Yếu tố tạo ra thành công của cải cách giáo dục Nhật Bản
(GDVN) – Trong hai cuộc cải cách giáo dục lớn ở Nhật Bản có vai trò của các chuyên gia giáo dục nước ngoài đã có một vai trò không thể phủ nhận.
LTS: Bài viết dưới đây là của Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương (giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa – Nhật Bản).
Ông nêu nhiều luận điểm sẽ cho độc giả một khía cạnh và tầm quan trọng của các chuyên gia giáo dục nước ngoài đối với sự nghiệp phát triển giáo dục trong nước.
Nhật Bản là một đất nước tiêu biểu cho việc thu hút chuyên gia giáo dục nước ngoài từ thời Minh Trị. Từ một nền giáo dục lạc hậu, phân tán, nhờ biết cách “tận dụng” chất xám các chuyên gia mà giáo dục Nhật Bản có được những thành tựu như ngày nay.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trong bất cứ một cuộc cải cách giáo dục lớn nào khi xây dựng đề án cải cách về cơ bản cũng sẽ bao gồm hai công việc chính: Điều tra, phân tích rõ những hạn chế của nền giáo dục hiện hành và thiết kế diện mạo của nền giáo dục mới.
Tuy nhiên, những bất cập kéo dài của nền giáo dục hiện hành cũng thường gây nên tình trạng thiếu các chuyên gia đủ năng lực và bản lĩnh để tiến hành hai công việc trên.
Khi đó việc tiếp nhận sự hợp tác, giúp đỡ từ các chuyên gia bên ngoài là cần thiết. Cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời Minh Trị và hậu chiến (1945-1950) có được thành công một phần là do đã tiến hành theo phương thức đó.
Cải cách giáo dục thời Minh Trị
Sau khi chính quyền Minh Trị được thiết lập năm 1868, trong vòng 10 năm đầu, quá trình cận đại hóa theo hướng “khai hóa văn minh” được xúc tiến mạnh mẽ.
Cải cách giáo dục đã đi từ các thay đổi lẻ tẻ ở địa phương trở thành chính sách quốc gia. Phương châm của chính phủ Minh Trị lúc đó là đẩy mạnh cải cách giáo dục để cận đại hóa đất nước, du nhập nhanh và rộng các giá trị văn minh phương Tây.
Video đang HOT
Để “nhập khẩu” văn minh, chính phủ Minh Trị đã cử học sinh ra nước ngoài du học và tích cực sử dụng người phương Tây trong vai trò là các chuyên gia, cố vấn.
Chi phí dùng để trả lương cho các chuyên gia nước ngoài khi đó cực lớn nhưng chính quyền Minh Trị không do dự cho dù đang ở trong tình thế tài chính khó khăn.
Theo ước tính của tiến sĩ Ozaki Mugen, vào thời đó ngân sách dành trả lương cho người lao động nước ngoài chiếm đến 4-5% ngân sách các tỉnh, bộ. Cá biệt như Bộ Công nghiệp, cơ quan đảm nhận nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước, ngân sách trả lương cho người nước ngoài lên đến 50% ngân sách của Bộ.
Để thiết lập nền giáo dục cận đại, chính phủ Minh Trị coi trọng các trường sư phạm. Chính phủ đã bỏ một khoản tiền lớn thuê chuyên gia người Mỹ tên là M.Scott đến dạy ở trường sư phạm trung ương. Scott cũng là người tham gia chỉ đạo việc vận dụng khóa trình giáo dục mới trên toàn quốc từ tháng 8 năm 1872.
Báo cáo về giáo dục Nhật Bản của sứ đoàn giáo dục Mĩ công bố ngày 30 tháng 3 năm 1946. Ảnh Quốc Vương sưu tầm.
Chính phủ cũng tuyển dụng nhiều người nước ngoài làm giáo viên, giảng viên tại các trường trung học và đại học từ rất sớm. Các chuyên gia người Mỹ, Anh, Pháp và Đức này đã có đóng góp quan trọng trong việc du nhập các lý luận giáo dục mới.
Chẳng hạn như sự du nhập của “chủ nghĩa Pestalozzi” (nhà giáo dục học người Thụy Sĩ, 1746 -1827). Học thuyết này vốn được coi là chủ nghĩa tự do sau thời khai sáng văn minh và có ảnh hưởng lớn tới giáo dục Mỹ.
Các “giờ học phát triển” dựa trên học thuyết này đã làm cho trẻ em Nhật Bản từ chỗ lạ lẫm với trường học trở nên say mê thế giới ở đây khi trong các giờ học giáo viên sử dụng các vật thật, tranh vẽ và câu hỏi để tiến hành bài giảng.
Những chuyên gia người nước ngoài này về sau dần được thay thế bằng các du học sinh Nhật Bản trở về từ Mỹ và châu Âu.
Cải cách giáo dục thời hậu chiến (1945-1950)
Sau khi Thiên hoàng tuyên bố đầu hàng (15/8/1945), Nhật Bản bị quân Đồng minh chiếm đóng. Dưới sự giám sát và tư vấn của Bộ tư lệnh tối cao quân đồng minh, Nhật Bản đã tiến hành cải cách chính trị- xã hội-giáo dục toàn diện nhằm dân chủ hóa đất nước.
Công cuộc cải cách giáo dục thời hậu chiến ở Nhật Bản có sự đóng góp to lớn của Sứ đoàn giáo dục Mỹ đến Nhật vào tháng 3 năm 1946 (Sứ đoàn lần 1) và tháng 8 năm 1950 (Sứ đoàn lần 2).
Trong đó Sứ đoàn giáo dục lần 1 do J.D.Stoddard làm trưởng đoàn có vai trò lớn hơn cả. Bản báo cáo do Sứ đoàn giáo dục này đề ra đã có ảnh hưởng lớn tới phương châm, đường lối cũng như cách thức thực hiện cải cách giáo dục của Nhật Bản, góp phần tạo nên nước Nhật “hòa bình, dân chủ và tôn trọng con người”.
Trong bối cảnh phức tạp đương thời, sứ đoàn giáo dục đã tuyên bố rộng rãi sứ mệnh của mình không phải là tiến hành cải cách ở Nhật Bản với tư cách là đại biểu của nước chiến thắng mà chỉ đưa ra sự tư vấn cần thiết về cải cách giáo dục trong tư cách là các nhà chuyên môn.
Bản báo cáo được trình lên tướng Douglas MacArthur và công bố ngày 30 tháng 3 năm 1946 gồm hai nội dung chủ yếu.
Nội dung thứ nhất là chỉ ra và phân tích những điểm yếu của nền giáo dục Nhật Bản trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nội dung thứ hai là vạch ra triết lý, phương châm của nền giáo dục mới.
Về nền giáo dục hiện hành, bản báo cáo chỉ rõ 5 hạn chế lớn: hệ thống giáo dục bị trung ương tập quyền hóa một cách cao độ, hệ thống trường học phức tạp, giáo dục nhồi nhét một chiều, hành chính quan liêu độc tài, quốc ngữ-quốc tự không hiệu quả.
Thành viên sứ đoàn giáo dục Mỹ tại Nhật Bản tháng 3/1946. Ảnh Quốc Vương sưu tầm.
Trên cơ sở chỉ ra và phân tích những điểm yếu nói trên, bản báo cáo nêu ra các nguyên tắc giáo dục phù hợp với xã hội dân chủ. Ở đó, “Tôn trọng giá trị cá nhân” và giáo dục người công dân dânchủ trở thành nền tảng triết lý cơ bản.
Về hành chính giáo dục, bản báo cáo đề xướng chế độ trường học 6-3-3 (6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở và 3 năm trung học phổ thông), trong đó giáo dục nghĩa vụ kéo dài 9 năm.
Chủ trương hạn chế quyền lực của bộ giáo dục, giới hạn nó trong vai trò là cơ quan chỉ đạo, tư vấn chuyên môn; phân quyền hành chính giáo dục cho các địa phương thông qua thành lập các Ủy ban giáo dục.
Đối với giáo dục bậc cao bản báo cáo gợi ý thực hiện mở rộng cánh cửa đại học và thực thi nam nữ bình đẳng.
Về khóa trình giáo dục, bản báo cáo phủ định môn Tu thân, môn học được coi là trụ đỡ của chủ nghĩa quân phiệt trước đó và chủ trương lấy cá nhân làm xuất phát điểm để biên soạn nội dung giáo dục nhằm phát triển những năng lực tiềm tàng sẵn có trong từng cá nhân.
Bản báo cáo cũng nhấn mạnh cần dục đạo đức thông qua toàn thể khóa trình giáo dục thay vì một môn giáo khoa cụ thể.
Bản báo cáo cũng đưa ra gợi ý về đào tạo giáo viên. Theo đó việc đào tạo giáo viên nên tiến hành theo hướng rộng mở. Đào tạo giáo viên phải hướng tới giáo dục con người thay vì chỉ đào tạo nên những giáo viên thiên về tri thức, kĩ thuật, chuyên môn hạn hẹp.
Công việc đào tạo này không chỉ giới hạn trong các trường sư phạm mà còn cần phải mở rộng ra tất cả các trường đại học nói chung.
Ngoài ra bản báo cáo cũng đưa ra những khuyến cáo về đơn giản hóa chữ viết và các biện pháp chấn hưng, thúc đẩy giáo dục xã hội thông qua truyền thông, bảo tàng, thư viện… để tái khai sáng quốc dân.
Tư tưởng, phương châm cơ bản cùng những gợi ý của Sứ đoàn giáo dục Mĩ trình bày trong bản báo cáo nói trên về sau đã được cụ thể hóa bằng các bộ luật và chính sách khi thực thi trong thực tiễn. Vì vậy cũng có thể nói rằng tinh thần của bản báo cáo đã trở thành triết lý chỉ đạo cho cuộc cải cách giáo dục Nhật Bản thời hậu chiến sau 1945.
Trong hai cuộc cải cách giáo dục lớn ở Nhật Bản có vai trò như là hai cuộc cách mạng xã hội trong hòa bình nói trên, các chuyên gia giáo dục nước ngoài đã có một vai trò không thể phủ nhận. Thực tế lịch sử đó là rất có thể sẽ là gợi ý hữu ích cho các nước đang phát triển muốn tiến hành cải cách giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa.
Theo GDVN