5 điều lầm tưởng về thực phẩm và sự thật theo chuyên gia
Có rất nhiều lầm tưởng về dinh dưỡng và thực phẩm, một số là giả khoa học, một số do diễn giải sai, và một số do hiểu lầm. Hãy cùng các chuyên gia xem lại để hiểu đúng về thực phẩm nhé.
Không có nhóm thực phẩm nào xấu hoàn toàn, đừng ngại ăn, mà hãy lựa chọn thông minh tùy theo thể trạng và nhu cầu, mục tiêu của bạn – Shutterstock
Trên thethirty, chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên sức khỏe nổi tiếng Karin Adoni Ben-David và huấn luyện viên cá nhân, chuyên gia dinh dưỡng Phil Catudal được Học viện y học thể thao quốc gia Mỹ công nhận, đã đính chính những điều chúng ta tưởng đúng mà không đúng về thực phẩm phổ biến nhất.
Lầm tưởng 1: Trứng làm tăng cholesterol
Chuyên gia Ben-David cho biết có nhiều ý kiến trái chiều về việc trứng tốt hay xấu với sức khỏe.
“Người ta cho rằng trứng chứa nhiều cholesterol và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, sự thật là các nghiên cứu tiến hành trên người khỏe mạnh cho thấy không có tác động của việc ăn trứng hằng ngày tới mức cholesterol trong máu. Cholesterol trong trứng hầu như không ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu. Các hướng dẫn mới cho rằng việc tiêu thụ trứng mỗi ngày không liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành”, chuyên gia Ben-David nói.
Lầm tưởng 2: Carb làm chúng ta béo lên
“Cốt lõi của việc giảm cân vẫn là lượng calo vào và ra. Bạn có thể giảm cân cả khi ăn hay không ăn carb. Tuy nhiên, bạn cần phải để ý đến lượng và loại carbohydrate phù hợp. Hãy cố gắng ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, hạt quinoa, đậu, và tránh thực phẩm, đồ uống có đường”, Ben-David nói với thethirty.
Còn chuyên gia Catudal nêu quan điểm rằng đúng là đường tinh chế, thực phẩm chế biến… có thể rất xấu, nhưng chúng không đại diện cho toàn bộ carb. Không nhóm thực phẩm nào toàn là xấu, carb cũng vậy. “Cứ ăn carb đi. Chỉ cần thông minh khi chọn nguồn và số lượng”, chuyên gia sức khỏe chia sẻ.
Catudal lưu ý, điều quan trọng là cân bằng tổng thể, tổng lượng calo và chất dinh dưỡng đa lượng trong chế độ ăn phụ thuộc vào thể trạng và mục tiêu của bạn.
Lầm tưởng 3: Chế độ ăn nhiều protein làm hỏng thận
“Chúng ta đã tiến hóa thành động vật thông minh nhất trên Trái đất nhờ chế độ ăn giàu protein, vì vậy thật khó tin rằng protein gây hại cho thận chúng ta. Bạn không nên tin điều đó bởi nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa lượng protein cao với tổn thương nội tạng đã được thực hiện trên những người bị rối loạn thận từ trước”, chuyên gia Ben-David giải thích.
Video đang HOT
Ông này cũng khẳng định, nếu bạn có sức khỏe tốt, ăn lượng protein phù hợp thì còn có thể giảm cân mà không có tác dụng phụ, theo thethirty.
Lầm tưởng 4: Siêu thực phẩm có phép thần thông
Đừng cho rằng siêu thực phẩm có thể giải quyết mọi vấn đề. “Không, chúng (siêu thực phẩm và bột) không phải là đồ thần diệu. Người trên khắp thế giới đều sống tốt, khỏe mạnh và thọ mà không có chúng. Chúng có lợi không? Đôi khi thì có. Nhưng không có chúng không đồng nghĩa bạn bỏ lỡ loại dinh dưỡng quan trọng”, chuyên gia Catudal nhấn mạnh trên thethirty.
Chuyên gia Catudal còn bật mí, rất nhiều siêu thực phẩm bổ sung được tôn vinh chỉ là kết quả của giả khoa học.
Lầm tưởng 5: Thực phẩm hữu cơ là lựa chọn tối thượng
Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, nếu bạn không đủ khả năng tài chính mua thực phẩm hữu cơ thì cũng chẳng sao cả.
“Giống như siêu thực phẩm, không có nghiên cứu cho thấy đồ hữu cơ vượt trội so với phi hữu cơ. Trớ trêu thay, những điều tồi tệ có thể ảnh hưởng đến bạn và các bệnh (ví dụ như E. coli) nhiều khả năng là trên các loại cây trồng không được xử lý. Tôi không đưa ra tuyên bố toàn diện. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm, dữ liệu hiện tại cho thấy thực phẩm về cơ bản là như nhau và/hoặc thậm chí an toàn hơn khi chúng không hữu cơ. Nếu bạn không đủ khả năng hoặc không muốn ăn uống đồ hữu cơ, bạn vẫn sẽ ổn thôi”, chuyên gia Catudal chia sẻ trên thethirty.
Theo thanhnien
Nguyên nhân và cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm có thể từ các loại vi sinh vật, thuốc bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật nhưng cũng có thể từ chính cách chúng ta chế biến và sử dụng thực phẩm. Nhưng cách phòng tránh và khắc phục tình trạng ngộ độc thực phẩm như thế nào thì không phải ai cũng biết.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Do thức ăn nhiễm vi sinh vật có hại
Các vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm có thể có trong các loại thức ăn.
Xung quanh chúng ta tồn tại rất nhiều loại vi sinh vật, chúng hiện diện ở mọi nơi: trong không khí, trên đồ vật chúng ta sử dụng hay cả trên thực phẩm chúng ta ăn. Tất cả các vi sinh vật đều rất nhỏ bé và không thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Vi sinh vật tác động đến con người theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Nhiều loại vi sinh vật có lợi cho cơ thể chúng ta như các vi sinh vật trong đường ruột giúp chúng ta tiêu hoá thức ăn dễ dàng hơn, một số loại vi sinh vật làm thay đổi tính chất sinh hoá của thực phẩm giúp gia tăng hương vị. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại vi sinh vật có hại cho sức khoẻ con người, chúng có thể nhiễm vào thực phẩm chúng ta ăn gây ra ngộ độc thực phẩm cấp tính cũng như mãn tính. Các loại vi sinh vật thường gặp gây ngộ độc thực phẩm như: Amip, Esherichia coli, Staphylococcus aureus, Samonella...
Các loại rau sống chúng ta hay ăn có thể bị nhiễm khuẩn Amip gây ra bệnh lỵ Amip, hay vi khuẩn Esherichia coli gây ra bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể bị ngộ độc thức ăn do vi khuẩn E. coli khi chúng ta ăn cá, rau tươi, hay nguồn nước bị ô nhiễm, vi khuẩn này gây tiêu chảy sau bữa ăn từ 24-48 giờ.
Do độc tố có trong nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm
Nguyên liệu chính trong bữa ăn thường ngày của chúng ta là từ động vật và thực vật, những nguyên liệu này hoàn toàn có thể chứa chất độc. Một số loại thực phẩm có chứa độc tố bên trong như cá nóc, mật cá trắm, khoai tây mọc mầm, măng, cà chua xanh hay nấm. Các loại thực phẩm khi đã được nấu chín có thể loại bỏ được một số loại chất độc tồn tại trong nó, tuy nhiên nhiều loại chất độc không bị phá huỷ sau khi chế biến, khi đó chúng sẽ gây ngộ độc cho con người. Thậm chí trong nhiều trường hợp, một số loại thực phẩm còn có thể được sử dụng ngay mà không phải trải qua khâu chế biến, khi đó nguy cơ về ngộ độc thực phẩm là rất cao. Vi khuẩn Staphylococcus aureus hay Samonella có thể gây ngộ độc cho con người nếu chúng ta ăn thịt gia cầm, trứng chưa được nấu chín.
Do quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm
Trong quá trình chế biến, nếu thực phẩm không được làm sạch hoặc giữ vệ sinh thì chúng hoàn toàn có thể làm cho con người bị ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn Staphylococcus aureus có thể nhiễm từ tay, da người sang thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm.
Thực phẩm khi đã qua sơ chế hoặc nấu chín mà không được bảo quản đúng cách, hay được sử dụng khi đã quá hạn sử dụng cũng có thể gây ngộ độc, tiêu chảy cho người sử dụng chúng.
Do các chất phụ gia thực phẩm
Các chất phụ gia thực phẩm như chất tạo màu, hương liệu, chất bảo quản... đặc biệt là các loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có nguy cơ gây ngộ độc cho con người. Một số vụ ngộ độc là do ăn phải thức ăn thiu, thối nhưng có ướp các chất phụ gia khiến người tiêu dùng không phân biệt được.
Do thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu
Ngày nay, để bảo vệ các loại rau, cây trồng trước sự phá hoại của sâu bệnh, các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, ngoài tác dụng bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh thì thuốc bảo vệ thực vật lại có ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn nước và sức khoẻ con người. Các loại thực phẩm từ thực vật nếu không tuân thủ đúng theo nguyên tắc và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể tồn dư chất độc trong nó. Khi ăn phải các loại thực vật chứa chất độc đó, chúng ta sẽ có nguy cơ bị ngộ độc cao.
Xử lý thế nào khi bị ngộ độc
Nếu có dấu hiệu ngộ độc nặng, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Ngộ độc thực phẩm thường có thể được điều trị tại nhà, và trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ biến mất sau điều trị từ 3 đến 5 ngày.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, việc quan trọng nhất cần làm là giữ nước cho cơ thể. Các đồ uống có nhiều chất điện giải rất có ích trong việc bù nước cho cơ thể. Các loại nước ép trái cây và nước dừa có thể bổ sung carbohydrate và giúp cho cơ thể đỡ mệt mỏi.
Nên tránh sử dụng các loại đồ uống có chất caffeine, chúng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa làm cho các triệu chứng ngộ độc trầm trọng hơn. Các loại trà đã được khử caffein và các loại thảo mộc như hoa cúc, bạc hà và bồ công anh có thể làm dịu các cơn đau dạ dày.
Các loại thuốc không kê đơn như Imodium và Pepto- Bismol có thể hữu ích trong việc kiểm soát tiêu chảy và ức chế buồn nôn. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng các loại thuốc này vì nôn và đi ngoài là cách cơ thể loại bỏ các chất độc ra bên ngoài. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc này cũng làm cho các triệu chứng khó chẩn đoán hơn, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng khó phát hiện hơn khiến người bệnh trì hoãn việc đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để điều trị.
Trong trường hợp ngộ độc nghiêm trọng hơn, người bị ngộ độc có thể phải bổ sung hydrat bằng phương pháp truyền tĩnh mạch tại bệnh viện. Bên cạnh việc điều trị thì người bị ngộ độc thực phẩm cũng nên nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có thể hồi phục nhanh hơn.
Nên ăn gì khi bị ngộ độc thực phẩm
Không nên ăn thức ăn đặc cho đến khi các triệu chứng nôn và tiêu chảy biến mất. Thay vào đó, người bệnh nên ăn những loại thức ăn nhạt, ít béo và dễ tiêu hoá như chuối, cháo, súp gà, khoai tây, rau luộc, nước ép trái cây loãng, đồ uống thể thao...
Không nên ăn gì khi bị ngộ độc
Để tránh làm cho dạ dày của bạn khó chịu hơn, hãy cố gắng tránh các loại thực phẩm khó tiêu hóa sau đây, ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn cảm thấy tốt hơn: các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa và phô mai, thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm có hàm lượng đường cao, đồ ăn cay, đồ chiên rán. Ngoài ra, người bị ngộ độc thực phẩm cũng nên tránh các loại đồ uống có chứa caffein (như soda, nước tăng lực, cà phê), rượu.
Làm thế nào để phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Cách tốt nhất để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm là xử lý thực phẩm một cách an toàn và tránh sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số thực phẩm khả năng gây ngộ độc thực phẩm do cách thức sản xuất và chế biến. Một số loại thực phẩm như thịt, gia cầm, trứng và động vật có vỏ có thể chứa các tác nhân truyền nhiễm có thể bị tiêu diệt khi nấu chín. Nếu những loại thực phẩm này được ăn ở dạng sống, không được nấu đúng cách hoặc nếu tay và các dụng cụ chế biến không được làm sạch thì sau khi tiếp xúc, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Các thực phẩm có khả năng gây ngộ độc thực phẩm gồm có sushi và các sản phẩm từ cá khác được ăn sống hoặc nấu chưa chín, thịt nguội và xúc xích không được làm nóng hoặc nấu chín, thịt bò xay có lẫn các loại thịt từ động vật khác, sữa chưa tiệt trùng, phô mai và nước trái cây, trái cây, rau quả chưa rửa.
Các loại thực phẩm sống có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Lưu ý, luôn rửa tay trước khi nấu hoặc ăn thức ăn. Hãy chắc chắn rằng thực phẩm của bạn được bọc và lưu trữ đúng cách. Bất cứ thứ gì tiếp xúc với các sản phẩm sống nên được vệ sinh trước khi sử dụng vào việc chế biến các thực phẩm khác. Đảm bảo luôn rửa trái cây và rau quả trước khi sử dụng.
Theo phapluatxahoi.vn
Không uống rượu, chỉ ăn tinh bột, người đàn ông bị say phải nhập viện Sau khi ăn tiệc, người đàn ông trẻ tuổi ở Trung Quốc nhập viện trong tình trạng say mèm. Điều kỳ lạ là trong bữa tiệc anh không hề uống giọt rượu bia nào mà chỉ toàn ăn tinh bột và các món nhiều đường. Thực phẩm nhiều tinh bột . Ảnh Shutterstock Câu chuyện quái lạ này đã mang lại phát hiện...