Bài học cho ngành y nhìn từ việc Bệnh viện Bạch Mai thành ổ dịch COVID-19
Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có hàng vạn người vào ra. Vì vậy, khi có nhiều nhân viên y tế, nhân viên tạp vụ và bệnh nhân tại đây nhiễm SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã xác định đây là một “ổ dịch” và đang tập trung mọi nguồn lực để hạn chế lây lan.
GS-Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Cũng từ câu chuyện của Bạch Mai đặt ra vấn đề làm thế nào để đảm bảo an toàn tại các cơ sở y tế, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC – cho biết:
- Sự việc Bệnh viện Bạch Mai trở thành một ổ dịch, cho chúng ta nhiều bài học trong công tác chống dịch COVID-19. Chúng ta có thể thấy COVID-19 đã đánh vào khâu yếu nhất mà lâu nay chúng ta chủ quan, cứ nghĩ là tốt nhất. Như ý kiến của GS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc bệnh viện là “rất bất ngờ!”.
Về đối tượng lây lan dịch bệnh: Cũng là một bài học rất đáng nhớ. Tôi trích dẫn nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng): “Sau khi điều tra dịch tễ học tại Bạch Mai đã phát hiện một trong những nguồn lây là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần trong bệnh viện; và nhóm thứ hai là nguồn lây đến từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp”.
Phải thừa nhận, cả hai nhóm này lâu nay chúng ta đã không chú ý nhiều, đôi khi còn coi họ như là “nhân viên” của bệnh viện. Trong khi những người thực hiện dịch vụ này có thể đi từ phòng bệnh này đến phòng bệnh khác, giao dịch nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người đến học, đến thăm… Họ có thể đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để làm dịch vụ. Bởi vậy nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
“Khoanh ổ dịch”, tăng cường khám chữa bệnh online
PV: Theo giáo sư, chúng ta cần giải pháp gì để đảm bảo an toàn và làm tốt công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai cũng như tại các cơ sở y tế trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp?
- Trước hết, tôi xin được đánh giá rất cao và đồng tình với sự chỉ đạo và hành động của Chính phủ, Bộ Y tế, của Thành phố Hà Nội và của chính Bệnh viện Bạch Mai trong sự nỗ lực dập dịch trong thời gian vừa qua.
Nếu được, tôi xin nhấn mạnh một số giải pháp như sau:
Phải thực hiện việc cách ly các đối tượng trong Bệnh viện Bạch Mai một cách nghiêm túc, hợp lý và hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cần chú ý cả các nhóm đối tượng phục vụ, làm dịch vụ, hậu cần.
Video đang HOT
Phải dựa trên sự tự giác khai báo và kể cả qua việc điều tra nghiêm túc tất cả các đối tượng có liên quan với Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian trước và trong khi xảy ra sự cố dịch này để thực hiện một sự cách ly, giản cách xã hội thật đúng và thật hợp lý.
Tập trung giải quyết ngay một ổ dịch rất quan trọng đó là Cty Trường Sinh với tất cả những nguyên tắc khoa học, nghiêm túc, quyết liệt và triệt để. Lưu ý: Đây là một Cty có trụ sở chính ở Hà Nội với rất nhiều loại hình hoạt động, nên rất dễ phát tán dịch nhanh, mạnh, khó kiểm soát. Chúng ta hành động chậm thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Tiếp theo là tổ chức thật tốt hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai trong hoàn cảnh “vừa cách ly vừa phải làm chuyên môn”.
Dù cách ly, nhưng nhân viên y tế ở đây vẫn phải làm việc, vì nhiều bệnh nhân – đặc biệt là bệnh nhân nặng vẫn còn đang nằm điều trị tại đây. Họ bị cách ly, nhưng phần lớn vẫn phải tiếp tục với công việc, phải bảo hộ thật kỹ, phải dốc toàn tâm, toàn sức để cứu chữa bệnh nhân. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, đội ngũ nhân viên, cán bộ y tế ở Bệnh Viện Bạch Mai rất cần sự động viên, chia sẻ.
Giải pháp tiếp theo, tôi cho rằng cần sớm tổ chức lại khâu khám chữa bệnh một cách hợp lý hơn, phù hợp hơn và hiệu quả hơn ở Bệnh viện Bạch Mai. Cần có biện pháp hỗ trợ cho những bệnh nhân ngoại trú hoặc bệnh mãn tính lâu nay được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, trong thời gian cách ly không đến được bệnh viện thì vẫn tiếp tục được theo dõi, được điều trị. Để làm tốt việc này thì nên phát huy khám chữa bệnh online.
Nhằm hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai lúc này, Bộ Y tế cũng cần kêu gọi và tạo điều kiện để phát huy vai trò, năng lực khám chữa bệnh của các đơn vị công lập và tư nhân khác để công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân không bị gián đoạn. Rất nên thúc đẩy thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà, để người dân không phải xếp hàng, hạn chế đến bệnh viện trong thời điểm này.
Khó, nhưng vẫn phải làm!
PV: Giáo sư vừa nhắc tới việc cần tăng cường thực hiện khám chữa bệnh bằng hình thức online. Để thực hiện được việc này ở Việt Nam, theo GS các bệnh viện cần chuẩn bị những điều kiện gì?
- Khám chữa bệnh online hiện nay là vấn đề không mới. Trên thế giới đã áp dụng nhiều rồi. Ở Việt Nam chúng ta cũng đã làm, nhưng chưa tốt, chưa thành công.
Dịch bệnh COVID-19 mang đến những thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để thúc đẩy thực hiện công tác khám-chữa bệnh online ở Việt Nam.
Quan điểm của tôi, cần bắt tay làm ngay. Mặc dù kết quả chắc chắn là chưa thật tốt, hiệu quả chưa thật cao. Bởi lúc này cả ngành y tế, cả bệnh nhân đều chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất để thực hiện việc này, như các quy trình từ tiếp nhận thông tin, xử lý, trả lời, kiểm tra, giám sát; và cả văn hóa, thói quen khi thực hiện khám-chữa bệnh online nhiều bệnh viện và bệnh nhân hiện còn chưa có, nếu có cũng chưa hoàn hảo.
Biết thế, nhưng vẫn phải làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục cải thiện cho đến khi tốt, thành công.
Để thành công bền vững, theo tôi, Cục Công nghệ Thông tin của Bộ Y tế cần tổ chức một đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động khám chữa bệnh trực tuyến của các bệnh viện bài bản và chuyên nghiệp. Cần soạn các quy trình công nghệ, phác đồ để thực hiện thống nhất trên cả nước, hướng dẫn, đào tạo để các bệnh viện cùng thực hiện. Các bệnh viện tích cực tham gia để có thể thực hiện cho bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến.
- Cảm ơn Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã chia sẻ!
ĐẶNG CHUNG
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Cần cơ chế cách ly đặc thù cho nhân viên y tế đã xét nghiệm âm tính
Chia sẻ với PV Báo Suckhoedoisong.vn, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai nhấn mạnh rằng, phải có hành động quyết liệt để nhân viên y tế (NVYT) đã có xét nghiệm âm tính được đến BV Bạch Mai làm việc.
Nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động cũng như chất lượng chăm sóc cho gần 800 bệnh nhân rất nặng đang nằm trong BV và không thể chuyển đi được.
Tại hội nghị trực tuyến khẩn tới 300 điểm cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra chiều 29/3, lãnh đạo BV Bạch Mai cho biết, BV đang gặp khó khăn do NVYT đã có xét nghiệm âm tính nhưng vẫn đang phải cách ly tại nhà không thể đến BV. Trong khi đây là đối tượng đặc thù, nếu không quyết liệt "gỡ khó" ngay với NVYT của BV về việc cách ly thì chỉ trong 3 ngày tới, khi phải tăng cường toàn bộ NVYT phục vụ điều trị, BV sẽ rất thiếu người.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, tối 29/3, PV Báo Suckhoedoisong.vn đã có cuộc trao đổi thông tin với GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai.
PV: Thưa Giáo sư, việc áp dụng hình thức cách ly tại nhà với NVYT của BV Bạch Mai hiện nay khiến họ không thể di chuyển ra khỏi nhà, càng không thể đến BV để làm việc. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của BV?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Khi chúng tôi quyết định cách ly toàn bộ BV Bạch Mai để khống chế dịch, bảo vệ sức khỏe người dân cũng như cán bộ y tế và bệnh nhân đang điều trị tại đây, chúng tôi đã "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tuy nhiên, thời điểm đó là vào ngày nghỉ (thứ 7, ngày 28/3/2020- PV), đa số NVYT ở nhà, không đến BV, những người trong BV chỉ là một số cán bộ y tế đang trực chiến tại BV và đã hết ca trực. Thông thường, kíp trực của chúng tôi duy trì trực trong vòng 8 tiếng đến 12 tiếng, chúng tôi chia 3 ca, 4 kíp. Do vậy nếu không có anh em ở ngoài vào bổ sung thì không thể duy trì hoạt động của BV được.
Trong khi đó, hiện nay, các NVYT của BV Bạch Mai đang phải áp dụng hình thức cách ly y tế tại nhà, họ không được ra khỏi nhà, càng không thể đến BV làm việc. Đây là điều rất khó khăn cho BV trong việc duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe cho gần 800 bệnh nhân rất nặng đang nằm trong BV và không thể chuyển đi được.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai.
Đặc biệt, trong chiều nay, ngay cả GS.TS Ngô Quý Châu - Quyền Chủ tịch Hội đồng Quản lý BV cũng đang phải áp dụng cách ly tại nhà và không thể tham dự hội nghị trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
Như vậy rõ ràng, việc chăm sóc bệnh nhân cũng như việc lãnh đạo, quản lý điều hành BV trong hoạt động chống lại dịch bệnh COVID-19 sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu như lệnh cách ly tại nhà không có sự thay đổi đối với thầy thuốc.
PV: Vậy ông có đề xuất, kiến nghị gì về việc cách ly đối với NVYT hiện nay?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Phải có hành động quyết liệt để NVYT đã có xét nghiệm âm tính được đến BV Bạch Mai làm việc. Tôi cho rằng, cần làm rõ khái niệm tiếp xúc gần khi mà NVYT tiếp xúc với nguồn bệnh. NVYT tiếp xúc với người bệnh là sự tiếp xúc có chủ động, có phương tiện bảo hộ phòng lây nhiễm, điều này không giống với tiếp xúc thông thường ngoài cộng đồng. Do vậy cần phân biệt rõ 2 việc tiếp xúc này là hoàn toàn khác nhau để có cơ sở điều chỉnh cách ly cho phù hợp, không nên áp dụng việc cách ly NVYT như người bình thường, khiến họ không thể đi làm được.
Để kiểm soát nguồn lây nhiễm, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, BV cũng đã lấy hơn 7.000 mẫu bệnh phẩm của NVYT, người bệnh và người nhà bệnh nhân để xét nghiệm. Đến nay toàn bộ mẫu xét nghiệm của NVYT đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, điều đó chứng tỏ gần 4.000 NVYT của chúng tôi thực hiện tự cách ly và sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm rất tốt. BV cũng cung cấp đủ các vật tư, trang thiết bị chống nhiễm khuẩn...
Hiện nay, BV Bạch Mai đã được tiêu độc khử trùng toàn bộ BV, các NVYT cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính thì chính quyền địa phương nên công nhận kết quả xét nghiệm này.
BV Bạch Mai là một BV đặc biệt, nếu hoạt động của BV bị ảnh hưởng thì hàng trăm, hàng nghìn người bệnh có thể sẽ nguy kịch, thậm chí tử vong, số lượng này có thể nhiều hơn tử vong vì virus SARS-CoV-2 rất nhiều. Tôi nói như vậy để thấy rằng cần có cơ chế cách ly đặc thù với NVYT khi mà họ đã có kết quả khẳng định là âm tính và BV cũng đã được tiêu độc khử trùng kiểm soát việc lây nhiễm.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai (bên phải) và TS. Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc BV (bên trái) tại hội nghị trực tuyến khẩn tới 300 điểm cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều 29/3.
PV: Ông có thể cho biết lúc này, tinh thần, tâm lý làm việc của cán bộ NVYT của BV Bạch Mai ra sao? Có thể nói hiện nay, hàng triệu người trong đó có những người bệnh, những đồng nghiệp trên cả nước đang hướng về cùng chia sẻ, "chia lửa" với BV Bạch Mai - biểu tượng của sức khoẻ, của niềm tin chiến thắng bệnh tật. Vậy ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến họ trong trận chiến với dịch COVID-19?
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn: Chúng tôi luôn vững tin để có thể chiến đấu và duy trì hoạt động của BV, NVYT của BV Bạch Mai cũng đều có lòng tin sẽ cùng với cả nước chiến thắng đại dịch này.
Tuy nhiên, một số anh em đang ở bên ngoài chưa được vào BV làm việc thì chia sẻ, họ bị kỳ thị rất nhiều và đang bị cách ly một cách không phù hợp. Điều này khiến NVYT khá quan ngại và có phần ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần. Song đa số mọi người đều bày tỏ mong muốn sớm trở lại tuyến đầu làm việc, 4.000 NVYT của BV Bạch Mai sẽ cùng chung sức đồng lòng chống lại COVID-19.
Hơn ai hết, trong cuộc chiến này, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, gửi gắm lòng tin mạnh mẽ từ Đảng, Chính phủ, từ nhân dân, đồng nghiệp cả nước cùng hướng về và chia sẻ, "chia lửa" với BV Bạch Mai. Chúng tôi vô cùng trân trọng và biết ơn điều đó.
Nhiều người nói với tôi, họ đã hiểu rõ hơn rằng, BV Bạch Mai không phải là ổ dịch, BV Bạch Mai chính là tuyến đầu nóng bỏng nhất, vất vả nhất để chống lại COVID-19. Đây là điều rất quan trọng để chúng tôi phấn đấu, thậm chí hi sinh khi đối đầu với "kẻ thù giấu mặt" có sự lây nhiễm vô cùng mạnh mẽ như SARS-CoV-2 để bảo vệ bằng được tính mạng người dân, bảo vệ sự an toàn của người bệnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Nguyễn Quang Tuấn.
Phạm Hiệp
Chủ động bảo vệ bản thân khi có nhiều ca Covid-19 không biểu hiện bệnh 1/3 số bệnh nhân Covid-19 không hề có triệu chứng hoặc không cảm thấy có triệu chứng gì để cảnh báo họ cũng như cộng đồng. "Ổ dịch xâm nhập" Với sự lây nhiễm tại chỗ và có từ 2 trường hợp mắc trở lên, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một trong những ổ dịch Covid-19 có nguy cơ cao nhất...