20 thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới
Manchester, Bắc Kinh, Thâm Quyến, New York là những thành phố có tốc độ phát triển công nghệ vượt bậc, thu hút nhân tài từ khắp thế giới.
Thành phố Eindhoven. Ảnh: GED-Project .
Eindhoven là trung tâm công nghệ và đổi mới ở Hà Lan. Nhiều công ty công nghệ quy mô toàn cầu đang đặt trụ sở tại đây, như ASML, Phillips hay VDL.
Điểm thu hút của Eindhoven là chi phí sinh hoạt thấp, nhưng có điều kiện và mức sống tốt, giúp thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê, có 220 công ty đang hoạt động trong khu công nghệ cao ở Eindhoven.
Vilnius được biết đến với vai trò đi đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, công nghệ tài chính (fintech) và kỹ thuật phần mềm.
Hiện nay, Lithuania có hơn 1.000 công ty khởi nghiệp và 200 công ty fintech. Chính phủ Lithuania cũng đưa ra chương trình “thị thực khởi nghiệp” nhằm khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ và tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đến định cư tại Vilnius.
Tallinn (Estonia)
Điểm hấp dẫn nhất với các công ty công nghệ khi đặt trụ sở tại Tallinn là giấy phép Cư trú điện tử. Với mô hình 99% các dịch vụ công triển khai theo hình thức trực tuyến, cá nhân và doanh nghiệp có thể đăng ký và thành lập công ty ngay tại Tallinn và không cần có mặt. Tất nhiên, họ cũng có thể bắt đầu kinh doanh tại đây mà không cần đến nơi để điều hành.
Tallinn thu hút nhân tài công nghệ bằng giấy phép tạm trú kỹ thuật số, cho phép người đăng ký đến hoặc đi trong một năm mà không cần gia hạn thị thực. Chính sách này tạo môi trường hỗ trợ doanh nghiệp và start-up tốt.
Video đang HOT
Cape Town (Nam Phi)
Cape Town là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng cũng là địa điểm đặt trụ sở của nhiều tổ chức tài chính Nam Phi. Theo dữ liệu của Invest Cape Town, khoảng 60% các công ty khởi nghiệp ở Nam Phi nằm ở Cape Town, trong đó có rất nhiều công ty công nghệ.
Bogota (Colombia)
Bogota là một trong những thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới. Các doanh nghiệp khi kinh doanh ở đây được hưởng chi phí rẻ, ưu đãi thuế tốt và số lượng nhân tài công nghệ có sẵn.
Chính quyền địa phương cung cấp các chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp công nghệ, cũng như tạo các phúc lợi cho doanh nghiệp nếu họ cam kết hoạt động lâu dài.
Yokohama (Nhật Bản)
Là trung tâm vận tải biển và thương mại, Yokohama cũng là vùng đất thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế nhờ lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao. Yokohama là một trong những thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các công ty như Lenovo, Samsung và Apple đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại đây.
Detroit (Mỹ)
Detroit được biết đến với ngành công nghiệp ôtô trước cuộc Đại suy thoái. Nhưng giờ đây, chính quyền thành phố đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của thế giới ở lĩnh vực di động. Chính quyền đã bắt tay Google, Fiat và Ford để hiện thực hóa mục tiêu. Detroit cũng được đánh giá là có chi phí sinh hoạt thấp, thu hút nhân tài lành nghề từ khắp Mỹ và thế giới.
Manchester (Anh)
Manchester là một trong những thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới. Thành phố của Anh hiện có 10.000 công ty kỹ thuật số và công nghệ đặt văn phòng, gồm Google, Microsoft và IBM.
Đại học Manchester cũng là nơi tạo ra lực lượng lao động tay nghề cao cho các công ty công nghệ hoạt động tại đây.
Bắc Kinh (Trung Quốc)
Bắc Kinh đang trở thành thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới. Thủ đô của Trung Quốc không có nhiều chính sách hỗ trợ các công ty khởi nghiệp như các thành phố công nghệ cao khác, nhưng vẫn thu hút rất nhiều hãng smartphone, viễn thông, AI, robot… đặt trụ sở.
Thâm Quyến (Trung Quốc)
Thâm Quyến thu hút một lượng lớn công ty sản xuất điện thoại, viễn thông và các lĩnh vực công nghệ cao khác đặt trụ sở, văn phòng đại diện hoặc trung tâm R&D. Huawei – hãng viễn thông lớn nhất thế giới – cũng đặt trụ sở tại đây.
Kuaishou - mạng xã hội video nổi tiếng sau TikTok
Su Hua và Cheng Yixiao mất 10 năm để xây dựng ứng dụng video Kuaishou, có giá trị ước tính gần 62 tỷ USD khi mở bán công khai.
Hai người đồng sáng lập Kuaishou có thể trở thành những tỷ phú trẻ giàu nhất Trung Quốc sau đợt mở bán công khai (IPO) tại Hong Kong, gia nhập hàng ngũ những doanh nhân trẻ với khối tài sản khổng lồ nhờ sự bùng nổ công nghệ nhiều năm qua tại Trung Quốc.
Kuaishou hiện là nền tảng chia sẻ video ngắn có quy mô lớn thứ hai Trung Quốc, chỉ sau Douyin, với tổng giá trị khoảng 61,7 tỷ USD sau đợt IPO hôm 26/1. Điều này sẽ nâng khối tài sản của Su, 39 tuổi, lên 7,8 tỷ USD nhờ nắm giữ 12,6% cổ phần trong công ty. Cheng, 35 tuổi, người đang nắm 10% cổ phần sẽ có tài sản 6,2 tỷ USD.
Khoản tiền mới giúp hai đồng sáng lập Kuaishou chỉ xếp sau những tỷ phú trẻ tuổi gồm Colin Huang Zheng của Pinduoduo, Wang Xing của Meituan và Zhang Yiming tại ByteDance.
Giao diện Kuaishou trên điện thoại. Ảnh: Reuters .
Cheng phát triển Kuaishou năm 2011 với vai trò là công cụ sáng tạo và chia sẻ ảnh động, trước khi chuyển sang video để giúp "người bình thường" thể hiện bản thân trên mạng.
Cheng lớn lên ở tỉnh đông bắc Liêu Ninh. Những người quen cho biết anh là người đam mê lập trình, luôn tập trung vào công nghệ và sản phẩm. Fisher Zhang Fei, một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào Kuaishou, cho biết Cheng không giỏi giao tiếp với người khác ngoài đời và thường thích thế giới ảo hơn.
Trong cuốn sách The Power to be Seen: What is Kuaishou , vốn được coi là lịch sử chính thức được chính công ty Kuaishou tổng hợp và phát hành năm 2019, Zhang mô tả Cheng là quản lý sản phẩm tuyệt vời, nhưng không thực sự phù hợp vai trò giám đốc điều hành vốn do Su đảm nhận.
Su là người đã đưa Kuaishou lên nấc thang tiếp theo. Cựu kỹ sư Google từng tốt nghiệp đại học Thanh Hoa danh tiếng tại thủ đô Bắc Kinh, cơ sở đào tạo được ví như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ. Su gia nhập Kuaishou năm 2013, giúp công ty huy động vốn và chuyển trọng tâm vào chia sẻ video ngắn.
Su lớn lên trong một thị trấn nghèo, nơi sinh sống của cộng đồng thiểu số Thổ Gia ở tỉnh Hồ Nam, phía nam Trung Quốc. "Anh từng phải đi bộ hai tiếng mỗi ngày để mua xì dầu", theo cuốn sách .
Ngôi làng của Su không có điện, thiết bị điện duy nhất là chiếc đèn pin trong căn lều. Su thích đèn pin nhưng không thể chơi với nó vì pin quá đắt. Dù vậy, Su vẫn là học sinh xuất sắc và thi đỗ vào trường Thanh Hoa, nơi có điểm đầu vào rất cao và chỉ có vài người ở tỉnh Hồ Nam có thể lọt vào mỗi năm. Su học lập trình phần mềm và xin được việc tại Google vào năm 2006.
Mức lương khởi điểm của Su là khoảng 23.000 USD/năm, tương đối cao với một sinh viên vừa tốt nghiệp tại Trung Quốc, nhưng anh quyết định nghỉ việc năm 2008 để tự lập doanh nghiệp. Su gia nhập Baidu năm 2009, nhưng cũng rời đi chỉ sau hai năm để tự phát triển sản phẩm của mình. Dự án cuối cùng của Su trước khi tham gia Kuaishou là tập trung vào thương mại điện tử xã hội.
Su và Cheng dường như gặp nhau lần đầu trong một nhà hàng. Sau hàng loạt chầu bia, cả hai nhận ra họ cùng có tham vọng xây dựng điều gì đó cho người dùng Internet bình thường tại Trung Quốc. Hai người sáng lập không bình luận về thông tin này.
Không ai biết thực hư cuộc gặp đầu tiên như thế nào, nhưng sau đó Cheng quyết định thành lập Kauishou và chia cổ phần lớn cho Su cùng đội ngũ dưới quyền, điều rất hiếm gặp. Su trở thành CEO trong khi Cheng giữ vai trò quản lý sản phẩm.
Su phát triển thuật toán riêng cho Kuaishou, trong đó đề cao "sự công bằng và bao hàm", biến nền tảng này thành nơi để hàng triệu cư dân mạng Trung Quốc tải lên video cho thấy cuộc sống và hoạt động thường ngày của họ. Công ty khẳng định Su và Cheng có chung quan điểm rằng "cuộc sống của mọi người đều đáng được ghi lại".
Trong một bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng năm 2018, Cheng cho rằng Kuaishou được phát triển cho những người không có nền tảng để thể hiện tài năng với thế giới. "Kuaishou không dành cho các ngôi sao điện ảnh hay nhóm KOL Big V, mà là cho phần lớn người bình thường", Cheng nói, thêm rằng sản phẩm cần đơn giản hết mức để mọi người có thể dùng "mà không cần phân biệt trình độ văn hóa hay tuổi tác".
Kuaishou có khoảng 263,8 triệu người dùng mỗi ngày vào cuối tháng 11/2020. Ứng dụng này đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok đang có khoảng 600 triệu người dùng mỗi ngày.
Kuaishou cũng thất bại trong nỗ lực mua lại Musical.ly vào năm 2017. Ứng dụng sau đó được ByteDance mua và kết hợp với TikTok, mang tới lượng người dùng khổng lồ ở nước ngoài chỉ sau một đêm. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, Su cho biết một trong những mục tiêu của anh là biến Kuaishou thành công ty toàn cầu.
Hà Nội phát triển thành phố thông minh, đẩy nhanh thương mại hóa 5G Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo Bộ TT&TT và UBND TP Hà Nội đã tin tưởng, giao phó cho Sở TT&TT TP Hà Nội trong năm 2021. Tiên phong xử lý rác viễn thông Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm...