Bác sĩ nhãn khoa: Dung dịch hạt na không khác gì hóa chất bắn vào mắt
“Nếu bệnh nhân bị dính dung dịch hạt na vào mắt mà không được xử lý và điều trị kịp thời bằng thuốc sẽ phải chịu tổn thương nặng nề”- BS Bùi Cẩm Hương khẳng định.
ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội cho biết, rất nhiều bệnh nhân đến viện khám trong tình trạng mắt bị bỏng, bỏng mô giác mạc, giác mạc cương tụ, phù biểu mô…
Đây đều là những biểu hiện giống như mắt bị bỏng hóa chất, nhưng đến khi khai thác bệnh sử thì được biết bệnh nhân bị nước đun hạt na chảy vào mắt dẫn đến bị bỏng, tổn thương mắt.
Nước hạt na khi vào mắt có thể gây bỏng mắt, tổn thương mắt dẫn đến mù lòa. Ảnh minh họa
“Nhiều người dân ở các vùng quê vẫn còn giữ thói quen sử dụng hạt na rang, giã nhỏ và đun nước gội đầu để trị chấy, ngâm quần áo trị rận.
Trong lúc sử dụng sơ ý làm dung dịch hạt na dính vào mắt gây tổn thương mắt. Chất trong hạt na giống như chất kiềm, khi vào mắt sẽ làm cho mắt bị tổn thương.
Trong khi đó, đôi mắt của con người rất tinh vi và dễ bị tổn thương, bất kỳ một dung dịch gì vào mắt cũng có thể gây ra nhiều tác hại mà chúng ta không thể lường trước được.
Tổn thương nhẹ có thể là dị ứng gây ngứa mắt, đỏ mắt, nặng có thể gây tổn thương tổ chức của nhãn cầu, gây độc cho các tế bào ở sâu bên trong mắt dẫn đến hỏng mắt, mù mắt.
Video đang HOT
Dung dịch hạt na rớt vào mắt cũng giống như rớt hóa chất vào mắt. Mức độ bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào: Thời gian dung dịch ở trong mắt (càng lâu bỏng càng nặng); Độ đậm đặc của dung dịch, đặc sẽ gây bỏng nặng, dung dịch pha loãng sẽ làm tổn thương nhẹ hơn; Tác dụng nhiều hay ít, nông hay sâu tới các protein.
Thông thường, nếu bệnh nhân bị dính dung dịch hạt na vào mắt, được xử lý và điều trị kịp thời bằng thuốc thì sẽ không gây nguy hại gì. Nhưng nếu bệnh nhân không đi thăm khám, tự ý điều trị bằng thuốc sẽ gây những hậu quả nặng nề.
(Ảnh minh họa)
Cách tốt nhất khi lỡ bị dung dịch hạt na dính vào mắt là kịp thời rửa mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, rửa càng nhiều càng tốt, không được dùng bất cứ vật gì dụi vào mắt. Người bệnh cũng cần tới bệnh viện cấp cứu và chữa trị kịp thời, đúng cách” – BS Cẩm Hương chia sẻ.
Và khi xảy ra các tổn thương ở mắt, đau mắt vì bất kỳ lý do gì, các bác sĩ nhãn khoa cũng khuyến cáo không được tự ý điều trị bằng mẹo, các biện pháp dân gian.
Bởi không ít trường hợp bệnh nhân phải vào viện điều trị vì biến chứng của việc tự chữa bệnh, tự ý nhỏ các dung dịch không rõ nguồn gốc vào mắt để điều trị bệnh.
Đến khi mắt bị tổn thương tăng nặng hơn, viêm nhiễm, đau rát, giảm thị lực… mới quay lại với bác sĩ nhãn khoa.
Với những trường hợp như vậy, tình trạng bệnh nhẹ và mới thì việc điều trị sẽ mất ít thời gian, khả năng phục hồi nhanh hơn. Nhưng với những trường hợp bị tổn thương nặng, mắt có thể không phục hồi, dẫn tới mù lòa vĩnh viễn.
Theo www.giadinhmoi.vn
Mắt bỏng rát có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Đừng chủ quan nếu thấy mắt bỏng rát vì nó đang ngầm báo cho bạn biết đôi mắt của bạn có thể gặp một vài vấn đề sức khỏe.
Đỏ mắt, ngứa mắt... là những vấn đề sức khỏe về mắt khiến chúng ta phải đau đầu. Thật không may có một vấn đề còn khủng khiếp hơn cả hai tình trạng trên mà buộc chúng ta phải để ý chăm sóc cho đôi mắt nhiều hơn, đó là hiện tượng mắt bỏng rát. Nếu còn băn khoăn chưa biết nó là dấu hiệu của bệnh gì thì đây sẽ là những câu trả lời dành cho bạn.
Khô mắt
Khô mắt không chỉ khiến bạn cảm thấy mắt "khô khan" khó chịu mà còn có cảm giác mắt bỏng rát kéo dài cả ngày. Mắt khô được hiểu là đôi mắt của bạn không đủ ẩm do thiếu lượng nước mắt cần thiết hoặc tuyến lệ có vấn đề. Khi đó, các đầu dây thần kinh nhạy cảm trong giác mạc sẽ bị kích ứng và dẫn đến hiện tượng mắt bỏng rát. Bên cạnh tình trạng này, bạn còn có nguy cơ đối mặt với các triệu chứng khác như ngứa ngáy, đau nhức, nhạy cảm với ánh sáng...
Dị ứng
Dị ứng có thể gây ra cảm giác bỏng rát do bạn mắc phải một chứng bệnh được gọi là viêm kết mạc dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng xảy ra khi mắt có phản ứng bài xích quá mức với một số chất độc hại hoặc mẫn cảm với cơ thể bạn. Khi đó, phản xạ tự nhiên của hệ miễn dịch là tạo ra các kháng thể được gọi là immunoglobulin di chuyển đến các tế bào khác nhau trong cơ thể, kích thích chúng giải phóng các chất gây dị ứng ra ngoài. Đó là nguyên nhân sâu xa khiến đôi mắt bạn bỏng rát khó chịu.
Mắc dị vật trong mắt
Mắt là bộ phận cực kỳ nhạy cảm, do vậy, nó rất dễ bị tấn công bởi các dị vật. Dị vật này có thể là bụi bẩn, phấn hoa, lông thú cưng, thậm chí là sữa rửa mặt, kem dưỡng da, mĩ phẩm... bạn lỡ tay làm vương vào mắt trong lúc sử dụng. Chúng có thể cọ xát gây ra các vết xước cực kỳ nhỏ trong mắt kèm theo cảm giác bỏng rát, riêng các loại chất hóa học độc hại có trong mỹ phẩm có thể khiến giác mạc bị kích ứng. Nếu phải đi ra ngoài đường, bạn nên dùng kính chắn bụi và phải hết sức cẩn thận khi sử dụng các loại mĩ phẩm để tránh dây vào mắt.
Viêm mi mắt
Đôi mắt của bạn có thể bỏng rát khó chịu do viêm mi mắt. Chứng bệnh này khiến mi mắt sưng đỏ, ngứa ngáy, đau rát. Đây là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với giác mạc, do vậy, giác mạc của bạn cũng không thể tránh khỏi bị cọ xát và nóng rát như lửa đốt. Viêm mi mắt có thể là hệ quả do bị nhiễm trùng trên mi mắt, dị ứng với đồ trang điểm, tuyến lệ bị tắc nghẽn, mắt thiếu ẩm... Nếu không may mắc phải chứng bệnh này, bạn hãy ngay lập tức đi khám sớm nhất có thể để tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mắt bị "cháy nắng"
Không chỉ làn da, đôi mắt của chúng ta cũng có thể bị cháy nắng. Một báo cáo đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ đã chỉ ra rằng, chỉ cần một lượng nhỏ ánh sáng mặt trời cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển tổn thương mắt như mộng thịt và thoái hóa kết mạc, đục thủy tinh thể, nếu không được điều trị sẽ gây mù mắt.
Nếu thường xuyên tiếp xúc với tia UV độc hại cường độ cao, các mô mắt sẽ bị tổn thương và bạn có thể mắc chứng "tuyết mù" hay còn gọi là photokeratitis (viêm giác mạc ánh nắng). Chứng bệnh này có thể làm tổn thương giác mạc và kết mạc, dẫn đến một loạt triệu chứng như bỏng rát, đau nhức, giảm thị lực hoặc mất thị lực tạm thời... Để ngăn ngừa mắc viêm giác mạc ánh nắng, bạn hãy chú ý che chắn cho đôi mắt khi phải ra ngoài giữa trời nắng, hạn chế dụi mắt hay tiếp xúc với bức xạ mạnh từ điện thoại, máy tính ngay khi vừa đi nắng về.
Nguồn: Self
Theo Helino
Làm gì khi có hiện tượng đỏ mắt? Đỏ mắt là biểu hiện phổ biến của nhiều vấn đề khác nhau nhưng đa phần là chỉ dấu của các bệnh về mắt, từ lành tính đến nghiêm trọng. Hiện tượng mắt đỏ? Hiện tượng mắt đỏ có rất nhiều kiểu khác nhau. Nó có thể là các tia hồng hoặc đỏ vằn rõ trên giác mạc hay toàn bộ giác mạc...