Ánh mắt của cô bé nghèo bị ung thư máu
Nghe tin mình bị ung thư máu và tiền điều trị lên tới 500.000 nhân dân tệ, Xin Xin (Trung Quốc) òa khóc.
Ngày 26/6, bác sĩ Liu Fang, Chủ nhiệm Trung tâm Cấy ghép Tế bào Tạo máu Bệnh viện Quân khu Thành Đô lần đầu tiên gặp Xin Xin. “Lúc họ bước vào, tôi lập tức chú ý đến tia sáng ánh lên từ đôi mắt cô bé”, bà nhớ lại. Đôi mắt ấy dường như hy vọng bác sĩ sẽ nói rằng chẩn đoán ban đầu đã sai hoặc bệnh tình của Xin Xin không nghiêm trọng.
Thế nhưng, kết quả xét nghiệm cho thấy Xin Xin bị ung thư máu. Bác sĩ Liu nói: “Tôi bảo bố mẹ cháu rằng dù bệnh nặng, chỉ cần hóa trị rồi ghép tủy thì có 70% hy vọng cứu chữa. Tuy nhiên, chi phí khám chữa ít nhất là 500.000 tệ”. Nghe đến đây, ánh sáng trong mắt Xin Xin vụt tắt. Cô bé 14 tuổi bắt đầu òa khóc.
Xin Xin được mẹ chăm sóc trong viện. Ảnh: People.
Chia sẻ với Báo Thương mại Thành Đô, mẹ Xin Xin cho biết phát hiện bệnh của con từ những vết bầm tím trên chân cô bé. Hồi đó, Xin Xin đi học xa, mỗi tuần chỉ về nhà một ngày rưỡi. Ở nhà, em bận làm bài tập nên ít có cơ hội nói chuyện với bố mẹ. Đến lúc trời nóng, Xin Xin mặc váy để lộ chân, mẹ em mới nhận ra hiện tượng lạ thường.
Hỏi chuyện giáo viên, mẹ Xin Xin ngỡ ngàng bởi hóa ra cô giáo Xin Xin cũng biết chân học trò bầm tím nhưng không thông báo với gia đình vì bé gái ngăn lại. Không muốn bố mẹ lo lắng, Xin Xin bảo giáo viên rằng “mẹ em sẽ đưa em đi khám”.
Bác sĩ Liu quan sát nét mặt của bố mẹ Xin Xin, thấy rõ họ khó xử. Bà liên tục nhắc rằng bệnh ung thư máu có thể điều trị song đôi vợ chồng nghèo thú thật chỉ còn vỏn vẹn 10.000 nhân dân tệ. Nhà Xin Xin thuộc hộ nghèo ở làng. Năm 2013, bố Xin Xin, trụ cột kinh tế của gia đình bị ngã trọng thương, phải phẫu thuật hộp sọ và tiêu tốn hơn 100.000 tệ. Do tai nạn, anh mất công việc đầu bếp, đến năm ngoái mới được nhận vào làm cho một công ty quảng cáo, lương mỗi tháng khoảng 2.000 tệ. Mẹ Xin Xin thì ở nhà làm ruộng đồng thời chăm sóc bố chồng cùng hai con. “Miễn cưỡng mới đủ sống”, cô trải lòng.
Video đang HOT
Vừa an ủi, bác sĩ Liu vừa làm giấy nhập viện cho Xin Xin, bên trên ghi dòng chữ “vô cùng khẩn cấp”. Tối hôm đó, thay vì đến Trung tâm Cấy ghép, nữ bác sĩ rẽ qua khu điều trị bệnh máu. Đồng nghiệp trực ban thông báo với bà Xin Xin không chịu nhập viện bất chấp mọi lời khuyên, gia đình cô bé đã đi về rồi.
Nhớ lại đôi mắt của Xin Xin, tâm trạng bác sĩ Liu rối bời. Bà tin mọi trẻ em phải có cơ hội sống tiếp, không thể vì hoàn cảnh khó khăn mà từ bỏ. Bác sĩ Liu quyết định giúp đỡ Xin Xin và nhanh chóng gửi thư đến người phụ trách tổ chức công ích tại Thượng Hải. Chưa đầy một phút sau, bà nhận được câu trả lời đồng ý giúp đỡ.
Không bỏ lỡ chút thời gian nào, bác sĩ Liu tìm số điện thoại của mẹ Xin Xin. Bà đề nghị gia đình đưa cô bé trở lại và sẽ tìm cách hỗ trợ chi phí điều trị song mẹ Xin Xin tỏ ra do dự. Cô nói mình không thể tự quyết mà cần bàn bạc với chồng.
Vài tiếng trôi qua, bác sĩ Liu vẫn không nhận được câu trả lời. Đến 21h, bà gọi lại. Lúc này, mẹ Xin Xin hỏi: “Sau khi được quyên góp, chúng tôi cần bỏ ra bao nhiêu tiền nữa? Bà có chắc cứu được con bé không?”. Bác sĩ Liu lặng người một hồi rồi đáp: “Không bác sĩ nào cam kết 100% cứu được”. Bà vừa tức giận vừa thương xót bố mẹ Xin Xin bởi hiểu rằng họ sợ tốn tiền vô ích.
Sáng hôm sau, tổ chức công ích Thượng Hải chính thức phản hồi, hứa sẽ tài trợ cho Xin Xin chữa bệnh. Bác sĩ Liu gửi tin nhắn tới bố mẹ cô bé: “Cứ mang đứa trẻ quay lại đây, hai người không cần trả tiền đâu”. Cuối cùng, gia đình Xin Xin cũng đồng ý để em điều trị.
Lúc nhập viện, Xin Xin bị sốt, sưng đau quai hàm, lưỡi vẹo sang một bên do khối u đè. Bác sĩ Liu khẩn trương sắp xếp cho em hóa trị, bên cạnh đó xin công ty y dược tài trợ hai tháng tiền thuốc để gia đình bệnh nhi bớt chút gánh nặng.
Tuy mới 14 tuổi, Xin Xin hiểu rất rõ khó khăn mà bố mẹ phải đối mặt. Ngày đi nghe kết quả chẩn đoán, chính Xin Xin đã gào khóc không chịu nhập viện bởi biết rằng chi phí đắt đỏ như thế nào. “Tôi hỏi con có biết mình mắc bệnh gì không. Con bé nói biết, là bệnh ung thư máu”, mẹ Xin Xin thuật lại. “Tôi hỏi tiếp con có biết nếu không chữa trị thì sẽ thế nào không. Xin Xin trả lời: ‘Sẽ chết ạ’”.
Hiện nay, Xin Xin đã bước vào đợt hóa trị thứ hai. Nhờ bác sĩ Liu kêu gọi, các nhà hảo tâm đã quyên góp số tiền 250.000 tệ. Sắp tới, Xin Xin sẽ được ghép tủy của bố.
Bệnh tình chuyển biến tích cực, tinh thần Xin Xin khá lên và ánh mắt hoạt bát đã quay trở lại. Tuy nhiên, nỗi lo lắng về khoản chi phí khổng lồ vẫn đeo bám cô bé 14 tuổi. Chiều 10/8, Xin Xin ngồi trên giường bệnh. Hóa trị khiến em bị rụng tóc và đau đầu, đau bụng. Một phóng viên hỏi em lý do trước kia không nhập viên: “Có phải cháu sợ chữa bệnh tốn nhiều tiền không?”. Xin Xin khẽ đáp: “Vâng ạ”.
Thanh Vân
Theo Vnexpress
Ăn gì để trị máu nhiễm mỡ?
Tôi bị máu nhiễm mỡ, nghe nói vấn đề này có thể điều chỉnh bằng ăn uống, nhưng tôi kiêng ăn mỡ mấy tháng nay mà kết quả vẫn không thay đổi...
Bạn đọc Hoàng Hữu Minh (nam, 50 tuổi, quận 9, TP HCM), hỏi: Tôi đọc kết quả xét nghiệm thì thấy một số chỉ số tăng cao, trong đó có cholesterol, nhưng bác sĩ chỉ kết luận là máu nhiễm mỡ , cần điều chỉnh việc ăn uống. Lần ấy tôi đang vội nên cũng không kịp hỏi thêm, với lại nghĩ rằng điều đó do thói quen thích ăn thịt mỡ của mình, về hạn chế là được. Thế nhưng, mấy tháng sau tôi đi xét nghiệm kết quả vẫn vậy. Trong khi, tôi nghe nói máu nhiễm mỡ không phải là bệnh mà chỉ là một tình trạng không ổn của cơ thể, hoàn toàn có thể trị bằng ăn uống. Điều đó có đúng không, và tôi nên ăn thế nào?
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:
Khi bị máu nhiễm mỡ, anh có thể kiểm tra kết quả xét nghiệm và thấy có 3 chỉ số tăng là triglyceride, cholesterol toàn phần bao gồm cholesterol "tốt" HDL và cholesterol "xấu" LDL.
Ở độ tuổi của anh, cho dù các chỉ số không bất ổn thì việc ăn thịt mỡ quá nhiều cũng không tốt, việc anh giảm đi là rất nên. Ngoài ra, việc giảm các món ăn từ mỡ, nội tạng động vật, đồ ăn chiên xào cũng giúp hạ chỉ số cholesterol xấu LDL.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng máu nhiễm mỡ, thứ quan trọng nhất anh cần kiêng là tinh bột. Thói quen ăn tinh bột nhiều mà nhiều người Á Đông mắc phải có thể dẫn đến hiện tượng tích lũy mỡ thừa, từ đó gây ra máu nhiễm mỡ.
Với người bình thường, tinh bột chiếm 30% khẩu phần là phù hợp với tháp dinh dưỡng, nhưng với người bị máu nhiễm mỡ như anh, phần tinh bột nên chiếm chỉ 20% khẩu phần.
Tăng cường ăn các loại rau có chứa chất xơ hòa tan. Đó là các loại rau mà khi ăn anh cảm thấy có chất nhầy, nhớt: đậu bắp, rau đay, rau mồng tơi, mướp hương, rau lang... Chất xơ hòa tan này sẽ giúp giảm các chỉ số đang vượt mức trong kết quả xét nghiệm máu của anh.
Một số loại trái cây cũng có tác dụng tương tự: thanh long, bơ, kiwi, chuối...
Ngoài ra, rau và trái cây còn là món ăn anh có thể ăn thoải mái, dùng để làm dịu cảm giác đói khi phải ăn bớt cơm và các loại tinh bột. Chú ý ăn đa dạng, đừng ăn chỉ 1-2 loại rau, trái cây sẽ mau ngán và có thể gây dư thừa một số chất.
Máu nhiễm mỡ, cholesterol cao còn liên quan đến lối sống thiếu vận động mà nhiều người sống ở thành phố, làm công việc văn phòng hay mắc phải. Ngoài ăn uống, việc tăng cường vận động, sắp xếp thời gian tập thể dục đều đặn là rất cần thiết cho lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của anh.
Anh Thư
Theo Người lao động
Con bị ung thư máu vì chiếc tủ quần áo màu sắc bố mẹ tặng Những vật dụng tưởng chừng rất đơn giản hàng ngày nhưng ẩn sâu trong đó là rất nhiều mối nguy hại đặc biệt với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch, sức đề kháng còn non yếu. Câu chuyện xảy ra cách đây đã 5 năm nhưng hiện tại bé gái 7 tuổi vẫn đang ngày ngày chống chọi với căn bệnh quái ác...