10 năm tranh cãi về giờ bán và quảng cáo rượu bia
Khi bắt đầu xây dựng luật phòng chống tác hại rượu bia, lượng bia tiêu thụ mỗi năm của người Việt 2,7 tỷ lít, hiện nay đến gần 4,7 tỷ lít.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng Luật phòng chống tác hại của rượu bia “có lẽ là dự luật mất nhiều thời gian chuẩn bị nhất với 8 năm vận động, chuẩn bị và xây dựng. Nếu tính cả thời gian lên ý tưởng là hơn 10 năm”.
Khi bắt đầu xây dựng luật, tổng lượng bia tiêu thụ mỗi năm của người Việt tăng gần gấp đôi, nhưng quá trình xây dựng luật chưa hoàn thành.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hàng năm cao nhất thế giới, trong khi các nước đang giảm dần. Chưa kể, thị trường còn lưu hành ít nhất 350 triệu lít rượu thủ công. Việt Nam là một trong 12 nước vẫn còn cho phép dân tự nấu rượu.
Nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu bia thì một người Việt tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất. Đây là mức rất cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới”, đại diện vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết tại một cuộc họp trước đây bàn về dự thảo luật.
Hiện có ý kiến đề nghị đổi tên Luật phòng chống tác hại của rượu bia thành Luật phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe con người; không hạn chế quảng cáo và khuyến mãi đối với rượu bia dưới 15 độ cồn.
Ông Quang không ủng hộ các ý kiến trên. “Nếu bỏ các đề xuất kiểm soát đối với hoạt động quảng cáo, khuyến mãi rượu bia thì nội dung dự luật sẽ không còn gì”, ông Quang nói.
Ban đầu khi xây dựng dự thảo, Bộ Y tế đề xuất ba phương án bán rượu bia theo giờ.
Phương án 1: Chỉ được bán rượu, bia vào 11-14h và 17-22h hằng ngày; trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia 6-22h hằng ngày, trừ khu vực bay quốc tế và tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch..
Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, cả ba phương án này không còn hiện diện trong dự thảo do vấp phải nhiều ý kiến gây tranh cãi.
Video đang HOT
Trước tình trạng xảy ra hàng loạt tai nạn thảm khốc do tài xế sử dụng rượu bia, ngày 3/5 Bộ Y tế gửi văn bản tới Thủ tướng, đề nghị giữ nguyên tên Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Bộ cũng kiến nghị giữ nguyên các đề xuất quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mãi rượu, bia “do đây là nhóm đồ uống chứa cồn, được Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư, tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể”.
“Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất từ 20h đến 0h. Thái Lan, Singapore đều quy định giờ cấm uống rượu bia, vậy tại sao Việt Nam không áp dụng?”, ông Quang đặt câu hỏi.
Hiện có 17 nước cấm quảng cáo rượu bia trên toàn bộ phương tiện truyền thông, 83 quốc gia cấm một phần. Pháp cấm quảng cáo rượu bia có độ cồn từ 1,2% trên truyền hình, rạp chiếu phim; kiểm soát nghiêm ngặt nội dung quảng cáo trên các phương tiện truyền thông khác và phải có cảnh báo sức khỏe kèm theo; cấm tài trợ sự kiện văn hóa thể thao…
Trên 100 nước quy định về địa điểm cấm bán bia rượu, 123 quốc gia quy định về địa điểm cấm uống (nơi công cộng, công viên….). Khoảng 90 quốc gia quy định giờ bán lẻ đối với rượu mạnh, rượu nhẹ, bia. Có 123 nước quy định mật độ điểm bán, ví dụ Mỹ không cấp quá một giấy phép bán lẻ rượu bia trên một con phố.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan từ năm 2008 đã ban hành luật kiểm soát đồ uống có cồn, sau đó sửa đổi vào năm 2015. Nước này chỉ cho phép bán rượu bia từ 11h đến 14h và từ 17h đến 24h mỗi ngày. Nếu vi phạm, người bán bị phạt tù đến 6 tháng và/hoặc tối đa 10.000 bath. Nhờ vậy Thái Lan đã giảm 50% số vụ tai nạn giao thông, tiết kiệm hơn 6 tỷ USD chi phí khắc phục hậu quả.
Singapore có luật về tiêu thụ và cung cấp bia rượu từ năm 2015.
Bộ Y tế Việt Nam cho rằng phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát tác hại do việc sử dụng rượu bia.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gồm 7 chương, 36 điều. Dự kiến dự thảo sẽ lần thứ hai trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 7 diễn ra vào tháng 5.
Lê Nga
Theo VNE
"Tôi đau xót khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia đang bị làm yếu đi"
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ được thông qua trong 2 tuần nữa tại kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, luật đang bị làm yếu đi, nên nếu thông qua luật nhưng hiệu quả kiểm soát không cao thì không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc phòng chống tác hại của chất gây nghiện này với sức khỏe, xã hội, kinh tế.
Những ca tai nạn giao thông ám ảnh vì bia rượu
"Dự thảo luật dự kiến trình quốc hội vào tháng 5/2019. Tuy nhiên hiện nay dự Luật này vẫn còn rất "ngổn ngang" nhiều ý kiến trái chiều. Các điều luật đã "yếu" đi rất nhiều so với trước đó. Tôi thấy đau xót, khi dự thảo phòng chống một loại chất gây nghiện gây thiệt hại to lớn về sức khỏe, kinh tế, xã hội lại đang bị làm yếu đi", ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho rằng nếu không kiên quyết trong các điều khoản của Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Luật có ra đời cũng mang nhiều hiệu quả. Ảnh: H.Hải
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019 (từ 16/12/2018 -15/4/2019) cả nước đã xảy ra đến 5.453 tai nạn giao thông, làm chết 2.570 người, bị thương 4.179 người. Riêng trong tháng 4/2019 (từ 16/3 - 15/4) tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của 665 con người, làm bị thương 1038 người.
"Hình ảnh người con ngồi thẫn thờ bên xác mẹ là chị lao công; cô giáo tiểu học và bạn bất ngờ chết tức tưởi ngay trong đêm trên đường về nhà, hay vụ xe tông vào đám tang tại Bình Định khiến 4 người chết, 6 người bị thương chắc chắn ám ảnh nhiều người. Những con người vô tội, đột ngột mất đi bởi những người cầm lái có hơi rượu bia", ông Quang nói.
Con số thống kê khiến nhiều người giật mình, bởi có đến 36,2% nam giới gây tai nạn có uống rượu bia. Nghiên cứu của WHO tại Việt Nam trên 18.412 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện thì có tới 28$ người đi xe máy có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép; 63% người lái ô tô có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép.
Theo ông Quang, điều này cho thấy rượu bia phải được kiểm soát đặc biệt. Nó không chỉ gây hại cho sức khoẻ người dùng mà là mối nguy cho xã hội với các vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình...
Rượu bia là chất gây nghiện
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế khẳng định, rượu bia không phải đồ uống bình thường như các đồ uống khác, nó gây thiệt hại to lớn cho người sử dụng, toàn xã hội, gây hậu quả sức khoẻ, kinh tế, các vấn đề xã hội khác.
Bộ Y tế đề xuất lấy tên là "Luật Phòng chống tác hại của rượu bia", nhưng dự thảo luật đưa lên để xin ý kiến đại biểu quốc hội lại có tên "Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe con người". "Tôi chưa thấy cái tên dự Luật nào lại "kỳ lạ" như cái tên đang được đưa ra để xin ý kiến đại biểu quốc hội", ông Quang nói.
Theo chuyên gia này, rõ ràng thực tế chứng minh rượu bia không chỉ gây hại về sức khỏe mà còn tác động đến hàng loạt các khía cạnh của đời sống xã hội như: tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, gây rối trật tự công cộng và nhiều vấn đề khác. Tác hại của rượu bia lớn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó đem lại.
Nhưng với tên Luật đang được đưa lên để xin ý kiến đại biểu quốc hội sẽ không thấy được hết bản chất tác hại của bia rượu.
"Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia mà tùy thuộc vào tuổi, giới, đặc tính sinh học cá nhân, mức uống, cách uống. Đây cũng là đồ uống gây nghiện nếu sử dụng thường xuyên. Tác hại của rượu bia lớn hơn nhiều so với lợi ích, nó không chỉ gây tai hại cho sức khỏe mà gây ra các vấn đề khác như an toàn giao thông, an sinh, trật tự xã hội, thiệt hại kinh tế", ông Quang nói.
"Tác động của bia rượu với người sử dụng là 25% nhưng ảnh hưởng đến người khác là 45%. Rượu bia là chất gây nghiện có tỉ lệ tác động đến người sử dụng, cộng đồng nhiều nhất. Theo tổng kết, ảnh hưởng bất lợi của rượu bia cồn lớn hơn các chất ma tuý tổng hợp", bà Hạnh nói.
Bà Hạnh dẫn chứng, bình quân 1 người Việt Nam chi 420 đô la cho tiêu thụ rượu bia. Tính chung các chi phí cho điều trị bệnh liên quan đến bia rượu, ảnh hưởng xã hội, việc làm còn tốn hơn gấp 3 lần. Trong khi chi tiêu cho y tế năm 2013 chỉ 113 đô la/người. Người Việt chi tiêu cho bia rượu gấp 3 lần chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ.
Theo bà Hạnh, các quy định đưa ra trong Luật phải đủ mạnh mới có tác dụng kiểm soát, còn nếu không, Luật chỉ mang tính hình thức chứ không có tác dụng trong thực tế!
Dự thảo Luật bị làm yếu đi như thế nào?
3 biện pháp hiệu quả nhất để giảm tác hại của rượu bia Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, đó là: Kiểm soát sự sẵn có của rượu bia; Kiểm soát quảng cáo rượu bia và Chính sách thuế và giá.
"Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của Luật", ông Quang nói.
Tuy nhiên, dự thảo Luật không có quy định kiểm soát đối với khuyến mại rượu bia dưới 15 độ, đặc biệt là các hoạt động khuyến mại trực tiếp đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, điều khoản về kiểm soát quảng cáo rượu bia trên internet quá yếu, với quy định "quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, các thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm".
Đến nay, đã có 89 quốc gia có quy định kiểm soát, trong đó 28 quốc gia cấm toàn bộ quảng cáo trên internet và mạng xã hội áp dụng với cả bia, rượu vang và rượu mạnh, điển hình như Na Uy, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Lào... để giảm tiếp cận của giới trẻ.
Quy định cấm "tài trợ cho các sự kiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, TDTT, vui chơi giải trí" cũng đã bị bỏ, thay vào đó là quy định hoạt động tài trợ tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu bia; không được có tên sản phẩm rượu, bia; hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu bia trên vật phẩm tài tài.
Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc quảng cáo này sẽ làm giới trẻ tăng tiếp cận bia rượu, làm gia tăng số người uống rượu bia.
Theo điều tra sức khỏe học sinh năm toàn quốc năm 2013 (điều tra trong trường học đối với học sinh lớp 8-lớp 12) có đến 23,7% có uống RB trong 30 ngày qua (nam: 31,7%, nữ: 16,5%); 43,8% học sinh đã từng uống rượu bia cho biết đã uống lần đầu tiên trước 14 tuổi, 21% đã từng say (nam: 27,8%; nữ :15%).
Ông Quang cho biết, về nguồn lực tài chính để thực hiện phòng chống tác hại của bia rượu, dự thảo Luật lúc đầu đã đưa ra phương án thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe, được trích từ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia.
Tuy nhiên quy định này cũng đã bị loại bỏ. Nhiều ý kiến đã không đồng tình thành lập quỹ này, mà đề nghị lấy từ tiền ngân sách - một khoản vô cùng eo hẹp khiến cho việc thực thi Luật sẽ hết sức khó khăn.
"Ngân sách nhà nước vốn đã eo hẹp, nay lại phải gánh thêm để giải quyết các tác hại cho bia rượu gây ra", bà Hạnh đánh giá.
Ông Quang cho rằng, cần tiếp tục kiên trì bảo vệ tên Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Cần giữ và tăng cường các quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia như Chính phủ đề xuất. Đồng thời, tăng cường các quy định hạn chế tính sẵn có của rượu bia, tăng địa điểm cấm bán, cấm uống. Bổ sung quy định liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Bổ sung các biện pháp nhằm kiểm soát các hoạt động kinh doanh rượu bia.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Một người chết, 7 người nguy kịch sau bữa rượu pha nước... lá ngón Để làm giảm nồng độ của rượu bán cho khách, người nấu rượu đã pha nước nấu từ lá ngón (một loại lá độc ở vùng cao) để bán cho khách. Hậu quả làm một người chết, bảy người phải đi cấp cứu.... Theo đó, Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã có kết quả điều tra ban đầu vụ nhóm...