Xúc động chuyện những người thầy của Nhà giáo trẻ tiêu biểu
Chuyện về thầy Nguyễn Văn Cải, trong ngành giáo dục ở TPHCM ít ai không biết. Thật khó lòng kìm được nước mắt khi biết về cuộc đời thầy Cải nhưng phía sau đó, chuyện về những người thầy của thầy cũng xúc động không kém.
Tôi gặp thầy Nguyễn Văn Cải (sinh năm 1980, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày nhà giáo Việt Nam. Đã có rất nhiều bài viết về thầy, còn điều tôi muốn viết là về “về những người thầy của thầy” – gắn liền với những câu chuyện làm nhiều người phải sụt sịt, lấy khăn lau nước mắt trong tọa đàm về vai trò người thầy do TPHCM tổ chức gần đây.
Chuyện về cô giáo Hằng
Gia đình nhiều khó khăn, mồ côi bố từ nhỏ nhưng 3 năm đầu tiên đến trường của cậu học trò Trường Tiểu học Trung Lập Hạ (Củ Chi) Nguyễn Văn Cải khá ổn. Nhưng đến ngày tựu trường của năm lớp 4, Cải nằm chèo queo ở góc nhà khóc sưng mắt nhìn mẹ mắc bệnh tâm thần lên cơn điên loạn. Người chị gái là trụ cột của gia đình lại mất việc… cả tuần nay trong nhà không còn gạo, chỉ ăn rau độn với khoai mì thì làm sao có thể đến trường.
Thầy Nguyễn Văn Cải và học trò.
Khóc hết nước mắt, Cải nấp trong nhà lén nhìn bạn bè nô nức tựu trường. Đến tầm trưa, một số bạn trong lớp chạy đến nhà hét lớn: “Cải ơi, cô Hằng kêu bạn tới trường ngay”.
Không một cuốn sổ, không một chiếc bút, chiếc áo vá lưng, Cải vớ vội chiếc cặp sách cũ chạy thẳng đến trường. Đến nới đã nhìn thấy cô chủ nhiệm Trần Thị Hằng đứng chờ trước cổng. Cô dẫn Cải đến quầy hàng gần đó chọn mua tập, viết và nhiều dụng cụ học tập khác. Cô phải mua chịu vì trong người cô cũng không có tiền… Cô còn mượn sách giáo khoa và ứng tiền để đóng học phí và các khoản tiền năm học cho Cải.
“Tôi còn hồn nhiên lắm, thấy vui mừng vì lại có thể tiếp tục đi học. Mãi sau này tôi mới biết, nhà cô cũng rất khó khăn, con còn nhỏ còn người chồng lúc đó đang thất nghiệp. Một buổi đi dạy, còn một buổi cô phải đi làm mướn cho người ta”, thầy Cải nhớ lại.
Với hành động cao đẹp đó, cô Hằng cũng là người đầu tiên đặt nền tảng ước mơ cho cậu học trò nhỏ: “Mình phải học để sau này trở thành thầy giáo!”.
Những người thầy “lạ kỳ”
Video đang HOT
Cuộc sống ấu thơ và con đường học hành của thầy Nguyễn Văn Cải gắn liền với chuỗi ngày triền miên đi tìm mẹ xuyên đêm khi bà phát bệnh bỏ nhà đi; những ngày đến trường không còn lấy một đồng xu trong người; vừa đi học, Cải vừa làm thêm mọi nghề để sống như bán báo, bán bánh đậu xanh, đi phụ hồ, chăn vịt mướn…
Dù biết rằng chỉ có con đường học để vươn lên nhưng cũng không ít lần Cải rơi vào bế tắc mà nếu không có sự tiếp sức của các thầy cô ở các bậc học, Cải không biết mình có vượt qua nổi hay không.
Cải nhớ như in ngày thầy trợ lý thanh niên Nguyễn Văn Hiếu đến thăm nhà, thầy ngỡ ngàng khi biết nhà học trò mình vẫn đang lạc lõng với ánh đèn dầu khi hàng xóm đã thắp điện từ lâu. Vài ngày sau, thầy Hiếu cùng thầy Lê Đình Hòe – hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cùng nhiều thầy giáo nữa mang một số thiết bị điện đến nhà Cải rồi rồi các thầy tự tay nối điện, lắp cầu dao vào tận nhà cho học trò.
Sau này, dù Cải đã tốt nghiệp, theo học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thầy Hòe vẫn chạy vạy vay mượn, vận động bạn bè hỗ trợ xây lại căn nhà đã đổ nát, xiêu vẹo của mẹ con Cải. Thầy chỉ mong học trò mình có một nơi ở ổn định để tiếp tục con đường học và gắng sức chăm sóc mẹ.
Và những vị PGS đặc biệt
Ở đại học, tuy gia cảnh của sinh viên ít được đề cập nhưng PGS.TS Trần Hữu Tá (khi đó là chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) dù tuổi đã cao, công việc bận rộn vẫn biết rõ hoàn cảnh của một sinh viên một buổi đi học, một buổi làm thêm kiếm sống.
PGS.TS Trần Hữu Tá – một trong những người thầy đặc biệt của thầy Cải (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Thầy Tá có cách động viên rất khéo. Sợ trò buồn, thầy không nói trực tiếp mà dành thời gian trọn buổi để kể cho học trò nghe về tấm gương vượt khó của một sinh viên khiếm thị và nhiều người khác. Nghị lực của Cải như được tiếp thêm cả ngàn lần qua câu chuyện của thầy.
Rồi PGS.TS Bùi Mạnh Nhị – trưởng khoa Ngữ văn trích tiền thưởng từ việc nghiên cứu khoa học của mình tặng cậu học trò Nguyễn Văn Cải để có thêm tiền mua thuốc điều trị bệnh cho mẹ trong cơn ngặt nghèo của gia đình khi Cải học năm thứ hai.
Giờ đây, thầy Nguyễn Văn Cải tâm niệm rằng, những hỗ trợ của các thầy cô trên con đường học hành của mình không chỉ là giá trị vật chất. Mà quan trọng hơn, những điều đó gieo vào lòng thầy và nhiều học trò nghèo khó khác một niềm tin, nguồn sống để không gục gã trước bất kỳ trở ngại nào.
Học được từ chính những người thầy đi trước rằng hạnh phúc nhất của người thầy là có thể sẻ chia với học trò bằng chính tình cảm và trách nhiệm của mình, thầy Nguyễn Văn Cải luôn mang theo mình lẽ sống: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hoài Nam
Theo dân trí
GS-NGND, nhà văn Lê Trí Viễn: Một đời nặng chữ văn
Theo thầy: Dạy văn lấy cảm làm đầu/ Một đời tôi chỉ một câu dặn mình/ Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/ Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta...
Gần trưa, điện thoại di động của tôi reo liên tục và nhận tin nhắn ào ạt. Tất cả chỉ một nội dung: Thầy chúng tôi, GS-NGND, nhà văn Lê Trí Viễn vừa trút hơi thở cuối cùng. Mới đây mấy ngày, PGS-TS Trần Hữu Tá, tôi và nhà giáo Nguyễn Thanh Văn đến thăm thầy, mừng thầy vẫn còn khang kiện, vẫn còn trò chuyện vui vẻ dẫu khi nhớ khi quên. Tết này, con trai thầy vừa xây xong căn nhà khang trang và dành cho thầy chỗ nghỉ, chỗ tiếp khách tốt nhất. Chúng tôi đều mừng cho thầy và tin thầy sẽ còn mạnh khỏe vài ba năm nữa là ít, vậy mà... Thầy ơi!
Tấm gương tự học
Đậu thành chung, thầy chọn nghề dạy học, nhưng văn chương Tự lực văn chương ngày đó "cứ như gan ruột" của lớp người mới xuất thân từ trường Pháp - Việt, và thầy thấy cần phải học thêm mới có thể bước chân vào làng văn. Tấm gương tự học của thầy, tôi nghĩ, những lớp người trẻ tuổi cần phải học tập. Ngày đó, trường thầy dạy có cụ Nguyễn Tường Đôn dưới Hội An lên dạy chữ Hán và thầy xin học. Cứ đều đặn mỗi tuần, thầy Đôn lên dạy là trả bài làm của "học trò" Lê Trí Viễn và ra bài làm mới.
giữa), PGS Trần Hữu Tá (bìa phải) cùng nhà văn - nhà báo Vu Gia, Xuân Nhâm Thìn 2012.
Chẳng bao lâu, thầy đọc được tân thư chẳng mấy khó khăn. Muốn thi tú tài (thí sinh tự do), thầy bèn nghỉ dạy, xin làm chân giám thị tại Trường Quốc học (Huế). Muốn học môn gì thì cứ đứng ở cửa sổ nghe thầy giảng, rồi đêm về tra lại sách vở. Môn tiếng Anh (sinh ngữ phụ) thì thầy theo học vị mục sư trong làng, ấy mà kỳ thi tú tài năm 1945, bài luận tiếng Anh, thầy viết chạy 8 trang giấy thi. Kết quả, thầy đỗ thủ khoa.
Khi kháng chiến bùng nổ, thầy được phân công đi dạy học. Thế là nghề giáo đeo theo thầy cho đến cuối đời. Lắm lần, thầy xin tổ chức chuyển ngành để theo đuổi nghiệp văn chương, nhưng không được. Vẫn bám trường, bám lớp, yêu nghề nhưng thầy không bỏ văn chương. Theo thầy: Dạy văn lấy cảm làm đầu/ Một đời tôi chỉ một câu dặn mình/ Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/ Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta... Với thầy, đó cũng là một đời với văn.
Chữ nghĩa chưa thông thì chớ viết, chớ giảng
Mỗi lần đọc sách tôi biếu, thầy đều có ý kiến cụ thể từng câu, từng chữ sau một thời gian không lâu. Trong một lần trò chuyện, thầy kể có một thời, đồng nghiệp cho rằng thầy khó tính. Ngày đó thầy làm lãnh đạo Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), thường gạch những chỗ sai trong văn bản của cán bộ trẻ, kể cả ở các đơn xin phép của sinh viên.
Khi gạch dưới những chữ sai, thầy giảng giải vì sao sai và đề nghị sửa tại chỗ. Thầy nói, thầy không khó tính nhưng đó là thói quen và phải truyền đạt thói quen đó cho nhiều người. Thầy giáo dạy văn, đứng trước một bài thơ, bài văn, nhất là văn thơ cổ, điều đầu tiên phải chú trọng tìm hiểu là chữ nghĩa. Chữ nghĩa chưa thông thì chớ viết, chớ giảng. Dĩ nhiên cũng có lúc phải... lờ đi, nhưng đó là vấn đề khác. Cái đáng sợ nhất là không hiểu mà tưởng hiểu.
Tôi nghĩ thầy cầu toàn mà nói thế thôi, chứ biết bao giáo trình, biết bao bài nghiên cứu khoa học, cứ sai đăng đăng đê đê ra đó, có ai đính chính gì đâu, và cũng có lắm người chép lại. Thầy dặn đi dặn lại hãy nghĩ kỹ trước khi viết, nếu muốn đi xa trong nghề. Thầy kể, lúc viết lại chương Nguyễn Khuyến trong Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam (tập 4), thầy giật mình vì lâu nay vẫn đọc hai câu luận trong bài Nhớ cảnh chùa Đọi là Dặm thế ngõ đâu từng trúc ấy/ Thuyền ai khách đợi bến đâu đây, trong lúc nó phải là Dặm thế ngõ đâu từng trúc ấy/ Thuyền ai khách đợi bến dâu đây. Lỗi chỉ một cái dấu: dâu thành đâu, nhưng vì âm vang câu thơ rất hay nên bị tê liệt cảnh giác, không đặt vấn đề thắc mắc gì cả...
Những lời dạy của thầy, con luôn đưa vào cuộc sống, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu. Bây giờ, nghĩ về thầy, nhớ về thầy nhưng thầy đâu còn nữa. Thầy ơi!
GS-NGND, nhà văn Lê Trí Viễn sinh ngày 10-3-1918, tại xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông từng giảng dạy tại Trường ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM. Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất. Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1971). Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.
Theo Vu Gia
Người Lao Động
Ký ức về một người thầy... Rời xa mái trường cấp ba nhưng mỗi lần nhìn lại tấm ảnh thầy chụp chung với lớp, ký ức về một người thầy đáng kính lại trào dâng trong tôi khi nhớ về những tháng năm gắn bó với thầy dưới mái trường THPT ngày ấy... Kính tặng thầy Trần Đăng Khoa - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Đồng...