6 lợi ích tuyệt vời của tôm, nên thường xuyên chế biến cho bữa cơm gia đình
Tôm là một trong những loại thủy hải sản phổ biến nhất hiện nay, được nhiều gia đình lựa chọn cho bữa cơm gia đình của mình.
1. Nguồn protein tốt
Cứ gần 100g tôm nấu chín, bạn sẽ nhận được 20g protein, chiếm 40% giá trị protein được khuyến nghị nạp trong một ngày.
Mặc dù sở hữu lượng protein dồi dào, song tôm chỉ có 84 calo, tốt cho người đang ăn kiêng và giữ gìn vóc dáng. Protein trong tôm có thể giúp bạn no lâu hơn, cung cấp năng lượng cho việc tập luyện.
2. Nguồn khoáng chất có lợi
Một chuyên gia dinh dưỡng ở Anh cho biết: “Tôm là một loại hải sản ít calo, cung cấp I-ốt, phốt pho, kẽm và magie có lợi cho hệ miễn dịch, hữu ích với mọi cơ quan trong cơ thể, từ sức khỏe từ xương đến huyết áp.
3. Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Video đang HOT
Tôm cung cấp axit eicosapentaenoic chống viêm (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA), cả hai đều là axit béo omega-3 có lợi cho cơ thể.
Theo nghiên cứu trên Mayo Clinic Proceedings, tăng lượng omega-3 của bạn có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.
Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên ăn tôm có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn so với những người không ăn loại thực phẩm này.
4. Tăng cường sức khỏe nhận thức
Một trong những lợi ích hàng đầu của tôm là có chứa astaxanthin, một chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do.
Chuyên gia dinh dưỡng Anya Rosen ở New York cho biết: “Astaxanthin có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như Alzheimer và Parkinson.
Các đặc tính chống viêm của astaxanthin cũng đã được chứng minh là có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường, đường tiêu hóa, thận và các bệnh về da và mắt.
5. Hữu ích cho thai kỳ
Phụ nữ mang thai ăn tôm đặc biệt có lợi cho thai nhi. Tôm giúp trẻ phát triển nhận thức, thần kinh ngay từ trong bụng mẹ.
Đây là thực phẩm nằm trong danh mục những lựa chọn tốt nhất đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
6. Tốt cho bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp
Một lợi ích đáng ngạc nhiên nữa mà tôm mang lại đó là một loại thực phẩm lành mạnh cho những người bị bệnh tuyến giáp vì nó cung cấp iốt và selen, hai khoáng chất cần thiết cho chức năng bình thường của tuyến giáp.
Cả iốt và selen đều là những khoáng chất thiết yếu của cơ thể, không chỉ hỗ trợ tuyến giáp mà còn có lợi cho sức khỏe tổng thể của con người.
Đậm đà món cua đồng rang
Mẹ từ đồng về với chiếc giỏ đựng đầy cua. Hai đứa cháu thi nhau reo hò, mong được thưởng thức món cua đồng rang muối chính tay nội làm.
Mẹ trìu mến nhìn vẻ đáng yêu của cháu, cười: "Thế thì bữa cơm chiều nay sẽ có món cua đồng rang muối đổi bữa!". Chỉ chờ có thế, hai đứa nhảy cẫng lên hô vang "bà nội là nhất" khiến ai nấy đều bật cười.
Món cua đồng nấu canh, nấu bún riêu, hay cua đồng rang muối... đã trở thành "đặc sản" gợi thương gợi nhớ suốt dọc dài tuổi thơ lấm láp của anh em tôi. Đó là những ngày chăn trâu cắt cỏ, những buổi trưa hè, những ngày được rảnh rang... anh em tôi thường rủ nhau đi bắt cua đồng. Đồng làng xưa cá, tôm, cua... nhiều vô kể. Chỉ cần mon men mấy bờ ruộng, thể nào cũng có cả mớ cua như ý.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm về ngày đầu tiên đi bắt cua đồng. Khi thấy một hang cua, tôi sung sướng nghĩ, chắc chắn sẽ bắt được con cua càng to đem về khoe với mẹ. Nào ngờ, từ trong hang cua, tôi lại kéo ra một chú rắn nước dài ngoằng. Khi ấy, tôi chỉ biết hét toáng lên, toàn thân run rẩy vì sợ. Một, hai, ba... lần, dần dà tôi có kinh nghiệm và thành thạo việc bắt cua đồng. Tôi biết cua thường đục hang ở ngang thân bờ ruộng để ẩn náu, và dù chúng có khéo léo ngụy trang cỡ nào thì tôi cũng nhận ra... Lần lượt, con nào con nấy nằm gọn trong giỏ của tôi. Tôi sung sướng ra mặt sau mỗi lần đem chiến lợi phẩm về khoe với mẹ.
Cua đồng anh em tôi bắt về, mẹ khéo léo chế biến thành nhiều món, trong đó tôi thích nhất vẫn là món cua đồng rang muối. Mẹ bảo, cua đồng có vị ngọt, lại giàu canxi và dinh dưỡng, có tác dụng chữa bệnh. Có lẽ vậy mà không riêng gì gia đình tôi, ở quê tôi ngày ấy, nhà nào cũng xem cua đồng là món ngon trong bữa cơm gia đình.
Công đoạn lựa cua chính là một phần quan trọng quyết định chất lượng của thành phẩm. Mẹ chọn những con cua non, cua sữa dành để rang muối, vì loại cua này sẽ thơm ngon hơn cua già. Mớ cua được mẹ đem ngâm với nước muối pha nhạt để cua nhả hết đất cát trong mình nó, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Rồi mẹ bóc tách mai, yếm, cắt bớt phần đầu nhọn ở chân cua, rửa lại sạch và để ráo nước. Riêng phần gạch cua cũng được anh em tôi khều ra, để riêng.
So với những món cua đồng được chế biến thì món cua rang muối lại khá đơn giản. Thế nhưng, để có món cua rang như ý cũng đòi hỏi kinh nghiệm, sự tỉ mỉ và khéo léo. Trước hết, mẹ cho mỡ vào chảo, phi hành củ vàng thơm rồi cho cua vào, đảo đều tay. Khi cua chín vàng, mẹ cho chút muối, gạch cua và các gia vị khác vào và tiếp tục đảo đều. Mẹ để lửa liu riu để cua, gạch cua và gia vị quyện với nhau, đồng thời cua sẽ chín đều và dậy lên mùi thơm, béo ngậy, đậm đà. Khi nồi cua rang muối đã xong, mẹ cho chút lá nghệ tươi đã cắt thành sợi nhỏ để có được hương vị riêng.
Món cua đồng rang muối dân dã mẹ làm tuy đơn giản, vậy mà suốt một thời tuổi thơ, anh em tôi đều nghiện. Bữa cơm gia đình đạm bạc với món cua đồng rang muối đổi bữa, anh em tôi nâng chén cơm thơm dẻo, gắp miếng cua rang màu vàng cam còn nóng giòn, thấy vị béo bùi, ngọt thanh, mằn mặn mà tròn vị, hấp dẫn tỏa lan trong miệng.
Bữa cơm chiều nơi quê nhà được dọn ra. Hai đứa cháu thích thú với món cua đồng rang muối mộc mạc chính tay bà nội làm. Chúng khen lấy khen để, chỉ mong được nghỉ hè nhiều nhiều để được thưởng thức món cua đồng rang muối nội làm nhiều hơn. Ngồi bên, hết ngắm hai con, ngắm nụ cười hiền hậu của mẹ, trái tim tôi rưng rưng như được trở về những tháng ngày tuổi thơ của chính mình.
3 cách kho cá rô phi không tanh lại thơm ngon hấp dẫn Cách kho cá rô phi không chỉ đơn giản gói gọn trong một số loại nguyên liệu nào đó. Kho loại cá này có thể được biến tấu và kết hợp với nhiều loại rau củ khác nhau. Sự kết hợp này tạo nên những hương vị riêng, giảm tanh và tăng độ ngon. Dưới đây là 3 kiểu kho cá rô phi...