Xu hướng mới: Đối tác chiến lược thay cho liên minh quân sự
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, từ năm 2001, Việt Nam bắt đầu thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” với nhiều quốc gia trên thế giới. Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Trần Việt Thái, Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao), để giúp bạn đọc tìm hiểu về khái niệm mới này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhân chuyến thăm Việt Nam từ 11 đến 13.9. Việt Nam và Singapore đã chính thức trở thành đối tác chiến lược – Ảnh: TTXVN
Thế nào là “đối tác chiến lược”?
Trên thế giới hiện nay chưa có khái niệm chung về khuôn khổ, nội hàm, mục đích, ý nghĩa của “đối tác chiến lược”. Về bản chất, đối tác chiến lược thể hiện sự cam kết cao hơn mức độ quan hệ song phương thông thường nhưng chưa hình thành các liên minh quân sự.
Nói cách khác, đối tác chiến lược là thước đo sự gắn kết, đan xen về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế, vượt lên trên mức hữu nghị và hợp tác, nhưng chưa đến mức ràng buộc về trách nhiệm pháp lý. Nhìn chung, các cặp quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới có 4 đặc trưng cơ bản như sau:
Một là, phải có một khuôn khổ quan hệ với những nội hàm hợp tác rộng lớn tùy thuộc vào ý chí chính trị và nguyện vọng hợp tác của các bên, được chính thức hóa thông qua các tuyên bố cấp cao, thông cáo chính thức.
Hai là, phải có các cơ chế vận hành thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu… nhất là ở cấp cao, kể cả định kỳ và đột xuất, để xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường hữu nghị, sự hợp tác toàn diện.
Ba là, trước đây, khi xây dựng và triển khai đối tác chiến lược, các chủ thể thường coi trọng hợp tác về chính trị, an ninh và quốc phòng. Nhưng hiện nay xu thế chỉ chọn một hoặc một vài lĩnh vực hẹp hoặc đa dạng hóa nội hàm để xây dựng đối tác chiến lược đang trở nên ngày càng phổ biến, miễn là có lợi cho cả hai phía và không đi tới liên minh về quân sự.
Bốn là, có sự hợp tác kinh tế sâu rộng, mật thiết hơn mức thông thường, tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa hợp tác và đối tác, tạo ra sự đan xen và gắn kết lợi ích tương đối bền vững trong một thời gian nhất định.
Đối tác chiến lược trên thế giới Trung Quốc: là nước có nhiều quan hệ đối tác chiến lược nhất thế giới với hơn 50 đối tác, trong đó có cả những nước nhỏ như Lào, Campuchia, Kazakhstan, Afghanistan và ba đối tác là các tổ chức quốc tế gồm EU, ASEAN và Liên minh châu Phi… Nga: hơn 30 đối tác chiến lược và tương đương Mỹ: 9 đối tác chiến lược, 3 đối tác toàn diện, 2 quan hệ đặc biệt với Anh và Israel, 2 quan hệ đồng minh ngoài NATO, 8 quan hệ đồng minh khác. Tổng cộng 24 đối tác chiến lược hoặc tương đương trở lên Pháp: 13 đối tác chiến lược Anh, Ấn Độ: mỗi nước có 12 quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược;
Ngoài ra, đối tác chiến lược phải có giao lưu, hợp tác ở nhiều cấp, ngành, địa phương… Mục tiêu của đối tác chiến lược là hướng tới các lợi ích quốc gia dân tộc cơ bản, lâu dài giữa các bên tham gia. Quan hệ đối tác chiến lược có tính linh hoạt, không phải là bất biến, phát triển và thay đổi tùy vào từng đối tác, thời điểm, lĩnh vực và cách vận dụng của từng chủ thể.
Các đối tác chiến lược của Việt Nam
Video đang HOT
Năm 2001, Việt Nam bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga và đến tháng 7.2012 đã nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga.
Năm 2007, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ; năm 2008 lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; năm 2009 với Nhật Bản và Hàn Quốc; năm 2010 với Anh; năm 2011 với Đức và năm 2013 với Italia, Indonesia ,Thái Lan.
Ở mức độ thấp hơn, chúng ta đã lập đối tác chiến lược về đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với Hà Lan (2010) và quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh với Đan Mạch.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm Mỹ tháng 7 vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam và Mỹ đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
Nói tóm lại, ngoài hai mối quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia và mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Cuba, đến nay Việt Nam có 11 đối tác chiến lược đầy đủ và 2 đối tác chiến lược trong lĩnh vực hẹp với Hà Lan và Đan Mạch và một số đối tác toàn diện với Mỹ, Australia, New Zealand, Pháp…
Nhìn lại việc thiết lập và triển khai quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam trong thời gian qua, các đối tác chiến lược của Việt Nam, ở những mức độ khác nhau, đều đã có những đóng góp tích cực cho quan hệ song phương với đối tác cũng như tới bàn cờ đối ngoại chung của Việt Nam.
Các đối tác chiến lược đã từng bước đáp ứng được các lợi ích của Việt Nam trên nhiều mặt khác nhau. Ví dụ như trong đối tác chiến lược với Nga, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác dài hạn, có tính chiến lược như hợp tác về năng lượng, nhất là về dầu khí và năng lượng điện hạt nhân, hợp tác trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng…
Với Nhật, hai bên đã triển khai nhiều dự án hạ tầng cơ sở, giao thông quan trọng. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2…
Quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc cũng đang mở rộng nhanh chóng. Các đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực như Hà Lan và Đan Mạch đã có nhiều dự án cụ thể giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trồng rừng…
3 cấp độ của đối tác chiến lược Tên gọi của các đối tác chiến lược cũng rất linh hoạt. Cấp độ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược. Cấp độ thấp hơn là đối tác chiến lược trong một lĩnh vực hẹp hoặc vì một mục tiêu cụ thể nào đó ví dụ như đối tác chiến lược vì hòa bình hay đối tác vì hợp tác và phát triển… Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng. Mức độ thấp hơn nữa là đối tác toàn diện. Ở cấp độ này, thông thường quan hệ giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai.
Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược còn có tác dụng đòn bẩy, giúp củng cố cục diện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tăng cường vị thế của Việt Nam, không gây ra những hiệu ứng phụ và không để đất nước bị kẹt giữa các nước lớn.
Các vấn đề cần lưu ý
Chúng ta mới chỉ tập trung xây dựng đối tác chiến lược trong vài năm trở lại đây, quá trình triển khai chưa dài, chưa tạo ra những kết quả có tính đột phá. Chủ trương chung là không xây dựng quan hệ đối tác chiến lược bằng mọi giá. Từ kinh nghiệm thực tiễn những năm vừa qua cho thấy thận trọng là điều cần thiết và cần xử lý tốt các vấn đề sau:
Một là, đối tác chiến lược phải phục vụ tốt các lợi ích quốc gia. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia của chúng ta là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ và giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng góp phần không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai là, xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa thiết lập và triển khai đối tác chiến lược. Thiết lập và triển khai đối tác chiến lược là hai quá trình hoàn toàn khác nhau, nhưng gắn bó mật thiết với nhau. Lựa chọn đối tác, tìm kiếm đồng thuận về nội hàm… để xây dựng đối tác chiến lược là một quá trình khó khăn, lâu dài và không phải lúc nào chúng ta muốn thúc đẩy đối tác chiến lược, phía đối tác cũng đồng ý hoặc ngược lại. Phải có điểm tương đồng cả về nhận thức, thời gian, mục tiêu… Thiết lập xong đối tác chiến lược mới chỉ là sự khởi đầu. Trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ không tránh khỏi khó khăn, thách thức. Do vậy, cần kiên trì, bĩnh tĩnh xử lý trên cơ sở nắm vững lợi ích quốc gia.
Ba là, coi trọng chất lượng và xử lý thích đáng mối quan hệ giữa số lượng và hiệu quả. Xu hướng chung trên thế giới là coi trọng chất lượng và hiệu quả đối tác hợp tác, nhưng trên thế giới không có bất cứ tiêu chí nào để định lượng bao nhiêu đối tác chiến lược là đủ đối với mỗi quốc gia. Điều quan trọng là mỗi quốc gia phải biết tự lượng sức mình, trong quá trình xây dựng và triển khai phải gắn chặt với thực tiễn và lấy hiệu quả làm thước đo trong từng dự án hợp tác cụ thể.
Thực tế quan hệ quốc tế cho thấy luôn luôn có khoảng cách giữa mong muốn và hiện thực. Trên thế giới, có rất nhiều trường hợp quan hệ đối tác chiến lược không đáp ứng được các tiêu chí, nội hàm cũng như kỳ vọng về quan hệ đối tác chiến lược. Ví dụ, Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Grudia nhưng thực tế Grudia chỉ là một đối tác rất nhỏ của Mỹ. Hoặc như quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Ấn Độ, hợp tác Mỹ – Ấn về chính trị, an ninh rất hạn chế, nhưng quan hệ kinh tế thương mại lại rất lớn, kim ngạch thương mại song phương Mỹ – Ấn năm 2012 đạt trên 60 tỉ USD….
Tóm lại, quan hệ quốc tế đang thay đổi nhanh chóng theo hướng ngày càng đa dạng và phức tạp. Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, việc Việt Nam nỗ lực xây dựng và triển khai quan hệ đối tác chiến lược với một số đối tác là một chủ trương phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Đây là một quá trình lâu dài và rất cần thiết để làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với các đối tác trên thế giới.
Bước đầu, các đối tác chiến lược mà Việt Nam vừa thiết lập đã góp phần tạo ra những khuôn khổ quan hệ để hai bên cùng hướng vào xây dựng, phát triển. Bên cạnh đó, cần coi trọng các đối tác lớn, thiết thân đối với vấn đề an ninh và phát triển của Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy.
Trong khi vai trò và ý nghĩa của các liên minh quân sự ngày càng suy giảm, thì đối tác chiến lược đang nổi lên thành một trong những công cụ đa dụng và sắc bén của chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế mà các nước như Việt Nam cần triệt để tận dụng.
Các đối tác chiến lược đã giúp Việt Nam như thế nào? 1. Xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và các đối tác, đặc biệt, khuôn khổ đối tác chiến lược mở ra nhiều kênh đối thoại quan trọng đặc biệt ở cấp chiến lược và thực hiện chính sách vừa giúp thúc đẩy quan hệ vừa giúp xử lý các bất đồng/khác biệt. 2. Đưa quan hệ đối ngoại của Việt Nam đi dần vào ổn định, ngày càng có chiều sâu và bền vững, đồng thời, chúng ta vẫn giữ vững được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đa dạng hóa, đa phương hóa và ngày càng chủ động trong hội nhập quốc tế. 3. Góp phần gia tăng cả về số lượng và chất lượng các dự án, các cơ chế hợp tác quốc tế, từng bước góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới.
Trần Việt Thái
Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao)
Theo TNO
Đã đến lúc đưa quan hệ Singapore-Việt Nam lên cấp độ mới
"Tôi vui mừng bởi trong chuyến thăm Việt Nam của tôi tới đây, quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ được nâng lên thành Đối tác Chiến lược", Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên của TTXVN tại Singapore trước khi ông sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-13/9.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Dinh Tổng thống Singapore ngày 31/5/2013. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Xin Ngài cho biết những vấn đề chính mà lãnh đạo hai nước sẽ bàn thảo trong chuyến thăm Việt Nam tới đây của Ngài?
Thủ tướng Lý Hiển Long: Tôi tới thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta. Singapore và Việt Nam có quan hệ tuyệt vời. Quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta đang phát triển, quan hệ thương mại và đầu tư đang tăng trưởng và quan hệ nhân dân đang phồn thịnh. Chúng ta hợp tác chặt chẽ trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khác.
Giờ là lúc để đưa quan hệ song phương của hai nước chúng ta lên một cấp độ mới. Tôi vui mừng bởi trong chuyến thăm Việt Nam của tôi tới đây, quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ được nâng lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tôi cũng sẽ chính thức động thổ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore thứ 5 tại tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung Việt Nam. Tôi cũng sẽ trao đổi quan điểm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị lãnh đạo khác của Việt Nam về những vấn đề trong khu vực cũng như những vấn đề khác mà cả hai nước cùng quan tâm.
PV: Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng, hai nước sẽ ký Hiệp định Quan hệ Đối tác Chiến lược. Xin Ngài cho biết những nội hàm cơ bản và ý nghĩa của quan hệ ở mức rất cao này?
Thủ tướng Lý Hiển Long: Quan hệ Đối tác Chiến lược là khuôn khổ để hướng dẫn quan hệ song phương. Nó thể hiện mối quan hệ hữu nghị tuyệt vời giữa hai nước chúng ta cũng như cam kết chung của chúng ta về việc mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực mới như tài chính, hàng không và môi trường. Quan hệ Đối tác Chiến lược sẽ tạo động lực mới cho mối quan hệ của hai nước chúng ta và mở đường cho mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Singapore và Việt Nam.
PV: Theo Thủ tướng, Singapore và Việt Nam cần phải làm gì để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước và để góp phần hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015?
Thủ tướng Lý Hiển Long: Singapore và Việt Nam cần phải tiếp tục khai thác quan hệ đối tác mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của hai nước. Chúng ta đã làm điều đó đối với các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, phát triển từ những thị trấn công nghiệp thành những khu liên hợp mà ở đó mọi người có thể &'làm việc, sống và vui chơi'. Chúng ta cũng cần phải tiếp tục củng cố quan hệ nhân dân, đó là tâm điểm của mọi mối quan hệ song phương. Tôi hy vọng sẽ thường xuyên có thêm các cuộc trao đổi song phương ở tất cả các cấp - từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và nhân dân của hai nước chúng ta. Điều này sẽ giúp Singapore và Việt Nam làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác của chúng ta trên cơ sở tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau và cùng có lợi.
Mối quan hệ Singapore - Việt Nam phù hợp với bối cảnh lớn hơn của quan hệ hợp tác trong ASEAN. Đều là quốc gia thành viên của ASEAN, Singapore và Việt Nam chia sẻ mối quan tâm tới một ASEAN gắn kết và liên kết chặt chẽ. Vì thế chúng ta đang tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP là con đường đưa chúng ta tới ước mơ về một Khu vực Thương mại Tự do tại Châu Á - Thái Bình Dương, một thỏa thuận đem lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp và người dân chúng ta.
Theo VNE
NATO kêu gọi hành động cứng rắn đối với Syria Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 5-9 kêu gọi cộng đồng quốc tế vượt qua những bất đồng và phản ứng mạnh mẽ đối với các cáo buộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria. Ông Rasmussen (trái) trao đổi với bộ trưởng quốc phòng các nước Liên minh châu Âu "Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế vượt qua...