YouTube – Gương phản chiếu dư luận và quyền lực tại Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Youtube được đánh giá là mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thứ 4 châu Á này.
Không chỉ tác động về các lĩnh vực giải trí, văn hóa, Youtube đang có những tác động khó lường đối với một nền chính trị khá “ nhạy cảm” tại Đông Á.
Biểu tượng của YouTube. Ảnh: AFP/TTXVN
YouTube được xem có mức độ thâm nhập cao tại thị trường Hàn Quốc. Theo Statista, một trang web thống kê dữ liệu thị trường và người tiêu dùng, tính đến tháng 1/2023, Hàn Quốc có tới hơn 46 triệu người dùng YouTube – chiếm hơn 90% dân số.
Trong khi đó, theo báo cáo năm 2023 của Korea Press Foundation, khoảng 53% người Hàn Quốc cho biết họ nhận tin tức từ YouTube, tăng cao hơn mức 24% vào năm 2016, cũng như cao hơn mức trung bình 30% ở các quốc gia khác.
Theo một cuộc khảo sát năm 2018 của tờ báo Chosun Ilbo, 70% người tham gia biểu tình cánh hữu cho biết YouTube là nguồn tin tức chính của họ. Trong khi đó, nghị sĩ Kim Sang-wook của PPP ủng hộ việc luận tội Tổng thống Yoon trong tháng này, cho biết những người dùng YouTube cánh hữu đã trở thành cỗ máy quan hệ công chúng của ông Yoon.
Video đang HOT
Hiện nay, hầu hết các kênh truyền thông truyền thống hiện nay của Hàn Quốc đều có kênh YouTube riêng. Bên cạnh đó các phe nhóm chính trị cũng có kênh Youtube riêng, trong đó nổi lên là kênh cánh hữu Tubeshin và kênh cánh tả Newstapa – thu hút hàng triệu người theo dõi.
Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của YouTube đã được chứng minh trong cuộc bầu cử năm 2022, khi Tổng thống Yoon – khi đó là ứng cử viên của Đảng Quyền lực Nhân dân – đã phải chứng kiến mức độ ảnh hưởng sau màn thể hiện được đánh giá là không mấy ấn tượng trong cuộc phỏng vấn trên Youtube vào ngày Giáng sinh với 3ProTV.
Ngay sau đó, một cuộc khảo sát của Gallup cho thấy ông Yoon bị giảm 8% mức độ ủng hộ. Trước chương trình, ông được đánh giá là đang có sự cạnh tranh quyết liệt, ngang ngửa với đối thủ Lee Jae-myung từ Đảng Dân chủ Hàn Quốc (lúc đó là đảng cầm quyền).
Ngoài ra, ảnh hưởng của cả kênh cánh hữu và cánh tả cũng đã được thể hiện trong các phong trào chính trị trong giai đoạn giữa năm 2023. Các kênh Youtube cánh hữu đã thúc đẩy các cuộc biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Park Geun-hye sau khi bà bị luận tội vào năm 2017 vì bê bối tham nhũng. Những kênh này cũng ủng hộ các cuộc biểu tình bên ngoài vị Tổng thống kế nhiệm là ông Moon Jae-in. Trong khi đó, các kênh cánh tả đã ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối bên ngoài nhà của Tổng thống Yoon đương nhiệm.
Vào năm 2022, khi được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc, ông Yoon đã mời các nhà hoạt động và người bình luận trên Youtube đến lễ nhậm chức của mình.
Youtuber Ko Sung-kook – điều hành kênh Youtube “Kosungkook TV” với 1,1 triệu người đăng ký, cho rằng: “Nếu Tổng thống Yoon Suk Yeol lắng nghe kỹ tiếng nói của những người dùng YouTube, ông ấy có thể hiểu được suy nghĩ thực sự của người dân, hiểu được tình cảm của những người ủng hộ tổng thống”.
Đây là một trong những kênh Youtube ủng hộ ông Yoon cũng như việc ban hành thiết quân luật vừa qua. Anh Ko cũng đã tham dự một cuộc biểu tình ở Seoul cùng với hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống Yoon vừa qua.
Tuy nhiên, Lãnh đạo đảng cầm quyền PPP Han Dong-hoon – người mới thông báo từ chức vào sáng ngày 16/12 đã đổ lỗi cho truyền thông tại Hàn Quốc đã gây chia rẽ trong nội bộ đảng mình.
Ông Han Dong-hoon lên tiếng cảnh báo rằng những thông tin các kênh Youtube đang tạo ra có tác động lớn chính đảng của ông khi đang tạo ra những thuyết âm mưu hoặc những nội dung mang tính chất cực đoan. Việc nghe theo những thông tin trên sẽ khiến cho các thành viên trong PPP đối mặt với nỗi ám ảnh vì sợ hãi hoặc khiến cho PPP không có “tương lai”.
Theo một số nguồn tin, chính việc quá quan tâm đến các nội dung trên Youtube đã khiến Tổng thống Yoon mắc sai lầm. Một chuyên gia viết bài cho tờ JoongAng Ilbo nói rằng: “Nếu bạn nghiện YouTube, bạn sẽ rơi vào thế giới ảo tưởng bị chi phối bởi các thuyết âm mưu… Tổng thống Yoon đã xem quá nhiều YouTube”.
Hàn Quốc ấn định phiên điều trần luận tội Tổng thống
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 16/12 thông báo đã khởi động các thủ tục tư pháp cho phiên tòa luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol và sẽ tổ chức phiên điều trần đầu tiên vào 14h ngày 27/12 theo giờ địa phương.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại Seoul ngày 27/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, quyết định này được Tòa án Hiến pháp công bố trong cuộc họp của các thẩm phán tổ chức ngày 16/12 để thảo luận về các thủ tục và quyết định ngày tiến hành phiên điều trần để xem xét các lập luận và bằng chứng có liên quan. Các phiên điều trần và phiên tòa sau đó đều được tổ chức công khai và Tổng thống Yoon sẽ phải tham dự các hoạt động này, ngoại trừ phiên điều trần đầu tiên hôm 27/12.
Động thái trên diễn ra sau khi Quốc hội Hàn Quốc hôm 14/12 đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon với cáo buộc lạm quyền và nỗ lực áp đặt thiết quân luật đêm 3/12. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã đình chỉ nhiệm vụ của Tổng thống Yoon. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Jung Chung Rae cũng đã đệ trình Tòa án Hiến pháp nghị quyết luận tội tổng thống.
Tòa án Hiến pháp cho biết đã thành lập nhóm chuyên trách gồm khoảng 10 người để xem xét các sự việc và các vấn đề pháp lý liên quan nhằm cung cấp đầy đủ các chi tiết cho các thẩm phán trong quá trình xét xử và đưa ra quyết định. Tòa sẽ gửi cho Tổng thống Yoon một bản sao yêu cầu xét xử luận tội và đề nghị ông phản hồi, dù đây không phải là yêu cầu bắt buộc.
Liên quan đến tình trạng khuyết 3 trong tổng số 9 vị trí thẩm phán hiện tại, Tòa án Hiến pháp cho biết có thể tiến hành phiên tòa với hội đồng gồm 6 thành viên nhưng cần phải có sự đồng ý của cả 6 người mới có thể tiến hành luận tội. Trong khi đó, các đảng của Hàn Quốc đã chọn ứng viên cho 3 vị trí khuyết và một Ủy ban đặc biệt của Quốc hội đã được thành lập để tổ chức các phiên điều trần xác nhận việc bổ nhiệm 3 ứng viên nói trên. Nếu được Quốc hội chấp thuận, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Han Duck Soo sẽ chính thức bổ nhiệm các thẩm phán mới. Hiện Quốc hội đã có kế hoạch hoàn tất quá trình bổ nhiệm 3 thẩm phán còn thiếu vào ngày 24/12, trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Theo quy định, Tòa án Hiến pháp có tối đa 180 ngày để đưa ra phán quyết và nếu tòa phê chuẩn nghị quyết luận tội, Tổng thống Yoon sẽ bị cách chức, trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị cách chức sau bà Park Geun Hye năm 2017. Trong trường hợp này, Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống mới trong vòng 60 ngày. Trong thời gian chờ phán quyết, quyền lực Tổng thống đã được tạm thời bàn giao cho Thủ tướng Han Duck Soo để duy trì ổn định quốc gia.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, cơ quan công tố viên cho biết một tòa án quân sự đã ban hành lệnh bắt giữ Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt, Trung tướng Kwak Jong Keun, với cáo buộc liên quan đến việc ban bố thiết quân luật.
Với quyết định trên, ông Kwak là quan chức quân sự thứ hai bị bắt liên quan đến sự việc này, sau việc bắt giữ Trung tướng Yeo In-hyung, người đứng đầu cơ quan phản gián thuộc Bộ Quốc phòng, hôm 14/12.
Do lo ngại những biến động trên chính trường có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, ngày 16/12, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok đã khuyến nghị các giám đốc điều hành doanh nghiệp nước này tiếp tục thể viện vai trò lãnh đạo tích cực và chủ động, đảm bảo hoạt động kinh doanh được thông suốt cũng như các hoạt động đầu tư, xuất khẩu và tuyển dụng được tiến hành theo đúng kế hoạch. Bộ trưởng Choi đưa ra thông điệp trên tại cuộc họp với đại diện của các nghiệp đoàn và hiệp hội các ngành công nghiệp của nước này.
Quốc hội Hàn Quốc khôi phục đủ thẩm phán cho Tòa án Hiến pháp Ngày 15/12, Quốc hội Hàn Quốc đã đồng thuận khôi phục cơ chế "9 người" cho Tòa án Hiến pháp trong bối cảnh đang diễn ra quy trình luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Các đảng cầm quyền và đối lập đã thống nhất hoàn tất quy trình phê duyệt ứng cử viên cho 3 vị trí thẩm phán còn trống trước...