9X thành công sau hai năm liền ’săn’ học bổng Erasmus Mundus
Thời gian này, Đỗ Phú Tiến đang chuẩn bị cho hành trình “730 ngày Du và Học” sau khi chinh phục thành công học bổng Erasmus Mundus – một chương trình học bổng toàn phần danh giá và cạnh tranh toàn cầu.
Đỗ Phú Tiến (sinh năm 1994) lớn lên ở Hội An – một vùng đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh buôn bán nhỏ tại Hội An, ba mẹ là người kinh doanh nên hầu hết chuyện học hành của Tiến đều để cậu tự giác. Mặc dù vậy, mỗi khi có những quyết định quan trọng, Tiến luôn được ba mẹ ủng hộ hết mình. Điều này khiến cậu vô cùng biết ơn.
Năm 2014, sau khi trượt nguyện vọng 1 vào Trường ĐH An ninh, Tiến nộp hồ sơ nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Lâm nghiệp để theo học ngành Quản lí tài nguyên thiên nhiên – một chuyên ngành khá “hot” của trường.
“Cũng giống như khá nhiều học sinh lớp 12, việc chọn nghề nghiệp cho tương lai là một vấn đề khó khăn, nhiều thử thách. Khi chưa xác định được đam mê cho cuộc đời, thì thuận theo xu thế và trào lưu cũng là một quyết định thức thời” – Tiến nói.
Cho tới nay, Tiến cho biết nếu phải chọn lại thì cậu vẫn theo đuổi ngành học này.
“Điều làm mình cảm thấy thú vị nhất khi theo học ngành này là được tham gia các chuyến thực địa, đào tạo chuyên môn cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Ngoài ra, còn được tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực và du lịch cộng đồng ở các vùng miền núi khi có cơ hội đi công tác”.
Đỗ Phú Tiến trong một chuyến đi thực địa. Ảnh: NVCC
Chính vì từng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến bảo tồn, lâm nghiệp, các khóa trao đổi ngắn hạn tại nước ngoài, hội thảo quốc tế… khi còn là sinh viên đã giúp Tiến thành công trong việc chinh phục học bổng danh giá Erasmus Mundus.
Cuộc sống thú vị của chàng trai 9X
Đỗ Phú Tiến cũng gây ấn tượng bởi ngoại hình “nhìn là thấy” đây là người ưa thích hoạt động ngoài trời như bơi lội, chạy bộ, đạp xe, leo núi…
“Những hoạt động này giúp mình thư giãn, lấy lại năng lượng sau một ngày làm việc.
Đặc biệt, khi tham gia các giải chạy bộ, mình được kết nối với những điểm thiên nhiên rất đẹp và con người nơi đó” – Tiến chia sẻ.
Video đang HOT
Sở thích đặc biệt của Tiến là những hoạt động cộng đồng về bảo vệ môi trường, các chương trình bảo tồn động vật hoang dã.
Trong 4 năm học đại học, ngoài thời gian trên giảng đường, Tiến đã thử sức và trúng tuyển nhiều chương trình trao đổi ngắn hạn và nhiều chương trình tình nguyện liên quan đến ngành học như các chuyến đi thực địa đến Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Cát Bà, Vườn quốc gia Xuân Sơn…
Đỗ Phú Tiến và các bạn trong một chuyến đi thực địa tại Indonesia. Ảnh: NVCC
Tiến cũng tham gia chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo do tổ chức IUCN tài trợ năm 2017; học bổng chương trình tập huấn bảo tồn thú linh trưởng tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh; được học tập tại Indonesia khi giành học bổng toàn phần của Khoa Lâm nghiệp – Trường ĐH Gadjah Mada.
Theo lời Tiến, những chuyến đi này vô cùng quý giá khi cậu được tìm hiểu về giá trị tài nguyên rừng, trải nghiệm lội suối, băng rừng, cùng đắm mình với những thác nước tuyệt đẹp…
Chàng trai 9x thường xuyên tham gia các giải chạy. Ảnh: NVCC
“Eramus – 730 ngày Du và Học”
Tiến cho biết bắt đầu tìm hiểu học bổng ngành Lâm nghiệp và Môi trường từ cuối năm thứ ba đại học. Cuối cùng, 9X lựa chọn Erasmus Mundus do Liên minh Châu Âu tài trợ để ứng tuyển.
Tuy nhiên, trong lần nộp hồ sơ đầu tiên, Tiến đã thất bại.
“ Học bổng Erasmus Mundus thuộc loại học bổng tài năng (Merit-based) nên yếu tố học thuật chiếm phần lớn tiêu chí. Năm 2018, khi mới ra trường, hoạt động về nghiên cứu, học thuật của mình còn yếu nên hồ sơ không cạnh tranh so với các ứng viên khác. Nhưng mình vẫn muốn thử lại. Trong hai năm tiếp theo, mình đã cải thiện về kĩ năng tiếng Anh, nâng cao kiến thức học thuật bằng cách tham gia các khóa học online liên quan đến ngành học”.
Với sự kiên trì, được thầy cô và lãnh đạo ở cơ quan viết thư giới thiệu cùng với kinh nghiệm tham gia các hoạt động ngoại khóa trước đó, ở lần thứ hai ứng tuyển, Tiến đã thành công. Cậu trúng tuyển Chương trình Thạc sĩ Lâm nghiệp theo học bổng Erasmus Mundus với mức hỗ trợ toàn phần gần 50.000 euro (hơn 1,3 tỷ đồng).
Tiến và các tình nguyện viên tham gia chương trình bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: NVCC
“Tại sao quyết định ứng tuyển vào học bổng này?” – đây là câu hỏi mà theo Tiến, mọi người nên tự đặt ra trước khi bắt tay vào công cuộc tìm học bổng.
Riêng với học bổng Erasmus Mundus, Tiến có lời khuyên rằng “Nếu bạn đến với học bổng này vì sẽ được đi nhiều quốc gia khác nhau, có cơ hội du lịch châu Âu, được 2 năm tung hoành đây đó, làm và học cái mình thích thay vì đi làm, mình gợi ý bạn nên ngẫm nghĩ sâu thêm một chút. Đúng là Erasmus Mundus sẽ mang đến cho bạn cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm đời sống học tập và sinh sống tại châu Âu, nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện du học”.
Vì vậy, Đỗ Phú Tiến gọi hành trình sắp tới của mình là “Eramus – 730 ngày Du và Học” .
“Năm đầu tiên, mình sẽ học ở Trường ĐH Đông Nam Phần Lan (University of Eastern Finland). Một trong những điều mình mong muốn đó là khám phá và trải nghiệm về phong cảnh, đời sống con người, văn hóa trên mảnh đất châu Âu và đặc biệt là hệ thống giáo dục Phần Lan. Ngoài ra, mình muốn giao lưu học thuật với các giáo sư đầu ngành về mô hình Lâm nghiệp bền vững của đất nước họ”.
Chưa có nhiều dự định cụ thể sau khi kết thúc hành trình này, nhưng Tiến chắc chắn một điểu rằng sẽ trở về nước làm việc để tiếp tục hướng nghiên cứu của mình, như những gì tạo cho anh động lực ra nước ngoài học tập.
Nữ sinh 19 tuổi giành học bổng du học Mỹ
Mặc dù mới 19 tuổi nhưng Ánh Tuyết đã viết 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Nhờ có thành tích xuất sắc, nữ sinh nhận được học bổng toàn phần tại Đại học Minerva (Mỹ).
Ánh Tuyết khi học THPT đã là nhà sáng lập của Road to Fulbright University Vietnam.
Vươn lên trong cuộc sống
Nguyễn Thị Ánh Tuyết, cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Đắk Nông) sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông. Bố mẹ Tuyết tần tảo sớm hôm để lo cho 3 chị em Ánh Tuyết ăn học. Hiểu được sự khó khăn của gia đình, Ánh Tuyết luôn cố gắng trong học tập để đạt được học bổng, đỡ đần bố mẹ.
Sau khi tốt nghiệp THPT, nhờ thành tích học tập xuất sắc của mình, Ánh Tuyết nhận được học bổng tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Tuy nhiên, kết thúc học kỳ I, em nhận được học bổng toàn phần tại Đại học Minerva (Mỹ) nên quyết định dừng việc học tập tại Việt Nam.
Ánh Tuyết chia sẻ: Là học sinh chuyên Anh, em thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội và làm quen với du học sinh Việt Nam đang theo học tại Đại học New York Abu Dhabi (UAE).
Tháng 4/2020, được một người bạn giới thiệu, Ánh Tuyết biết đến nhóm giáo sư đang thực hiện dự án nghiên cứu về Covid-19 cần tuyển trợ lý là sinh viên, thạc sĩ cùng thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù đang học lớp 12 nhưng Tuyết đã viết thư cho nhóm nghiên cứu bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. May mắn, sau một thời gian Tuyết được nhận làm trợ lý và niềm đam mê nghiên cứu khoa học cũng bắt đầu từ đây. Trong quá trình làm trợ lý, Tuyết có thêm nhiều kinh nghiệm và được định hướng trong việc nghiên cứu khoa học.
Đến tháng 10/2020, Ánh Tuyết nghiên cứu độc lập, sau đó 2 tháng có bài báo khoa học đầu tiên "Đặc khu kinh tế về truyền thông Twofour54: Thúc đẩy ngành truyền thông ở quốc gia kiểm duyệt cao".
Sau đó, nữ sinh trường chuyên tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành tác phẩm thứ 2 trong 20 ngày. Bài báo khoa học này, Ánh Tuyết và 1 sinh viên đồng tác giả "Nghiên cứu sơ bộ về thái độ xã hội đối với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo vào giáo dục kiến thức Thiên Chúa giáo ở Việt Nam: Thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo cho giáo dục tôn giáo".
Ánh Tuyết cho hay: Khi gửi bài báo thứ 2, em khá lo lắng vì chưa nhận được phản hồi. Tuy nhiên, sau gần 50 ngày, bài báo của nữ sinh 18 tuổi được xuất bản. Bởi vấn đề nghiên cứu của Tuyết rất mới nên phải mời thêm 3 giáo sư để xem xét.
Khi đang học 12, Ánh Tuyết (bên trái) đã có 2 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Đưa nghiên cứu khoa học đến gần mọi người
2 bài viết được đăng tải, Ánh Tuyết là tác giả nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của 2 tạp chí khoa học quốc tế là Religions (thuộc Scopus Q1) và tạp chí Journal of legal, Ethical and Regulatory Issues (thuộc Scopus Q2).
Ánh Tuyết cho hay, vào năm 2019 em đã biết đến Trường Đại học Minerva (Mỹ). Khi đó em rất yêu thích và mong muốn sau này được học tập tại trường. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì tỉ lệ chấp thuận của trường quá thấp khiến em hơi e ngại. Nhưng sau một thời gian tích lũy kiến thức và trải nghiệm, em quyết định tham gia kì thi đánh giá ứng viên. Sau 8 ngày nộp hồ sơ, Ánh Tuyết nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học Minerva.
Nữ sinh tâm sự, khi em quyết định sang Mỹ để học ngành kinh tế, bố mẹ cũng khá bất ngờ, xen lẫn lo lắng. Bởi sức khoẻ của em khá yếu. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ lo cho Ánh Tuyết một thân, một mình bên nước bạn.
Tháng 8 này Tuyết sang Mỹ để học năm đầu tiên. 3 năm sau đó em sẽ theo học tại 6 quốc gia khác nhau. Để chuẩn bị hành trang và trau dồi thêm học thuật trước khi du học, Ánh Tuyết đang làm việc tại một công ty về giáo dục tại TPHCM.
"Hiện em cố gắng ăn uống để có sức khoẻ tốt nhất khi đi du học. Bên cạnh đó, em cũng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình mình, để bố mẹ bớt lo lắng. Bên cạnh đó, em đang triển khai một dự án, đào tạo ra những người dẫn đầu. Khi đó, mỗi người dẫn đầu sẽ tạo ra một dự án khác nhau, sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn để có thể giúp đỡ nhiều học sinh khó khăn", Ánh Tuyết chia sẻ.
Nói về mục tiêu sắp tới của mình, Ánh Tuyết cho biết: Sau khi hoàn thành chương trình đại học, em dự định trở thành nghiên cứu sinh và tham gia vào lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, em tiếp tục học thêm khoảng 6 năm hoàn thành tiến sĩ.
"Khi còn ngồi trên ghế nhà trường em mong muốn mình trở thành giáo viên để dạy học, hỗ trợ cho các em học sinh. Tuy nhiên, sau khi học xong đại học tại Mỹ em sẽ tiếp tục học lên tiến sĩ kinh tế. Khi đó em có thể triển khai các dự án đến nhiều khu vực khác nhau. Có thể hỗ trợ nhiều học sinh, sinh viên tiếp cận gần hơn với nghiên cứu khoa học. Bởi em mong muốn mọi người đều có thể đọc, hiểu và ứng dụng thực tế từ nghiên cứu khoa học", Ánh Tuyết chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên chủ nhiệm của Ánh Tuyết tại Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh nhận xét: Ánh Tuyết là học sinh giỏi và luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, trong 3 năm học THPT Ánh Tuyết đều nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.
Khi còn học tập tại Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Đắk Nông), Ánh Tuyết là nhà sáng lập của Road to Fulbright University Vietnam. Sau này trở thành trang tuyển sinh chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam.
Bốn bí quyết để giành học bổng MEXT và Erasmus Mundus Năm lớp 9, Linh đoạt giải Nhì học sinh giỏi môn Sinh của thành phố Hà Nội. Đó là bước đà để cô gái nhỏ đỗ vào lớp chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Học tập ở ngôi trường chuyên nổi tiếng này, năm lớp 11, Linh tham gia nhóm đề tài dự thi Hội thi Nghiên cứu Khoa...