8,195 triệu tỷ đồng vốn vay đã ký trước Covid-19
Cách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trước Covid-19 đã khác dần so với trước đây.
Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 31/12/2019 là 8.195.393 tỷ đồng. Ảnh: báo Đấu thầu
Theo chỉ thị Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, có khoảng 280.000 tỷ đồng gói hỗ trợ doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ chính sách tài khóa và tín dụng.
Trong đó, theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã đăng ký các gói cho vay ưu đãi lãi suất, quy mô hơn 250.000 tỷ đồng, để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.
Không có ngân sách bù trực tiếp
Như vậy, bước đầu cho thấy, gói hỗ trợ hiện nay khác với gói kích cầu 1 tỷ USD hồi 2008, đặc biệt ở chính sách tín dụng.
Tháng 12/2008, trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ đã quyết định thực hiện cấp bù lãi suất 4%/năm hỗ trợ doanh nghiệp, từ nguồn dự trữ 1 tỷ USD nói trên.
Chính sách đó hỗ trợ chi phí trực tiếp cho các nhóm đối tượng vay vốn bị ảnh hưởng, mức độ hỗ trợ lớn (cấp bù 4%/năm so với mức giảm 0,5-2%/năm các ngân hàng thực hiện hiện nay). Tuy nhiên, những năm sau đó đã phát sinh nhiều vấn đề trong triển khai, với nhiều cuộc kiểm toán và các kết luận phải xử lý, ngân hàng mất nhiều thời gian mới nhận lại được nguồn hỗ trợ…
Hiện nay, trước tác động của Covid-19, chính sách giảm lãi suất cho vay đến lúc này chủ yếu từ quyết định và nguồn lực riêng của mỗi ngân hàng thương mại.
Trước khi có chỉ thị của Thủ tướng, nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai và tự hoạch định các gói hỗ trợ cho khách hàng của mình. Tới đây, gói hơn 250.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi, có lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với thông thường, sẽ từng bước tiếp sức doanh nghiệp vay vốn.
Tuy nhiên, có một thực tế, sau khoảng hai tháng dịch Covid-19 tác động, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào khó khăn; nhu cầu vay vốn mới để mở rộng sản xuất kinh doanh trở nên hạn chế khi họ đang co cụm, chính sách giảm lãi suất từ gói tín dụng mới cũng hạn chế giá trị đối với họ (ngoại trừ nếu được vay vốn mới để đảo nợ).
Video đang HOT
Trong khi đó, chốt năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, 8,195 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay đã ký. 8,195 triệu tỷ đồng số dư này là vùng đã chịu tác động, đã hiện hữu trong khó khăn, người vay đang chịu lãi suất cũ khi sức trả nợ đã bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, đến thời điểm này, các định hướng hỗ trợ mới chủ yếu tập trung ở khách hàng doanh nghiệp. Các cá nhân vay vốn, đặc biệt là người vay mua nhà thường có kỳ hạn dài và lãi suất cao, thu nhập và năng lực trả nợ của họ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng hiện chưa có các chính sách định hướng hỗ trợ cụ thể.
Ngân hàng vào cuộc thực tế hơn
Như trên, 8,195 triệu tỷ đồng vốn vay đã ký, khó khăn trực tiếp trong quy mô dư nợ này, trước khi doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vay mới, khoản vay mới có ưu đãi.
Điểm tích cực, nhìn lại các chính sách vừa qua, các ngân hàng cũng đã lần lượt vào cuộc một cách thực tế hơn.
Một tháng trước, khi tác động của Covid-19 manh nha, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quyết định giảm lãi suất cho vay 0,5-1,5%/năm cho nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank nói rằng, không chỉ quyết định lần này mà các lần giảm trước đó đều được triển khai một cách thực tế, tức là trên dư nợ đã ký.
Cùng thời điểm trên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng quyết định giảm tối thiểu 1%/năm với khoản vay VND, 0,5%/năm với khoản vay USD cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, trên dư nợ hiện hữu.
Hay ở khối cổ phần tư nhân, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thực hiện giảm 1-1,5%/năm, áp dụng cho cả dư nợ đã ký và khách hàng vay mới trong nhóm bị ảnh hưởng bởi Covid-19…
Có đi, có lại. Khi ngân hàng chủ động giảm tải gánh nặng cho dư nợ hiện hữu, khách vay bớt khó khăn, năng lực trả nợ bớt áp lực, đổi lại nguy cơ đối với nợ xấu tại ngân hàng cũng giảm thiểu đi. Hai bên cùng có lợi.
Còn về tổng thể, chính sách có khả năng bao trùm hơn đối với 8,195 triệu tỷ đồng dư nợ đã ký đang được Ngân hàng Nhà nước gấp rút hoàn thiện để ban hành. Trong đó, việc giãn và cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm cũng là một hỗ trợ chi phí gián tiếp (do nếu phát sinh nợ quá hạn, theo quy định hiện hành, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải chịu thêm chi phí trích lập dự phòng, lãi phạt quá hạn…; doanh nghiệp “có vết” nợ xấu sẽ khó tiếp cận vốn vay mới).
Còn với gói hơn 250.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi, chi phí vốn thấp hơn sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trở lại thúc đẩy sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 qua đi.
Minh Đức
Theo Bizlive
Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
Các ngân hàng thương mại đang triển khai gói tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn thị trường, cam kết cung ứng đủ vốn cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp
Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, trước mắt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng.
Bơm gấp vốn ưu đãi
Ngày 10-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết các NH thương mại đã bắt đầu triển khai gói tín dụng này nhằm hỗ trợ sớm nhu cầu vay vốn mới của doanh nghiệp (DN), hộ gia đình...
Hỗ trợ tín dụng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết với doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ảnh: TẤN THẠNH
Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ NHNN chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng. Các NH thương mại cũng cần kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các tổ chức tín dụng sẽ tiết giảm chi phí để dành khoảng 250.000 tỉ đồng cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5%-1,5%/năm. Những DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được xem xét cho vay mới nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện nhiều NH thương mại đã và đang triển khai gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), cho biết Nam A Bank là một trong những tổ chức tín dụng tham gia gói tín dụng hỗ trợ này. Các DN, hộ kinh doanh được hỗ trợ thuộc ngành nghề liên quan du lịch, xuất khẩu, nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc... đang chịu tác động từ dịch Covid-19.
"Tùy nhóm đối tượng khách hàng, tùy tính chất rủi ro của từng DN mà mức hỗ trợ, ưu đãi lãi suất sẽ khác nhau. NH cũng phải cân đối, tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí chúng tôi đang tính toán xin ý kiến đại hội cổ đông sắp tới về điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, kết quả kinh doanh của năm nay. Mục tiêu quan trọng lúc này là đồng hành, hỗ trợ nhằm góp phần cùng DN duy trì ổn định hoạt động để sớm vượt qua khó khăn" - ông Trần Ngọc Tâm nói.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho hay NH này đang triển khai gói tín dụng khoảng 10.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ DN, hộ kinh doanh bị tác động từ dịch Covid-19. Các DN có nhu cầu vay mới để bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh hoặc tới kỳ giải ngân của hợp đồng tín dụng hiện hữu sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi. Cụ thể, gói tín dụng này có lãi suất giảm tới 2%/năm. Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5%/năm đối với DN và 8,5%/năm đối với cá nhân.
"Chúng tôi cũng đang xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho các khoản dư nợ hiện hữu của DN trong lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch. Vì hiện giờ, nhiều khoản vay của DN đã đến hạn thanh toán và thực tế tình hình của họ đang rất khó khăn" - ông Phan Đình Tuệ nhìn nhận.
Để triển khai gói tín dụng 3.000 tỉ đồng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tiến hành kiểm tra, rà soát từng khách hàng đang gặp khó khăn để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp. Trên cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế của khách hàng, SHB sẽ giảm lãi suất cho vay mới tới 1,5%/năm khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm khoản vay bằng USD; điều chỉnh giảm lãi khoản vay hiện hữu.
Không dùng ngân sách trong gói ưu đãi
"Đây không phải gói tín dụng sử dụng vốn ưu đãi của ngân sách nhà nước mà do các NH thương mại tự cân đối theo khả năng của mình, thể hiện ngành NH sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hộ gia đình trong các lĩnh vực đang bị ảnh hưởng từ dịch bệnh" - ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực phân tích 250.000 tỉ đồng là tổng các gói được nhiều tổ chức tín dụng đã cam kết cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn so với tín dụng thông thường. Thêm nhiều NH tham gia thì quy mô của gói tín dụng ưu đãi này sẽ lớn hơn.
Cùng với việc các NH triển khai gói tín dụng hỗ trợ 250.000 tỉ đồng, NHNN cũng đang sớm hoàn thiện thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thông tư này có thể được ban hành trong tuần này.
NHNN dẫn thống kê sơ bộ từ 23 tổ chức tín dụng ước tính tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên đến 926.000 tỉ đồng (chiếm 11,3% tổng dư nợ của nền kinh tế).
Gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Ngày 10-3, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn đề nghị cục thuế các tỉnh, TP triển khai việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo Tổng cục Thuế, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Những trường hợp được gia hạn nộp thuế phải xét theo quy định tại Thông tư 156 hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính.
Để được gia hạn nộp thuế theo quy định nêu trên, người nộp thuế phải lập và gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.
Về miễn tiền chậm nộp thuế, căn cứ theo Thông tư 156, Tổng cục Thuế cho biết người nộp thuế có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác. Việc miễn tiền chậm nộp thuế cũng được xem xét với đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư 156. M.Chiến
THÁI PHƯƠNG - THY THƠ
Theo NLD.com.vn
Chính thức có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Chỉ thị nêu rõ, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực,...