không cảm thấy như vậy, điển hình như kỳ thi học kỳ I đang và sắp diễn ra. "Kiến thức lớp 1 chưa thật sự nhiều đến mức lo lắng quá cho con, vì các con vẫn cảm thấy thoải mái khi vừa được học vừa được chơi. Vì vậy, tôi nghĩ bố mẹ hãy tạo cho con cảm giác thoải mái nhất có thể, để năm học đầu tiên của bậc phổ thông thật sự là những tháng ngày đáng nhớ với con!", chị Cúc bộc bạch.
Nhật Lam
Theo phunuvietnam
Bạn đọc viết: "Mẹ nói thật đi, có ông già Noel trên đời không?" Cả tuần nay, lũ trẻ luôn háo hức nói về ông già Noel và những món quà Giáng sinh. Con trai lớn thừa biết, quà Giáng sinh là của bố mẹ bí mật mua tặng. Con gái nhỏ học lớp 2 thì vẫn không ngừng thắc mắc: "Mẹ nói thật đi, có ông già Noel trên đời không?". Tôi trả lời vòng vo,...