Xoài Sơn La rụng trắng vườn chỉ 1.000 đồng/kg, cho không ai lấy
Hàng chục tấn xoài chất đống tại Yên Châu ( Sơn La) bị rụng sau trận mưa bão được người dân thu gom lại bán với giá chỉ 1.000 đồng/kg nhưng cũng không có người mua do xoài chưa đạt.
Chị Hoàng Thị Lan (trú tại Tú Nang, Yên Châu, Sơn La) cho biết vườn xoài hơn 2ha nhà chị bị rụng quá nửa, xoài chưa đạt già nên không có ai mua.
“Nhà tôi trồng giống xoài Đài Loan, hiện tại mỗi quả xoài nặng từ 0,5-0,7kg, chỉ còn hơn chục ngày nữa là cho thu hoạch mà ông trời không cho ăn. Cả năm xới cỏ, bỏ phân, vun gốc tỉa cành, giờ nhìn đống xoài rụng nhà tôi không biết làm sao. Hôm qua thấy có người lên mua xoài, nhưng họ chỉ chọn quả đẹp với giá 1.000 đồng/kg, người dân thi nhau chở xoài ra, đổ thành đống mà họ không mua hết. Nhà tôi còn khoảng 5 tấn không bán được, cho cũng không ai lấy”, chị Lan nói.
Xoài được chở từ các bản sâu ra ngoài đường lớn đổ thành đống chờ người mua với giá 1.000 đồng/kg
Theo chị Lan, mọi năm xoài được thu hoạch có người đến tận vườn thu mua với giá từ 15-18.000 đồng/kg. Cả năm chỉ mong đến mùa thu hoạch xoài để trang trải cuộc sống nhưng giờ thì gần như mất trắng.
Là thành viên thuộc Hợp tác xã Hương Xoài (Yên Châu), gia đình nhà ông Hoàng Văn Hồng (trú tại bản Lắc Kén, xã Tú Nang) cũng trồng hơn 2 ha xoài nhưng chưa kịp hưởng trái ngọt thì phải ôm về “trái đắng” do thiên tai.
Nhiều gia đình đối mặt với cảnh trắng tay vì xoài rụng gần hết.
Video đang HOT
“Nhà tôi trồng hơn 1.000 gốc cách đây 6-7 năm, giờ đến lúc cây cho trái, trái sắp cho thu hoạch mà rụng hết rồi, mất hết rồi. Trận mưa bão làm rụng mất khoảng 7 tấn xoài, mấy đứa con phụ tôi nhặt xếp thành đống, người dưới thành phố đánh xe lên mua 3 tấn với giá 1.000 đồng/kg, còn hơn 4 tấn giờ làm phân thôi chứ làm sao vì không có ai mua”, ông Hồng chia sẻ.
Theo ông Hồng, riêng tiền phân bón xoài mỗi năm hết khoảng 30 triệu, chưa kể tiền công làm cỏ, tỉa cành cả năm, giờ xoài rụng nhà ông bán được là vẫn còn may mắn.
“Những hộ trồng xoài sâu trong bản phải nhặt xoài cho vào bao, dùng xe máy chở hàng chục km ra đường lớn đổ thành đống mà không bán được, họ khổ lắm. Xoài thì còn non, ăn rôn rốt chua, lại bị rụng nên nếu để lâu sẽ bị thâm, làm gì có ai mua”, ông Hồng cho biết.
Thậm chí có những vườn xoài bị bốc gốc coi như mất cả vốn lẫn lời.
Yên Châu hiện có 2.775 ha xoài (trong đó 23 ha được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện vào thị trường Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc; 130 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP); diện tích cho sản phẩm 767 ha, sản lượng đạt hơn 9.200 tấn/năm, trong đó có 1.310 tấn thuộc chuỗi sản xuất quả an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường. Tại HTX Hương Xoài, bản Lắc Kén, xã Tú Nang cũng sản xuất gần 20 ha xoài, trong đó có 7 ha trồng xoài theo quy trình VietGAP.
Tại Sơn La, trận mưa đá kèm giông lốc vào ngày 12/4 đã gây thiệt hại cho hơn 350 ha cây ăn quả như xoài, mận, nhãn… đang vào vụ thu hoạch . Hơn 8 ha lúa, 10 ha cà phê bị thiệt hại. Hơn 44 nghìn m2 nhà lưới bị sập đổ hư hỏng. 300 con gia cầm các loại chết. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 13.707 triệu đồng.
Khánh An
Hàng trăm tấn mận phải đổ bỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân Sơn La "kêu cứu"
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết khiến hàng trăm tấn mận của bà con các xã của thành phố Sơn La phải đổ bỏ. Nhiều người trồng mận cho biết đang đối mặt với nhiều khó khăn khi mất đi nguồn thu nhập chính của gia đình.
Chị Tòng Thị Hoàn (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La) cho biết gia đình mình có 1,5 ha diện tích trồng xen canh giữa mận tam hoa và mận hậu ước tính sản lượng thu hoạch năm nay vào khoảng 10 tấn. Chị chia sẻ vườn mận của gia đình hàng năm thu được khoảng 70 triệu đồng.
Chị tươi cho biết những gốc mận tam hoa của gia đình chín đỏ nhưng không có người mua
Hiện giống mận tam hoa đang trong giai đoạn thu hoạch, nhưng năm nay do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên quả mận bé. Cùng với đó, vụ thu hoạch trùng với thời điểm thực hiện cách ly xã hội, phòng chống dịch Covid-19 khiến hoạt động vận tải, nhất là các tuyến xe khách đi các huyện, các tỉnh trong cả nước phải tạm dừng, việc tiêu thụ mận gặp rất nhiều khó khăn.
Năm nay gia đình chị chưa thu nổi được 2 triệu đồng do giá bán mận tam hoa chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Thương lái vào bản mua cũng rất ít, chỉ nhập 500kg đến 1 tấn mỗi chuyến hàng. Do đó, nhiều nhà mang mận đi chợ bán lại phải mang về đổ làm phân hoặc cho trâu bò ăn.
Không bán được hàng cho thương lái, vườn mận của nhà chị tiếp tục bị ảnh hưởng bởi trận mưa đá ngày 11/4 khi những gốc mận tam hoa bị rụng quả, gần như không còn khả năng thu hoạch. Sản lượng mận hậu thu hoạch dự kiến của gia đình cũng chỉ còn khoảng 2-3 tấn.
Trận mưa đá rạng sáng ngày 11/4 khiến vườn mận nhà chị bị thiệt hại nặng nề
Tương tự, chị Lò Thị Tươi (ở bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, TP Sơn La) cũng cho biết gia đình có 1 ha trồng xen lẫn mận hậu, mận tam hoa và cây cà phê. Thu nhập hàng năm của gia đình từ 3 loại cây trồng này vào khoảng 50 triệu đồng.
Nhưng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của sương muối khiến cây cà phê chết. Đến vụ thu hoạch mận tam hoa thì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có người mua.
Trận mưa đá rạng sáng ngày 11/4 không chỉ khiến cho những gốc mận tam hoa mà cả những gốc mận hậu quả vẫn còn xanh của gia đình cũng bị rụng gần hết. Chị Tươi thừa nhận gia đình mình năm nay đã hoàn toàn mất mùa và mất hết thu nhập từ các loại cây trồng.
Trao đổi với PV, ông Cà Văn Danh, Chủ tịch xã Chiềng Cọ, cho biết toàn xã có 786 ha trồng mận tam hoa và mận hậu. Trong đó, diện tích trồng mận tam hoa vào khoảng 300 ha với sản lượng khoảng 600 tấn.
Những quả mận hậu vẫn còn xanh nhưng cũng bị rụng bởi ảnh hưởng của mưa đá
Trận mưa đá rạng sáng ngày 11/4 vừa qua đã ảnh hưởng tới 234 ha mận của toàn xã, ước tính số mận bị rụng vào khoảng 355 tấn, gây thiệt hại cho bà con nông dân hàng tỷ đồng.
Ông Danh còn cho biết toàn xã còn khoảng 1.000 tấn mận (cả tam hoa và mận hậu) chưa tu hoạch. Tuy nhiên, hiện giá mận tam hoa xuống thấp chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg nên người trồng mận năm nay đối diện với khả năng lỗ nặng.
Chủ tịch xã Chiềng Cọ thừa nhận đang trong thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên lúc này việc "giải cứu" hàng nghìn tấn mận còn lại của bà con cũng không phải là dễ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân.
Ông Danh cho biết lãnh đạo và nhân dân trong xã mong muốn các cấp, các ngành cũng như Chính phủ quan tâm hỗ trợ đời sống cho bà con khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn.
Trung Kiên
Mận chín đỏ cây không có người mua, nông dân lo đói Mận được mùa, chín đỏ cây nhưng hàng trăm hộ nông dân ở thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) lại lo đói bởi không có người mua, có bán thì giá rẻ như cho. Lý do là vì khi thực hiện cách ly toàn xã hội, phòng chống dịch Covid-19, hoạt động vận tải, nhất là các tuyến xe khách đi các...