Xót xa cảnh thầy cô giáo “xuyên rừng” đi vận động học sinh
Khoác trên mình bộ quần áo cũ, những giáo viên trường vùng cao “vượt rừng” đi vận động học sinh. Sự âm thầm hy sinh ấy đã kéo dài hàng chục năm nay.
Tâm sự trên đường “vượt núi”
Những ngày đầu năm học, chúng tôi tìm về ngôi trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Krong ( xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai).
Nhìn từ xa, ngôi trường nằm giữa lòng chảo với 4 bề bao vây bởi núi cao. Xã Krong là một xã vùng khó với 100% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số người Ba Na nên đời sống vô cùng khó khăn, quanh năm bám lấy cây lúa rẫy, cây mì trên nương.
Chính vì vậy mà bà con chưa ý thức được việc học của những đứa con mình. Bởi thế nhiệm vụ xuyên suốt của các thầy cô giáo là “bám bản” để đi vận động những học sinh vắng học…
Gian nan hành trình xuyên rừng đi vận động học sinh ra lớp
Thầy Nguyễn Văn Thuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường có tổng 277 học sinh, 100% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na.
Đây là trường bán trú nhưng vì điều kiện học sinh sống xa trường nên nhà trường phải tạo điều kiện để giữ các em lại ở nội trú. Dù biết như vậy sẽ gánh nặng trong việc lo cho các em cơm ngày 3 bữa”.
Nhưng nhà trường vẫn nỗ lực, cố gắng vì chất lượng giáo dục vùng cao. Việc “băng rừng” vào các làng để vận động học sinh luôn là nhiệm vụ xuyên suốt, thường trực của các thầy cô giáo chủ nhiệm”.
Gian nan hành trình vượt rừng dưới trời mưa bão để đi vận động học sinh của các thầy cô giáo trường Krong
Buổi sáng đầu tuần, các giáo viên chủ nhiệm điểm danh và báo với ban giám hiệu có 6 học sinh của làng Pngăn (xã Krong, Kbang, Gia Lai) vắng học. Sau buổi cơm trưa, 6 thầy cô giáo khoác trên mình bộ quần áo cũ để chuẩn bị vượt cánh rừng già để đi tìm học sinh trong các nhà đầm (nhà trên rẫy).
Để đến được với khu nhà đầm, các thầy cô giáo phải len lỏi qua những con đường mòn vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Thầy Dương Văn Phúc (Phó hiệu trưởng) cho biết: “Học sinh ở làng Pngăn và các làng khác thường cùng với bố mẹ làm rẫy ở nhà đầm kéo dài hàng tháng trời.
Do vậy, nếu có học sinh vắng thì chúng tôi phải vào tận nhà rẫy để tìm và đưa các em trở lại trường. Con đường dẫn vào đó cũng đi mất cả vài ngày trời, chủ yếu là đi bộ, vượt qua những cánh rừng già, vực sâu rất nguy hiểm”.
Dứt câu, thầy Phúc cùng các giáo viên khăn gói đi về hướng làng Pngăn. Để vào được đó, thầy cô phải đi bộ khoảng chục cây số, rồi xuyên qua cánh rừng Quốc gia Kon Ka Kinh. Sau khi đi xe máy khoảng 5 cây số đường rừng, các thầy cô bắt đầu để xe máy trước một vực sâu và bắt đầu hành trình “vượt rừng” đi tìm học sinh của mình.
Trên đường đi xuyên rừng tìm học sinh, các thầy cô cũng tranh thủ hái măng rừng về cải thiện bữa ăn
Vừa đi, Thầy Phạm Minh Chí (SN: 1973, GV trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong) tâm sự: “Tôi về làm giáo viên trong này hơn 20 năm. Lúc mới vào là một chàng trai trẻ nhưng giờ đầu đã 2 thứ tóc.
Trước kia, vùng núi rừng Krong đang là một vùng trắng giáo dục, người dân vẫn sống theo kiểu thời nguyên thủy trong vùng lõi VQG Kon Ka Kinh. Để “con chữ” đến được với người dân, chúng tôi phân công nhau vào lập trường ở trong rừng sâu.
Sau khi trường mới xây dựng thì tất cả chuyển về đó. Tuy nhiên, nhiều em vắng học thì chúng tôi lại đi vào để vận động học sinh trở lại trường, kiếm cái chữ”.
Thầy Dương Văn Phúc, là một trong những giáo viên đã gắn bó hơn 20 năm để lập trường, đưa “cái chữ” đến với học sinh đồng bào
“Chúng tôi là những người thầy, sứ mệnh chính là đưa “cái chữ” đến với học sinh. Điều khiến tôi bám trụ gần 20 năm là bà con dân bản coi chúng tôi như con. Học sinh ở đây cũng xem tôi và các giáo viên khác như cha mẹ.
Trước đó, cũng có một chính sách ưu tiên cho những giáo viên dạy 5 năm tại vùng đặc biệt khó khăn được chuyển về vùng xuôi. Nhưng tôi đã dành cho các thầy cô trẻ, còn cuộc đời tôi đã dành với vùng Krong này rồi…”, thầy Chí bộc bạch.
“Săn trò” trong rừng sâu
Con đường dẫn vào làng Pngăn là một lối mòn xuyên qua cánh rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Các thầy cô giáo phải đi bộ, vượt qua những ghềnh đá cheo leo, hiểm trở. Cúi người bám vào những dốc đá cao, dựng thẳng đứng.
Thầy Phúc cho biết: “Đây là con đường duy nhất để vào được làng Pngăn. Mỗi tuần, chiều thứ 6 thì hàng chục em làng Pngăn lại trở về làng bằng con đường này và thứ 2 trở lại trường đi học. Nếu em nào không trở lại trường thì chúng tôi lại phải vượt rừng để vào vận động các em ra học”.
Giữa rừng có những cụm làng được gọi là nhà đầm. Sau mỗi tuần học, các học sinh thường vào đây ở để theo bố mẹ lên nương rẫy
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ, len lỏi qua những cánh rừng già thì chúng tôi cũng đến được với một cụm bản đầu tiên. Tuy nhiên, mọi người đã lên rừng kiếm cái ăn hoặc đi làm nương rẫy.
Các thầy cô phải đi tiếp thêm 3km đến cụm bản thứ 2 để hỏi về thông tin những em học sinh vắng học. Từ trong căn nhà đầm bước ra, em Phách (Học sinh lớp 7) và Kiech (Học sinh, lớp 8, cùng trú tại làng Pngăn) bước ra lễ phép chào thầy giáo với vẻ mặt ngại ngùng.
Tiếng thầy Phúc nhẹ hỏi: “ Sao Phách và Kiech không đến lớp, quên thầy cô giáo với bạn rồi ạ”. Lúc này, Kiech trình bày: “Cuối tuần em về nhà rồi theo bố mẹ vào rừng sâu để dặm cây lúa rẫy. Ngủ trong rừng 3 ngày mới trở lại nhà đầm nên không kịp đến lớp thầy ạ.”.
Vì sống ở rừng từ nhỏ nên các học sinh đồng bào Ba Na thường hay nhút nhát. Từ việc vận động đi học đến sách vở, quần áo đều đặt lên vai thầy cô giáo
Sau đó, Kiech và Phách đã được các thầy dẫn đi cùng để trở về trường. Hành trình cứ tiếp tục từ cụm bản này qua cụm bản khác. Băng qua những cánh rừng vào tận vùng lõi Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Đến 4h chiều, các thầy đã tìm được 4/6 trò của làng Pngăn vắng học và dẫn trở lại trường. Trên đường đi, thầy trò lại tranh thủ lấy ít măng rừng về cải thiện bữa ăn.
Trong lúc đi tìm học sinh, thầy cô giáo cũng luôn dành thời gian trò chuyện, gửi gắm bà con dân bản luôn nói học sinh ra trường chuyên cần
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải (Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Kbang) cho hay: “Ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị toàn huyện đã cùng chung tay trong việc vận động học sinh ra lớp. Tuy nhiên, học sinh đồng bào thường theo bố mẹ đi vào nhà đầm sinh sống.
Để đưa học sinh ra lớp đều đặn, các giáo viên luôn chủ đồng tiếp xúc gần gũi với bà con. Qua đó, tạo lòng tin thì bà con mới giao học trò cho nhà trường dạy cái chữ
Chính vì vậy, các thầy cô cũng thường xuyên vào làng cũ để vận động học sinh ra lớp. Từ khi lập trường bán trú, tình trạng học sinh bỏ học đã không còn, học sinh vắng học ngày càng ít dần. Phụ huynh cũng có ý thức trong việc đưa con đến trường học”.
Giáo viên vùng cao Nghệ An băng rừng gọi học trò đến lớp
Năm học mới đã bắt đầu, phần lớn giáo viên khắp toàn tỉnh đã yên tâm với trang giáo án hàng ngày. Nhưng ở những nơi xa xôi và gian khó vẫn còn những học trò vắng mặt trong lớp học, các thầy, cô vẫn phải trèo đèo, lội suối về bản, mong muốn đưa các em đến lớp để có một tương lai tươi sáng hơn.
Nếu không vận động, trẻ sẽ không đi học
Bước sang năm học mới, công việc thực sự bộn bề, có nhiều thứ để triển khai và sắp đặt, hướng tới sự vận hành suôn sẻ. Trong sự bộn bề ấy, với giáo viên vùng cao, nỗi vất vả nhất vẫn là về bản vận động học sinh đến lớp. Vì lẽ, do hoàn cảnh gia đình, có những phụ huynh không muốn hoặc không thể tạo điều kiện cho con em đến lớp.
Điển hình như trường hợp anh Vừ Bá Vừ ở xã Nhôn Mai (Tương Dương), nhà ở bản Huồi Măn nhưng cả gia đình làm rẫy và sinh sống chủ yếu vùng Con Toọc, cách cả ngày đường đi bộ. Cháu Vừ Bá Hai (5 tuổi, con trai của anh Vừ) theo bố mẹ ra rẫy ở, hàng ngày không thể về bản học mẫu giáo.
Giáo viên Trường Mầm non Nhôn Mai (Tương Dương) trên đường lên bản vận động học sinh đến lớp. Ảnh: Công Kiên
Hay tin, các cô giáo Trường Mầm non Nhôn Mai đã băng rừng, leo dốc nửa ngày đường để lên vùng Con Toọc vận động vợ chồng anh Vừ cho bé Hai đến học tại điểm trường bản Piêng Luống cách đó mấy cánh rừng. Bé Hai sẽ ở cùng cô giáo Lô Thị Hương - người phụ trách điểm trường Piêng Luống, cuối tuần bố mẹ sẽ đến đón về.
Mừng như "bắt được vàng", anh Vừ Bá Vừ bộc bạch: "May nhờ các cô giáo nhiệt tình nên thằng bé nhà tôi mới được đến lớp mầm non. Nếu không, nó phải theo bố mẹ đi làm rẫy hay quanh quẩn ở chòi, lán thôi".
Trước ngày khai giảng, giáo viên Trường Mầm non Nhôn Mai (Tương Dương) đến tận nhà vận động học sinh đến lớp.Ảnh: Công Kiên
Cũng ở xã Nhôn Mai, giống như trường hợp anh Vừ Bá Vừ, gia đình anh Xồng Ca Dênh ở bản Phá Mựt sang vùng Piêng Na làm rẫy và dựng nhà, sinh hoạt tại đây. Địa điểm này vốn là vùng canh tác của đồng bào Thái đã di dời về các khu tái định cư từ hơn 10 năm trước, cách trung tâm xã Nhôn Mai khoảng 7 - 8 km với cung đường đèo dốc quanh co. Không có điểm trường, anh Dênh quyết định cho cậu con trai 5 tuổi là Xồng Bá Chùa theo bố mẹ lên rẫy.
Qua công tác phổ cập, nắm bắt được tình hình, cô Vi Thị Hiền - Hiệu trưởng và các cô giáo Trường Mầm non Nhôn Mai đã lên tận Piêng Na để vận động. Gặp vợ chồng anh Dênh, cô Hiền thuyết phục để bé Chùa xuống học tại điểm trường chính ở bản Nhôn Mai, trước tiên bé sẽ ở tại trường. Các cô sẽ chăm sóc, dạy dỗ và lo cơm nước hàng ngày cho bé, bố mẹ có thể xuống thăm hay đón Chùa vào ngày cuối tuần.
Niềm vui của giáo viên Trường Mầm non Nhôn Mai (Tương Dương) khi vận động học được sinh đến lớp học.Ảnh: Công Kiên
Ban đầu, Xồng Ca Dênh không đồng ý, một phần vì bận rộn không có thời gian và phương tiện để xuống thăm con, phần khác vì ngại làm phiền tới các cô giáo. Nhưng rồi, sự nhiệt tình và tận tâm của những cô giáo đã thuyết phục được đôi vợ chồng người Mông, cho bé Xồng Bá Chùa theo xuống điểm trường chính.
Cô Vi Thị Hiền cho biết: "Một số đồng bào người Mông ở Nhôn Mai vẫn còn giữ tập quán du canh, du cư gây khó khăn cho con cái trong việc đến trường. Với lương tâm và trách nhiệm với con trẻ, chúng tôi đã cố gắng vận động phụ huynh cho con đến lớp, tạo điều kiện và giúp đỡ các bé có được niềm vui cùng bạn bè".
Không để học sinh nghỉ học để lấy chồng
Không phải theo bố mẹ du canh, du cư nhưng trước khi bước vào năm học, bé Và Y Nù (5 tuổi) bản Thằm Thẩm (xã Nhôn Mai) cũng có nguy cơ không được đến lớp. Vì lẽ, mấy năm nay, bản Thằm Thẩm không đủ số lượng học sinh nên không lập được điểm trường, các cháu mầm non phải xuống học tại bản Xói Voi, cách nhà gần 5 km.
Chuẩn bị cho năm học mới, các thầy, cô giáo huyện vùng cao Tương Dương thường phải về bản nắm tình hình và vận động học sinh đến lớp. Ảnh: Công Kiên
Gia đình anh Và Chư Thái (bố của Y Nù) thuộc diện cận nghèo, đời sống còn khó khăn, vất vả nên không muốn cho con gái xuống Xói Voi học mầm non. "Cái lý" của ông bố người Mông này là hàng ngày phải đi làm, không có thời gian đưa, đón con gái nhỏ đi học nên cho bé ở nhà hoặc theo bố mẹ đi rẫy.
Không muốn để Y Nù thiệt thòi so với bạn cùng trang lứa, cô Ngân Thị Chiến - giáo viên phụ trách điểm trường Xói Voi đã đến gặp bố mẹ của bé. Cô Chiến phân tích điều hơn lẽ thiệt, và hứa sẽ giúp đỡ bằng cách đưa, đón Y Nù đến lớp những khi bố mẹ bận rộn, cuối cùng vợ chồng Và Chư Thái cũng đồng ý cho con gái đến lớp.
Được biết, hằng năm vào đầu năm học mới, các ban, ngành của xã Nhôn Mai và các trường học thường phối hợp về các bản vận động để các gia đình tạo điều kiện cho con em đến trường.
Nếu xã Nhôn Mai là nơi sơn cùng thủy tận của huyện Tương Dương thì xã Keng Đu được xem là chốn "thâm sơn cùng cốc", địa bàn xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn. Đa số cư dân nơi đây là đồng bào dân tộc Khơ mú, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên nhiều gia đình không tạo điều kiện cho con em đến lớp. Thậm chí, có những phụ huynh đồng ý cho con nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ.
Về bản vận động học sinh, giáo viên luôn thể hiện sự ân cần, gần gũi và yêu thương. Ảnh: Công Kiên
Trước ngày khai giảng, các thầy cô Trường THCS Bán trú Keng Đu được phân công về các bản để thông báo cho học sinh đến tựu trường. Nhưng đáng buồn là vì những lý do khác nhau, nhiều em đã không trở lại lớp học. Trong đó, em Lương Thị Dung (bản Kẹo Cơn) và Xeo Thị Kho (bản Huồi Lê) đã cưới chồng và quyết định bỏ học. Còn nhiều em ở các bản xa như Huồi Xui, Huồi Cáng, Khe Linh, Hạt Tà Vén do bố mẹ đi làm ăn xa, nhà neo người nên phải ở nhà lo công việc.
Không chỉ ở các xã Nhôn Mai và Keng Đu, tình trạng học sinh nghỉ học còn diễn ra ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn như các xã Hữu Khuông, Yên Tĩnh, Tam Hợp, Lượng Minh (Tương Dương). Trong đó, riêng Trường THCS Bán trú Lượng Minh có gần 10 em nghỉ học, phần lớn là do bố mẹ đi làm xa, các em không có người chăm lo và tạo điều kiện đến lớp. Cùng với đó là địa bàn Tri Lễ (Quế Phong), Môn Sơn (Con Cuông) và Mường Típ, Mường Ải, Bảo Thắng, Bảo Nam (Kỳ Sơn)... ít nhiều đều có học sinh bỏ học.
Thầy Phan Văn Thiết - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: "Bước đầu, so với những năm trước, số lượng học sinh nghỉ học dịp đầu năm học mới đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, do địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn còn một số em chưa đến trường, hiện chúng tôi đang chỉ đạo các trường tiếp tục vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em đến lớp đầy đủ".
Năm học mới, đảm bảo đủ sách giáo khoa mới Chương trình giáo dục phổ thông mới đi kèm với đó là sách giáo khoa (SGK) mới. Làm sao đảm bảo để tất cả mọi học sinh lớp 1 năm nay đều có SGK mới để học là yêu cầu đặt ra với các địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý với học sinh ở vùng sâu vùng xa, học sinh (HS)...