44 thầy ở trường chưa từng có giáo viên nữ nhận giải Ấn tượng VTV
Hơn 30 năm, trường Tiểu học Tri Lễ 4, Nghệ An, chưa từng có cô giáo. 44 thầy ở đây vừa làm giáo viên, vừa thay thế người mẹ đảm, cô giáo hiền chăm sóc các em.
Lễ trao giải Ấn tượng VTV năm 2017 ở hạng mục Nhân vật của năm ghi dấu ấn với phóng sự về 44 thầy giáo ở trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).
Thành lập từ năm 1982, đã hơn 30 năm, trường Tiểu học Tri Lễ 4 chưa từng có cô giáo.
Lý giải về điều này, thầy Nguyễn Hồng Hiệp (quê gốc Hưng Yên), cho biết trường nằm cách xa trung tâm huyện hơn 40 km, chưa có đường đi.
Đường đi chủ yếu do nhân dân tự làm, có khúc quanh co theo sườn núi, một bên dốc, một bên vực rất nguy hiểm. Mỗi khi trời mưa bão, trường thường bị cách ly với các vùng khác. Trường cũng không có điện, không trạm y tế, không nước sạch, điều kiện còn nhiều khó khăn nên chỉ giáo viên nam giới mới trụ lại nổi.
Video đang HOT
Giáo viên và học sinh tại trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: VTV.
Tri lễ là vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của huyện Quế Phong. Nơi đây có 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống còn nhiều đói khổ nên phần lớn người dân không quan tâm việc học hành của con cái.
Vừa là giáo viên, các thầy vừa thay người mẹ hiền chăm sóc học sinh như rửa tay, xắn quần áo, chải đầu, cắt móng chân, tay…
Không có trạm y tế, giáo viên bế học sinh về nhà chữa bài thuốc dân gian khi các em bị ốm. Ảnh: VTV.
Cuộc sống thường ngày của các thầy khó khăn trăm bề, tự cung tự cấp, tách biệt hẳn với người dân ở phía sau dãy núi. Con suối chảy ngang qua trường vừa là nơi cung cấp nước, vừa là nơi tắm rửa, giặt giũ.
Cuộc sống thường ngày mỗi buổi sớm của các giáo viên trường Tri lễ. Ảnh: VTV.
Khó khăn, có những thầy không dám lập gia đình. Có những người không nhận mọi chức vụ, bỏ tiền lương hàng tháng của mình để nuôi các em khó khăn. Các thầy vẫn bám trường, bám lớp, dành tình yêu thương cho học sinh nghèo khó.
Trước đó, chia sẻ với Zing.vn, thầy Nguyễn Hồng Hiệp cho biết hơn 15 năm gắn bó, thầy luôn cảm thấy hạnh phúc khi được nhận món quà nhỏ chân thành của học trò vào mỗi dịp lễ. Đó chỉ là những bông hoa rừng, bó mía, chút rau hay quả bầu, bí…
Nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng, nhưng thầy Hiệp nói đồng nghiệp luôn lạc quan, động viên nhau vượt qua khó khăn.
Không mong gì cho bản thân, thầy Hiệp chỉ ước xây được con đường chính cho học trò đỡ vất vả, phòng học kiên cố để nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo Zing