Bạn đọc viết: Áp lực học tập đến từ ai?
Đọc bài viết “Chấp nhận con bị điểm kém, thật khó!” và lắng nghe chia sẻ của tác giả, tôi rất đồng cảm với nỗi lòng của một người mẹ khi con bị điểm thấp trong đợt kiểm tra cuối kỳ.
Ảnh minh họa
Áp lực học tập vẫn luôn là gánh nặng mà các em học sinh phải vác trên lưng. Học hành phải giỏi, thi thố phải có giải, cuối năm phải có thành tích xuất sắc… – đó luôn là đích đến mà người bố, người mẹ nào cũng đặt ra và mơ ước.
Nhưng hãy nhìn chương trình học của các con sẽ thấy áp lực kiến thức lớn đến mức nào. Trẻ bậc Tiểu học tập trung rèn và luyện hai môn cơ bản là Toán và tiếng Việt. Các môn học khác chỉ lẹt đẹt chạy sau trong cuộc xếp hạng môn chính và môn phụ.
Trẻ bậc Trung học bị nhồi nhét đến hơn chục môn học. Các con phải học đủ các môn từ Khoa học tự nhiên đến Khoa học xã hội. Mỹ thuật, âm nhạc và thể dục trở nên “nhẹ tênh” vì chỉ cần “đạt” để qua môn.
Trong khi chương trình học nặng kiến thức hàn lâm như thế, rất khó đòi hỏi một đứa trẻ phải giàu kỹ năng sống, dồi dào cảm xúc tích cực và trau dồi đầy đủ phẩm chất, năng lực của con người mới như mục tiêu đổi mới giáo dục đặt ra.
Bởi đơn giản, các con đang bị cuốn vào vòng xoáy học, học và học. Học ngày, học đêm từ lớp này đến trung tâm nọ đang dần biến các con thành những cỗ máy chỉ biết học. Và thiếu hụt, khiếm khuyết các mặt khác là lẽ tất nhiên.
Nhiều phụ huynh bảo thực trạng học sinh gánh áp lực học tập lớn như hiện nay là do chương trình. Điều này chỉ đúng một phần! Chung quy cũng là “tại anh, tại ả…” mà thôi. Vì sao ư? Hãy nhìn xung quanh chúng ta:
Video đang HOT
Bao nhiêu bố mẹ “bình chân như vại” trước cơn lốc học thêm?
Bao nhiêu bố mẹ dũng cảm xác định với con rằng “học trường nào cũng như nhau, quan trọng là thực lực của chúng ta!”?
Bao nhiêu bố mẹ sẵn sàng chấp nhận điểm số thấp của con như một lẽ thường?
Bao nhiêu bố mẹ khuyên lơn con chuyển hướng học trường nghề trong khi tấm bằng đại học vẫn là “tấm vé thông hành” vào đời?
Con số ấy có lẽ sẽ khá khiêm tốn!
Còn lại đây là những so sánh, ganh đua con mình với “con nhà người ta”. Đôi lúc, nhìn chữ “giỏi” dưới điểm mười của cháu nhà hàng xóm và điểm mười trống trơn của con mình cũng đã đủ khiến lòng lăn tăn, gợn sóng. Chỉ chừng ấy thôi đã khiến bao đứa trẻ bắt đầu gánh áp lực học hành, điểm số, thành tích.
Có những ông bố bà mẹ sẵn sàng “phục vụ” con miếng ăn, áo mặc và mọi sinh hoạt cá nhân đến tận răng. Con trẻ chỉ cần lo lắng mỗi một việc duy nhất là học. Sự bao bọc quá mức của gia đình dần dà làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm trong một lớp thế hệ trẻ mới.
Các con thiếu hụt hẳn những kỹ năng tối thiểu như khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với người khác, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống cuộc sống.
Vậy nên nỗi lo những đứa trẻ “có lớn mà không có khôn”, hành xử ngờ nghệch, vô tâm, vô cảm và chẳng biết bảo vệ bản thân trước các mối nguy hại là hoàn toàn có cơ sở. Đây là hệ quả tất yếu của việc nhồi nhét kiến thức hàn lâm, ôm đồm chương trình học nặng nề và kỳ vọng thành tích từ chính mỗi gia đình.
Tôi nhớ cách đây chưa lâu, trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chiều 8/11, nhiều đại biểu cũng đã thay lời các cháu học sinh than thở: “Các bé học hành khổ quá!” và “chỉ số hạnh phúc của học sinh chưa cao”. Hy vọng lời thở than ấy được lắng nghe, thấu hiểu và đổi thay… từ những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà và từ chính mỗi phụ huynh!
Thùy Mai
Theo Dân trí
Báo động tình trạng học sinh trầm cảm, tự tử
Hàng loạt học sinh đang bị rối loạn tâm thần bởi những áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chuyện tình cảm. Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, xu hướng học sinh trầm cảm có ý nghĩ tự tử sẽ ngày càng "khủng khiếp".
Thời gian qua, liên tiếp những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên đang trở thành nỗi ám ảnh đối với xã hội.
Cụ thể, tháng 4/2018 nam học sinh lớp 10, trường Tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM đã nhảy từ mái tôn xuống đất tử vong sau nỗ lực khuyên giải bất thành của thầy cô và bạn bè. Theo thư tuyệt mệnh để lại, nguyên nhân khiến em tự kết thúc sự sống là do áp lực trong học tập khi không đạt kỳ vọng của gia đình, thầy cô.
Sự căng thẳng thể hiện trên nét mặt học sinh trước khi vào phòng thi của trường Trần Đại Nghĩa, TPHCM
Trước đó, một học sinh lớp 9 ngụ tại quận 1, TPHCM cũng nhảy từ lầu 7 chung cư vì bị điểm kém trong môn tiếng Anh. Sau cái chết của bé, người mẹ đau đớn chia sẻ về những áp lực trong việc học khiến con chị rơi vào trầm cảm. Dù gia đình đã dành nhiều thời gian ở bên em để chia sẻ, động viên và đưa em đến bác sĩ điều trị tâm lý nhưng không mang lại kết quả.
Sự phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các thành phố lớn không chỉ tác động đến người lớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến con trẻ. Trẻ em sống ở các đô thị thường phải đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực học tập, sự cạnh tranh lẫn nhau, bên cạnh đó là kỳ vọng quá lớn của gia đình. Những vấn đề trên đã đè nặng tâm lý trẻ dẫn tới những căng thẳng tinh thần, tác động lên vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ.
Tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Quận Thủ Đức (lần thứ IV) nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược, TPHCM đã công bố kết quả "giật mình" về vấn đề rối loạn tâm thần ở học sinh THPT. Tác giả Thái Thanh Trúc cùng cộng sự, cho hay nghiên cứu của nhóm được thực hiện trong năm 2018 tại 3 trường trên địa bàn TPHCM gồm: Nguyễn Khuyến; Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Nguyễn Thái Bình với 1.114 học sinh tham gia ở quy mô 27 lớp gồm cả 3 khối, trên cơ sở đánh giá cả 3 khía cạnh trầm cảm, lo âu, stress.
Học sinh khối 12 là nhóm chịu nhiều áp lực nhất từ các vấn đề xã hội đến học tập (ảnh minh họa)
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ stress ở học sinh chiếm hơn 35,1%; lo âu là 59% và trầm cảm là 38,7%. Trong đó, nhiều trẻ đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về mặt sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp mắc cả 3 vấn đề nêu trên.
So với khối 10 thì học sinh khối 12 phải trải qua kỳ thi cuối cấp và kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, khối lượng bài vở lớn và kiến thức nhiều nên tỷ lệ rối loạn tâm thần cao hơn. Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những học sinh có điều kiện kinh tế ở mức nghèo thường đối mặt với những vấn đề tâm lý nặng nề hơn.
Một kết quả nghiên cứu khác được nhóm thực hiện tại khu vực Tây Nguyên về vấn đề học sinh có ý nghĩ tự tử còn chỉ ra xu hướng nguy hiểm hơn khi có tới 27,9% muốn tìm đến cái chết. Nhóm học sinh ở Tây Nguyên không chỉ đối mặt với áp lực học tập mà còn đối mặt với những vấn đề gia đình, xã hội, bị lạm dụng cả về sức lao động lẫn thể xác.
Từ thực tế trên, các bác sĩ đề nghị cần có các hoạt động khám sàng lọc, tổ chức tư vấn tâm lý học sinh. Gia đình học sinh cần tìm hiểu các rối loạn tâm thần phổ biến như nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh những vấn đề stress, lo âu, trầm cảm để giúp làm giảm các vấn đề về rối loạn tâm thần trong trường học. Việc phát hiện, can thiệp sớm sẽ giúp học sinh vượt qua được các giai đoạn khó khăn và phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng trong đó có tự tử.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Con tuổi teen muốn 'biến khỏi thế giới' vì áp lực học tập Con quá mệt mỏi, con không biết ngày mai có tồn tại nữa hay không, con chỉ muốn chết đi, con chỉ muốn biến khỏi thế giới này..., là tâm sự của không ít đứa trẻ tuổi teen gửi tới bố mẹ khi chúng đang phải chịu áp lực học tập quá lớn. Nhiều đứa trẻ tuổi teen "kêu cứu" vì phải chịu...