Ai ép học sinh đi học thêm, người đó không xứng làm thầy
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cho rằng, việc dạy thêm cần đúng đối tượng học sinh và phải quản lý chặt việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở dạy thêm.
Bộ Giáo dục đang có đề nghị bổ sung hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều này đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Việc quản lý dạy thêm, học thêm làm sao cho có hiệu quả vẫn là câu hỏi của nhiều người.
Để có góc nhìn đa chiều, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) để nghe những chia sẻ của ông về vấn đề này.
Dạy thêm phải đúng đối tượng
Về câu hỏi nên dạy thêm cho những đối tượng học sinh nào, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nhớ lại, thời gian trước đây từng có việc dạy học thêm nhưng khi đó người ta gọi là lớp bồi dưỡng học sinh giỏi để đi thi huyện, tỉnh và lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém vươn lên bằng các bạn trung bình. Học sinh học thêm là hoàn toàn tự nguyện và thầy giáo dạy thêm (bồi dưỡng/phụ đạo) không thu tiền.
Tuy nhiên, bây giờ bước sang thời kỳ của nền kinh tế thị trường, làm thêm các nghề đều thu tiền mà bảo nghề giáo viên dạy thêm không được thu tiền lại là bất hợp lí, vì vậy không thể đem cái ngày xưa áp dụng cho bây giờ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức. (Ảnh: Lại Tấn)
“Tuy nhiên, cách chúng ta thực hiện quản lý dạy và học thêm thế nào, thì cũng phải để nó trở về mục đích như trước đây là bồi dưỡng học sinh học giỏi và phụ đạo cho học sinh học kém”, Tiến sỹ Chức nhận định về đối tượng của việc bồi dưỡng dạy và học thêm.
Ông cũng cho rằng, việc bồi dưỡng cần có kế hoạch chương trình rõ ràng, chứ không phải làm tính đại trà với tất cả đối tượng học sinh.
Ví như việc em nào đi học thêm thì sẽ có điểm cao, còn không thì điểm kém, đây là hình thức vô giáo dục và phải cấm.
Bên cạnh đó, việc dạy và học thêm cần tránh tiêu cực như học sinh đi học thêm thì biết trước đề kiểm tra, hay thầy cô không dạy hết kiến thức trên lớp học chính khóa khiến học sinh “hổng” ngay từ đầu.
“Người có những hành vi như trên không xứng đáng làm thầy cô, không khuyến khích được sức học của học sinh”, Tiến sỹ Chức nhấn mạnh.
Ông cũng nhận định, chúng ta đang đổi mới chương trình giáo dục, phương pháp học không chỉ để học sinh học giỏi kiến thức hay mang về thành tích cho nhà trường, mà còn phải bồi dưỡng, xây dựng nhân cách làm người và phát triển các kĩ năng cho học trò.
Vì vậy các chính sách quản lý việc dạy và học thêm phải làm sao khuyến khích được học sinh say mê học tập. Giáo dục cần phải là quá trình của dạy tốt và học tốt.
Quản lý chặt việc cấp phép
Về việc dạy thêm trong và ngoài nhà trường, Tiến sỹ Chức cho hay, các cơ quan quản lí cần quản lý chặt chẽ việc này để không xảy ra tiêu cực.
Video đang HOT
Theo Tiến sỹ Chức, việc dạy thêm trong và ngoài trường thì ở đâu làm tốt thì phụ huynh, học sinh người ta sẽ chọn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú trọng lấy học sinh làm tiêu chí chứ không phải là thu tiền.
Các cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý cơ bản nhất là kiểm tra trước khi cho phép, cấp phép.
Nếu làm không chặt, thì việc cấp phép này có thể trở thành món để kiếm lời cho những người “cầm cân nảy mực”.
Ví dụ như lệ phí cấp phép cần quy định cụ thể là bao tiền, và phải quản lí thật chặt chứ không phải là muốn dạy thì chỉ cần mất tiền là được dạy.
Hay như tại trường và trung tâm cần phải đảm bảo điều kiện về bàn ghế, thiết bị. Đối với giáo viên dạy học thì phải đảm bảo về bằng cấp.
“Trang thiết bị cơ sở vật chất, nhân lực phải đảm bảo. Quy trình này phải rất rõ ràng”, Tiến sỹ Chức nhận định.
Ông cũng cho rằng, không nên gọi là cấp phép bởi gọi như vậy cần nhiều thủ tục, mà nên gọi là đăng kí cho đỡ rườm rà. Ví như cơ sở dạy thêm cần đăng kí về số lượng giáo viên, phòng học. Nếu thực hiện đúng như đăng kí thì được phép dạy, tuy nhiên cần có sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Nếu cơ sở dạy thêm vượt quá mức đăng kí về số lượng học sinh thì phải chịu phạt bao nhiêu, bao nhiêu lần vi phạm thì đóng cửa.
Nói tóm lại, Tiến sỹ Chức nhấn mạnh việc chúng ta phải bồi dưỡng làm sao để cho học sinh đạt đúng trình độ cần có, chứ đừng để các em ngồi nhầm lớp như báo chí từng phản ánh về học sinh lớp 5 – lớp 6 vẫn chưa biết đọc.
Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng, việc đăng kí kinh doanh khi dạy thêm giúp cơ quan quản lí nhà nước quản lí tốt hơn việc dạy và học thêm. Ví như bác sỹ có phòng khám phải đăng kí kinh doanh.
“Nếu làm được như vậy thì cũng giống như những ngành nghề khác, là phải đảm bảo yêu cầu của xã hội và có sự kiểm soát chuyên môn”, thầy Bình nhận định.
Bên cạnh đó, hoạt động dạy thêm của các thầy cô sẽ đàng hoàng hơn, không phải dạy “chui”. Đồng thời cũng giúp cho nhà giáo được xã hội đánh giá, nhìn nhận cách khách quan, công bằng.
“Tôi từng chứng kiến nhiều thầy cô dạy ở trung tâm, không trong biên chế nhà nước nhưng vẫn được các em học sinh ở trung tâm quý mến trân trọng về nhân cách, đạo đức và cách ứng xử”, thầy Bình chia sẻ.
Quản lý nhà nước với dạy thêm-học thêm như thế nào, chuyên gia chia sẻ
Những giáo viên lên lớp chỉ dạy sơ sài, còn những học sinh nào muốn học cho giỏi thì phải đăng ký học thêm với chính thầy cô của mình là trường hợp cá biệt.
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội vào ngày 11/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17. Theo đó, Bộ đang đề nghị bổ sung việc dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để thuận lợi hơn trong việc điều tiết hoạt động dạy, học thêm.
Nội dung này được dư luận khá quan tâm. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên - Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh có những chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Giáo dục là tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người
Theo Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, dưới góc nhìn của nhà nước thì việc dạy thêm, học thêm sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, vì người nghèo thường không có điều kiện kinh tế để đi học thêm, sẽ mất đi các cơ hội được tiếp cận với giáo dục ở bậc cao hơn.
Mục tiêu lớn nhất của giáo dục là để tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người, người nghèo cũng như người giàu. Vì vậy, tất cả các ngành có tác động đến con người như y tế và giáo dục đều phải có sự quản lý của nhà nước, để bảo đảm quyền lợi bình đẳng cho mọi người dân thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, ảnh: Xuân Trung /giaoduc.net.vn.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ cá nhân, nhu cầu học thêm là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng vì nhà trường và thầy cô không thể nào đáp ứng được mọi nhu cầu học tập riêng biệt của từng học sinh. Sẽ có những em tiếp thu chậm hoặc quá nhanh so với mặt bằng chung, khiến việc học của các em trở nên khó khăn hoặc nhàm chán.
Chương trình ở nhà trường chỉ có thể nhắm đến việc đạt những yêu cầu chung cho tất cả học sinh, và hầu như sẽ không bao giờ có đủ điều kiện để đáp ứng các đặc điểm về năng khiếu, sở thích hoặc nguyện vọng nghề nghiệp của từng em. Việc tổ chức dạy và học thêm là để bù vào khoảng trống này.
Phụ đạo miễn phí cho học sinh
Chia sẻ về việc học phổ thông của bản thân, cô Phương Anh cho hay, trước năm 1975, vẫn thường có những giáo viên tự nguyện tổ chức phụ đạo cho các học sinh yếu kém, và dạy ngay tại trường. Chính các thầy cô phụ trách môn học lên danh sách học sinh trong lớp của mình cần học phụ đạo và yêu cầu các em học, nhưng là dạy miễn phí để giúp học sinh theo kịp bài vở, không bị tụt lại phía sau.
Trong trường hợp này, dù thực chất vẫn là dạy thêm - học thêm, nhưng đây lại là điều cần thiết và đáng khen vì nó làm tăng sự bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục cho mọi học sinh trong lớp.
"Tất nhiên, việc giáo viên tự nguyện tổ chức phụ đạo miễn phí cho học sinh của chính mình, chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở tự nguyện và khi giáo viên đã được trả đồng lương xứng đáng, không phải bươn chải làm thêm để trang trải cuộc sống của mình", cô Phương Anh nhận xét.
Tuy nhiên, ngay cả nếu có thu phí, thì việc giáo viên dạy thêm cho học sinh của chính mình với một mức học phí hợp lý vẫn có mặt tích cực của nó, vì giáo viên đứng lớp có thể hiểu rõ mỗi học sinh của mình có khó khăn ở đâu để có thể tập trung hỗ trợ các em.
Lệch lạc, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm không phải là bản chất
Những dị nghị, thậm chí lên án đối với dạy thêm, học thêm tại Việt Nam trong thời gian gần đây, theo Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh là do có những biến tướng; có những giáo viên lên lớp chỉ dạy sơ sài còn những học sinh nào muốn học cho giỏi thì phải đăng ký học thêm với chính thầy cô của mình.
"Nhưng theo tôi, đó chỉ là một số trường hợp cá biệt, còn đa số giáo viên khi tham gia dạy thêm chính là đang góp phần giúp cá nhân hóa việc giảng dạy - học tập để nhà trường và giúp Bộ Giáo dục hoàn thành các mục tiêu đề ra của chương trình" - Tiến sỹ Phương Anh nhấn mạnh.
Về việc giáo viên thu học phí dạy thêm, cô Phương Anh cho rằng tự nó không phải là điều xấu; ngược lại, nó cho phép giáo viên có thể cải thiện cuộc sống bằng công việc mà họ đã được đào tạo bài bản, qua đó vẫn tiếp tục nâng cao năng lực.
Ngược lại, nếu cấm giáo viên dạy thêm thì nhiều giáo viên sẽ phải kiếm thêm những công việc tay trái, như thế sẽ làm họ bị phân tâm và thể đầu tư toàn bộ thời gian và trí lực cho việc dạy học được nữa - một tổn thất cho chính ngành giáo dục.
"Có thể khẳng định việc dạy và học thêm - có thu phí hoặc miễn phí - đã, đang và sẽ còn tồn tại ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Nhật...", cô Phương Anh cho biết.
Cần giải quyết vấn đề của giáo viên
Tiến sỹ Phương Anh nhận định những lệch lạc nếu có trong việc dạy thêm đến từ nhiều nguyên nhân, và cần phải có biện pháp để giải quyết một cách có hệ thống.
Thứ nhất, căn nguyên của việc dạy thêm là ở lương bổng của thầy cô giáo thấp, chúng ta phải giải quyết việc này.
Thứ hai, nếu tổ chức ở các trường công thì cần có những quy định chung của Bộ Giâo để bảo vệ người học, đồng thời tạo sự công bằng cho tất cả mọi người.
Riêng đối với việc dạy thêm ở các trung tâm tư nhân, nếu xem đây là những ngành kinh doanh có điều kiện, thì điều này cũng giống như việc mở trường tư hoặc bệnh viên tư thôi. Cũng đều là "kinh doanh có điều kiện" và không có gì phải bàn tán, thắc mắc gì ở đây cả.
Cũng giống như mở các trung tâm tin học, ngoại ngữ, hoặc giảng dạy kỹ năng mềm, các trung tâm dạy thêm cũng cần phải đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... như ở bất cứ cơ sở giáo dục nào, để bảo đảm quyền lợi cho người học.
Trước quan điểm cho rằng, giáo viên đứng lớp dạy thêm cần phải có kinh nghiệm 5 năm, cô Phương Anh bày tỏ sự không đồng tình. Cô cho rằng, không có lý do gì để nhà nước ra quy định giáo viên dạy thêm lại phải có kinh nghiệm, hoặc bằng cấp cao hơn giáo viên chính thức ở từng cấp học.
Nếu một sinh viên ngành sư phạm mới ra trường, cũng có thể được nhận để đứng lớp giảng dạy chính thức, thì tại sao giáo viên dạy kèm lại phải buộc phải có kinh nghiệm 5 năm? Điều này vừa vô lý vừa tạo ra sự bất công, và tạo những cản trở không cần thiết.
Nên cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học
Về quan điểm nên cấm tuyệt đối dạy thêm đối với học sinh tiểu học, cô Phương Anh đồng ý với quan điểm này. Bởi các em đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, cần có sự cân bằng giữa các khía cạnh trí - đức - thể - mỹ - , hay nói cách khách là phát triển con người toàn diện.
Trong khi đó, việc học thêm ở Việt Nam nặng về học để thi, để lấy điểm cao trong học bạ, quá nhấn mạnh và khía cạnh "học chữ", khiến học sinh bị phát triển lệch thì không tốt. Nhiều cha mẹ Việt Nam chuẩn bị lộ trình cho con vào các đại học danh tiếng, nên khi con còn học tiểu học thì họ ép con cái học suốt ngày đêm, hết giờ học chính thức lại phải chạy sô học thêm, là một điều cực kỳ nguy hại và nên tránh.
Về quan điểm cho rằng cần có mức trần học phí trong việc dạy học thêm, cô Phương Anh cho rằng nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào việc này, vì các quy định của nhà nước sẽ không bao giờ theo sát được đa dạng và linh hoạt của thực tế.
Thực ra, nếu nhà nước có cho phép thu học phí cao thì có lẽ ở các vùng xa xôi, khó khăn các thầy cô cũng sẽ phải tự hạ học phí xuống thấp hơn mức quy định cho phù với điều kiện kinh tế, thu nhập của phụ huynh tại địa phương, vì nếu không sẽ không có ai theo học.
Tóm lại, việc học là liên quan đến con người nên nhà nước cần có những quy định để bảo vệ con người, bảo vệ sự bình đẳng trong xã hội. Những quy định của nhà nước để quản lí việc dạy thêm và học thêm là cần thiết, nhưng chỉ nên có những quy định mang tính nguyên tắc chứ không nên quá chi tiết, vì sẽ nhiều khả năng không phù hợp với thực tế và cản trở sự phát triển của xã hội.
"Mọi việc tồn tại được đều có nguyên do của nó. Nếu trong tương lai chương trình được điều chỉnh lại để không còn quá tải, nhà trường có điều kiện để có thể cá thể hóa và cá nhân hóa việc dạy học ngay trong từng lớp học, thì việc dạy thêm không còn cần thiết và sẽ tự đào thải mà thôi", Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh chia sẻ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho hay, hiện nay việc dạy thêm có 2 thể loại, gồm dạy thêm học thêm tiêu cực và tích cực.
Dạy thêm, học thêm tích cực là việc dạy thêm những học sinh kém để nâng cao trình độ của học sinh đi lên theo mặt bằng chung, hoặc bồi dưỡng năng khiếu của học sinh giỏi để thành nhân tài.
Trong khi đó dạy thêm, học thêm tiêu cực như việc giáo viên dạy thêm ở nhà, đối với học sinh theo học khi làm bài kiểm tra sẽ đạt điểm khá, còn ai không theo học thì điểm kém.
"Tôi thấy việc đăng kí kinh doanh dạy thêm là hợp lí, để tránh việc dạy thêm tiêu cực. Đồng thời, khi hoạt động dạy thêm đạt đến mức thu nhập nào đó, thì phải đóng thuế cho nhà nước cũng hợp lý. Bên cạnh đó, đây cũng là biện pháp để cơ quan quản lí nhà nước siết chặt quản lý hơn đối với hoạt động dạy và học thêm", thầy Nhĩ chia sẻ.
Ai cũng tưởng học sinh nước ngoài thảnh thơi lắm, nghe chuyên gia người Việt tiết lộ mới "sốc": Có những điều khiến bạn há hốc miệng Một quyển sách giáo khoa sinh vật lớp 12 của Việt Nam dày khoảng 200 trang, in chữ bự, thưa trên khổ giấy nhỏ. Một quyển sách sinh vật lớp 12 Canada dày hơn 600 trang, in chữ nhỏ, khổ giấy lớn. Thầy cô còn bắt học sinh đọc nhiều sách khác nữa chứ không chỉ một quyển SGK của môn đó mà...