100.000 người Nhật Bản “bốc hơi” đi đâu mỗi năm?
Ở Nhật Bản, có khoảng 100.000 người “bốc hơi” không để lại dấu vết mỗi năm.
Quá trình “biến mất” hoàn toàn bí mật kể cả với người thân
Trước kia, Kazufumi là một tay môi giới chứng khoán thành công, nhưng khoản đầu tư rủi ro cao đã khiến ông mất 400 triệu yen (khoảng 3,5 triệu USD). Bị cấp trên đổ toàn bộ trách nhiệm, còn khách hàng thì săn lùng, nên vào một buổi sáng năm 1970, Kuni biến mất. Ban đầu, ông tá túc tạm ở nhà một người bạn học và “bốc hơi” hoàn toàn nhờ vào dịch vụ dành cho những người không còn lối thoát.
Khu rừng tự tử nổi tiếng, các vụ tự sát ở tàu điện ngầm đều là đặc trưng cho nền văn hóa mất mát của Nhật Bản. Sau Thế chiến II, dân tộc này bị ám ảnh bởi sự xấu hổ vì thua cuộc, nên dần dần họ chọn những hành vi cực đoan như tự tử, hoặc chạy trốn thay vì tìm cách giải quyết vấn đề.
Bên trong khu nhà dành cho những người “bốc hơi”
“Tôi không hề nghĩ đến việc làm lại cuộc đời. Tôi chỉ muốn chạy trốn, vậy thôi. Đương nhiên đó là cách chẳng vẻ vang gì. Không tiền, không địa vị xã hội, nhưng miễn là còn sống”, Kuni tâm sự. Thay vì là một doanh nhân có tiếng tăm, giờ ông chỉ là một công nhân làm thuê, rửa bát theo thời vụ với số tiền đủ sống, với tung tích được giữ kín. Cha ông đã cố gắng tìm con trai hàng năm trời nhưng đều thất bại.
Một vài năm sau khi “bốc hơi”, vào lúc 38 tuổi, Kuni thuê được một căn hộ bằng tên giả và lập công ty chuyên thu gom rác thải, nhưng đó chỉ là cái vỏ. Thực tế, việc chính của những nhân viên là thực hiện lại điều người chủ từng trải qua: đáp ứng những ai có nhu cầu biến mất. Kuni không tiết lộ quy trình nghề nghiệp, nhưng có cho biết rằng các nhân viên thường sắp xếp để hành động ban đêm, và họ sẽ thực hiện dịch vụ “trọn gói” bảo đảm cả đời, như dùng thông tin giả như địa chỉ ma để đánh lạc hướng nỗ lực tìm kiếm của người thân khách hàng.
Video đang HOT
Vách đá nổi tiếng vì số lượng người tự sát
Kể từ giữa những năm 1990, ước tính có khoảng 100.000 người “bốc hơi” mỗi năm. Khác biệt với những nước tân tiến có số an sinh xã hội, Nhật khá lỏng lẻo trong quản lý dữ liệu dân cư. Việc truy cập vào sao kê tài khoản ngân hàng là phạm pháp, kể cả cảnh sát. Thế giới ngầm thì được yakuza chi phối nên biến mất ở Nhật khá dễ dàng. Những người này sống trong các khu ổ chuột Sanya tại Tokyo hay Kama ở Osaka.
Người biến mất tại các quốc gia khác không phải là hiếm, nhưng tại Nhật đó là hiện tượng xã hội đáng lưu ý. Quốc gia này chú trọng sự thống nhất, cầu toàn và sẽ loại bỏ bất cứ thứ gì khác biệt với số đông. Nếu ai không thể chịu đựng được áp lực xấu hổ khi thi trượt, mất việc và nợ nần sẽ chọn cách biến mất để tìm tự do, bên cạnh lựa chọn tự kết liễu đời mình.
Những người thuộc thế hệ “mất mát” sống trong khu ổ chuột và gặm nhấm sự cô đơn của họ
Phong trào “bốc hơi” nhem nhóm từ sau Thế chiến II và thịnh hành sau các sự kiện khủng hoảng tài chính hồi 1998 và 2008 khiến nhiều người lao đao. Norihiro, 50 tuổi, chọn cách biến mất 10 năm trước sau khi mất công việc kỹ sư được trọng vọng. Ông giả vờ ra khỏi nhà đi làm như mọi khi, dành thời gian ngồi trong ô tô, không ăn uống. Tới kỳ trả lương, là lúc ông phải đem tiền về nhà, Norihiro tới thẳng Sanya mà không nói một lời. Từ đó tới giờ, ông sống trong căn phòng chật chội, chỉ hút thuốc và nghiện rượu nặng.
“Tôi không muốn gia đình nhìn thấy mình thế này. Thử nhìn xem, tôi thấy thật khốn khổ. Nếu ngày mai tôi chết, tôi không muốn ai nhận ra mình”, ông nói.
Những người “bốc hơi” tìm được việc khá dễ dàng nhờ vào mafia yakuza khét tiếng. Họ được thuê làm các công việc tay chân, và sống ở các khu ổ chuột không có toilet riêng hay internet.
Trong số những người tại đây, đặc biệt có hai vợ chồng cùng trốn nợ. Người chồng nói: “Chạy trốn chưa phải là kết thúc. Nó đơn thuần là con đường tắt dẫn thẳng tới cái chết”.
Theo Danviet
Bị "nhồi" chật cứng trên tàu điện ngầm giờ cao điểm, tại sao người Nhật vẫn luôn chọn giao thông công cộng?
Nhật Bản sở hữu hệ thống tàu điện ngầm tối tân và quy mô nhất thế giới nhưng nhu cầu đi lại của người dân quá lớn khiến việc bị nhồi nhét trên những chuyến tàu tốc hành là điều vẫn xảy ra trong giờ cao điểm.
Những chuyến tàu "bánh kẹp"
Mạng lưới giao thông đường sắt đóng vai trò quan trọng với Nhật Bản. Ở thủ đô Tokyo, gần một nửa người dân dùng tàu hỏa làm phương tiện giao thông chính. Phần còn lại dùng xe đạp, xe buýt và phương tiện cá nhân. Trong số 48% sử dụng mạng lưới đường sắt công cộng, phân nửa đi lại nhờ hệ thống tàu điện ngầm tối tân.
Sandra là một nhà văn Mỹ sống tại Nhật Bản. Từng có kinh nghiệm 10 năm sử dụng tàu điện ngầm ở New York, cô vẫn hoàn toàn bị sốc trước cảnh người Nhật đi lại bằng phương tiện này. Sự đông đúc tới nghẹt thở tại các nhà ga trong giờ cao điểm là điều nhà văn Mỹ không thể nào làm quen.
"Giờ cao điểm là thứ nằm ngoài sức tưởng tượng. Tôi đi lại trong thời gian đó vài lần và nói cho đúng, tôi thực sự bị dòng người cuốn đi. Cả toa tàu chẳng khác gì thùng xe chở gia súc. Khi đám đông lèn chặt vào không gian nhỏ, chân bạn còn chẳng thể chạm đất. Bạn bị mắc kẹt giữa rừng người", Sandra mô tả lại những gì cô gọi là "chuyến tàu bánh kẹp".
Tại sân ga, người Nhật còn bố trí các "oshiya", thuật ngữ để gọi những người chịu trách nhiệm đẩy những hành khách còn mắc kẹt vào trong toa tàu. Họ mặc đồng phục, đeo găng tay và luôn túc trực sẵn ở cửa các toa xe để giúp mọi hành khách lên được tàu. Những gì họ làm giống nhồi nhiều quần áo nhất có thể vào một chiếc giỏ. Đoàn tàu chỉ chạy khi cửa các toa xe đóng chặt.
Nhằm ngăn chặn tình trạng sàm sỡ trên những toa tàu chật cứng, người ta bố trí những khu vực dành riêng cho phụ nữ. Chúng được đánh dấu bằng những ký hiệu dễ nhận ra. Những toa xe này giúp phụ nữ đi lại an toàn hơn khi sử dụng phương tiện công cộng.
Một cảnh tượng khác cũng dễ bắt gặp trên những đoàn tàu tốc hành Nhật Bản là hành khách ngủ gật. Lao động quá sức là nguyên nhân của tình trạng này và nó được cả xã hội Nhật Bản chấp nhận. Người Nhật luôn chuẩn bị sẵn sự khoan dung trong trường hợp người bên cạnh gục vào vai họ ngủ. Họ không thích điều này nhưng chấp nhận nó như một thực tế.
Tàu điện Tokyo chạy chuyến cuối lúc nửa đêm và mất một giờ để kết thúc hành trình. Loa phóng thanh ở nhà ga sẽ thông báo chuyến cuối để mọi hành khách không bị lỡ tàu. Cùng với đó, dòng người sẽ hối hả chạy tới sân ga để về nhà nếu không muốn ngủ vạ vật. Niềm an ủi với họ là sự trật tự, an ninh và sạch sẽ.
Nhân viên sân ga đẩy hành khách vào trong những toa tàu chật cứng ở Nhật Bản. Ảnh: Alamy
Nhưng người Nhật Bản luôn chọn giao thông công cộng
Không thể phủ nhận những mặt tối của giao thông công cộng ở Nhật Bản nhưng xét tổng thể, đây vẫn là loại hình hiệu quả cao, thân thiện với người dùng và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh tàu điện, người dân và du khách còn có rất nhiều lựa chọn khác để đi lại trong nội đô và liên tỉnh như xe buýt, xe điện....
Bằng tàu hỏa, người ta có thể đi lại khắp nước Nhật. Tàu hỏa của người Nhật luôn đúng giờ, giá cả phải chăng. Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, việc đi lại trên các tuyến đường cao tốc thường kéo theo những khoản phí rất lớn. Trong khi đó, di chuyển bằng ô tô ở nội đô cũng gây ra hàng loạt bất cập như đường phố chật hẹp, giá xăng đắt và phí đỗ xe rất cao.
Giao thông công cộng Nhật Bản luôn ổn định, văn minh và đáng tin cậy kết hợp với giá cả phải chăng. Ảnh: Kyodo
Sử dụng tàu hỏa khiến người Nhật Bản phải đi bộ nhiều và đôi khi rất xa. Đổi lại, họ có thể lựa chọn sống cách xa những thành phố lớn, nơi chi phí sinh hoạt và nhà ở rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đó, dù do tư nhân nắm giữ nhưng chất lượng dịch vụ của hệ thống tàu hỏa ở Nhật Bản luôn được đánh giá cao trong khi giá vé hiếm khi thay đổi.
Bên cạnh tàu, xe buýt và xe điện cũng là phương tiện giao thông quan trọng ở các thành phố lớn của Nhật Bản. Người sử dụng có thể trả tiền trực tiếp khi bước lên xe và lựa chọn điểm đến. Tuy nhiên, sử dụng xe buýt chỉ thực sự phù hợp cho những người biết rõ đường. Xe điện thì phù hợp hơn cho khách du lịch thay vì người dân sống ở các thành phố lớn.
Giao thông công cộng ở Nhật Bản cũng có ưu đãi dành cho sinh viên, người lớn tuổi. 99% phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản tới đúng giờ, khiến người sử dụng an tâm hơn. Với tàu điện, chỉ động đất, sạt lở hay những vụ tự tử khiến chúng tới trễ. Với xe buýt, việc đến đúng giờ gặp thêm đôi chút khó khăn nhưng không phải quá lớn.
Ngoài ra, không thể bỏ qua ý thức cao của người Nhật, yếu tố giúp việc đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng trở nên thoải mái hơn. Người Nhật tránh gây ồn khi sử dụng phương tiện công cộng. Vệ sinh các phương tiện cũng luôn được đảm bảo. Kết hợp với giá cả phải chăng, phương tiện công cộng đóng vai trò rất lớn trong xã hội Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
(Theo CafeF)
Ngắm khỉ trong tranh cổ cực đẹp của Nhật Bản Loài khỉ có một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản suốt nhiều thế kỷ. Khỉ trong tranh cổ là một mảng sáng tác phổ biến ở Nhpật. "Khỉ nhảy điệu Sanbaso". Tranh giấy cuộn vẽ năm 1800 (năm Khỉ) của Mori Sosen (1747-1821) - họa sĩ nhật Bản thời Edo. Khỉ trong tranh cổ của họa sĩ này rất...