Bắc Giang: Hai bệnh nhân bạch hầu sức khỏe đã ổn định
Theo BSCK II Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, tình trạng sức khỏe hai trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở địa phương đều ổn định.
Trước đó, trong hai ngày 07/7 và 10/7, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát hiện hai trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu là Moong Thị B và Bùi Hương G, đều tạm trú tại huyện Hiệp Hòa.
Hiện sức khỏe của hai bệnh nhân đều ổn định, đang điều trị theo phác đồ tại cơ quan y tế. Theo đó, bệnh nhân Moong Thị B hiện sức khỏe ổn định, còn đau họng và đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An.
Ảnh minh họa
Bệnh nhân Bùi Hương G, sức khỏe bình thường, chưa phát hiện triệu chứng bất thường, đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 (Đông Anh, Hà Nội).
Liên quan đến 2 ca bệnh này, đến hết ngày 11/7, lực lượng chức năng ghi nhận 18 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Moong Thị B và 9 trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân Bùi Hương G, trong đó có 7 trường hợp có tiếp xúc gần cả 2 bệnh nhân.
Tất cả trường hợp này được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và lần 2, hiện 17 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính, còn lại 2 trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh Bùi Hương G đang chờ kết quả. Các trường hợp tiếp xúc gần đều được cách ly nghiêm ngặt, theo dõi sức khỏe thường xuyên và cho uống thuốc kháng sinh dự phòng 7 ngày.
Video đang HOT
Bác sỹ Lê Tiến Cương nhận định tình hình bệnh bạch hầu tại tỉnh Bắc Giang đã có sự lây truyền từ một trường hợp xâm nhập từ địa phương khác (Nghệ An) về, sang một trường hợp thứ phát trong cộng đồng, ở phạm vi hai xã khác nhau của huyện Hiệp Hòa. Hiện, ổ dịch có sự lan truyền nhưng đang được kiểm soát. Trong vài ngày tới, ổ dịch sẽ ổn định, nếu có xuất hiện thêm ca mới thì chỉ xuất hiện một vài ca lẻ tẻ trong số ca tiếp xúc gần.
Ổ dịch bạch hầu ở Nghệ An đã được kiểm soát
Ngày 12/7, Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC tỉnh Nghệ An) cho biết, ổ dịch bạch hầu tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã được kiểm soát.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong. (Ảnh: CDC Nghệ An cung cấp)
Đến thời điểm này, ổ dịch bạch hầu tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã trải qua 10 ngày và không phát sinh ca mắc mới.
Các mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng và mẫu máu đều cho kết quả âm tính.
119 người tiếp xúc với nữ bệnh nhân tử vong do bạch hầu đều được cách ly, uống thuốc kháng sinh dự phòng, sức khỏe đều ổn định, không có dấu hiệu bất thường.
Lãnh đạo CDC tỉnh Nghệ An cho biết, trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, vaccine phòng bệnh bạch hầu là vaccine phối hợp.
Cụ thể: vaccine 5 trong 1 (SII) phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, hib và viêm gan B tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 18 tháng với 3 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 1 tháng.
Vaccine DPT phòng 3 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm 1 mũi cho trẻ từ 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi.
Theo thống kê, năm 2023, tỷ lệ trẻ ở Nghệ An tiêm vaccine 5 trong 1 tiêm đạt 90,9% (yêu cầu của Trung ương từ 90%); tỷ lệ trẻ tiêm vaccine DPT đạt tỷ lệ 78,7% (yêu cầu của Trung ương từ 90%).
Một trong những triệu chứng của bệnh bạch hầu là xuất hiện giả mạc tại vùng hầu họng. (Ảnh minh họa)
So các huyện đồng bằng, các huyện miền tây Nghệ An thường có tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt thấp hơn. Điển hình như, năm 2023, tại huyện Kỳ Sơn, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine 5 trong 1 tiêm đạt 64,8%; tiêm vaccine DPT tiêm đạt 54,2%. Tại huyện Tương Dương, tỷ lệ trẻ vaccine 5 trong 1 tiêm đạt 74,8%; tiêm vaccine DPT tiêm đạt 58,7%.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng ở các huyện miền núi đạt thấp, lãnh đạo CDC tỉnh Nghệ An cho rằng, do các huyện này còn khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao, địa hình đi lại khó khăn.
Một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác dụng của việc tiêm phòng và mức độ nguy hại của dịch bệnh, không đưa trẻ đi tiêm phòng đủ, mặc dù đã được trạm y tế và y tế thôn bản thông báo lịch tiêm chủng cho trẻ, ngành y tế đã tổ chức tiêm chủng lưu động tại các bản làng...
Bên cạnh đó, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình cung ứng vaccine từ Trung ương cho các địa phương trên toàn quốc bị gián đoạn, thiếu vaccine nên ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm chủng của địa phương.
Ngành y tế huyện Kỳ Sơn họp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bạch hầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Di, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh Nghệ An thông tin, Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm. Năm 2017 có 1 trường hợp mắc bệnh; năm 2021 có 5 trường hợp mắc bệnh; năm 2022 có 2 trường hợp (không có trường hợp bị tử vong).
Trước đó, vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 5/7, CDC tỉnh Nghệ An nhận được thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân P.T.C (18 tuổi), trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân này tử vong vào sáng 5/7.
Mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, CDC Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Ngay lập tức, CDC tỉnh Nghệ An đã cử Đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán; đồng thời cử đội phản ứng nhanh đến tại địa phương nơi ghi nhận ca mắc tiến hành điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh bạch hầu.
Các đơn vị liên quan ở huyện Kỳ Sơn tổ chức rà soát, truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần bệnh nhân tử vong.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc rà soát các đối tượng tiêm chủng mà chưa được tiêm để có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc tiêm chủng lưu động tại các bản làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để bao phủ tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tiêm chủng..
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 83 điểm tiêm lưu động và huyện Kỳ Sơn có 23 điểm tiêm lưu động", lãnh đạo CDC tỉnh Nghệ An cho biết.
Phẫu thuật thành công bướu giáp 'khủng' cho nữ bệnh nhân Một nữ bệnh nhân mang khối bướu giáp thùy phải lớn thòng xuống trung thất, kích thước 5x15 cm vừa được các bác sĩ phẫu thuật thành công. Ngày 21.3, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết vừa phẫu thuật thành công ca bướu giáp khổng lồ thòng xuống trung thất qua đường cổ cho nữ bệnh nhân H.H.K (51 tuổi, trú tại Q.Hải...