10 năm cùng mẹ tìm lại nụ cười của cậu bé dị tật xương hàm
Dũng 10 tuổi đeo khung sắt bao phủ cả khuôn mặt đang được bác sĩ điều chỉnh xương hàm, bên cạnh là mẹ bé không ngừng động viên con.
Chị Tiên (Đăk Lăk), mẹ của Dũng, chia sẻ 10 năm trước con trai chị sinh non khi mới 28 tuần thai, chỉ nặng 1,2 kg. Các bộ phận trên cơ thể bé chưa được hoàn chỉnh, khiếm khuyết lớn nhất là dị tật xương hàm bẩm sinh. Bác sĩ khuyên chị nên chuẩn bị tâm lý vì tình trạng của con tiên lượng xấu.
“Lúc đó tâm trạng tôi rối bời, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt sáng đầy sự sống của con, tôi tự nhủ bản thân mình phải mạnh mẽ để con được sống và phát triển một cách bình thường”, chị Tiên nhớ lại những ngày tháng đã qua. Dũng ngồi bên cạnh nhẹ nhàng cầm tay lau mắt an ủi mẹ.
Bác sĩ Lâm Hoài Phương, cố vấn chuyên môn khoa Tạo hình Hàm mặt – Răng Hàm mặt Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cũng là người đồng hành cùng hai mẹ con nhiều năm nay để điều trị cho bé. Bác sĩ Phương cho biết đây là một trường hợp khó và phức tạp. Dũng bị biến dạng sọ mặt bẩm sinh, ảnh hưởng lớn đến chức năng nhai, nói, nuốt, đặc biệt là khối mặt.
Từ khi chào đời đến nay, Dũng đã trải qua hơn 10 cuộc phẫu thuật sửa vòm, môi và mũi. Các bác sĩ đã tiến hành nong hàm cho bé nhưng toàn bộ khối mặt tầng giữa vẫn bị tụt vào trong làm cho khớp cắn bị đẩy lệch ra sau so với khối mặt trên.
“Sau khi liên lạc với các chuyên gia trên thế giới, tôi biết đến kỹ thuật giãn xương bằng khí cụ giúp làm giãn xương hàm mà không cần phẫu thuật ghép xương và không gây đau đớn. Việc đeo khí cụ giúp bệnh nhi sớm phục hồi lại xương hàm, mang lại nụ cười cũng như các chức năng khác”, bác sĩ Phương nói.
Dũng là bệnh nhi đầu tiên tại Việt Nam sử dụng khí cụ kéo giãn xương hàm để chỉnh hình khuôn mặt. Ảnh: N.P
Vài tháng nay bé Dũng đeo một thiết bị khung trên mặt để kéo giãn xương hàm. Bé cần giãn thêm 20 cm xương hàm trên. Mỗi ngày xương hàm của em giãn ra khoảng một mm bằng cách điều chỉnh rộng hơn vít khí cụ hai lần vào mỗi buổi sáng và chiều.
Sau hơn một tháng chữa trị, khuôn mặt của Dũng không còn lép và đã có phần cân đối hơn. Xương hàm của em gần như trở nên bình thường, chức năng nhai, nuốt, đặc biệt là giọng nói có tiến triển rõ rệt.
Dũng chăm sóc em gái sau khi đeo khí cụ hơn một tháng. Ảnh: N.P
Video đang HOT
Bác sĩ Phương cho biết, đây là kỹ thuật được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Bé Dũng cũng là bệnh nhi đầu tiên sử dụng thiết bị này.
Kỹ thuật giãn xương hàm bằng khí cụ giúp phục hồi về mặt thẩm mỹ và các chức năng khác, điều chỉnh khung xương cho trẻ em từ 9 đến 14 tuổi.
Bức thư tặng mẹ của Dũng nhân ngày 20/10. Ảnh: N.P
Dũng chia sẻ, em không may mắn như các bạn cùng lứa nhưng cuộc sống đã cho em hai người mẹ tuyệt vời. “Mẹ em và bác sĩ Phương là hai người phụ nữ mà em yêu mến và ngưỡng mộ nhất”, cậu bé bộc bạch.
Cẩm Anh
Theo VNE
Sửa dị tật hở hàm ếch bằng máu cuống rốn
Máu từ cuống rốn có thể được sử dụng để sửa chữa dị tật hở hàm ếch ở trẻ nhỏ. Cách điều trị mới - đã được thử nghiệm trên 9 trẻ em ở Colombia - có thể thay thế nhu cầu ghép xương khi trẻ lớn lên.
Hở hàm ếch, dị tật khiến xương sọ có một khoảng trống trên mặt ở nơi giao nhau giữa mũi và miệng, xảy ra ở khoảng 1/700 em bé ở Anh.
Giờ đây các bác sĩ tin rằng sử dụng tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn có thể làm giảm số ca mổ phải tiến hành ở trẻ bị dị tật này.
Các nhà nghiên cứu Colombia tin rằng có thể khắc phục sự biến dạng bằng một thủ thuật duy nhất nhờ sử dụng tế bào gốc từ cuống rốn của em bé.
Các nhà nghiên cứu tại bệnh viện De San Jose ở Bogota, Colombia, đã thử nghiệm phẫu thuật mới trên 9 trẻ em trong 10 năm qua.
Họ cho biết phẫu thuật cho thấy kết quả tốt trong nỗ lực phát triển một xương mới để sửa chữa khe hỏe vùng mặt.
Các tác giả viết: "Khả năng tái sinh tiềm tàng của tế bào gốc đã khuyến khích chúng tôi đi tìm những phương pháp mới để bổ sung vào các kỹ thuật phẫu thuật cổ điển và mang lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân hở hàm ếch".
Trong nghiên cứu ca bệnh của một bé gái, các tác giả cho biết em đã có "độ dày tốt" của xương hàm khi theo dõi lúc 5 tuổi sau khi phẫu thuật.
Bé gái không rõ tên được được chẩn đoán bị khuyết một phần xương ở hàm trên khi còn đang trong bụng mẹ.
Ngay sau khi sinh, em bé được lấy máu cuống rốn và đông lạnh để sử dụng sau này. Máu cuống rốn là một nguồn giàu tế bào gốc - tế bào của người có khả năng phát triển thành xương hoặc các loại mô khác.
Trong vài tháng đầu tiên sau khi sinh, mô mềm ở hàm trên của bé gái được tạo khuôn bằng một dụng cụ tương tự như dụng cụ nẹp răng của nha sĩ.
Khi được 5 tháng tuổi, bé gái được phẫu thuật thường quy để chỉnh sửa khe hở môi, chỉnh sửa hình dạng da và thịt của môi trên.
Đồng thời, các tế bào gốc lấy từ máu rốn rã đông được tiêm vào vùng bị khuyết xương hàm. Các tế bào này được cố định nhờ một tấm đệm tự tiêu và được để lại để cho phép các tế bào gốc phát triển.
Thủ thuật đã thành công và, trong những lần khám theo dõi sau đó, bé gái đã phát triển xương mới ở nơi tiêm tế bào gốc và mọc răng bình thường.
Phẫu thuật thành công đồng nghĩa với việc bé sẽ không cần phải phẫu thuật thêm sau này - điều được xem là một ưu điểm lớn.
Các phương pháp điều trị hiện nay cho hở hàm ếch có thể bao gồm lấy xương từ nơi khác trong cơ thể, chẳng hạn như xương chậu, sau đó ghép vào miệng.
Nhưng phẫu thuật ghép xương mang nguy cơ biến chứng và tốt nhất là nên tránh nếu có thể.
Các tác giả kêu gọi nghiên cứu rộng rãi hơn về điều trị tế bào gốc và cho biết các bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Journal of Craniofacial Surgery.
Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là một loại tế bào cơ bản có thể biến đổi thành một loại tế bào chuyên biệt hơn - chẳng hạn như xương, cơ hoặc sụn - thông qua một quá trình được gọi là biệt hóa.
Hãy hình dung tế bào gốc như một quả bóng đất sét mới có thể được nhào nặn và biến thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể.
Trẻ em có nhiều tế bào gốc hơn vì tế bào gốc của phôi, được gọi là tế bào gốc phôi thai, sẽ giúp em bé lớn lên nhanh chóng nhờ tạo thành hàng triệu loại tế bào khác nhau cần thiết để em bé phát triển trước khi chào đời.
Ở người lớn, tế bào gốc đóng vai trò như những tế bào sửa chữa, được sử dụng để thay thế các tế bào bị mất do tổn thương hoặc lão hóa.
Tế bào gốc ngày càng có nhiều ứng dụng trong y học vì chúng có khả năng đặc biệt để sửa chữa tự nhiên một loạt các tổn thương bên trong cơ thể.
Cho đến nay tế bào gốc đã được sử dụng để tái tạo gân Achilles bị đứt và có thể sửa chữa cơ tim bị tổn thương khi suy tim.
Cẩm Tú
Theo Dân trí
Rối loạn di truyền khiến cô bé thấp hơn 12 cm so bạn cùng lứa Bé gái 10 tuổi nặng 32 kg và cao 125 cm, thấp hơn 12 cm so với chuẩn của trẻ em lứa tuổi này. Cha mẹ đưa bé khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn di truyền có liên quan đến khiếm khuyết trong nhiễm sắc thể. Sau một năm điều trị,...