Bắc Kạn: Kinh phí đặt hàng đào tạo giáo viên theo NĐ 116 là nguồn ngân sách TW
SV sư phạm do Bắc Kạn đặt hàng có thể công tác trong ngành GD tại tỉnh khác, việc tính bồi hoàn kinh phí sẽ khó thực hiện khi chưa có quy định, cụ thể, rõ ràng.
Một số cơ sở đào tạo sư phạm đang gặp vướng mắc trong việc chi trả hỗ trợ cho sinh viên, mặt khác, nhiều địa phương cũng đang vấp phải nhiều khó khăn, cần sớm được tháo gỡ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Văn Hương – Phó Giám đốc phụ trách, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện rà soát, xác định rõ nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để đăng ký nhu cầu đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP trong năm 2022 và đề xuất nhu cầu các năm từ 2023 đến 2025 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
Đồng thời, thực hiện rà soát, thống kê số sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp ngành sư phạm có trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và một số ngành không phải sư phạm như Tiếng Anh, Tin học (hoặc Công nghệ thông tin), Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến học sinh, học viên đang theo học cấp trung học phổ thông, đặc biệt là học sinh khối 12; thực hiện công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp đối với ngành đào tạo giáo viên, đặc biệt là các môn học còn thiếu và gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng vì không có nguồn tuyển”.
Ông Đoàn Văn Hương – Phó Giám đốc phụ trách, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: NVCC).
“Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các trường đại học sư phạm để thực hiện tuyên truyền về nhu cầu đào tạo giáo viên của tỉnh Bắc Kạn đến các sinh viên trúng tuyển đại học năm 2022 và tổng hợp danh sách các sinh viên có nhu cầu đào tạo giáo viên theo chỉ tiêu của tỉnh Bắc Kạn.
Video đang HOT
Đối với tỉnh Bắc Kạn, nguồn kinh phí để đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP là nguồn ngân sách từ trung ương” – vị lãnh đạo Sở này thông tin.
Ông Đoàn Văn Hương cũng cho biết thêm: Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị và xác định nhu cầu đặt hàng giáo viên đến năm 2025.
Đối với việc xác định nhu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các đơn vị trên cơ sở kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm, xác định số giáo viên theo định mức quy định và căn cứ số giáo viên dự kiến nghỉ hưu, số giáo viên hiện có để xây dựng nhu cầu giáo viên theo từng môn. Trên cơ sở đó, thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên 4 năm tới (đối với trình độ đại học), 3 năm tới (đối với trình độ cao đẳng). Việc xác định có cơ sở chứ không thực hiện theo kiểu “bốc thuốc”.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cũng phân tích một số khó khăn đang gặp phải: “Về nhu cầu đào tạo: Theo hướng dẫn tại Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ thì việc phối hợp để thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cần căn cứ vào số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng của địa phương và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên của các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên.
Tuy nhiên, việc sinh viên lựa chọn chỉ tiêu của địa phương nào hay tham gia tuyển sinh đào tạo tại cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên nào thì cả địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên không thể xác định được.
Về việc tuyển dụng: Nghị định số 116/2020/NĐ-CP có quy định về ” Thực hiện hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức “.
Do vậy, các sinh viên thuộc đối tượng được đặt hàng sẽ phải tham gia tuyển dụng đồng thời với các sinh viên khác.
Về bồi hoàn kinh phí: Theo hướng dẫn tại Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn là sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp 02 lần thời gian đào tạo tính từ ngày tuyển dụng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.
Như vậy, sinh viên sư phạm do tỉnh Bắc Kạn đặt hàng có thể công tác trong ngành giáo dục tại các tỉnh khác, từ đó việc tính bồi hoàn kinh phí sẽ khó thực hiện khi chưa rõ ràng về đơn vị thực hiện tính toán, thu hồi tiền bồi hoàn”.
Sinh viên sư phạm do tỉnh Bắc Kạn đặt hàng có thể công tác trong ngành giáo dục tại các tỉnh khác, từ đó dẫn đến việc tính bồi hoàn kinh phí sẽ khó thực hiện khi chưa rõ ràng về đơn vị thực hiện tính toán, thu hồi tiền bồi hoàn. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn.
Từ những khó khăn trong thực tiễn triển khai, vị lãnh đạo Sở đã đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất.
Cụ thể: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản quy định về định mức giáo viên/lớp để thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó quan tâm đối với định mức giáo viên các môn học mới.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ có cơ chế tuyển dụng đối với các sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng của các địa phương.
Mặt khác, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể về đơn vị thực hiện tính toán và thu hồi tiền bồi hoàn của sinh viên”.
Bắc Kạn ban hành chính sách đào tạo để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn vừa thông qua nghị quyết quy định chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh.
Một tiết học theo phương pháp mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Chợ Mới.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2024-2025, tỉnh thiếu ít nhất 125 giáo viên giảng dạy một số môn mới. Trong đó, tỉnh thiếu 40 giáo viên môn Tiếng Anh, 65 giáo viên môn Tin học và môn Công nghệ cấp tiểu học, 10 giáo viên môn Âm nhạc, 10 giáo viên môn Mỹ thuật cấp trung học phổ thông. Ngoài ra, còn thiếu giáo viên các môn ngoại ngữ 2 cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, môn tiếng dân tộc thiểu số các cấp học khi học sinh có nhu cầu học môn tự chọn.
Bên cạnh đó, môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý cấp trung học cơ sở phải cần từ 2 đến 3 giáo viên tham gia giảng dạy (mỗi giáo viên chỉ dạy được 1 phân môn). Tình trạng này gây áp lực rất lớn cho việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.
Trong khi đó, mặc dù các đơn vị đã được giao tự chủ kinh phí theo quy định, nhưng không bảo đảm để thực hiện việc hỗ trợ cho viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng đối với các môn học mới theo từng cấp học. Các cơ sở giáo dục đại học chưa đào tạo sinh viên sư phạm đối với các ngành mới nên không có nguồn tuyển. Biên chế giáo viên được giao lại chưa bảo đảm theo định mức được quy định.
Tại nghị quyết mới, Bắc Kạn quy định, đối tượng áp dụng chính sách là viên chức đã được tuyển dụng đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng sẽ được hỗ trợ chi phí dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng và các khoản chi phí bắt buộc; chi phí mua tài liệu học tập bắt buộc; chi phí đi lại; tiền thuê phòng nghỉ.
Để tránh xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám" sau đào tạo, Bắc Kạn cũng quy định viên chức được cử đi đào tạo trình độ đại học phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.
Bắc Kạn kỳ vọng với chính sách mới này sẽ khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên đang gây khó khăn cho công tác dạy và học trên địa bàn trong thời gian tới.
Nghiêm cấm học sinh, giáo viên sử dụng pháo nổ trái phép Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trực thuộc yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ trong các cơ sở giáo dục. Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật...