10 đặc sản ngon nhất Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế
Thứ cuối cùng trong danh sách không phải là một món ăn. Bạn có đoán ra nó là gì không? Trong khi một số quốc gia có thể nổi tiếng với những món ăn mới mẻ, những kỹ năng nấu nướng hiện đại thì Việt Nam lại được biết đến với những công thức ẩm thực lâu đời.
Dưới đây là những món đặc sản ngon nhất Việt Nam được bình chọn bởi Isabelle Sudron – một cây viết tự do cho chuyên trang du lịch The Culture Trip. Isabelle tới từ xứ sở sương mù và hiện đang sinh sống tại Hà Nội, Việt Nam.
Isabelle Sudron – cây viết tự do tới từ Anh và đang sống tại Việt Nam.
1. Phở
Không quá bất ngờ, phở đã vinh dự đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách do Isabelle bình chọn. Món ăn được coi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt này đã chinh phục được các thực khách cả nước ngoài lẫn trong nước.
.
Với thành phần khá đơn giản, gồm có sợi phở được làm từ bột gạo, thịt gà (phở gà) hoặc thịt bò (phở bò) cùng nước dùng được hầm từ xương nhưng thứ làm nên vị ngon khó cưỡng của phở chính là cách chế biến đầy tinh tế của đầu bếp với các gia vị đặc biệt và mỗi một vùng miền của Việt Nam lại có hương vị phở riêng của mình
2. Bún chả
Món ăn phổ biến ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam này là sự hòa trộn của những sợi bún trắng tinh cùng vị thịt lợn nướng thơm lừng chấm trong nước dùng được pha từ nước mắm ớt thơm ngon, đậm đà ăn kèm cà rốt, đu đủ thái mỏng để trung hòa vị giác, do đó, thực khách có thể có một bữa ăn no nê, đủ chất mà vẫn không thấy ngán.
Đây cũng là món ăn đã trở nên cực kỳ nổi tiếng vì đã được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lựa chọn thưởng thức trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016.
3. Bánh mì
Bánh mỳ kẹp là một ví dụ điển hình cho thấy sự kết hợp rất duyên dáng giữa ẩm thực Việt Nam và ẩm thực Pháp, với các thành phần là bánh mỳ, thịt lợn nướng (hoặc trứng, pa-tê, hoặc thịt gà, thịt bò…) các loại rau sống, tương ớt để tạo nên một món ăn thơm ngon, tiện lợi, được nhiều người lựa chọn.
4. Bánh cuốn
Bánh cuốn – món ăn sáng dân dã của nhiều người Việt có lớp vỏ trắng tinh, vừa mềm, dẻo, lại vừa đủ độ dai, bên trong là hỗn hợp thịt xay cùng mộc nhĩ giòn sừn sựt, thơm mùi hành khô được rắc bên trên. Khi chấm bánh cuốn trong bát nước chấm chua ngọt có vài lát ớt đỏ tươi, bạn sẽ hiểu tại sao món bánh cuốn lại được bạn bè quốc tế dành nhiều tình cảm đến vậy.
5. Gỏi cuốn
Video đang HOT
Gỏi cuốn – một món ăn với cách chuẩn bị đơn giản, trình bày đẹp mắt lại tốt cho sức khỏe cũng vinh dự có tên trong danh sách này. Gỏi cuốn có xuất xứ từ miền Nam Việt Nam có các nguyên liệu gồm rau xà lách, húng quế, tía tô, tôm, rau thơm, thịt luộc, trứng… tất cả được cuộn trong vỏ bánh tráng. Có thể chấm gỏi cuốn với tương hoặc nước mắm chua ngọt.
6. Chè
Những tín đồ thích đồ ngọt chắc chắn sẽ không bỏ qua các món chè của Việt Nam, với vô số các hương vị khác nhau, từ chè đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, chè ngô, chè thập cẩm, chè khoai môn… Đây là một món tráng miệng, món ăn vặt vô cùng ngon miệng và có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng nóng.
7. Hủ tiếu
Hủ tiếu là một trong các món ăn ở Việt Nam có nhiều công thức chế biến khác nhau, tùy thuộc vào các vùng miền (thậm chí nó còn có những phiên bản rất khác ở Campuchia và Trung Quốc).
Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu (làm từ bột gạo), thịt gia súc, hoặc gia cầm, hoặc hải sản, nước dùng (nấu từ xương heo, rau củ), tất cả tạo nên một hương vị thơm ngon, đặc trưng khó cưỡng.
8. Bánh xèo
Bánh xèo là món ăn đường phố rất phổ biến ở Việt Nam, được nhiều giới trẻ yêu thích. Vỏ bánh làm từ bột mỳ, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, kim chi, khoai tây, hẹ, gấp thành hình bán nguyệt, sau đó được chiên trong dầu cho đến lúc bánh chuyển sang màu vàng ươm. Cái tên “bánh xèo” xuất phát từ tiếng xèo xèo phát ra trong quá trình rán bánh.
9. Mì vịt tiềm
Có lẽ nhiều người sẽ thấy mì vịt tiềm ít phổ biến hơn các món ăn khác của Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là nó ít ngon hơn. Món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc này đã được biến đổi cho phù hợp với người Việt Nam với các thành phần là thịt vịt nướng, mỳ trứng, nước dùng hầm từ xương lợn. Các loại gia vị như vỏ quýt, thảo quả, hoa hồi, la hán… sẽ giúp cho món ăn có hương vị thơm ngon đặc trưng.
10. Bia hơi
Mặc dù không phải là đồ ăn – nhưng bia hơi đã được tác giả Isabelle Sudron cho là xứng đáng nằm trong danh sách các đặc sản phải thử khi đến Việt Nam vì sự nổi tiếng và phổ biến của nó. Bia hơi là bia tươi, thường được đựng trong thùng và được rót bằng vòi và được uống để giải nhiệt trong mùa hè. Các món ăn kèm khi uống bia hơi bao gồm lạc luộc, nem chua… Bia hơi có bán ở nhiều nhà hàng, quán vỉa hè và ở bất kỳ thành phố nào ở Việt Nam, bạn cũng có thể thưởng thức món đồ uống này.
Đặc sản nem 'giật' vùi tro bếp ở Thanh Hóa, khách muốn ăn phải chờ vài ngày
Qua quá trình chế biến tỉ mỉ, món nem từ thịt lợn vừa mổ còn đang 'giật' hấp dẫn thực khách bởi hương vị và mùi thơm đặc trưng từ bí quyết riêng của người Thanh Hóa - đó là nướng củi hoặc vùi tro bếp.
Không nổi tiếng bằng nem chua nhưng nem nướng cũng là một trong những đặc sản dân dã mà du khách không nên bỏ lỡ nếu có dịp ghé thăm Thanh Hóa. Món ăn này phổ biến nhất ở huyện Thọ Xuân, thường xuất hiện trong những mâm cỗ dịp lễ, Tết của người địa phương.
Ngày nay, nem nướng đã trở thành thức quà được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh yêu thích, sẵn sàng chờ "dài cổ" tới 2-3 ngày để mua. Bởi món ăn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến bước chế biến.
Nhắc đến ẩm thực Thanh Hóa, ngoài những đặc sản quen thuộc như bánh ướt, nem chua, chả tôm,... thì không thể không kể đến nem nướng (Ảnh: Hong Nguyen).
Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng (sống tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nem nướng nơi đây được làm từ các nguyên liệu chính như thịt lợn, bột thính, gia vị (bột canh, hạt tiêu, tỏi), lá ổi hoặc lá đinh lăng,...
Tuy nhiên, tùy khẩu vị và văn hóa từng địa phương mà người ta có thể thêm bớt các nguyên liệu khác nhau, tạo ra nhiều kiểu nem nướng như nem mỡ, nem nạc, nem có bì hoặc nem không bì,...
Theo chị Hồng, thịt lợn làm nem nướng nên chọn phần nạc thăn hoặc mông vai vì phần thịt này vừa mềm vừa săn, khi chế biến sẽ có vị ngọt và thơm. Nếu muốn nem giòn hoặc dễ ăn hơn, có thể pha thêm chút mỡ hoặc bì lợn (da).
"Nem gói nên chọn thịt lợn vừa mổ xong, còn hơi ấm và giật càng tốt. Đặc biệt, thịt mua về không được rửa, phải để ráo khô và ướp bằng bột canh thay vì nước mắm thì lúc gói nem mới không bị chảy nước. Nếu thịt ẩm ướt sẽ làm nem bị hỏng, có mùi chua, nhanh ôi thiu", chị Hồng nói.
Một số người còn cho thêm lá tỏi tươi và sử dụng thính ngô rang thay vì thính gạo để nem có hương vị thơm ngon, hấp dẫn hơn (Ảnh: Hoàng Đình Đệ).
Phần tỏi được chị Hồng thái lát mỏng thay vì xay, băm nhuyễn. Hạt tiêu cũng đem giã nhỏ thủ công (Ảnh: Hong Nguyen).
Gạo tẻ rang cháy sém vàng để khi xay thành bột thính sẽ dậy mùi thơm đặc trưng (Ảnh: Hong Nguyen).
Thính là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên hương vị của nem. Thính làm từ gạo tẻ hoặc ngô. Gạo, ngô cho vào chảo rang đến xém vàng, dậy mùi thơm rồi mang ra cối giã mịn. Thính phải giã bằng tay mới ngon và có thể nhìn thấy rõ những hạt thính nhỏ xíu bám chặt vào nem.
Ngoài ra, nem nướng muốn ngon cần có lá đinh lăng hoặc lá ổi. Trước đây, người Thọ Xuân thường gói nem vào dịp Tết. Lúc ấy, trời mùa đông hay có sương muối, cây đinh lăng dễ bị trụi lá. Người địa phương khó kiếm được lá đinh lăng nên thay thế bằng lá ổi.
Lá ổi dùng bọc thịt nem cũng phải chọn loại lá non, nếu là bánh tẻ hay quá già sẽ không có mùi thơm và nhiều xơ, cứng, khó ăn.
Ngoài lá đinh lăng, lá ổi, món nem nướng còn được bọc bên ngoài bằng lớp lá chuối tươi. Các loại lá đều được làm sạch và giữ khô ráo. Riêng lá chuối có thể lau sạch bằng khăn rồi phơi nắng hoặc hơ qua lửa cho có độ héo và mềm để khi gói nem không bị rách và nem cũng có mùi thơm hấp dẫn hơn.
Nem nướng thường được gói bằng lá đinh lăng vì loại lá này có vị thơm bùi đặc trưng, lại tốt cho sức khỏe.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, người ta bắt đầu làm nem. Đầu tiên, thịt lợn được thái theo chiều dọc của thớ thịt để miếng thịt giữ được nguyên bản, vừa dài, vừa mảnh. Nếu cho thêm bì lợn thì phải làm sạch, loại bỏ mỡ thừa và thái con chì.
Trộn đều thịt và bì lợn với các gia vị gồm hạt tiêu, bột canh, tỏi, mì chính,... Chờ khoảng 30-40 phút cho các nguyên liệu ngấm gia vị rồi nắm nem thành từng bọc tròn.
Tiếp đến, trải lá đinh lăng và lá ổi bên ngoài rồi đặt nem vào giữa, cuộn lại rồi bọc lớp lá chuối bên ngoài, gói lại sao cho thật vuông vắn và dùng dây cột lại. Thông thường, để nem nhanh chín và không bị hỏng, người ta thường gói nem bằng 3 lớp lá chuối.
Những gia đình còn sử dụng bếp củi thường vùi nem vào tro bếp đang còn than đỏ. Nem được ủ nóng, chín từ từ nên dậy mùi thơm và giữ được độ ẩm, mềm, ăn vừa miệng (Ảnh: Lê Nguyên).
Nem nướng ăn ngon nhất khi còn nóng hổi. Thực khách có thể thưởng thức ngay hoặc chấm nem nướng kèm tương ớt, mắm chua ngọt.
Nem gói xong để qua đêm hoặc nửa ngày rồi cất ngăn mát tủ lạnh nếu trời nắng nóng, còn trời lạnh thì chừng 2 ngày là nem tự chín. Sau đó, nem được nướng trên bếp than hồng hoặc vùi trong tro bếp củi. Khi thấy lá chuối cháy sém bên ngoài, nem dậy mùi thơm là có thể thưởng thức.
Nem nướng nên được thưởng thức sau khi gói khoảng 2-3 ngày là ngon nhất, để càng lâu càng chua sẽ giảm hương vị món ăn (Ảnh: Hong Nguyen).
Gia đình anh Hoàng Đình Đệ (sống ở xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) vốn có nhiều năm làm nem nướng ở Thanh Hóa cho biết, công đoạn trộn thính làm nhân và nêm nếm gia vị là quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới hương vị, độ ngon của món nem.
Nếu cho quá nhiều thính, nem ăn sẽ bị bột và nhanh chua nhưng nếu ít thính thì lại khó lên men.
"Tùy điều kiện thời tiết mà gia đình mình sẽ nêm nếm gia vị cho nem theo lượng khác nhau. Mùa hè nắng nóng, nem nhanh chua thì mình phải cho ít thính hơn so với mùa đông, trời lạnh. Bên cạnh đó, việc canh thời điểm nem chín tới cũng khá quan trọng, lúc ấy, nem mới ngon và có hương vị hấp dẫn nhất", anh Đệ nói.
Để có thể thưởng thức nem nướng Thanh Hóa, du khách phải chờ 2-3 ngày (Ảnh: Diệu Hồng)
Trung bình 1kg thịt có thể làm được 3-4 nem to hoặc 5-6 cái nem nhỏ. Lúc cao điểm, gia đình anh Đệ gói khoảng 500 chiếc nem một ngày (Ảnh: Hoàng Đình Đệ).
Theo anh Đệ, muốn nem nướng được ngon cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên liệu đảm bảo tươi sạch, trộn đều gia vị và thưởng thức ngay khi món nem vừa chín tới.
Nem ngon và dậy mùi vị hấp dẫn nhất khi được nướng vùi trong than tro củi. Quá trình nướng cũng cần chú ý thời gian, sao cho gói nem cháy sém phần lá chuối bọc bên ngoài nhưng không bị cháy bên trong.
"Nem nướng vừa đủ độ sẽ giữ được độ ẩm, mềm cho miếng thịt bên trong mà không sợ bị khô do mất nước. Khi bóc, thực khách sẽ thấy nem được được cuộn chặt bởi lớp lá đinh lăng hơi ngả vàng.
Nem nướng đạt chuẩn nếu có độ ráo, không bị chảy nước, vị chua dịu, hơi cay của ớt và tiêu, dậy mùi thơm của tỏi, thính, lá đinh lăng cùng mùi lá chuối cháy xém. Khi ăn không thấy nem bở, nhiều bột là được", chàng trai trẻ chia sẻ.
Nem nướng có màu hơi hồng, thịt mềm, thơm, đậm vị. Món này ngon nhất khi ăn nóng, chấm thêm tương ớt cay cay càng "đưa cơm" (Ảnh: Diệu Hồng).
Nem nướng có thể thưởng thức trực tiếp hoặc biến tấu thành các món khác nhau như rán, hấp, xào với rau củ,... Món này ăn kèm cơm hoặc làm mồi nhậu đều hấp dẫn. Món này sử dụng vào ngày thường hay món này theo nhiều cách khác nhau.
Không chỉ xuất hiện trên những mâm cỗ cúng gia tiên hay dịp lễ Tết, nem nướng còn trở thành món ăn không thể thiếu trong các đám cưới hỏi, tiệc tùng, giỗ chạp của người dân địa phương.
Mê mẩn với vô vàn món cuốn miền Tây Là một nét ẩm thực cực kỳ phong phú của người miền Tây, thực khách có thể tìm thấy vô vàn các loại món cuốn như gỏi cuốn tôm thịt, bì cuốn, gỏi cuốn thịt khìa... với hương vị hấp dẫn và ngon đến mê mẩn. Ẩm thực miền Tây có nhiều nét độc đáo, các món ăn xứ này cũng giống như...