Xung đột Hamas – Israel: Hai bên chuẩn bị nối lại đàm phán giải phóng con tin
Một nguồn tin cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas ngày 6/7 cho biết đề xuất sửa đổi về thỏa thuận giữa Israel- Hamas đã được nhất trí, theo đó những cuộc đàm phán nhằm trả tự do cho các con tin Israel, bao gồm binh lính và những người còn lại, sẽ bắt đầu trong khoảng thời gian 16 ngày sau giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận.
Người dân Palestine sơ tán tránh xung đột tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 2/7. Ảnh: THX/TTXVN
Nguồn tin xác nhận đề xuất này đảm bảo rằng các bên trung gian sẽ bảo đảm lệnh ngừng bắn tạm thời, cung cấp viện trợ và rút quân Israel miễn là những cuộc đàm phán gián tiếp tiếp diễn để thực hiện giai đoạn hai của thỏa thuận.
Trước đó, ngày 5/7, Israel cho biết vẫn còn “khoảng cách” với Hamas về đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza và vấn đề thả con tin nhưng song Israel sẽ cử một phái đoàn đến đàm phán với các nhà hòa giải Qatar vào tuần tới.
Người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra tuyên bố trên sau khi phái đoàn do Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad của Israel David Barnea dẫn đầu, đã có cuộc gặp đầu tiên với các nhà hòa giải ở Doha ngày 5/7.
Người phát ngôn của Thủ tướng Israel nêu rõ: ” Tuần tới các nhà đàm phán của Israel sẽ tới Doha để tiếp tục các cuộc đàm phán. Vẫn còn những khoảng cách giữa các bên”.
Một quan chức cấp cao của Mỹ bày tỏ tin tưởng Israel và Hamas có “cơ hội khá quan trọng” để đạt được thỏa thuận.
Hamas phản đối việc lực lượng nước ngoài hiện diện tại Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/7, phong trào Hồi giáo Hamas đã bác bỏ mọi tuyên bố và lập trường ủng hộ các kế hoạch cho phép lực lượng nước ngoài tiến vào Dải Gaza dưới bất kỳ danh nghĩa hoặc lý do nào.
Những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Hamas khẳng định việc quản lý Dải Gaza là một vấn đề thuần túy của người Palestine. Người dân Palestine sẽ không cho phép bất kỳ sự giám hộ hoặc áp đặt bất kỳ giải pháp nào từ bên ngoài.
Trong khi đó, Ủy ban Kháng chiến nhân dân (PRC), một nhóm vũ trang liên minh với Hamas, cũng phản đối mọi nỗ lực nhằm triển khai các lực lượng quốc tế hoặc các lực lượng khác ở Gaza.
Trước đó, hồi cuối tháng 6, Chính quyền Palestine đã phản đối bất kỳ sự hiện diện có yếu tố nước ngoài nào trên các vùng lãnh thổ của Palestine. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Nabil Abu Rudeineh khẳng định bất kỳ sự hiện diện nào của nước ngoài trên vùng đất Palestine đều không hợp pháp và chỉ người dân Palestine mới có quyền quyết định ai có thể điều hành và quản lý các công việc của họ.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã thảo luận kế hoạch giai đoạn chuyển tiếp đối với Gaza, với giả định rằng khả năng quân sự của Phong trào Hồi giáo Hamas đã suy giảm và không thể tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn. Theo đó, các lực lượng quốc tế (có thể bao gồm binh sĩ từ Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Maroc) sẽ giám sát an ninh ở Gaza trong khi phía Mỹ sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt và hỗ trợ logistics từ bên ngoài vùng lãnh thổ này, có thể là tại Ai Cập. Kế hoạch này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn từ phía Bắc xuống Nam Gaza nhằm dần chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho lực lượng Palestine.
Liên hợp quốc lo ngại sâu sắc về tác động của lệnh sơ tán mới ở Dải Gaza Ngày 2/7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của lệnh sơ tán mới trong vòng bán kính 127km tại hai thành phố Khan Younis và Rafah, phía Nam Dải Gaza. Người dân Palestine sơ tán tránh xung đột tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 2/7/2024....