Xuất khẩu xoài thuận đường đi Mỹ
Trong vòng 10 ngày trung tuần tháng 4/2019, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam liên tiếp xuất hàng chục lô xoài tươi sang Mỹ. Đây là bước khởi đầu đầy hứa hẹn cho trái xoài – loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp “visa” vào Mỹ.
Trái xoài Việt Nam đã được xuất khẩu tới 39 thị trường trên toàn thế giới.
Đơn hàng nối tiếp đơn hàng
Ngày 18/4 vừa qua, lô xoài đầu tiên với sản lượng 8 tấn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đã được xuất khẩu đến Mỹ, có mặt trong các siêu thị để chinh phục người tiêu dùng.
Là doanh nghiệp “mở hàng” xuất khẩu xoài sang Mỹ, Công ty Chánh Thu rất hứng khởi với thương vụ làm ăn lớn, từ chuẩn bị vùng nguyên liệu, đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo của nhà nhập khẩu. Chánh Thu đang quản lý 25 mã số vùng trồng trái cây với diện tích gần 400 ha, trong đó có 175 ha xoài được cấp mã số xuất khẩu.
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, xuất khẩu xoài vào thị trường Mỹ rất khả quan, Công ty có nhiều đơn đặt hàng từ đối tác. Ngay sau khi xuất lô xoài đầu tiên, Chánh Thu sẽ tiếp tục đưa 10 – 20 tấn xoài sang Mỹ.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, nhà xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp khác là Vina T&T cũng đưa xoài đi Mỹ chỉ sau Công ty Chánh Thu đúng 1 ngày. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T cho hay, Công ty đã xuất thành công hơn 20 tấn xoài sang Mỹ bằng đường hàng không và đường biển. “Tín hiệu thị trường Mỹ rất tốt, chúng tôi xuất hàng liên tục từ khi Mỹ mở cửa chính thức với xoài Việt “, ông Tùng nói.
Năm 2018, doanh thu từ xuất khẩu trái cây của Vina T&T đạt 30 triệu USD. Ông Tùng nhẩm tính, xoài Việt được cấp phép vào Mỹ sẽ giúp Công ty tăng thêm 15 – 20% doanh thu trong năm 2019.
Video đang HOT
Trái xoài Việt Nam đã được xuất khẩu tới 39 thị trường trên toàn thế giới, trong đó có nhiều thị trường lớn và “khó tính” với những yêu cầu kiểm dịch khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo các nhà xuất khẩu trái cây, đó chính là nền tảng thuận lợi để khi Mỹ mở cửa cho xoài Việt, các doanh nghiệp có thể xuất hàng rất nhanh, bởi đã thực hiện tốt công nghệ bao trái giảm thiểu dịch hại.
Không giống như trường hợp của trái vú sữa, khi Mỹ chấp thuận nhập khẩu, các doanh nghiệp mới tiến hành bao trái, nên ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch hại, còn trái xoài gần như đã bỏ qua được công đoạn này.
Thị trường Mỹ rất lớn, nếu xoài Việt đảm bảo chất lượng tốt, tạo được uy tín, thương hiệu, thì tương lai xuất khẩu rất rộng mở. Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) cho hay, cùng với nhu cầu tiêu dùng xoài lớn, giá nhập khẩu xoài tại Mỹ cũng rất cao.
Nhưng, vấn đề của xoài Việt trên đất Mỹ cũng đang nằm ở câu chuyện giá cả. Ở thời điểm hiện tại, mỗi quả xoài cát Việt Nam khi sang đến Mỹ có giá cao hơn 4 – 5 lần so với các loại xoài khác trên thị trường. Cụ thể, xoài cát Việt Nam tại Mỹ có giá 50 – 70 USD/thùng 12 trái, trong khi, giá trung bình của xoài nhập từ các nước khác, nhất là từ Mexico, chỉ 10 – 15 USD/thùng.
Ông Tùng lý giải, giá xoài xuất sang Mỹ khá cao một phần do phí vận chuyển hàng không lớn, nhưng đổi lại, thời gian từ khi thu hái tới khi trái xoài đến được với nhà nhập khẩu để lên kệ ở Mỹ chỉ mất 3 ngày, giúp xoài đảm bảo được chất lượng và độ tươi ngon hơn so với vận chuyển bằng đường biển.
“Xoài Việt Nam cạnh tranh rất lớn với xoài Mexico trên đất Mỹ. Nếu như giá cao là điểm trừ, thì điểm cộng và cũng là yếu tố hút khách của trái xoài Việt là độ thơm ngon, mùi vị đặc trưng do được xử lý bằng chiếu xạ, không làm mất đi hương vị, còn Mexico xử lý bằng hơi nước nóng sẽ mất đi mùi xoài, chỉ còn độ ngọt. Vì vậy, tuy giá thành cao, nhưng xoài Việt vẫn được nhiều người tiêu dùng Mỹ lựa chọn”, ông Tùng phân tích.
Với khoảng 46 loại giống khác nhau, tổng diện tích trồng khoảng 87.000 ha, sản lượng xoài của nước ta ước đạt hơn 969.000 tấn/năm và đang trở thành mặt hàng xuất khẩu mang lại ngoại tệ lớn. Thị trường xuất khẩu xoài chính của Việt Nam hiện nay là Hàn Quốc (43% tổng sản lượng xuất khẩu), Nhật Bản (34%), Singapore (7%). Tín hiệu khả quan từ những lô xoài đầu tiên sang Mỹ là cơ sở để các nhà xuất khẩu kỳ vọng, thị phần xoài Việt tại Mỹ sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Mỹ là quốc gia nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng lượng nhập khẩu xoài của Mỹ trung bình khoảng 500.000 tấn/năm.
Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) cho biết, phần lớn xoài bán tại Mỹ được nhập khẩu từ Mexico, Pê-ru, Guatemala, Brazil, Haiti, Ecuador. 6 nước này chiếm khoảng 99% tổng lượng nhập khẩu xoài vào Mỹ.
Theo tieu dung
Mở cửa thị trường trái cây
Cuối tuần trước, trái xoài VN chính thức xâm nhập thị trường Mỹ. Đây là cơ hội lớn để rau quả VN mở rộng thị trường trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của ngành đang chậm lại do gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc.
Trái cây VN trên đất Mỹ
ẢNH: CÔNG TY CHÁNH THU CUNG CẤP
Giá cao vẫn được đón nhận tích cực
Trước xoài đã có thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa được phép xuất khẩu vào Mỹ. Các ngành chức năng và doanh nghiệp cũng đang tích cực hoàn tất "visa" cho trái bưởi thâm nhập thị trường cao cấp này.
Ông Nguyễn Đình Tùng(Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, chuyên xuất khẩu trái cây)
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, đơn vị đầu tiên của VN xuất khẩu xoài sang Mỹ, cho biết: Giá xoài VN đến tay người tiêu dùng Mỹ từ 10 - 14,2 USD/kg, cao hơn nhiều so với các loại xoài từ các nước khác.
"Tuy nhiên, khi lô hàng đầu tiên của chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ đã được người tiêu dùng đón nhận rất tốt. Tín hiệu rất tích cực nên chúng tôi đang chuẩn bị xuất các lô hàng tiếp theo", bà Vy khoe và phân tích dù giá thành cao nhưng xoài VN thật sự có sự khác biệt so với nhiều loại xoài khác trên thị trường Mỹ hiện nay. Chính vì vậy, xoài Việt vẫn sẽ có đối tượng khách hàng riêng của mình.
Tuy nhiên, bà Vy thừa nhận giá cả thật sự cũng là một vấn đề quan trọng bởi sự chênh lệch đó cũng làm phân khúc khách hàng ngắn lại. Giải thích lý do khiến xoài VN qua Mỹ bị đội giá, theo bà Vy, xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu bắt buộc phải đi máy bay chứ không thể đi tàu vì thời gian vận chuyển hơn 3 tuần, hàng sẽ bị hư hỏng. Vì vậy, giá thành cũng tăng thêm so với xoài từ các nước Nam Mỹ. Công ty này vẫn đang tìm cách để có thể kéo dài phân khúc khách hàng cho trái xoài VN, cũng như một số loại trái cây khác.
Theo Bộ Công thương, sức tiêu thụ trái cây nhiệt đới ở Mỹ ngày càng tăng. Đối với trái xoài, số liệu thống kê cho thấy, năm 2005, bình quân mỗi người Mỹ tiêu thụ nửa ký xoài mỗi năm; 10 năm sau con số này đã tăng lên gần 1,3 kg/người/năm. Nguồn cung xoài cho Mỹ đến chủ yếu từ Mexico chiếm gần 66% thị phần, Peru (hơn 10%), Ecuador (gần 10%), còn lại là Guatemala, Brazil, Haiti...
Thời điểm nhập khẩu cao điểm từ tháng 4 - 7, giá xoài nhập khẩu bán trên thị trường Mỹ hiện khoảng 2 USD/kg, chỉ bằng 1/3 - 1/4 so với mức giá xoài Việt. Dù mức chênh lệch khá lớn các nhà xuất khẩu đều tự tin xoài VN sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt so với xoài các nước do có chất lượng tốt, tỷ lệ ngọt cao.
Cách làm mới cho cả thị trường Trung Quốc
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam, đánh giá cao kết quả trên. Theo ông Bửu, xuất được trái xoài tươi đi Mỹ là kết quả thành công của việc tổ chức sản xuất theo mô hình mới. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức sản xuất theo hướng tạo điều kiện cho nông dân liên kết lại với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Nhờ vậy, người dân thực hiện các quy trình sản xuất sạch, an toàn theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Mở thêm được một cánh cửa là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt. Tuy nhiên, thị trường lớn và tiềm năng nhất đối với VN vẫn là Trung Quốc. GS Bùi Chí Bửu phân tích Trung Quốc có khoảng 1,3 tỉ dân, nhưng thời gian qua họ mất hơn 5 triệu ha đất nông nghiệp để phục vụ đô thị hóa và sản xuất công nghiệp. Nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của họ rất cao. Đặc biệt, trong chiến lược của mình, Trung Quốc vẫn coi các nước vùng Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan hay VN là vùng cung cấp lương thực, thực phẩm cho họ.
"Chính vì vậy, chúng ta không có gì phải sợ họ mà trong làm ăn cần phải khôn khéo. Họ cũng bị áp lực dư luận trong nước "mang tiếng là nền kinh tế lớn thứ hai nhưng lại dễ tính nhất thế giới". Đó là lý do giờ đây họ ngày càng khó tính hơn", GS Bửu nói và cho rằng thời gian qua, chúng ta không tổ chức được sản xuất, phụ thuộc vào buôn bán tiểu ngạch, rồi để thương lái vào tận ruộng vườn thu gom... Những điều này làm sản xuất vốn tự phát lại càng rối loạn. Nay theo xu hướng, Trung Quốc cũng đòi hỏi quy hoạch vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... Đây là cơ hội tốt để chúng ta tổ chức lại từ sản xuất đến tiêu thụ và làm ăn chính ngạch với họ.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Ngô Tường Vy thừa nhận thị trường Mỹ rất tiềm năng, nhưng khoảng cách rất xa. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc khả năng tiêu thụ số lượng lớn mà thực sự chúng ta chưa khai thác hết. Dù là sản xuất, xuất khẩu đi thị trường nào cũng phải đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.
Theo TNO
8 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất sang Mỹ Sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa, xoài Việt Nam đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Để xuất khẩu trái xoài tươi vào thị trường Mỹ thì xoài của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển...